Kết Hôn Âm Dương

Chương 1: Ước Hôn Với Quỷ

Trong khu rừng rậm rạp hoang vu, xác chết mười mấy người nằm la liệt dưới đất, trên ngực người nào người nấy đều thủng một lỗ trước ngực, máu tanh bắn lên tung tóe còn đọng lại trên những tán cỏ dại.
Bên cạnh mấy cái xác đó có ba người đang dập gối quỳ lạy, hai người ở trên hình như là hai vợ chồng khoảng hai lăm hai sáu tuổi, sắc mặt bọn họ bây giờ đang tỏ ra sợ hãi, họ khoác trên người đều là lụa thượng hạng, tuy do vết bùn đất dính vào cùng thêm vệt máu làm nó bẩn đi, nhưng nhìn thế nào cũng có thể đoán được là một gia đình quan lại, hoặc thương gia nào đó. Phía sau là một người phụ nữ trung niên, ăn mặc có chút giản dị trông như là người hầu theo cạnh.
Trước mặt họ bây giờ là một ông lão, nhìn trông qua không có chút hiền lương gì. Làn da ông ta hơi ngăm đen, những vết nhăn cùng vết chân chim che kín cả khuôn mặt, đôi mắt đã cụp xuống thi thoảng lại chớp chớp vài cái, đồng tử người bình thường có màu đen nhưng ông ta lại là một màu đỏ máu, bờ môi thì khô sáp một mảng.
Ông ta đang cầm một quả tim người trên tay trái, còn tay phải đang bế một đứa bé trai đang khóc oa oa khát sữa, chợt ông lão đưa tay trái lên, bóp nhẹ liên tục vài cái khiến cho mấy giọt máu trên đó không ngừng chảy tí tách xuống, rơi ngay giữa miệng đứa trẻ, giống như là lão đang cho nó ăn máu thay sữa vậy. Nhìn qua cảnh này thật sự khiến cho người ta muốn rét lạnh hết cả tâm can.
Hai vợ chồng kia cũng trông thấy, nhưng họ không dám ý kiến gì mà chỉ đang dập đầu quỳ lạy dưới chân ông ta. Người chồng nhìn vợ rồi hơi ngước mắt lên, cả người đã run lên bần bật vì sợ hãi.
"Con đội ơn ngài. Ngài giúp chúng con giết lũ thổ phỉ kia, chúng con không biết lấy gì để báo đáp đây ạ."
Tuy nói vậy nhưng trong lòng người chồng lại bất an không thôi, bọn họ vốn từ đàng trong ra đàng ngoài làm ăn, không ngờ đi qua đây thì bị lũ thổ phỉ chặn cướp, mấy gia nhân đi theo cũng bị chém chết chỉ còn lại có ba người bọn họ. Nhưng may sao đến lúc cứ ngỡ tất cả sẽ chết thì có ông lão này đi ngang qua, một tay bế đứa bé mà có thể giết chết đám cướp kia một cách nhanh gọn. Mỗi người chỉ bị ông ta đánh một đòn, trực tiếp móc tim ra rồi lăn đùng ra chết. Bởi vậy bây giờ họ rất là sợ hãi.
Ông ta không vội đáp lời của người chồng, mà sau khi cho đứa trẻ kia ăn no thì lại tiện tay bỏ quả tim kia vào trong miệng, cắn một miếng thật lớn nhai rột roạt khuôn mặt giãn ra như có vẻ đang rất hưởng thụ.
Hai vợ chồng cùng người hầu giật mình run rẩy, đang toan chạy đi thì lão ta bỗng cất lời ồm ồm.
"Chạy là chết đó."
Nghe lão nói vậy làm chút hi vọng sống sót cuối cùng của nhà họ như đốm lửa lóe lên rồi chợt tắt. Người vợ khóc lóc van xin.
"Thần tiên, người ta mạng cho bọn con. Người muốn gì bọn con đều có thể đáp ứng ạ."
Người chồng cũng gật đầu nhanh chóng đáp.
