Bất Hủ Đế Hoàng

Chương 178: Kỵ Binh

Chương 178: Kỵ Binh

=== oOo ===


Phong thưởng, tuyên truyền, tạo thế, trưng binh…

Các động tác liên tiếp này khiến cho người có tâm phải chú ý tới.

Mỗi một quan viên trong triều đình Thương Quốc đều đã nhận ra hương vị chiến tranh. Bởi vì khi gấp rút tiếp viện Thân Quốc hay bắc phạt Trịnh Quốc, trước khi chiến đấu đều sẽ như vậy.

Chỉ có điều, so với hai lần trước thì lần này nhẹ nhàng hơn mà thôi. Dù là trù bị quân đội hay chiến lược vật tư, đều là chuyện cực kỳ bí ẩn.

Muốn khai chiến với Đại Thịnh Quốc sao?

Trong lòng đám quan viên đều có nghi vấn như vậy. Nếu muốn khai chiến, đối thủ của Thương Quốc chỉ có thể là Đại Thịnh Quốc.

Hiện tại Thương Quốc có tám vạn binh lính, nếu lại trưng binh sẽ đột phá mười vạn. Với một quốc gia chỉ có hơn ba mươi vạn người, trong thái bình mà nuôi nhiều quân đội như vậy là chuyện cực kỳ khác thường.

Cho nên, khả năng duy nhất là sắp khai chiến.

Suy đoán này khiến cho thương nhân các nước đều nôn nóng bất an. Vì từ xưa tới nay, trong chiến loạn sẽ chẳng có tình người hay quy củ gì hết. Đặc biệt là với các phú thương như bọn họ, sẽ không có bất kỳ bảo vệ gì trong chiến tranh, sau khi bị quân đội cướp sạch sẽ bị lấy cớ là chết trong chiến loạn để lấp liếm cho qua.

Thế là có một vài thương nhân bắt đầu bỏ cuộc nửa chừng, mặc dù lợi ích lớn thật đấy, nhưng không quan trọng bằng cái mạng nhỏ.

Khi bên ngoài còn đang ngờ vực vô căn cứ, triều đình Thương Quốc đã phát công văn giải thích rằng chỉ muốn xây dựng một đội quân hoàn toàn mới với mục đích phòng ngự. Thương Quốc phải có quân đội thật mạnh mới có thể đảm bảo trong nước ổn định, cung cấp một môi trường an toàn cho thương nhân các nước.

Một lý do không thể bắt bẻ.

Cứ như vậy, âm thanh dị nghị trong Hoàng thành cũng vãn dần.

Chí ít, nhìn hoàn cảnh trước mắt, Thương Quốc và Đại Thịnh Quốc không có lý do để khai chiến, thực lực hai bên cũng có chênh lệch rất lớn.

Lại nói, với binh lực hiện tại của Thương Quốc, so với các nước chư hầu khác cũng chỉ là tồn tại hạng bét mà thôi. Cứ so sánh với quốc gia hạng trung như Đại Thịnh Quốc, binh lực công khai đã lên tới hơn năm mươi vạn.

Quan trọng hơn là, trước mắt các quốc gia đều phổ biến thực hiện chế độ dự binh, không khác mấy với quân dự bị ở hậu thế. Quân sĩ xuất ngũ và quân đội được quan phủ huấn luyện kỹ đều được đăng ký trong danh sách, một khi chiến sự bước vào giai đoạn giằng co sẽ chiêu mộ ngay, nhanh chóng kéo ra được một đội quân mới.

Nghe ra thì không khác mấy với chế độ nông dân binh, nhưng về tố chất và quy tắc của quân sĩ thì chênh lệch vạn dặm.

Có thể nói, chế độ dự binh chính là nông dân binh phiên bản nâng cấp. Một khi xây dựng được, thực lực đội quân mới này không kém quân chính quy tại ngũ bao nhiêu.

Cho nên, nếu so ra thì thực lực của Thương Quốc không mạnh, không thể gây ra chiến tranh.

Từ đó, ảnh hưởng của việc trưng binh lập tức yếu đi rất nhiều.

Khi Hoàng thành Thương Quốc đang xôn xao, bốn đại quân đoàn bắt đầu cải tạo một cách oanh oanh liệt liệt.

Đầu tiên, là mở rộng.

Biên chế của bốn đại quân đoàn tăng từ năm ngàn người lên tới hai vạn người, sắp xếp luôn cả nghĩa quân Trịnh Quốc quy thuận và binh lính mới chiêu mộ vào.

Tiếp theo là chỉnh biên quân chủng.

Mọi người đều biết, trong trận bắc phạt đã xuất hiện hai loại khí giới chiến tranh khiến kẻ địch nghe tên mà sợ mất mật, đó là xe bắn đá và liên nỏ. Sau khi kiến thức được uy lực hai loại khí giới này, sau một hồi bàn bạc, Tướng quân các đại quân đoàn đều đề nghị trong bốn đại quân đoàn sẽ tách ra một đội chiến giới, chuyên điều khiển liên nỏ và xe bắn đá.

Đề nghị này được Dương Mộc ủng hộ, vì thế hắn hạ lệnh cho Công Bộ gấp rút chế tạo hai loại quân giới này rồi đưa tới bốn quân đoàn, tách ra một đội ba ngàn người, lấy tên là đội chiến giới.

