Tào Tặc

Chương 650: Điềm báo cho sự sụp đổ

-Tại hạ được sự ủy thác của Huyền Thạc tiên sinh, có thư làm chứng.
Người đó không báo tên của mình, mà lại nói ra một cái tên xưa cũ khiến Tào Bằng nghe phải giật mình.
Huyền Thạc tiên sinh?
Đó chẳng phải là Lý Nho sao?
Hai năm trước Lý Nho rời khỏi Hà Tây, đi đến Thành Đô chủ trì đại cục. Hai năm trở lại đây ông ta rất ít có liên lạc bằng thư tín, Tào Bằng cũng chỉ biết được tình hình của Lý Nho thông qua tin tức do thương hội Hà Tây mà về mà thôi. Nghe nói Lý Nho ở Thành Đô sống cũng không tệ, có vẻ giống như cá gặp nước.
Mà tên ông ta sử dụng ở Thành Đô chính là Huyền Thạc.
-Tiên sinh, mời cùng ta về phủ nha một chuyến.
Tào Bằng khoát tay, mời người đó cùng đi với hắn.
Người đó cũng chẳng thèm khách sáo, nhận lấy dây cương từ tay một tên tùy tùng, xoay người lên ngựa. Cùng lúc đó, Tào Bằng lại khen ngợi Phó Du vài câu, đoạn bảo hắn tiếp tục dẫn người đi tuần tra, rồi dẫn đám tùy tùng thân cận rời đi. Trên suốt đường đi, Tào Bằng và người nọ không nói chuyện gì với nhau, chỉ im lặng mà đi.
Đến phủ nha, Tào Bằng mời người nọ cùng mình vào thư phòng nói chuyện.
Hắn dặn người chuẩn bị nước gừng mật ong, uống ngụm, đoạn nói:
-Thư đâu?
-Thư ở đây.
Người nọ lấy ra một phong thư từ trong vạt áo. Có thể thấy là hắn rất cẩn thận, còn làm hẳn một lớp chìm bên trong vạt áo. Như thế này, nếu như có người vạch áo hắn ra, thì vẫn còn một lớp bảo vệ nữa. Hắn dùng hai tay trình bức thư lên cho Tào Bằng, Tào Bằng nhận lấy, nhưng không mở ra xem ngay, mà đặt bức thư lên mặt hương án, ánh mắt rực sáng, nhìn chăm chú vào người đưa thư.
-Vẫn chưa được biết đại danh của tiên sinh.
-Tại hạ Pháp Chính, người Phù Phong Na.
Đây vốn chỉ là một việc báo danh tính hết sức thông thường, nhưng lại khiến Tào Bằng phát run trong lòng, tiếng ngón tay gõ trên mặt hương án cũng nhất thời loạn nhịp.
-Pháp Chính, Pháp Hiếu Trực?
Lần này thì đến lượt Pháp Chính giật mình.
-Công tử cũng biết đến Pháp Hiếu Trực sao?
“Ta đương nhiên là biết, làm sao ta có thể không biết.
Nhà ngươi chính là công thần lớn nhất giúp Lưu Bị tiến vào làm chủ Tây Thục, thành lập Thục Hán. Sau khi Lưu Bị thành công đoạt được Ích Châu, bèn phong tặng địa vị cao cho Pháp Chính, trong tập đoàn quyền lực Thục Hán, địa vị của hắn chỉ đứng sau Gia Cát Lượng. Về sau, cũng chính là Pháp Chính này hiến kế, khuyến khích Lưu Bị đánh chiếm Hán Trung, đồng thời còn hiến kế giết chết Hạ Hầu Uyên”.
Sau khi Lưu Bị lên đến Hán Trung Vương, bèn bổ nhiệm Pháp Chính làm Thượng Thư Lệnh Hộ quân tướng quân… Những kỳ mưu diệu kế của Pháp Chính, ngay cả Gia Cát Lượng cũng phải tán thưởng. Một người như vậy, làm sao mà Tào Bằng lại không biết đến tên tuổi và lai lịch của hắn cơ chứ?