"Dạ. Bọn con đem hết của cải tiền bạc cho người, chỉ cần người ta mạng cho bọn con."
Chợt, ông già kia bỗng cười khành khạch vài tiếng rất đáng sợ.
"Không ngờ lại có người gọi ta là thần tiên, rất là thú vị đó. Được, vì câu nói của vợ ngươi nên là ta tha cho cả nhà ngươi một mạng. Nhưng tiền tài ta không cần, ngược lại có thể cho thêm các người rất nhiều của cải. Nhưng mà ta có một điều kiện."
Người chồng vui mừng.
"Điều kiện gì cũng được ạ, chỉ cần thần tiên tha mạng cho chúng con."
Lão gật gù rồi nhìn thẳng vào bé trai trong tay mình, ngón tay bấm lại vào nhau tính toán gì đó, sau đấy lão cười quái dị nói. .
"Ta muốn đứa con trong bụng vợ nhà ngươi. Nếu con trai thì ta sẽ nhận nuôi nó, còn nếu con gái thì phải gả cho đứa bé này."
Hai vợ chồng nhìn nhau, sắc mặt có chút hoài nghi.
"Nhưng..."
Ông chồng vừa ngẩng đầu lên thì ông lão kia cùng đứa bé đã biến mất, chỉ có âm thanh già nua còn vang vọng lại khắp đại ngàn.
"Khế ước đã định. Con của các người sẽ sinh vào ngày rằm tháng bảy, 18 năm sau vào ngày đó sẽ có người đến đón. Nếu các người trái hẹn thì ta sẽ giết sạch tất cả máu mủ dòng họ của các người."
-
Mười tám năm sau.
Tại thôn Yên Nội, huyện Phú Xương, phủ Hoài Đức thuộc ngoại ô thành Thăng Long.
Thôn này nổi tiếng khắp vùng vì nghề thủ công nuôi tằm dệt lụa, là một thôn giàu có khắp vùng, thương lái khắp nơi đều đổ về đây nhập mối, buôn bán sầm uất. Nhưng đây không phải là lí do chính mà cái thôn nhỏ này lại hấp dẫn nhiều lái buôn đổ về như vậy, phần lớn là do trong thôn có một thiếu nữ rất đẹp, danh tiếng của nàng đã vang xa khắp tận chốn kinh thành, mọi nam nhân lái buôn khắp nơi khi nghe tiếng đều muốn ghé qua thôn để nguyện một lần trông thấy dung nhan của nàng, để thỏa cái trí tò mò mà người ta hay đồn đại, cũng vì thế thôn vốn đã sầm uất nay lại càng nhộn nhịp hơn.
Nhưng mà bọn họ cũng chỉ là muốn ngắm nhìn nàng chứ không hề có dã tâm nào khác, bởi bọn họ sợ cha nàng. Nàng tên là Bích Nguyệt, con gái đầu của quan tri phủ Trần Đồ, người có quyền thế nhất, giàu có nhất trong cả cái phủ này.
Dinh thự nhà ông Đồ đặt ở thôn Yên Nội, là nơi mà tổ tiên nhà ông từng ở. Ông vốn sinh ra ở Hà Tiên thuộc đàng trong, mấy đời nhà ông theo chân chúa Nguyễn khai khẩn đất hoang, đến khi đời ông do thương nhân người Hoa đổ về cạnh tranh buôn bán, ông thấy không làm ăn được nên bán cả cơ ngơi phía trong đem về đất tổ sinh sống. Ở đây ông dạy cho dân làng nghề may dệt, mình lại có học chữ văn vở từ nhỏ nên tham gia thi cử. Mấy năm đậu lên tới tận kì thi Hương, sau đấy ông ra làm quan, đến tuổi này thì lên được chức Tri Phủ.
