Song Bích
Chương 89: Trẻ mồ côi
Minh Hoa Thường đứng sau cửa gỗ một lúc lâu, mãi cho đến khi gió đêm thổi khiến nàng rùng mình, thì nàng mới xoa xoa tay, đi vào trong phòng chính.
Không hiểu sao nàng lại cảm thấy Minh Hoa Chương đang rất mong chờ được chọc thủng "lớp màng cửa sổ" ngăn cách giữa bọn họ. Mà quả thật là trong một khoảnh khắc nào đó, hắn cũng đã làm như vậy thật, nhưng rồi, sau đó lý trí đã ngăn cản hắn lại. Nhưng dưới cái nhìn của Minh Hoa Chương, bọn họ nên là huynh muội ruột thịt mới phải. Mà, huynh muội lại có mối quan hệ thân mật đến như thế, nếu bị trưởng bối phát hiện ra, thì ngoại trừ để một người thành thân, một người gả đi xa, họ còn được gì tốt đẹp nữa đâu?
Hắn đang chờ mong điều gì? Lẽ nào hắn đã biết rằng Minh Hoa Thường là giả, biết rằng nàng không phải là muội muội ruột của hắn rồi ư?
Nhận ra được điều này khiến Minh Hoa Thường chấn động đến mức đầu nàng choáng váng, mắt nàng hoa lên, bước chân cũng nhẹ bẫng. Đến tận lúc đã nằm dài trên giường rồi mà đầu óc nàng vẫn còn mịt mù.
Nếu Minh Hoa Chương biết, vậy thì Trấn Quốc Công có biết hay không? Minh Hoa Thường nhớ lại giấc mộng dự báo kia, thái độ của phụ thân đã có một sự thay đổi rất lớn chỉ vì lời nói đến từ một phía của Tô Vũ Tễ, cảnh tượng ông trưng vẻ mặt nghiêm nghị ra, muốn đuổi nàng đi ra ngoài chợt ùa về, khiến nàng không rét mà run.
Rốt cuộc thì nàng là ai? Nàng, Tô Vũ Tễ và Minh Hoa Chương, rốt cuộc là họ có quan hệ gì?
Lòng Minh Hoa Thường trĩu nặng tâm sự, nàng suy nghĩ lung tung đến tận nửa đêm, mãi đến sau nửa đêm mới mơ màng ngủ thiếp đi. Ngày hôm sau, khi Chiêu Tài đi vào hầu hạ, nàng ấy phát hiện ra nương tử nhà mình đang thở dài không ngớt, mặt ủ mày chau, nàng ấy ôm tâm tình "chỉ tiếc rèn sắt không thành thép", nói: 'Nương tử, sao ngài cứ luôn mang dáng vẻ không tỉnh ngủ như thế thế ạ? Tương lai của lang quân còn chưa rõ, những gia đình có ý định kết thành thông gia với phủ Quốc công đều do dự. Trong hai ngày qua, nhị phòng và tam phòng luôn vây quanh bên cạnh lão phu nhân, muốn tranh thủ cơ hội để giành được một mối hôn sự tốt đó. Ngài mới là thiên kim đích xuất của phủ Quốc công, đâu có đến lượt bọn họ làm mưa làm gió đâu ạ? Nương tử à, ngài mau tranh thủ thay đồ rồi đi đến chỗ lão phu nhân đi ạ, đừng để bọn họ giành trước."
Minh Hoa Thường nghe vậy thì nghiêm túc hẳn lên, nàng gật đầu, nói: "Ngươi nói đúng. Chiêu Tài, đi lấy bộ Hồ phục màu trắng kia tới đây đi."
Chiêu Tài vô thức đáp một tiếng, rồi chợt thấy sửng sốt: 'Nương tử, ngài đi thỉnh an lão phu nhân thì mặc Hồ phục làm gì ạ?"
