Bị Tiểu Tam Hãm Hại, Ta Trọng Sinh Về Cổ Đại

Chương 684



Nói cách khác ngân phiếu mệnh giá bao nhiêu, trong ngân hiệu Đại Thành sẽ có bấy nhiêu bạc. Mặc dù không được thuận tiện như tiền giấy ở xã hội hiện đại nhưng lại càng làm người ta yên tâm, tuyệt đối không xuất hiện hiện tượng đồng tiền mất giá hay nguy cơ lạm phát.
Hơn nữa cái gọi là các cửa hàng lớn đều chấp nhận ngân phiếu cũng không đúng lắm, vẫn có cái hạn chế của nó. Thực tế các cửa hàng lớn trong phủ thành thường cũng chỉ chấp nhận ngân phiếu do chi nhánh của ngân hiệu Đại Thành ở phủ Liêu Đông cấp, sang phủ khác tiêu dùng thì không thể được nữa.
Dù vậy cũng đã tiện lợi hơn so với ngân lượng cũ rất nhiều.
Đối với xã hội nông nghiệp như hiện tại mà nói, ngân phiếu vừa tiện lợi vừa an toàn, bảo đảm, Liên Mạn Nhi cũng rất hài lòng. Ngân phiếu của ngân hiệu Đại Thành được lưu thông trên toàn quốc, chuyện này đối với dự định mở chi nhánh tửu lâu vịt nướng trên toàn quốc của Liên Mạn Nhi có ý nghĩa rất lớn.
Dĩ nhiên đây là những chuyện nói sau.
Mọi người hỏi Ngũ Lang tình hình ở phủ thành xong lại nói tới chuyện trong nhà mấy ngày này.
Liên Mạn Nhi cười với Ngũ Lang sau đó nhỏ giọng kể: “Cha phát giận ở nhà cũ đó ca…Vậy mà có tác dụng. Những ngày qua, người nhà cũ bên kia đàng hoàng không ít.”
“Sớm nên như vậy.” Ngũ Lang thấp giọng nói.
“Có ai nói không phải chứ.” Liên Mạn Nhi gật đầu.
Liên Thủ Tín sinh ra và trưởng thành trong hoàn cảnh đặc thù như vậy muốn hắn hoàn toàn thay đổi cũng không phải chuyện dễ dàng. Hơn nữa cũng cần phải có cơ duyên xảo hợp. Nếu như hôm nay không phải gia nghiệp lớn, Liên Thủ Tín có cơ hội ra ngoài bôn ba nhiều, đại khai nhãn giới, có khi cả đời cũng không thay đổi được như hiện tại.
Liên Mạn Nhi nói với Ngũ Lang: “Những ngày qua bọn muội cố ý lạnh nhạt với bên kia. Chỉ e bọn họ thấy chúng ta đối đãi với họ tốt, họ lại nảy sinh ý nghĩ gì khác. Ca ca, ca về lần này cũng không cần đi thăm họ ân cần như quá khứ. Cứ theo quy củ thông thường của nhà nông là được rồi, tránh cho được cung kính quá sinh bệnh.”
Ngũ Lang gật đầu: “Cũng được.”
Trương thị nghe thấy hai huynh muội nói chuyện thì cảm khái nói: “Đây gọi là có phúc mà không biết hưởng, cứ phải hành hạ thành như vậy mới bằng lòng yên tĩnh. Mẹ vốn là người mềm lòng. Nhiều khi nhìn hai lão nhân đã lớn tuổi rồi còn chịu liên lụy từ đám con cháu, ăn cũng không được ăn, uống cũng không được uống. Chúng ta cũng chẳng thiếu những thứ đó, phàm là thứ gì cũng nghĩ đến phải đưa qua đó một ít. Nhưng những thứ này đưa qua, với người đó lại thành một ý nghĩa khác. Chọn xương trong trứng còn không nói, người ta lại còn cảm thấy chúng ta dễ chèn ép. Quả thật là vừa làm người ta thương tiếc vừa thấy bất lực không làm gì được.”
Liên Mạn Nhi nói: “Đành mặc kệ bọn họ đi.”
Trương thị tiến lại gần Liên Mạn Nhi và Ngũ Lang, quay sang liếc nhìn Liên Thủ Tín một cái, thấy hắn đang nói chuyện với Tiểu Thất không chú ý bên này mới nhỏ giọng nói: “Bên ngoài có người nói bọn họ làm chuyện có lỗi với chúng ta, không có mệnh hưởng thụ đồ dùng chúng ta đưa đến. Rồi nói bà suốt ngày ầm ĩ là do quỷ thần xúi giục.”
Liên Mạn Nhi câm lặng luôn. Cái niên đại này chính là như vậy, đối với một số chuyện không thể giải thích theo lẽ thường thì tất cả mọi người đều đổ cho thần lực của quỷ thần.