Nhưng, Pháp Chính chẳng phải là người Ích Châu sao?
Tại sao nghe giọng hắn lại giống như người Quan Trung, hơn nữa tự bản thân hắn cũng nói hắn là người Phù Phong Na. “Mi nhân” này, tức là chỉ người huyện Phù Phong Na. Người này là nhân sỹ Quan Trung sao? hay hắn và Pháp Chính trong lịch sử là hai người khác nhau?
Nhưng hắn cũng đã nói, hắn là Pháp Hiếu Trực đó thôi!
Lại đến từ Ích Châu, thiết nghĩ không thể nhầm được.
Nghĩ đến đây Tào Bằng đã đứng dậy từ khi nào, lách qua thư án, bước đến trước mặt Pháp Chính:
-Không nghĩ lại được giáp mặt với Hiếu Trực tiên sinh, Bằng mới là người đáng tội, mong tiên sinh chớ trách.
Pháp Chính nghe vậy trong lòng không khỏi kích động.
Y vội vàng đáp lễ, nói:
-Pháp Chính chẳng qua chỉ là một người thấp kém, đâu đáng nhận đại lễ của công tử như vậy?
Pháp Chính không phải là khách sáo, mà đó là lời nói xuất phát từ nội tâm của hắn. Y vốn là người huyện Mi, Phù Phong Na, cha là Pháp Diễn, cũng là bậc cao sỹ Quan Trung đương thời. Sau này do đắc tội với nhà quyền quý, nên bị bãi quan miễn chức, cuối cùng buồn bực mà chết. Năm Kiến An đầu tiên, Quan Trung đại loạn, hoàng đế băng hà, Lý Thôi, Quách Dĩ nảy sinh mâu thuẫn, công kích lẫn nhau, khiến Quan Trung bốn bề ngập trong lửa khói, hỗn loạn vô cùng. Trong tình cảnh như thế, Pháp Chính cùng với người đồng hương tên Mạnh Đạt vào Tây Thục lánh nạn, nương tựa Lưu Chương.
Nào ngờ, vào đến Thành Đô, Pháp Chính mới hay thế sự gian nan.
Y không có gốc gác gì, cho nên mặc dù được Lưu Chương thu nhận, nhưng lại không được coi trọng. Còn người đồng hương Mạnh Đạt, nhờ có võ nghệ cao cường, tòng quân được trọng dụng, được đại tướng tâm phúc của Lưu Chương là Trương Nhậm xem trọng, đề bạt làm Giáo Úy. Pháp Chính miễn cưỡng sống được ở Thành Đô là nhờ vào sự tiếp tế của Mạnh Đạt. Nhưng mà, cũng bởi vì có quãng thời gian sa sút này, hắn mới kết thân được với không ít danh sỹ Thành Đô, mà Trương Tùng sắp đến đây, chính là một trong số đó.
Năm Kiến An thứ bảy, sau bảy năm ở lại Ích Châu, Pháp Chính mới được Trương Tùng đề cử, bổ nhiệm làm huyện lệnh huyện Tân Đô.
Chỉ có điều, Tân Đô đó cũng là một nơi hết sức phức tạp, trong khi bản thân Pháp Chính lại không phải là một nhân vật giỏi cai trị nội chính. Đối mặt với những mối quan hệ tông tộc phức tạp, hắn ở lại Tân Đô được ba năm, rồi đành chán nản rời đi. Nhưng cũng may có Trương Tùng giúp đỡ, nên sau khi quay về Thành Đô, lại được đảm nhận chức vụ đại diện Quân Nghị Giáo úy.
Quân Nghị Giáo úy là cái gì?
Nói ngắn gọn, thì nó giống như chức vụ tham mưu ở đời sau.