"Bởi vì ta muốn đi ra ngoài." Minh Hoa Thường nói: "Như Ý, nói người gác cổng chuẩn bị xe ngựa đi, ta muốn đi đến chùa Thanh Sơn, không đúng, chùa Phổ Độ."
Đám nha hoàn nghe được cái tên này thì đều sợ hãi, vội tiến lên vây quanh nàng và nói: "Nương tử, không được đâu ạ, gần đây chùa Phổ Độ vừa có người chết, người bên ngoài đều nói là ma đầu sát nhân đó đang ở ngoài chùa Phổ Độ tìm kiếm con mồi tiếp theo đó, ngài không thể đi đến đó được đâu ạ!"
Minh Hoa Thường không để ý đến chuyện này, nàng chỉ nói: "Đâu phải là ta muốn đi thắp nhang đâu, ta đi tìm Nhị huynh. Đêm qua huynh ấy đã về muộn như thế, bởi vậy nên hôm nay ta muốn đến chùa Phổ Độ để chờ huynh ấy, nhắc nhở huynh ấy về phủ sớm."
Đây là cái cớ mà Minh Hoa Thường đã nghĩ ra. Huynh trưởng của nàng là Kinh Triệu Thiếu doãn, ai cũng biết là vụ án này khó giải quyết lắm, mà nàng lại là một vị muội muội quấn người, chỉ vì lo lắng nên mới đi tìm huynh trưởng của mình thôi, lý do này nghe vô cùng hợp tình hợp lý mà, đúng không? Trong cả ba lần hung thủ gây án, hắn ta đều chọn chùa Phổ Độ để ra tay. Nhưng ngược lại là nàng muốn xem thử xem, liệu ngôi chùa này có chỗ nào bất bình thường.
Có điều, sau khi nói xong câu ấy, Minh Hoa Thường chợt nhíu mày, theo bản năng, nàng cảm thấy có gì đó không đúng cho lắm: "Sao các ngươi biết là hung thủ giết người đang tìm kiếm đối tượng tiếp theo ở gần chùa Phổ Độ?"
Nhờ có hồ sơ ghi chép nên Minh Hoa Thường mới lờ mờ cảm nhận được là, không phải vì tài, vì thù mà kẻ ấy mới ra tay sát hại người, mà hắn ta chỉ muốn thỏa mãn thứ ảo tưởng bệnh hoạn trong lòng mình mà thôi, và một khi đã bắt đầu thì thường là sẽ không thể dừng tay lại được. Nhưng mà, đến cả người trong phủ Kinh Triệu còn không biết hung thủ đang ở nơi nào, vậy thì tại sao người dân bình thường lại biết được rằng, hung thủ sẽ tìm kiếm "con mồi" ở gần chùa Phổ Độ cơ chứ?
Đám người Chiêu Tài không xem đây là chuyện to tát gì, thuận miệng nói: "Ở bên ngoài đều nói như vậy đấy ạ, tin đồn này đã truyền khắp Trường An rồi."
Phủ Ngụy Vương.
Ngụy Vương vừa thức dậy thì nhận được tin tức tốt duy nhất trong mấy ngày gần đây. Ông ta không quan tâm đến việc trên người mình chỉ đang mặc một chiếc áo mỏng, hai mắt ông ta sáng lên, ông ta hỏi: "Tham Tinh nói vậy thật à?"
"Hồi bẩm Ngụy Vương, đêm qua Tham Tinh vừa truyền đến mật báo, nhiệm vụ này đã được phân cho Song Bích, tuyệt đối không sai."
"Tốt!" Ngụy Vương nói ba chữ tốt liên tục, ông ta hưng phấn lắm, nói: "Cá đã mắc câu, tiếp theo chỉ cần đợi thu lưới thôi. Các ngươi phải theo dõi chùa Phổ Độ chặt chẽ vào, chắc chắn là ta sẽ làm cho hắn "có đi mà không có về'"!"
Thuộc hạ chắp tay đáp lời. Sự buồn bực đã tồn đọng trong lòng Ngụy Vương nhiều ngày qua bị quét sạch hết, hiếm khi nào ông ta cảm thấy tinh thần mình sảng khoái như thế.