Ở trong phủ đệ rộng lớn, hôm nay ông Đồ ngồi trên chiếc ghế đá bên ao cá nhỏ, mắt nhìn mấy con cá cảnh bơi lội không chớp, trong lòng ông đầy nỗi lo âu khó tả. Từ phía ngoài vườn hoa, vợ ông là bà Huyền Trân đi đến, trên tay bê một ấm trà đặc vẫn còn nóng, thấy chồng ưu tư bà cũng đoán ra ngay được nỗi niềm. Bà đặt ấm trà xuống, nhẹ nhàng rót cho ông một chén rồi ngồi xuống bên cạnh chồng cùng nhìn đàn cá nhỏ, sau đấy chẳng hiểu sao trên mắt bà, một hàng nước mắt chảy xuống, bà nghẹn giọng mở lời.
"Đã mười tám năm rồi. Cái Nguyệt nó vẫn còn nhỏ..."
Ông Đồ cũng trầm tư thở dài.
"Tôi biết chứ. Chúng ta sinh nó ra nuôi nó đến ngần này tuổi. Haiz. Giờ chỉ còn mấy ngày nữa là nó tròn mười tám, cái tuổi đẹp nhất của nó, nhưng..."
Bà chợt nắm lấy tay chồng.
"Ông phải nghĩ cách gì đi chứ. Sao để nó đi như vậy được, tôi không nỡ..."
Mặt ông chợt nhăn lại, trầm lặng đáp.
"Bà tưởng tôi nỡ sao. Nhưng mà chúng ta còn cách nào hay sao. haiz. Tôi cũng thương nó như bà vậy, dù sao nó cũng là máu mủ của tôi. Nhưng chúng ta đã có ước hẹn..."
Bà lắc đầu.
"Hay là kiếm người khác đi thay cho nó."
Ông Đồ nghe vậy liền đứng dậy, nghiêm túc đáp.
"Bà đang đem tính mạng cả cái nhà này ra thế chấp đấy. Tôi nói bà nghe, ông ta không phải là người..."
"Nhưng cũng đã mười tám năm rồi. Liệu người ta có nhớ tới chuyện năm xưa không."
Bà đưa tay lau nước mắt nức nở nói thì ông Đồ lại quay đầu đi chỗ khác thở dài.
"Trai lớn dựng vợ, gái lớn gả chồng. Dù sao chúng ta cũng phải gả nó đi, không phải tự dưng tôi lại nổi nóng với bà, nhưng... bà xem đi."
Nói rồi ông bất lực lấy ra một mảnh vải đỏ trong ngực áo rồi đưa cho vợ. Bà cầm lấy mở ra xem thì trên đấy có ghi mấy chữ mực đen đọc khẽ.
"Khế ước đã định. Ngày 15 tháng 7 sẽ có người đến rước dâu."
Lắc đầu một cái ông lên tiếng.
"Nay đã là ngày mười ba rồi... Chỉ còn có hai ngày..."
Ông nói đến đây thì ngừng lại mắt nhìn về phía vườn hoa, nơi đó đứa con gái của ông cùng em trai đang vui đùa chạy đến, thấy thế bà liền vội lau đi nước mắt, cất đi mảnh vải kia vào người. Ông Đồ cũng vứt đi vẻ buồn bã.
Trước mặt ông đồ là một cô gái vận xiêm y màu xanh, không sang trọng không quý phái, nhưng vẫn toát nên vẻ cao quý kiêu sa đến lạ lùng. Ba vạn sợi tóc đen được buộc ngang bởi một sợi tơ màu tím, tùy ý buông dài ôm lấy bờ vai rơi xuống vòng eo lả lướt đến hút hồn. Một cơn gió nhẹ thổi qua làm cho sợi tóc mai trước trán lay động, xuất trần thoát tục, như tiên từ giáng trần cho phàm nhân chứng kiến, cho phàm nhân mộng ảo mà mê say. Rồi ánh mắt phàm nhân lại đưa lên cao, ngắm nhìn khuôn mặt hoàn mĩ không tì vết như ngọc của thiếu nữ áo xanh. Da trắng thịt trong, tinh khiết vô ngần, mịn màng như lụa. Một nét ửng hồng thoáng qua cũng sẽ làm cho bao kẻ ngất ngây, nụ cười của nàng như gió mùa xuân ấm áp mà dịu êm. Một người con gái như vậy có lẽ do thiên địa linh khí trời đất tụ lại mà sinh ra.