Khi trong quân có việc thì ngươi qua bên đó ngồi nghe một lát, đưa ra vài ý kiến. Đương nhiên, ý kiến có được tiếp nhận hay không lại là một chuyện khác.
Đời sau chẳng phải có một câu nói đó sao?
“Tham mưu không sở trường, đánh rắm cũng không vang”.
Huống hồ chi, cái chức Quân Nghị Giáo úy của Pháp Chính chỉ là đại diện.
Cho dù y có chủ trương tốt đi chăng nữa, nhưng ai mà thèm để ý? Cho nên, cái chức vụ Quân Nghị Giáo úy này, chẳng qua là người ta nể mặt Trương Tùng mà cho y vậy thôi. Bổng lộc chẳng qua được sáu trăm thạch, ở nơi phồn hoa như Thành Đô, cuộc sống khó khăn cỡ nào nghĩ thôi cũng đủ biết.
Hơn nữa, kể từ khi Lý Nho bắt đầu làm đảo lộn nền kinh tế Ích Châu, thì chi phí sinh hoạt của Thành Đô cũng theo đó mà tăng cao.
Pháp Chính tuy không đến mức phải cần đến sự cứu tế của ngươi ta, nhưng muốn sống được ở Thành Đô quả là một việc không dễ.
Cũng chính trong tình cảnh như vậy, Pháp Chính quen biết Lý Nho. Chỉ có điều là y không biết được thân phận thật sự của Lý Nho, chỉ biết tên ông ta là Viên Huyền Thạc, là người có năng lực. Lý Nho dùng nguyên thời gian một năm để thử thách Pháp Chính, phát hiện người này có kỳ mưu, không phải hạng tầm thường.
Cho nên bèn bắt đầu thử lôi kéo Pháp Chính, dần dần tìm hiểu được suy nghĩ của Pháp Chính.
Tào Tháo chinh phạt U Châu, lập ra ba quận ở Hoài Nam; Tào Bằng vào làm chủ Nam Dương, giao chiến với Lưu Bị không ngừng… Trong tình hình này, Lưu Chương lại không nghĩ đến chuyện làm thế nào để phát triển lớn mạnh. Mà ngược lại, lại nhân lúc giá cả ở Thành Đô tăng cao, mưu lợi cho bản thân, nghĩ muốn an phận một góc trời.
Pháp Chính nhận thấy, theo Lưu Chương khó có thể làm nên chuyện.
Trong những lần nói chuyện với Lý Nho, bất giác để lộ ra suy nghĩ muốn tìm kiếm minh chủ.
Nhưng mà, nương tựa người nào?
Lưu Bị?
Ông ta hiện nay ngay cả đến một nơi dung thân cũng không có, nên Pháp Chính không suy xét.
Vậy còn Tôn Quyền?
Tuy nói rằng Tôn Quyền nắm trong tay sáu quận Giang Đông, nhưng cũng vì do sự hạn chế về khu vực, nên cũng rất khó lớn mạnh. Dòng Trường Giang cố nhiên che chắn cho sáu quận Giang Đông, nhưng cũng đồng thời cản trở, khiến cho Giang Đông không có khả năng giành được Trung Nguyên. Dưới tình hình như thế này, xem ra người có thể lựa chọn chỉ có một mình Tào Tháo.
Nhưng khổ nỗi là dưới trướng Tào Tháo, nhân tài vô số.
Pháp Chính một là không có tiếng tăm, hai là không có chỗ dựa, ba là không có kinh nghiệm, muốn đứng được cũng là việc hết sức khó khăn.
Dùng một câu rất “Tam Quốc” mà nói, thì “khổ vì không có người dẫn mối”.
Đồng thời, y cũng không hiểu biết gì lắm về Tào Tháo, không biết Tào Tháo này là nhân vật như thế nào. Lúc này, Lý Nho bèn đưa ra cho y một kiến nghị.