Trong khoảng thời gian này, cô mẫu không ngừng tác hợp cho Võ gia và Lý gia, không chỉ ban hôn cho con cái ông ta mà còn gọi người hai nhà đến cùng một nơi. Người Lý gia quỳ một hàng, người Võ gia quỳ một hàng, ở trước mặt Nữ hoàng, họ đã phải thê rằng, sau này họ sẽ thân nhau như người một nhà, sẽ chung sống hòa thuận với nhau, sẽ không còn bám mãi vào những ân oán trước đó không buông nữa, nếu như vi phạm lời thề thì "trời tru đất diệt". Thậm chí là Nữ hoàng còn khắc lời thề lên Đan Thư Thiết Quyển [*], đặt ở nơi cao cao trong cung Đại Minh, dùng làm bằng chứng.
[*] Đan Thư Thiết Quyển (#“B#43): dân gian còn gọi là Miễn tử kim bài, thường do Hoàng đế ban cho các công thần hay hoàng thân quốc thích, được quyền miễn trừ truy tố. Từ hành động cho đến lời nói của Nữ hoàng như đang xác minh một sự thật rằng, bà ấy thật lòng muốn truyền lại hoàng vị cho Thái tử. Ngụy Vương không phục. Kết thông gia thì đã sao? Lập lời thê làm chứng thì đã sao? Đến khi Lý gia nắm được quyền lực trong tay, nếu họ muốn phá bỏ lời thề thì họ chỉ cần nói một câu mà thôi. Dù bà ấy có làm nhiều thứ hơn nữa để bảo đảm, thì làm gì có thứ nào hơn được chuyện người trong nhà mình đăng cơ cơ chứ?
Ngụy Vương không cam tâm, nhưng không dám công khai phản đối cô mẫu. Vậy nên ông ta cần phải nắm được một nhược điểm lớn của Lý gia, chứng minh rằng Lý gia luôn có ý đồ không tốt, và dùng việc này để thay đổi quyết tâm truyền vị cho Lý gia của cô mẫu.
Con cháu của Thái tử Chương Hoài chính là điểm đột phá tốt nhất.
Nếu như ông ta làm cho cô mẫu hiểu được rằng, trong bao nhiêu năm nay, con của Lý Hiền vẫn luôn sống dưới mí mắt bà ấy, thậm chí là còn có thần tử chẳng ngại vất vả mà giúp đỡ Lý Hiền giấu giếm, thì bà ấy sẽ nghĩ như thế nào đây? Bà ấy có tin Tương Vương hay không? Có còn tin rằng Công chúa Thái Bình hoàn toàn không hay biết gì hay không?
Thật ra, tin hay không tin thì cũng chẳng quan trọng gì, vì không có bất kỳ một người cầm quyền nào có thể khoan nhượng trước một chuyện như thế cả. Năm đó, khi Cao Tông còn tại thế, vì bệnh tật mà ông ấy không thể quản lý chuyện triều chính được, chỉ đành chia quyền lực cho Võ hậu và Thái tử. Nhưng cơ thể hoàng trưởng tử Lý Hoằng lại yếu ớt, còn qua đời sớm hơn cả Cao Tông, dưới sự đau buồn não nề, Cao Tông đã lập thứ tử Lý Hiền làm Thái tử.