Người con gái này tên là Bích Nguyệt, là thiếu nữ mà nam nhân khắp nơi đều muốn gặp một lần.
Càng thấy con gái mình càng lớn càng xinh đẹp khiến cho ông Đồ trong lòng càng buồn bã, nhưng bề ngoài ông lại mỉm cười, nhấp lấy chén trà vợ rót, nhẹ nhàng nói.
"Bích Nguyệt, sao lại dẫn em tới đây. Không chỉ nó đọc sách hay sao. ."
Bích Nguyệt xoa đầu đứa em mới mười tuổi, môi mềm khẽ cười.
"Dạ thưa cha. Nó cứ đòi đi theo con dẫn ra ngoài chơi."
Đứa em của cô tên Trần Thừa, nó liền chạy khỏi chị lại ôm lấy hai chân cha rồi ngẩng đầu.
"Cha. Con đọc xong cuốn Tứ Thư Bình Giải rồi. Cha cho con đi chơi với chị nha."
Ông Đồ nhìn hai đứa con của mình, rồi ông quay đầu nhìn vợ, thấy bà im lặng không nói, ông lắc đầu bảo.
"Trần Thừa, con đi ra ngoài bảo bà vú đưa đi chơi. Hôm nay cha có chuyện muốn nói với chị con."
Đứa bé tỏ vẻ khó chịu, nhưng cũng không dám cãi cha mình liền chạy đi ra. Bích Nguyệt nhìn bóng lưng cậu em trai đã đi khuất rồi mới hỏi.
"Cha có chuyện gì sao."
Ông Đồ bỗng trở nên buồn bã, hai tay nắm chặt, cuối cùng mới nói.
"Con gái à. Con lớn lên xinh đẹp khác người. Bao nhiêu mối tốt đến hỏi cưới nhưng cha không có gả đi. Bởi vì ngày xưa lúc con chưa sinh cha đã có ước hẹn với người ta... Nay..."
Cô nghe đến đây thì sắc mặt khẽ đổi, cô bỗng ôm lấy hai tay mẹ mình, miệng nghẹn ngào thốt lên.
"Con gái ở với cha mẹ đến già. Con không có lấy chồng đâu... cha đừng gả con đi. Mẹ, mẹ khuyên cha được không... con còn chưa báo hiếu cho hai người cơ mà."
Bà thấy con gái van xin thì lòng quặn thắt từng hồi, nhưng lúc này ông Đồ lại cất giọng lạnh lùng.
"Chuyện này liên quan đến cả nhà chúng ta. Không thể từ chối là từ chối được. Ý cha đã quyết, con không cần nhiều lời. Mau về phòng chuẩn bị đi, bây giờ không được ra khỏi phủ nửa bước, ngày kia họ sẽ đến đưa dâu. Nếu trái lời thì xem như là con không có người cha này đi."
Nói xong ông liền phất áo bỏ đi, để mặc Bích Nguyệt ở lại cùng vợ. Bà đưa bàn tay vuốt lấy nước mắt trên khuôn mặt xinh đẹp của cô, nghẹn ngào cất lời.
"Bích Nguyệt, cha mẹ sinh con ra, nay lại gả con đi cha mẹ đau chứ. Nhưng cha mẹ có nỗi niềm khó nói, đừng trách cha con, ông ấy không có sự lựa chọn."
"Mẹ..."
Bích Nguyệt khóc nấc lên, đối với cô chuyện này xảy ra quá đột ngột, tại sao hôn sự này từ nhỏ tới lớn cha mẹ đều không có nhắc đến mà hôm nay lại thông báo với cô. Hơn nữa cô chỉ được ở nhà có hai ngày nữa, chuyện này tạm thời cô không thể nào chấp nhận được. Nhưng cha cô đã nói, nếu cô trái lời thì ông ấy sẽ dứt tình cha con, Nguyệt lại không hề muốn như vậy, bản thân cô cũng biết sẽ có ngày bị gả đi, nhưng cô muốn tìm một người mình yêu thương chứ không phải là một hôn nhân sắp đặt.