-Ta nghe nói, dưới trướng Tào Thừa tướng có một nhân tài, tình nghĩa trác tuyệt, ý chí càn khôn.
Hắn là người nhà của Tào Thừa tướng, rất được Tào Thừa tướng tin cậy. Từng làm những bài văn sánh ngang với Lậu Thất Minh, Ái Liên Thuyết (hai tác phẩm tiêu biểu thời Đường, nói về sự thanh liêm chính trực), rất được người đời tán thưởng. Người này có ba bài văn truyền thế, người đọc sách trong thiên hạ đều biết. Hắn từng khuyên anh trai mình kiến thiết Hà Tây, tạo nên vùng đất đông đúc giàu có Lưỡng Hoài như hiện nay.
Người này trọng nghĩa, chỉ vì năm xưa Lã Bố từng cho hắn mượn hai trăm quân Hổ Bí, sau khi Lã Bố chết, hắn đánh liều với tính mạng của mình, đưa gia quyến Lã Bố ra tận hải ngoại xa xôi.
Người này trọng tình, vì người anh em kết nghĩa của hắn bị người hãm hại, hắn không ngại vứt bỏ việc học, rời núi báo thù.
Người này có đức hạnh lớn, trong trận chiến Quan Độ, chém Nhan Lương, giết Văn Sú, nhưng hắn cũng vì tính mạng của mấy mươi ngàn dân chúng Toan Tảo mà quỳ gối rất lâu trước điện, khiến Tào Thừa tướng không thể không đồng ý, hộ tống dân chúng rút lui. Trong trận chiến Diên Tân, người này không màng đến tính mạng bản thân, giải cứu cho Thừa tướng. Nhưng lại vì người trong nhà hắn bị người ta hãm hại, trong lúc tức giận xông vào phủ của Hộ Quốc tướng quân, chém tên điêu nô, mà phải ở ẩn ba năm.
Người này có đại nghĩa!
Năm xưa Lâm Nghi Hầu Lưu Quang đi sứ Hung Nô, vì bảo vệ thể diện cho triều đình mà không màng sống chết.
Sau đó ra trấn thủ Hà Tây, vỗ yên Khương Hồ, ổn định biên tái, đánh Mã Đằng, đoạt Kim Thành, giành lại Lũng Tây…
Nếu Hiếu Trực có thể được người này xem trọng, thì tất sẽ có tiền đồ lớn. Ta nghe nói, phàm là môn hạ của hắn bước ra, đến nay người kém nhất cũng làm đến quan viên lớn với bổng lộc ngàn thạch.
-Không biết ý của Hiếu Trực thế nào?
Pháp Chính mới đầu còn có chút mơ hồ, nhưng nghe đến đoạn sau thì đột nhiên tỉnh ngộ.
-Người mà tiên sinh nói tới, chẳng phải là Tào Tam Thiên danh tiếng lẫy lừng, công tử Bằng đó sao?
Pháp Chính là người Quan Trung, đối với tình hình Quan Trung mấy năm trở lại đây cũng có chút chú ý. Dưới sự cai trị của cha con họ Tào, Quan Trung phồn hoa ổn định… Còn Lương Châu, nơi mà năm xưa bị người ta gọi là vùng đất lạnh lẽo hoang vu, bây giờ cũng trở thành một nơi phồn hoa. Đặc biệt là con đường buôn bán Hà Tây được mở ra, nối liền Tây Vực với Trung Nguyên. Nghĩ lại năm xưa, Tây Vực Đô Hộ Phủ của Ban Định Viễn Trí, đã mất liên hệ với Trung Nguyên hàng trăm năm nay. Con đường hành lang Hà Tây được mở ra, khiến cho Quan Trung được lợi không ít. Quan trọng hơn cả, là cùng với việc con đường buôn bán Hà Tây được mở ra, ba mươi sáu nước Tây Vực cũng không thể không cẩn thận đề phòng. Năm ngoái, các nước như Quy Tư, Đại Nguyệt Thị nhao nhao phái sứ giả đến, xin được quy thuận.