Dung mạo Lý Hiền tuấn tú, cử chỉ trang nhã, từ nhỏ đã có tài danh, hiền danh. Sau khi ông ấy lên làm Thái tử thì rất quan tâm đến chính vụ, lại biết chiêu đãi hiền sĩ, yêu thương bách tính; trong việc thực thi hình pháp, ông ấy cũng xem xét và thẩm tra kỹ càng, đã giải quyết được không ít án oan tôn đọng. Bởi thế mà ông ấy có được sự ủng hộ từ rất nhiều thần tử, thậm chí là Cao Tông cũng hài lòng hạ chiếu, công khai khen ngợi Lý Hiền "thiện lương chính trực, là hy vọng của đất nước, xứng đáng với sự chờ mong của ta". Điều quan trọng nhất đó chính là, thân thể Lý Hiền vẫn còn khỏe mạnh. Ông ấy thừa hưởng tính tình độ lượng, ôn hòa từ phụ thân; cơ thể lại được truyền thừa sự khỏe mạnh, sống lâu của Võ gia; người thì giỏi văn giỏi võ, giỏi cưỡi ngựa, bắn tên, từ văn học cho đến âm luật đều hiểu, tỉnh thông mọi thứ. Từ những lẽ ấy, dẫu có nói rằng Lý Hiền là "người tình quốc dân" thì cũng chẳng hề quá lời một chút nào cả. Từ nam cho tới nữ, từ già cho đến trẻ, mỗi khi nhắc tới Thái tử, ai nấy đầu yêu thích không thôi.
Có một người như vậy phân quyền với Võ hậu, chắc chắn đây là tâm bệnh cực kỳ to lớn của Võ hậu. Thậm chí là ai cũng có thể dự đoán được rằng, sau khi Lý Hiền đăng cơ, việc triều chính sẽ không còn liên quan gì đến Võ hậu nữa. Tất nhiên là Võ hậu không cho phép điều ấy được xảy ra rồi. Và, vào cuối những năm Vĩnh Hy, bà ấy đã bỏ ra hết tâm tư và sức lực, phát động toàn bộ năng lực của mình, gán tội mưu phản cho Lý Hiền.
Vì để chứng minh sự trong sạch của mình, Lý Hiền đã tự vẫn ngay trong Đông cung. Và ông ấy đã trở thành "ánh trăng sáng”, trở thành "nốt chu sa" [*] của toàn thể thần tử trong triều. Cũng đã trôi qua nhiều năm như thế rồi, ấy vậy mà vẫn có người đau buồn bóp chặt cổ tay mình, ra sức bênh vực cho Lý Hiền.
[*] Từ nốt chu sa và ánh trăng sáng này nên được hiểu theo nghĩa rộng hơn, tức là không chỉ nói về người con gái khiến người ta nhớ sâu sắc, nhớ mãi không quên (nốt chu sa) và người con gái khiến người ta yêu thương hết lòng nhưng lại không thể ở bên cạnh người con gái ấy được (ánh trăng sáng). Mà ở đây đang nói về Thái tử Chương Hoài Lý Hiền, nên ta sẽ hiểu rằng người ta đang tỏ lòng tiếc nuối vô bờ vì ông không thể thuận lợi đăng cơ, để rồi trở thành một niềm tiếc nuối của các thần tử và toàn thể mọi người năm ấy đã theo dõi, chứng kiến vụ việc này.
Sau khi chết, Lý Hiền được Cao Tông truy phong là Thái tử Chương Hoài, Cao Tông sắc lập người con thứ ba là Lý Hiển làm Thái tử, không lâu sau đó, Cao Tông qua đời vì bệnh. Chuyện sau này thì mọi người đều đã biết rồi, trên Lý Hiển là hai vị huynh trưởng xuất sắc, ông ấy hoàn toàn không nghĩ tới việc tranh giành hoàng vị, từ nhỏ đã lớn lên trong phú quý an nhàn nên ông ấy chẳng mảy may quan tâm đến chuyện triều chính. Sau khi ông ấy đăng cơ, còn chưa kịp thi triển "quyền cước" nữa, mà chỉ trong một tháng, ông ấy đã bị Võ hậu phế bỏ, biếm làm Lư Lăng Vương, bị giam cầm hơn mười năm trời, và mãi cho đến năm nay mới được gọi về kinh thành, được sắc phong làm Thái tử lần thứ hai.
