Tào Tặc

Chương 567: Đại hiền sỹ Nam Dương

Việc Tào Bằng liên kết Xã Đảng ở Trung Dương, không phải loại “Đảng” bị cấm.
Trên thực tế đây chỉ là một quần thể mang tính khu vực do nhà họ Tào đứng đầu. Tào Tháo cũng có Xã Đảng! Sau khi Tào Tháo nổi dậy, Tiếu huyện giành cho y sự ủng hộ hết sức to lớn. Trong tập đoàn Tào Ngụy, có rất nhiều nhân sỹ đến từ Đàm huyện, đảm nhiệm những chức vụ trọng yếu. Tào Bằng cũng vậy, hắn cần phải tập trung được một lực lượng sức mạnh to lớn ở Nam Dương, một lực lượng có thể giúp cho hắn đứng vững, và đối kháng được với Lưu Bị.
Ba ngày tiệc rượu, nháy mắt trôi qua.
Tào Bằng tuy phải bỏ ra một khoản tiền lớn, nhưng cũng thu hoạch không ít.
Hoàng Nguyệt Anh và Hạ Hầu Chân quyết định tạm ở lại trấn Trung Dương, giám sát việc xây sửa nhà tổ.
Nếu Tào Bằng đã muốn kết Xã Đảng, thì việc xây sửa nhà tổ sẽ không còn là một việc đơn giản nữa. Theo như ý của Tào Bằng là muốn phục dựng lại từ cũ, nhưng Hoàng Nguyệt Anh và Hạ Hầu Chân đều không đồng ý. Nếu Tào Bằng đã trở thành nhân vật đại diện cho trấn Trung Dương, thì nhà tổ của Tào gia, còn có cả nhà cửa của Vương gia nữa, đều phải nhất định xây dựng rầm rộ. Khiến nó trở thành công trình kiến trúc tiêu biểu nhất ở trấn Trung Dương.
Tính toán như vậy, thì lượng công trình quả không nhỏ.
Việc phải làm trước tiên là mua đất, rồi thiết kế nhà, rồi mới động thổ khởi công.
Mua đất?
Việc này không khó…
Đường đường là Thái thú quận Nam Dương, muốn xây nhà ở quê hương mình, đó chẳng phải là việc quá đỗi đơn giản sao? Còn về phần thiết kế nhà, sẽ do Hoàng Nguyệt Anh phụ trách.
Đồng thời, Hoàng Nguyệt Anh cũng rất thích môi trường sống ở trấn Trung Dương.
Nơi này dựa núi nhìn sông, cảnh sắc tú lệ, thiên về u tĩnh và tao nhã.
Hoàng Nguyệt Anh dự định ở lại trấn Trung Dương, bắt tay vào nghiên cứu một việc cực kỳ quan trọng.
Đối với việc này, Tào Bằng cũng chẳng còn cách nào khác. Hoàng Nguyệt Anh là một người phụ nữ rất có chủ kiến, một khi nàng ấy đã hạ quyết tâm rồi, thì rất khó có ai có thể thay đổi được.
Hạ Hầu Chân thì muốn ở lại trấn Trung Dương bầu bạn với Hoàng Nguyệt Anh, đồng thời giám sát việc xây sửa nhà cửa.
Như vậy, đến lúc Tào Bằng khởi hành rời khỏi trấn Trung Dương vào ngày mùng một tháng giêng, thì số người đi theo đã giảm bớt hơn một nửa.
Thái Địch được giao ở lại trấn Trung Dương.
Còn có hơn một trăm tôi tớ, cũng để lại ở trấn Trung Dương.
Ngoài ra, còn có hai trăm Bạch Đà binh, tạm thời đồn trú ở trấn Trung Dương, phụ trách bảo vệ cho Hoàng Nguyệt Anh và Hạ Hầu Chân. Tuy nhiên, lúc rời khỏi trấn Trung Dương, Tào Bằng cũng dẫn theo mấy mươi thanh niên trai tráng người Trung Dương. Trong số đó, Trần Thức làm Nha tướng, cùng Tào Bằng đi đến Vũ Âm.
Trần Thức hàng năm đều săn bắn ở núi Trung Dương, thân thủ thoăn thoắt, sức vóc hơn người.
Đồng thời, y cũng rất quen thuộc với tình hình ở huyện Vũ Âm, có thể giúp đỡ cho Tào Bằng rất nhiều.
Sau khi lưu luyến không dời từ biệt với bọn Hoàng Nguyệt Anh hai người, Tào Bằng soái lĩnh xa mã, nhắm thẳng hướng huyện Vũ Âm mà đi. Chạng vạng tối ngày hôm đó, xa mã đến ngoài huyện thành Vũ Âm.