Dường như phong thái hào hùng thời Đại Hán lại được tái hiện.
Mà hết thảy những điều này, đều là nhờ cha con họ Tào đầu tư rất nhiều tâm huyết vào Lương Châu mới có được.
Tình cảm đối với cố hương của người xưa, thực là vượt khỏi sức tưởng tượng của người đời sau. Dưới sự thuyết phục của Lý Nho, Pháp Chính động lòng, muốn quay về quê nhà.
Cho nên, vào đầu mùa xuân năm Kiến An thứ mười hai, Pháp Chính bèn lập tức rời Thành Đô, về lại Quan Trung. Sau khi về đến quê nhà Lang huyện, hắn mới biết quê nhà đã biến đổi đến nhường nào, phải nói là nghiêng trời lệch đất. Hơn nữa, những cái tốt mà năm xưa Tào Bằng cố công tạo dựng ở Hà Tây, giờ thông qua sự chăm lo của Tào Cấp cũng bắt đầu dần hiện rõ.
Năm Kiến An thứ mười một, Lương Châu đón chào mùa bội thu chưa từng có.
Năm Kiến An thứ chín, khi Tào Bằng rời đi, nhân khẩu mới có hơn hai triệu, đến nay tăng lên con số gần năm triệu. Đã gần tương đương với số nhân khẩu của Dự Châu và Ích Châu, thậm chí còn vượt qua tổng số nhân khẩu của Ích Châu. Tào Cấp ở Lương Châu, tuy không hè đụng đến một binh một tốt, nhưng đại thế mà ông ta thể hiện ra, khiến cho ba mươi sáu nước Tây Vực đều run sợ trong lòng. Rất nhiều thương nhân Tây Vực đều muốn đến làm ở Trung Nguyên, cũng mang đến cho Quan Trung một lượng của cải rất lớn.
Nhân khẩu của Quan Trung vào năm Kiến An thứ mười hai đạt tới con số ba triệu.
Cũng có nghĩa là, nếu tính cả Lương Châu, thì tổng số nhân khẩu ở tám trăm dặm Tần Xuyên gần đạt tới con số tám triệu, về cơ bản là sánh ngang với tổng số nhân khẩu của Trung Nguyên.
Đương nhiên, đằng sau con số nhân khẩu lớn như vậy, không tránh khỏi có vô số máu và nước mắt. Năm xưa, Tào Bằng thiết lập chính sách mua bán nhân khẩu, dưới sự giúp đỡ của bọn người Đàn Chá, bắt hơn một triệu nô dịch từ vùng thảo nguyên Mạc Bắc mang về, con số này đáng sợ đến thế nào. Một triệu nô dịch, đồng nghĩa với vô số gia định bị phá hủy. Tào Bằng bỏ ra một số tiền lớn, để đổi lấy sự bình ổn cho cả Quan Trung. Diện tích của quận Hà Tây, đã dần dần vượt qua hẻm núi Thạch Chủy, mở rộng dần về hướng Mạc Bắc.
Có thể nói, chỉ cần Tào Tháo muốn, là ông ta có thể điều động một trăm ngàn đại quân từ Quan Trung trong thời gian ngắn nhất, chà đạp tái bắc.
Thành tích chính trị huy hoàng như vậy, quả khiến cho Pháp Chính tâm phục khẩu phục.
Sau khi suy đi nghĩ lại, cuối cùng y quyết định đến Tương Dương đầu quân cho Tào Bằng.