Lý Hiển đã hiểu sâu sắc thế nào là "cuộc đời đổi thay vô thường". Tuy vận mệnh vô thường là thế, nhưng lại chẳng hề nâng cao tố chất chính trị của ông ấy lên. Ông ấy vẫn là một Vương gia nhàn tản, nhút nhát, hèn yếu, hoàn toàn không thích hợp làm Thái tử. Các lão thân của Lý Đường, thậm chí là cả bách tính ngoài kia, không dưới một lần suy nghĩ rằng, nếu như Thái tử Chương Hoài còn sống thì tốt rồi, nào còn có đất cho Lý Hiển, Lý Đán nữa đâu? Thậm chí là, thế cục sẽ chẳng đi đến bước đường như ngày hôm nay.
Nhưng mà, dù có đặt nhiều giả thiết hơn thế nữa, thì Lý Hiền cũng đã chết rồi. Ngụy Vương từng chẳng Lý Hiền ra gì cả, với ông ta, Lý Hiền chỉ là một con ma đoản mệnh đã chết từ lâu mà thôi, dù danh vọng triều chính có cao hơn nữa thì cũng có tranh giành với ông ta được đâu? Nhưng bây giờ đã khác trước rồi, nhất là khi, Ngụy Vương biết rõ một sự thật rằng, khả năng con cái của Lý Hiền còn sống là vô cùng to lớn.
Nếu như là nữ nhi thì khá tốt, nếu như là nhỉ tử... Vậy thì có khác nào là một tia sấm giáng xuống chảo dầu đâu? Không chỉ "khiêu chiến" hoàng vị của Nữ hoàng, mà còn "khiêu chiến" trình tự kế vị của Thái tử, Tương Vương, vậy là có thể xoá bỏ hết tất cả mọi thứ được rồi.
Ngụy Vương vô cùng quan tâm đến chuyện này, bất kể đó là nam hay nữ thì đều là một "lưỡi dao' có lợi. Nếu như là nữ nhỉ, ông ta có thể dùng nó để ly gián tình cảm của Nữ hoàng và Thái tử, Tương Vương; nếu như là nhi tử, vậy thì ông ta có thể dùng nó để "tấn công" vào địa vị của Thái tử.
Thái tử Chương Hoài chính là người thừa kế mà đích thân Cao Tông tán thưởng. Về lý lẽ thì huyết mạch của ông ấy mới là lớn nhất, nếu nhi tử của Thái tử Chương Hoài còn sống, vậy thì hoàng vị nên được truyền lại cho cháu trai hay là thúc thúc?
Ngụy Vương đã không còn buồn bực như mấy ngày qua nữa, tinh thần ông ta phấn chấn, ông ta xoa tay bắt đầu tính toán đủ mọi kế sách. Song Bích đã vào tròng rồi, cái người không có mắt này đã làm hỏng chuyện tốt của ông ta mấy lần, vừa hay nhân dịp này tiễn hắn đi chết luôn đi. Ông ta cũng đã khoanh vùng được phạm vi huyết mạch còn sót lại của Thái tử Chương Hoài, chỉ cần tìm ra được người thật trong số ba người đó, thì quyền chủ động sẽ nằm trong tay Ngụy Vương ông ta đây.
Ngụy Vương tận tâm dặn dò thuộc hạ của mình rằng: "Hãy theo dõi chùa Phổ Độ thật sát sao. Nếu có kẻ khả nghỉ nào tới gần, không cần biết đó là nam hay nữ, là già hay trẻ, cứ bắt lấy kẻ ấy, thà giết nhầm còn hơn bỏ sót."
Gã thuộc hạ chắp tay nhận lệnh: "Tuân lệnh."
"Bên phía Tô gia và Minh gia thì thế nào? Các ngươi theo dõi đến đâu rồi?"