Gia Hủ không ra mặt nghênh đón.
Tuy nhiên có huyện lệnh huyện Vũ Âm là Lã Thường, dẫn theo các quan viên lớn nhỏ cũng các hương thân địa phương, ra tận Tiếp Quan Đình cách Vũ Âm mười dặm nghênh đón Tào Bằng.
Giả Hủ là Thứ sử Dự Châu, Thái trung đại phu, Đô Đình Hầu.
Còn Tào Bằng thì sao, chỉ là Thái thú quận Nam Dương, Lĩnh hà thủy giáo úy, Võ Đình Hầu mà thôi.
Ngoại trừ có tước vị tương đương ra, nếu xét về quan chức thì Tào Bằng còn thua xa Giả Hủ. Từ xưa đến nay, có hiền quân nghênh đón cao sỹ, chứ không hề có ai nói quan trên đi nghênh đón quan dưới. Cấp bậc quan của Giả Hủ vượt xa Tào Bằng, nên y không ra đón cũng là việc đương nhiên, Tào Bằng cũng không lấy làm lạ.
Lã Thường là người được trọng vọng ở Nam Dương, rất có danh tiếng.
Trước đây giữ chức huyện trưởng Trĩ huyện, khi Hạ Hầu Hãn thất bại ở Uyển thành, cũng chính là nhờ Lã Thường này dẫn theo binh mã dưới trướng, liều chết chống cự sự công kích của Lưu Bị, mới giúp cho quân Tào ổn định được trận tuyến. Sau khi Giả Hủ đến tiếp quản, bèn điều động Lã Thường từ Trĩ huyện về huyện Vũ Âm, đảm nhiệm chức Vũ Âm Lệnh.
Tuy rằng vẫn chỉ là quan đứng đầu một huyện nhưng xét về phẩm bậc thì đã được nâng lên.
Theo như lời Giả Hủ nói: Nguyên Nhượng trấn thủ Nam Dương hai năm, thành tích chính trị nổi bật nhất chính là tìm ra được một nhân tài như Lã Thường…
Từ đó có thể thấy, Lã Thường đích thực là không đơn giản.
Tào Bằng dưới sự hộ tống của mọi người, tiến vào huyện Vũ Âm.
Tuy hắn là người huyện Vũ Âm, nhưng trên thực tế, chưa từng đến Vũ Âm.
Hoặc có thể nói là, tiền thân của Tào Bằng từng đến qua, nhưng kể từ khi tái sinh đến giờ, Tào Bằng chưa từng một lần bước chân qua cổng thành của huyện Vũ Âm.
Cách bố cục bên trong huyện thành Vũ Âm này, cũng giống như phần lớn các huyện thành khác. Diện tích cũng tầm tương đương với diện tích huyện Huỳnh Dương, tường thành dày kiên cố, cho thấy đã từng trải qua cuộc cải tạo tỉ mỉ. Cũng không có gì lạ, năm Kiến An thứ hai, sau khi Tào Tháo bại trận ở Uyển thành, bèn về đồn trú tại Vũ Âm. Khi đó, vì muốn chống đỡ với sự công kích của Trương Tú, nên Tào Tháo hạ lệnh cho sửa lại tường thành của huyện thành Vũ Âm. Đồng thời cho mở rộng diện tích của huyện Vũ Âm thêm hơn gấp đôi.
Tính trên toàn bộ huyện Vũ Âm, tổng nhân khẩu ước tính hơn bảy mươi ngàn người, là một huyện lớn.
Huyện thành được xây dựng theo bố cục ngũ hành, chia làm năm khu vực. Huyện giải nằm ở vị trí trung tâm, cùng với các kiến trúc công khác.
Góc tây bắc là giáo trường (sân luyện võ), góc tây nam là chợ…
Khu đông bắc là khu của dân nghèo, còn phần lớn phú hộ bản địa, hoặc các gia đình cường hào thì sinh sống ở khu đông nam. Tóm lại, bố cục của huyện Vũ Âm này rất đơn giản, có nhìn qua là hiểu ngay. Tào Bằng vừa đi vừa lắng nghe Lã Thường giới thiệu, đồng thời trong lòng cũng thầm tán thưởng Lã Thường.
Lã Thường này quả đúng là một nhân tài.
Lối tư duy của y rất rành mạch, giảng giải cũng hết sức lưu loát.
Đối với một vài số liệu, mở miệng là có thể nói được ra ngay, thấy rõ là y đã bỏ ra rất nhiều công khó nhọc.
Phải biết rằng, y đến Vũ Âm cũng chỉ mới được ba tháng.