Trương thị lại thấp giọng thần thần bí bí nói: “Không thì lại nói, an nhàn hưởng phúc bà không chịu, bà lại còn gây chuyện cái gì? Giống như nhà lão Võ kia. Chỉ cần trong nhà có nhiều lương thực một chút hoặc thuận lợi kiếm được ít tiền thì Võ thái thái, là bà vợ lão Võ đó, bệnh lên bệnh xuống một trận, đến khi khỏi bệnh rồi thì còn cắc bạc nào nữa đâu. Mọi người ai cũng nói hai bà này bị quỷ nhập hồn người sống phá nhà.”
Liên Mạn Nhi cùng Ngũ Lang chỉ có thể nhịn cười.
Trương thị nghiêm túc nói: “Hai đứa con nít con nôi các con, cười cái gì mà cười. Nói cho các con biết các con còn không tin. Cho nên, làm người phải có thiện tâm. Ở hiền thì mới gặp lành. Đối với mình cũng tốt, đối với đời sau cũng tốt.”
Liên Mạn Nhi liền nói: “Mẹ, mẹ nói đúng lắm.”
Liên Mạn Nhi cũng lập chí làm người tốt nhưng nàng muốn làm một người tốt thông minh.
Nắng nóng dần lui, vịt con Hợp Phố cũng lục tục tách vỏ chui ra, từng con từng con khoác trên mình lông tơ vàng nhạt tròn tròn mập mập trông vô cùng đáng yêu. Vợ chồng Đại Quý cũng không khoác lác, ở phương diện này hai vợ chồng quả thật mát tay. Tỷ lệ vịt ấp thành công tới hơn tám mươi phần trăm.
Chờ vịt con nở hết, Liên Mạn Nhi lập tức thưởng cho hai người một xấp vải và hai xâu tiền, cũng nói cho bọn họ biết nếu nuôi vịt con tốt, cuối năm trừ tiền công nàng sẽ thưởng thêm thật hậu hĩnh.
Vợ chồng Đại Quý tuy có tay nghề ấp trứng nhưng từ trước đến giờ chưa bao giờ nhờ vậy mà kiếm được tiền, nói gì đến trọng thưởng, hơn nữa sau này có thể kiếm nhiều hơn. Hai vợ chồng vô cùng mừng rỡ đều đồng thanh cảm ơn Liên Mạn Nhi, vỗ n.g.ự.c đảm bảo nhất định sẽ nuôi dưỡng đàn vịt này thật tốt.
Liên Mạn Nhi đặc biệt chọn một khu đất trống dựng chuồng vịt, phân công hai vợ chồng Đại Quý chăm sóc. Đây đều là những con vịt đắt tiền vậy nên yêu cầu hai người hàng ngày giữ vệ sinh chuồng vịt sạch sẽ, mỗi ngày đúng giờ quét dọn mấy lần không khác gì phòng người ở. Liên Mạn Nhi còn tìm Vương Ấu Hằng xin vài phương thuốc thảo dược đơn giản đến tiêu độc khử trùng. Những thứ này cũng là để vịt con lớn lên khỏe mạnh, đồng thời đề phòng ôn dịch bệnh tật.
Thức ăn cho vịt con cũng khác với vịt lớn. Liên Mạn Nhi muốn nghiên cứu thức ăn bồi dưỡng thêm cho vịt. Nàng nhớ vịt con mới sinh ra trong bốn mươi lăm ngày đầu tiên cần phải ăn thêm thức ăn gia súc, phải tỉ mỉ cho ăn, chăm sóc hơn những con vịt đã trưởng thành. Qua bốn mươi lăm ngày sau mới có thể chăn thả bình thường. Liên Mạn Nhi nhớ trong kiếp trước là như vậy, nàng liền hỏi qua ý kiến Trương thị và vợ chồng Đại Quý.
Trương Thị và vợ chồng Đại Quý đều thừa nhận, quả thật sau khi vịt con ấp ra có chừng một tháng rưỡi lớn rất nhanh, sau đó vịt con dần ăn ít đi, lớn cũng chậm hơn. Điều này vừa khớp với số liệu của Liên Mạn Nhi khiến cho Liên Mạn Nhi càng thêm yên tâm.
Cuối hạ đầu thu, trước mùa thu hoạch, người nông dân có khoảng thời gian nhàn rỗi. Lúc này hoa màu đã gần như chín hết rồi, khắp nơi đều được bao phủ bởi cảnh tượng mùa màng sung túc. Một hôm khi cả nhà vừa ăn cơm xong, Trương thị nói đến chuyện thôn trang La gia đã mua gần một năm, cũng gần đến lúc thu hoạch rồi mà nàng chưa được đi xem một lần nào.
Liên Mạn Nhi cười nói: “Chuyện đó thì đơn giản thôi. Ngày mai chúng ta đi xem là được mà.”
Liên Thủ Tín cũng cười nói: “Vậy thì đi xem một lần đi.”