Tuy nói, mục đích cuối cùng của y là dốc sức cho Tào Tháo, nhưng y cũng biết rõ, nương tựa Tào Bằng, thì trên người y tất sẽ in hằn rõ ràng dấu ấn của Tào Bằng. Nhưng vậy thì đã sao? Đối với người ba không như y, không có gốc gác, không có danh tiếng, không có kinh nghiệm, nếu không có chỗ dựa thì đừng mơ làm nên việc lớn. Chớ coi Tào Bằng chỉ là thần tử của Tào Tháo, cứ nhìn cách mà Tào Tháo quan tâm đến gia tộc của mình sẽ biết, đến dưới trướng Tào Bằng chẳng khác nào đã gia nhập vào phe của Tào Tháo. Và cũng đừng quên, Tào Bằng còn là thầy giáo vỡ lòng cho Tào Chương, con trai thứ ba của Tào Tháo…
Mối quan hệ thân thiết này, đã định trước căn cơ thâm hậu của Tào Bằng về sau.
Có một chỗ dựa vững chắc như thế này, bản thân mình sẽ có thể có một tiền đồ tươi sáng.
Tuy nhiên, trước khi gặp được Tào Bằng, trong lòng Pháp Chính vẫn có chút không yên.
Tuy trong tay y có thư giới thiệu của Lý Nho, nhưng hắn lại không biết rốt cục Lý Nho đó có thân phận thế nào. Y chỉ biết, chắc chắn là Lý Nho có liên quan với Tào Bằng, còn những việc khác thì y không rõ lắm. Còn y thì lại chưa từng gặp qua Tào Bằng, những hiểu biết về Tào Bằng đa số đều là những lời nghe nói.
Tào Bằng liệu có thèm nhìn đến người ba không như ta không?
Pháp Chính có chút mờ mịt.
Nào ngờ, gặp Tào Bằng rồi, Tào Bằng căn bản không xem đến lá thư mà Lý Nho gửi, đã biết đến tên y.
Trong lòng Pháp Chính vô cùng kích động, cục đá nặng trịu trong lòng cũng được đặt lại vào trong bụng.
Tào Bằng cười nói:
-Năm xưa khi Bằng làm Thái thú Hà Tây, từng nghe Ti Đãi Giáo úy Trương Ký Trương Đức Dung tiên sinh nhắc qua tên của lệnh tôn (cha ngươi). Đức Dung tiên sinh còn nói, Pháp Hiếu Trực là người có tài lớn, đáng tiếc là ở tận Ích Châu xa xôi, không thể dốc sức cho quê hương, qua là hết sức đáng tiếc. Ta vốn cho rằng, ta rời khỏi Quan Trung, sẽ không còn cơ hội được gặp Hiếu Trực nữa, chẳng ngờ lại có thể gặp được Hiếu Trực ở Phàn Thành. Đây chẳng phải là trời ban Hiếu Trực đến giúp ta sao? Ha ha, quả đúng là may mắn cho Bằng.
Trương Ký, vốn là An Định Thái thú.
Năm Kiến An thứ mười một, thay thế cho Vệ Ký ra nhậm chức Ti Đãi Giáo úy.
Tào Bằng cũng chẳng biết lấy cớ gì mà nói, nên đành mượn tiếng của Trương Ký. Hơn nữa, đây cũng là một cái cớ tốt nhất, Trương Ký vốn là nhân sỹ Quan Trung, còn Pháp Chính cũng chẳng thể nào có chuyện chạy đến trước mặt Trương Ký mà hỏi “có phải ông từng khen ngợi ta trước mặt Tào Bằng không?”
Pháp Chính nghe vậy, không khỏi mừng rỡ.
Mối nghi hoặc trong lòng cũng nhờ thế mà tiêu biến, thì ra là Trương Ký từng giới thiệu về ta với Tào Bằng.
Chẳng trách Tào Bằng còn chưa xem qua thư giới thiệu mà đã biết tên ta. Đồng thời, trong lòng Pháp Chính lại nảy sinh thêm vài phần oán hận đối với Lưu Chương.
Cũng khó trách, mấy năm nay, Pháp Chính ở dưới trướng Lưu Chương, chịu áp bức không ít.