Thế mà đã có thể hiểu rõ đến nhường này, chứng tỏ là y rất có lòng.
Trong lòng Tào Bằng không khỏi lấy làm lạ.
Một người có bản lĩnh như thế này, tại sao lại chưa từng nghe danh?
Trên thực tế, Lã Thường cũng không phải là người không ai biết đến như Tào Bằng nghĩ. Bất luận là trong “Tam quốc chí” hay “Tam quốc diễn nghĩa”, Lã Thường cũng đều có xuất hiện. Tuy nhiên, trong “Tam quốc diễn nghĩa”, miêu tả về Lã Thường rất đơn giản, bẻ cong sự thật. “Diễn nghĩa” nói Lã Thường từng bị Quan Vũ đánh bại; nhưng trong “tam quốc chí” lại nói, Lã Thường làm quan đến chức Hoàng Hải tướng quân, Tây Ngạc Hầu. Năm đó Quan Vũ xâm phạm biên giới, Lã Thường dẫn quân chống đỡ, khiến Quan Vũ không đạt được mục đích mà về. Lúc sinh thời, người này uy hiếp Giang Đông, cho đến tận tháng giêng năm Hoàng Sơ thứ hai, Lã Thưởng hưởng thọ sáu mươi mốt tuổi quy tịch, Tôn Quyền mới phái thuộc cấp là Trần Thiệu chiếm lĩnh Tương Dương. Người mà bọn họ e ngại, cũng chính là Lã Thường…
Đáng tiếc, danh tướng Tam quốc quá nhiều, thực sự là quá nhiều.
Cùng với sự tam sao thất bản của “Tam quốc diễn nghĩa” và những kịch khúc không đúng sự thật, khiến cho Lã Thường trở thành một nhân vật không ai biết đến.
-Tử Hằng có biết ở gần đây có hiền nhân ẩn sỹ nào không?
Trên đường đi đến huyện giải, Tào Bằng thuận miệng hỏi.
Lã Thường nghĩ một lát:
-Nếu nói tới hiền nhân ẩn sĩ ở huyện Vũ Âm thì cũng không ít.
Chỉ có điều theo như hạ quan nhận thấy, thì họ đều là những người không thích hợp để dùng… Ngồi mà luận đạo thì có lẽ còn được. Chứ nếu dùng để cai trị địa phương, luyện binh trị quân, chỉ e là không thích hợp. Tuy nhiên, Thái thú đã hỏi tới, hạ quan cũng có một ứng viên, chỉ không biết liệu có hợp ý Thái thú hay không.
-Vậy sao? Nói ra nghe xem.
Lã Thường nghĩ ngợi một lát, nhẹ giọng nói:
-Vũ Âm chủ bộ Lý Nghiêm, người Uyển thành, tự Chính Phương, nổi tiếng làm việc bạo dạn quyết đoán.
Chỉ có điều người này tự cho mình thanh cao mà kiêu ngạo, nên không được lòng người khác, ngồi ở chức vụ Chủ bộ ở Vũ Âm đã được ba năm, mà chưa từng được thăng chức.
Lúc trước, y có ý muốn về quê, nhưng không ngờ Lưu Bị lại xuất binh, chiếm lĩnh Uyển thành, y mới đành bất đắc dĩ ở lại.
Kể từ khi hạ quan nhậm chức đến nay, Lý Chính Phương giúp sức rất nhiều. Vũ Âm có được sự bình ổn như ngày hôm nay, nào đâu phải công lao của một mình hạ quan, tất thảy đều nhờ có Chính Phương tận tâm tận lực.
Lã Thường không để ý rằng, khi y nhắc tới Lý Nghiêm, thì bước chân Tào Bằng có hơi khựng lại.
Lý Nghiêm?
Trong lòng hắn không khỏi cảm thấy kinh ngạc, không phải là cái tên Lý Nghiêm đốc vận lương thảo không thành bèn bịa ra một câu chuyện, lừa cho Gia Cát Lượng trở về Thành Đô, khi Gia Cát Lượng đang xuất binh với Kỳ Sơn đó chứ? Y là người Nam Dương? Hắn mang máng nhớ thì cái tên này là quan viên Ba Thục, quy hàng Lưu Bị khi ông ta tiến vào chiếm đóng ở Tây Xuyên. Hiện giờ, đáng ra y phải đang dốc sức dưới trướng Lưu Chương mới phải, cớ gì lại ở Vũ Âm, Nam Dương?
Cũng chẳng trách Tào Bằng hiểu lầm như vậy.
Lý Nghiêm khi xuất hiện trong “tam quốc diễn nghĩa”, là người phụ trách trấn thủ Miên Trúc.