-
Ngày 15 tháng 7 âm lịch.
Người ra kẻ vào tấp nập, nghe tin cô lớn trong nhà lấy chồng ai ai cũng ngạc nhiên, trong vòng hai ngày bọn họ phải chăm chút từng li từng tí theo lệnh của ông Đồ. Ngay cả đám lái buôn đến đây chỉ để gặp mặt Bích Nguyệt khi nghe hung tin ập đến khiến họ nổi lòng ghen tị. Không ít trong số đó còn bàn nhau cướp dâu, hay đột nhập vào nhà bắt cóc, vv... tất nhiên là ông Đồ đoán được sự tình, gấp rút điều binh lính ở mấy làng xung quanh hai ngày nay luân phiên túc trực, ấy vậy mà đám trai này vẫn cứ liều mạng đột nhập, không ít kẻ bị bắt tống giam, số còn lại may mắn thoát được thì nghĩ phương án khác.
Tại trong phòng ngủ, Bích Nguyệt ngồi trước gương, bà Vú từng theo cha cô ngày ấy ở phía sau, cẩn thận búi từng lọn tóc, bà cẩn thận trang điểm cho cô. Thấy cô nước mắt chảy dài bà khẽ đưa tấm lụa trắng mà chấm nhẹ, bà vú thở dài nói.
"Cô Nguyệt. Cô đừng buồn nữa, cẩn thận trôi mất phấn hồng."
Nguyệt thút thít hỏi.
"Vú biết tôi phải gả đi đâu không. Vú theo cha tôi đã lâu ít ra phải biết chứ."
Bà Vú cố mỉm cười trấn an cô.
"Vú không biết. Nhưng vú ở với cô từ nhỏ, lần này cô đi thì vú cũng xin ông chủ theo cùng dễ bề chăm sóc cô."
Cô gật đầu không nói gì nữa, hai người cứ vậy mà đợi đoàn người đến đón, nhưng mà bọn họ đợi cả ngày nhưng vẫn không thấy gì. Ông Đồ cùng vợ đi đi lại lại trong phòng khách, thời gian càng trôi mau thì họ càng mừng, bởi lẽ nếu qua hôm nay mà không ai đến đón dâu thì lời ước hẹn kia cũng coi như tự động được xóa bỏ.
Nhưng sự việc đâu có dễ dàng như vậy.
Khi mặt trời đã xuống núi, bóng đêm như thường lệ bao trùm lấy cả thôn nhỏ, không biết từ đâu, ngay phía đầu làng một đoàn kiệu hoa bỗng xuất hiện, kèn trống cũng vang lên, trông qua nghe như nhạc vui đám cưới nhưng nó lại khiến cho tâm can người ta trở nên lạnh lẽo khó tả.
Phía trước đoàn kiệu là một người thanh niên mặc áo trắng, cưỡi trên một con ngựa trắng như tuyết, trên mặt người này che bằng một tấm mặt nạ màu trắng tinh bằng phẳng không hề có bất kì hoa văn nào. Phía sau anh ta là sáu người trống kèn, tám người khiêng kiệu, mười sáu người cầm hoa giấy, đèn lồng đỏ, tất cả đều như nhau đeo một tấm mặt nạ màu đỏ, chỉ khác với người thanh niên cưỡi ngựa là mặt nạ của họ lại có hình...
Mặt Quỷ. .
Đoàn người ngựa chậm rãi dừng trước cửa phủ của ông Đồ. Một người mang mặt nạ bước lên, miệng cất lời lạnh lẽo như tiếng quỷ kêu. .
"Tân lang đến rước dâu."
Bạn cần đăng nhập để bình luận