Mà nay lại được người khác coi trọng, thì trong lòng ngoài cảm kích ra, cũng tăng thêm vài phần oán hận với Lưu Chương.
Tào Bằng đưa tay, mời Pháp Chính ngồi.
Lúc này hắn mới cầm lấy lá thư của Lý Nho, đưa dưới ánh đèn mà đọc.
Trong thư, Lý Nho khen ngợi Pháp Chính hết lời, nói người này năng lực trác tuyệt, không thua gì Bàng Thống. Tào Bằng khẽ gục gặc đầu, sau khi xem xong một lượt, bèn đưa lá thư đến trước đèn, đốt bỏ. Những chuyện thế này, trong lòng tự biết là được rồi, tốt nhất là không nên để lại dấu vết hay chứng cứ gì.
-Tiên sinh có thể đến giúp Thừa tướng, đó là may mắn cho Thừa tướng.
Lời này của Tào Bằng không phải là nói lung tung.
Trong “Hoa Dương quốc chỉ”, từng có ghi chép lại một đoạn đánh giá của Tào Tháo đối với Pháp Chính: “ta thu nhận hết gian hùng trong thiên hạ, duy chỉ không có được Pháp Chính?”
Những gì ghi chép trong “Hoa Dương quốc chí” có phải là sự thật không tạm không bàn tới, nhưng qua đó có thể thấy, sau này Tào Tháo cũng rất tán thưởng đối với Pháp Chính.
Nhưng mà, Pháp Chính của hiện nay, muốn có được sự trọng dụng dưới trướng Tào Tháo là một việc không hề dễ dàng. Tào Tháo có bọn Tuân Úc làm mưu sỹ phía sau, có Quách Gia, Giả Hủ bày mưu tính kế giúp ông ta, có Tuân Du làm tham mưu trưởng, có Trình Dực thực thi sự thâm nghiêm của luật pháp. Năm mưu thần lớn này, đến nay có sức ảnh hưởng rất lớn. Đặc biệt là Quách Gia, không hề sớm bị lãng quên như trong sách sử nói, càng khiến biểu hiện cho người ta thấy, nhân tài bên cạnh Tào Tháo đầy rẫy.
Một người ba không như Pháp Chính, trong tình hình này, muốn bước vào trung tâm vòng tròn quyền lực của Tào Tháo quả thực là một việc hết sức khó khăn.
Cho dù có là Tào Bằng tiến cử đi nữa, thì Tào Tháo cũng không có chuyện lập tức trọng dụng.
Cho nên, Tào Bằng nói thẳng luôn:
-Mưu lược của Hiếu Trực, Bằng ta không chút nghi ngờ.
Nhưng nếu mạo muội tiến cử, e rằng Thừa tướng chưa chắc đã coi trọng. Hơn nữa, dù sao bây giờ Hiếu Trực vẫn chưa có chút công lao gì, dù Thừa tướng có lòng trọng dụng, thì e rằng người khác cũng không phục.
Những lời này của Tào Bằng đều là lời nói thật lòng, Pháp Chính nghe rồi, gật đầu lia lịa.
-Chính cũng biết việc này.
Tào Bằng cười cười, khoát tay ngắt lời Pháp Chính:
-Tài lớn của Hiếu Trực, Bằng sớm đã biết.
Tuy có một số chuyện, vẫn cứ phải nói cho rõ ràng, để tránh Hiếu Trực hiểu lầm. Thừa tướng tiến quân vào đốn trú ở Tương Dương, sớm muộn gì cũng sẽ có đại chiến, Bằng giờ kiệm nhiệm Hổ Báo đại Đô Đốc, đến lúc đó cũng sẽ ra trận. Nếu Hiếu Trực không chê, thì Bằng hy vọng có thể được Hiếu Trực giúp mưu, giúp cho ta một tay. Thiết nghĩ là ngươi cũng biết, các phụ tá của ta, hầu hết đều ở Lương Châu, còn bên cạnh thì có Hán Trung dũng mãnh, có Vương Song trung trực, có Khấu Phong làm đầu tàu. Chỉ thiếu một người có thể bày mưu tính kế, giúp ta chia sẻ âu lo mà thôi, cho nên muốn mời Hiếu Trực ở lại, có được không?