Cho nên, trong lòng Tào Bằng luôn cho rằng, Lý Nghiêm là người Tây Xuyên. Không ngờ, cái tên này lại là người Nam Dương, hơn nữa lại còn ở dưới sự cai trị của hắn.
Nhưng trên thực tế, vào năm Kiến An thứ mười hai, quả thật Lý Nghiêm có làm quan ở Nam Dương.
Năm Kiến An thứ mười ba, y làm huyện lệnh Tỷ Quy. Bởi vì Tào Tháo đem binh xâm phạm Kinh Châu, nên y mới chạy đến nương tựa Lưu Chương ở Ba Thục, được Lưu Chương ủy nhiệm làm Huyện hội Thành Đô…
Tào Bằng dừng bước, quay đầu lại nhìn đoạn hỏi:
-Ai là Lý Nghiêm?
Lã Thường nghe vậy, trên mặt không khỏi lộ vẻ ngại ngùng, lắp ba lắp bắp một hồi, mới nhẹ giọng nói:
-Từ ba ngày trước Chính Phương bị cảm phong hàn, nên cáo bệnh ở nhà đến nay, nên không có mặt ở đây.
Ngẫu nhiên bị cảm phong hàn, cáo bệnh ở nhà?
Tào Bằng khe khẽ chau mày.
Là ngẫu nhiên cảm phong hàn thật sao?
Hoặc giả là…
Như hồi này Lã Thường có nói, Lý Nghiêm này tự cho mình thanh cao mà kiêu ngạo, nói trắng ra là có chút tự phụ, không coi ai ra gì. Ba ngày trước, nếu như không phải Tào Bằng đi đến trấn Trung Dương, thì sớm đã đến huyện Vũ Âm rồi. Cho nên, Tào Bằng cho rằng việc Lý Nghiêm không xuất hiện, e rằng còn có hàm ý sâu xa khác.
-Vậy thì thật đáng tiếc, ta vốn đang muốn gặp vị Lý Chính Phương này xem sao.
Tào Bằng đột nhiên bật cười, đoạn gác lại chủ đề này.
Trong lòng Lã Thường không khỏi thầm cảm thấy đáng tiếc.
Đây là một cơ hội tốt biết nhường nào, nếu như Lý Nghiêm có mặt ở đây, vừa hay có thể tiến cử hắn, từ đây tiền đồ rộng mở.
Chỉ đáng tiếc, cái tên này tật xấu quá nhiều, tự nhiên làm bừa cả lên. Thế là, tự nhiên vô duyên vô cớ đánh mất đi cơ hội tốt hiếm hoi rồi.
Đoàn người thấm thoát đã đi đến huyện giải.
Trời đã tối, Lã Thường nói các quan viên là hương thân giải tán trước, đoạn cùng với Tào Bằng bước vào cổng lớn của huyện Giải.
Gia Hủ đang ngồi trong phòng khách, nhìn thấy Tào Bằng bước vào, trên gương mặt xanh xao lập tức hiện một nét cười:
-Hữu Học, sao đến muộn vậy?
Tào Bằng vội vàng bước tới hành lễ, đã thấy Giả Hủ đứng lên n ngắn hắn lại.
-Hữu Học không cần đa lễ, ta với ngươi cũng tính là chỗ quen biết cũ rồi… Thoái Chi ở Kinh Châu thường gửi thư cho ta, nói rằng Hữu Học quan tâm hắn nhiều lắm.
Ta luôn muốn gặp mặt để nói tiếng cảm ơn, không ngờ hôm nay quả đúng như ý nguyện.
Từ trong lời lẽ của Giả Hủ có thể nhận thấy sự thân thiết.
Chỉ có điều, nhìn thấy Giả Hủ đột nhiên trong lòng Tào Bằng lại có một cảm giác đề phòng không thể hiểu nổi. Hắn vội vàng nói:
-Quan tâm gì đâu, Thoái Chi có tài trời phú, ra dáng Giả Dự Châu lắm. Ta ở Tây Bắc, cũng được Thoái Chi giúp đỡ nhiều lắm. Lần này tới Nam Dương vốn định từ giã Thoái Chi một tiếng, không ngờ là tình hình Tây Khương gần đây bất ổn, Thoái Chi không rảnh rỗi được chút nào. Nói ra, thì ta phải cảm tạ Giả Dự Châu mới đúng, tuyệt đối không dám nhận những lời của Giả Dự Châu.
Nói đoạn, hai người đưa mắt nhìn nhau, đột nhiên bật cười ha hả…
Bạn cần đăng nhập để bình luận