Trông gã thuộc hạ có vẻ khó xử: "Hồi bẩm Ngụy Vương, mỗi ngày nữ tử kia của Tô gia đều đi ra phố để mua đồ ăn, thường xuyên đi đến nơi đông người, rất khó để theo dõi. Cặp song sinh của Minh gia thì dễ theo dõi hơn nhiều, nhưng vị muội muội kia cả ngày sống phóng túng, nếu không mua đồ ăn thì cũng là mua đồ uống, chưa bao giờ thấy nàng ta làm chuyện gì nghiêm chỉnh; còn vị huynh trưởng vừa nhậm chức Thiếu doãn của phủ Kinh Triệu thì ngày nào cũng chạy tới chạy lui khắp rừng hoang núi vắng, hắn ở ngoài thành cả một ngày, các huynh đệ theo dõi khổ không thể tả, cũng không phát hiện ra được manh mối gì."
Ngụy Vương nheo mắt lại, ông ta chậm rãi nói rằng: "Suýt thì ta quên mất, Minh Hoa Chương chính là Kinh Triệu Thiếu doãn, vụ án giết người liên hoàn này là do hắn phụ trách. Tăng thêm người đến chùa Phổ Độ, vừa theo dõi Minh Hoa Chương, vừa có thể chờ đợi để "quăng lưới" thu Song Bích, một công đôi việc."
Gã thuộc hạ cúi đầu, chắp tay vào nhau và đáp: "Vâng"...
Mặt trời vừa nhô lên giữa bầu trời, bấy giờ trong không khí mới có thêm được chút hơi ấm, mà bọn nha dịch thì đã ở đây đợi được một canh giờ rồi. Nha dịch đều không ngừng kêu khổ, kể từ khi đổi Thiếu doãn cho đến nay, bọn họ đã bị người này giày vò không ít lần. Mấy ngày trước họ phải chạy đi khắp nơi cùng với Thiếu doãn, còn hôm nay thì hay rồi, chỉ vì muốn tái hiện lại hiện trường án mạng xảy ra vào bốn năm trước, mà từ sáng sớm họ đã bị kéo ra ngoại thành rồi.
Người ta đã chết được bốn năm trời rồi, tái hiện lại thì có ích lợi gì đâu? Vốn dĩ đám nha dịch đã bất mãn vì bị gọi dậy sớm rồi, mà bây giờ còn bị "đông lạnh" trong không khí tận một canh giờ, tiếng oán than sớm đã vang dội khắp trời đất, chẳng ai bằng lòng góp sức.
Những vị quan này trông có vẻ thấp hèn, nhưng bọn họ đã ở phủ Kinh Triệu nhiều năm lắm rồi, đã gặp đủ loại quan hệ rắc rối phức tạp, so ra thì Thiếu doãn Minh Hoa Chương này có vẻ "nhiều năng lượng" hơn hẳn họ. Minh Hoa Chương không chỉ huy nổi đám người lõi đời này, hắn bèn dứt khoát không trông mong gì vào bọn họ nữa, đành tự làm hết mọi sự, rồi dẫn người vào tái hiện lại tình hình hiện trường lúc chủ tớ Hoàng Thái Vi được phát hiện ra vào bốn năm trước.
Hắn đang loay hoay, bận rộn đến độ "sứt đầu mẻ trán", chợt, hắn nghe thấy bên ngoài truyền đến những thanh âm huyên náo. Bấy giờ, Minh Hoa Chương thoát ra khỏi các tình tiết trong vụ án, có phần không vui: "Quan phủ phá án, người không phận sự miễn vào, chẳng phải đã bảo bọn họ phong tỏa vùng này rồi à? Sao vẫn còn có người đến đây thế hả?"
Nha dịch chạy đi hỏi, một lúc sau lại vội vã chạy về: "Thiếu doãn đại nhân, bọn họ nói là muội muội của ngài đến."
Hai hàng lông mày của Minh Hoa Chương giật nảy liên hồi, ánh mắt hắn chợt thay đổi, hắn hỏi: "Muội muội ta?"
Tác giả nói:
Minh Hoa Thường: Vì quá là lười biếng nên người theo dõi cũng không thể nhìn nổi nữa.
Bạn cần đăng nhập để bình luận