Cuối cùng là chuyện tăng đội quân mới.

Đây là một đội quân hoàn toàn mới, do tinh nhuệ từ trong bốn đại quân đoàn làm cốt cán, chọn thêm binh lính dũng mãnh trong số các tân binh để hợp thành, phải qua được khảo hạch nhiều mặt mới có tư cách gia nhập.

Điều kiện đầu tiên là tuổi dưới bốn mươi, chiều cao từ bảy thước năm tấc trở lên, thể phách cường tráng hơn người, nhanh nhẹn linh hoạt, tiến thối nhịp nhàng, có can đảm dám trèo núi, ngăn nguy hiểm, vượt đầm lớn, loạn đại chúng.

Khác với bốn đại quân đoàn là quy mô đội quân này không quá lớn, tính toán kỹ ra chỉ có một vạn người.

Nhưng chi phí xây dựng tương đương với tổng chi phí cho cả bốn quân đoàn!

Quân đoàn này tên là Kỳ Lân Quân!

Đây không phải một quân đội bộ binh bình thường.

Mà là một quân chủng hoàn toàn mới - Kỵ binh!

Mới đầu, các tướng lĩnh vẫn còn nghi ngờ. Trên chiến trường các nước, tác dụng lớn nhất của ngựa chỉ là phương tiện đi lại, khi hai quân giao chiến chẳng phát huy được mấy tác dụng.

Cũng khó trách, dù là Trung Quốc cổ đại, trước khi Triệu Vũ Linh Vương mặc hồ phục cưỡi ngựa bắn cung thì trên đất Hoa Hạ chưa từng có quân chủng kỵ binh. Đến khi Triệu Quốc dựa vào kỵ binh quật khởi mạnh mẽ, bắc phá Lâm Hồ, Lâu Phiền, xây trường thành, diệt Trung Sơn Quốc vẫn luôn ức hiếp mình. Khi kỵ binh Triệu Quốc lấy được thành công to lớn, các nước mới bắt đầu coi trọng rồi xem đó mà phỏng theo.

Vào thời chiến quốc, kỵ binh là lực lượng phụ cánh cho bộ binh, phối hợp với xe, bộ binh xâm nhập tiến nhanh, chặn đường lương thực của địch, truy kích bại binh, hoặc tập kích hai cánh của kẻ địch, hoặc yểm trợ trước và sau khi tập địch, trở thành lực lượng quân sự linh hoạt nhất lúc bấy giờ.

Cho nên thời Nam Bắc triều Ngụy Tấn, rất đông dân du mục phương bắc gia nhập Trung Nguyên, kỵ binh càng đạt tới đỉnh cao hơn, các bên giao chiến đều dùng đến kỵ binh với quy mô lớn. Kỵ binh đã trở thành binh chủng quan trọng nhất trên chiến trường, cũng đã phát triển tới thời đại trọng kỵ binh.

Vì không ngừng ma xát với dân du mục phương bắc, thời kỳ kỵ binh kéo dài rất lâu. Cũng trong thời kỳ này, một thứ vô cùng quan trọng được phát minh ra - Bàn đạp!

Có thể nói, bàn đạp chính là phát minh vượt thời đại, có thúc đẩy rất lớn đến văn minh của nhân loại.

Bàn đạp xuất hiện khiến cho kỵ binh chiến đấu cận chiến càng dễ dàng hơn. Nó làm kỵ binh có chỗ mượn lực, có lợi cho kỵ binh hành quân đường dài, có thể phát huy tính cơ động của kỵ binh, lại có ưu điểm tăng thêm lực tấn công.

Thế là phương tây xuất hiện kỵ sĩ, phương đông xuất hiện quân chủng kỵ binh, trọng kỵ binh.

Sau thời Tùy Đường, kỵ binh lại càng cường đại, trở thành một trong các tiêu chuẩn quan trọng để cân nhắc thực lực một quốc gia.

Ví như Đại Tống, vì mất đi nơi nuôi ngựa là Tây Bắc, cho nên dù có mua ngựa, đổi ngựa, thiết trí giám mục ở vùng biên cương, hay biến pháp của Vương An Thạch cũng không thể thỏa mãn được nhu cầu. Cho nên, Đại Tống không có được một đội kỵ binh cường đại, vẫn luôn bị dân tộc du mục phương bắc đè đầu bắt nạt.

Sau đó đến Mông Cổ, lại đến Mãn Thanh nhập quan, kỵ binh của họ là một nguyên nhân vô cùng quan trọng. Trên chiến trường chính diện, quân đội của người Hán không quen chiến đấu trên lưng ngựa nên chỉ có thể dựa vào binh lực và nhân số để miễn cưỡng chống lại.

Câu vè “Nữ Chân không hơn vạn, hơn vạn không thể địch” không phải lời nói suông. Quân đội tộc Mãn chính là kỵ binh.

Đương nhiên, Dương Mộc không thể nói hết đạo lý này với các tướng lĩnh.

Nhưng sự thật có thể chứng minh!

Thế là, một trận tỷ thí quái dị xuất hiện.


Bạn cần đăng nhập để bình luận