Tào Bằng nói rất rõ ràng.
Người có tài năng, có thể làm, ta rất biết.
Nhưng bây giờ ta sẽ không tiến cử ngươi… Sau khi Tào Tháo đoạt được Kinh Châu, chỉ tính riêng kẻ sĩ Kinh Châu, đã đề bạt mười lăm người, bọn họ đều là những người có danh vọng. Còn ngươi thì khác, ngươi không có danh vọng, không có kinh nghiệm, cho dù có để ngươi chiếm cứ địa vị cao, thì cũng chỉ khiến người khác ganh tỵ mà thôi.
Pháp Chính gật gật đầu, trong lòng cũng cho là đúng.
-Có thể chia sẻ âu lo với công tử, là may mắn ba kiếp của Chính.
Tào Bằng không khỏi bật cười ha hả:
-Ta có Hiếu Trực, như hổ thêm cánh!
Những lời này rất cũ, nhưng cũng nói lên được suy nghĩ trong lòng Tào Bằng.
Sau khi nhậm chức Thái thú quận Nam Dương, tuy rằng cũng có được nhiều người giúp sức, như Đặng Chi, như Đỗ Kỷ, như Lư Dục, nhưng những người này không thể gọi là mưu thần được. Đặng Chi tương đối được một chút, còn Lư Dục thì như người đời sau gọi, thì như một học giả, còn Đỗ Kỷ thì giỏi về trị quân hơn. Cùng với việc Tào Tháo đoạt được quận Nam Dương, Đỗ Kỷ được bổ nhiệm làm Phó Đô đốc thủy quân của Kinh Châu, cùng với Thái Mạo quản lý thủy quân, hoặc là có thể nói giám sát Thái Mạo. Còn về phần Đặng Chi thì được Tào Tháo coi trọng, đảm nhiệm chức Công Tào Cầm, quân sư Trung Lang tướng của phủ Thừa tướng,
Còn lại Lư Dục cũng quay về Hứa Đô, chuẩn bị việc báo chí.
Như vậy, Tào Bằng lại một lần nữa làm vào cảnh huống khó xử như lúc mới đến Nam Dương nhậm chức: bên cạnh không có ai có thể dùng.
Tiêu Dương Miễn và Lục Mạo đều không đủ sức chống đỡ một phương, tuy có thể giúp mưu, nhưng vị trí mưu chủ vẫn mãi để đó chưa quyết, khiến cho Tào Bằng rất đau đầu.
Đoạt được Kinh Châu, ai cũng có phần lợi.
Chỉ riêng Tào Bằng là chẳng gặt hái được gì, lại còn mất Đặng Chi và Bàng Thống.
Không dễ gì thu phục được Triệu Vân, nhất thời lại không được dùng, cũng khiến cho trong lòng Tào Bằng không được thoải mái lắm. Mà nay có được Pháp Chính, quả cũng khiến hắn gỡ được gánh nặng. Ít nhất thì bên cạnh, bây giờ cũng có được một người có thể cùng thương lượng, có thể tránh được nhiều phiền phức không đáng có về sau.
-Ta định mời tiên sinh tạm thời giữ chức Quân sư Tế Tửu của Hổ Báo kỵ quân.
Ngày mai ta sẽ trình tấu lên Thừa tướng, xin người chính thức bổ nhiệm. Trước lúc đó, tiên sinh cứ tạm ở lại chỗ của ta, Bằng cũng có thể tiện bề thỉnh giáo.
Pháp Chính vội chắp tay:
-Chính nào dám không tuân?
Bạn cần đăng nhập để bình luận