Ngày hôm sau, cả nhà thức dậy ăn điểm tâm từ sớm, ngoài sân xe cộ đã chuẩn bị tươm tất. Trương thị, Liên Mạn Nhi, Liên Chi Nhi ngồi xe ngựa. Tiểu Hỉ, Tiểu Khánh cùng vài nha đầu, bà tử khác ngồi một xe. Liên Thủ Tín, Ngũ Lang, Lỗ tiên sinh, Tiểu Thất mỗi người cưỡi một con la, tiền hô hậu ủng dẫn theo mấy gia đinh thẳng tiến La gia thôn.
La gia thôn cách Tam Thập Lý Doanh Tử khoảng mười dặm đường. Xe ngựa chầm chậm lăn bánh, vừa đi vừa ngắm cảnh ven đường, chẳng mấy chốc đã đến La gia thôn. Ngũ Lang đi trước dẫn mọi người đi thăm thú điền trang. Mấy trăm mẫu đất đều được bao phủ bởi cảnh tượng hoa màu bội thu ngút ngàn khiến Trương thị vui mừng đến rơi lệ.
Trương thị là nữ nhân nên trời sinh ra đã có thiên tính yêu thích quần áo, trang sức xinh đẹp. Nhưng trong xương tủy Trương thị vẫn là một nông dân. Truyền thống ngàn đời của tổ tông truyền xuống đó là lòng nhiệt tình, quý trọng đối với đất đai và lương thực đã ngấm sâu vào m.á.u thịt Trương thị. Vậy nên so với quần áo, trang sức thì đất đai, lương thực, hoa màu càng dễ dàng chạm đến đáy lòng Trương thị hơn.
Bởi vì những thứ này tượng trưng cho cuộc sống giàu có, sung túc, con cháu sung túc vui vầy.
Liên Mạn Nhi ngồi cạnh thấy Trương thị xúc động, nàng cảm nhận được mình cũng có cảm tình với đất đai lương thực. Nàng yêu từng nhành cây ngọn cỏ nơi đây, thậm chí còn vượt qua cả ham thích với châu báu, lụa là. Ở đây, nàng cảm nhận được sự yên bình cũng như sức sống tràn trề mãnh liệt của ruộng đồng bao la bát ngát.
Cho nên nàng càng khẳng định, nàng không phải thương nhân, không phải tiểu thư khuê các nhà quyền quý, Liên Mạn Nhi nàng là một địa chủ, địa chủ từ trong xương tủy. Như vậy rất tốt, thật sự rất tốt, Liên Mạn Nhi nghĩ.
Đến gần thôn trang, mọi người nhận được tin tức đã sớm chạy ra nghênh đón người một nhà vào trong trang viện.
Trang viện bình thường đều có trang đầu cho người quản lý vì vậy thu dọn rất sạch sẽ. Mọi người tới chính sảnh ở tiền viện. Ngồi một lúc, Ngũ Lang và Liên Thủ Tín cho mời trang đầu cùng vài hộ nông dân tới nói chuyện. Lỗ tiên sinh cùng Tiểu Thất cũng ở lại chính sảnh. Trương thị, Liên Chi Nhi, Liên Mạn Nhi tới hậu viện nghỉ ngơi.
Trang đầu La gia trang này họ La, chuyên trông coi ruộng đồng trong thôn trang. Vợ La trang đầu họ Vương, chủ yếu trong coi sự vụ trong trang viện. La trang đầu ở chính sảnh nói chuyện với đám người Liên Thủ Tín. La Vương thị theo mẹ con Trương thị tới hậu viện.
Mấy mẹ con vừa ngồi xuống, La Vương thị đã hết sức ân cần, bận rộn thu xếp trà nước, trái cây tươi mới.
Trương thị nói với La Vương thị: “Thẩm cứ ngồi xuống nói chuyện với ta đi. Những chuyện này để cho bọn nha đầu thu xếp được rồi.”
Hôm nay đi theo hầu hạ chỉ có Tiểu Hỉ và Tiểu Khánh. Tiểu Hỉ không quen thuộc điền trang nhưng Tiểu Khánh thì lại rất thân thuộc. Tiểu Khánh lớn lên ở thôn trang này, vợ chồng La trang đầu là cha mẹ nàng.
Vợ chồng La trang đầu sinh hai trai hai gái. Con trai trưởng đã mười bảy mười tám tuổi, hiện đang giúp đỡ La trang đầu làm việc trong thôn trang. Đứa con gái nhỏ nhất thì mới mấy tuổi vẫn nuôi dưỡng bên người. Còn lại một trai một gái được Liên Mạn Nhi chọn trúng. Con trai thì theo làm gã sai vặt cho Ngũ Lang, con gái chính là Tiểu Khánh theo hầu hạ Liên Mạn Nhi.
Bản thân được trọng dụng, con trai con gái cũng là người hầu đắc lực cho chủ nhân, vợ chồng La trang đầu có thể nói càng thêm nhiệt tình mười phần, một lòng một dạ trung thành.
Trương thị cùng La Vương thị nói chuyện, Tiểu Hỉ cùng Tiểu Khánh bưng trà, trái cây ra. Lá trà là Liên Mạn Nhi mang từ nhà đi, dùng nước ở đây để pha thành. Hoa quả thì đều là thổ sản của điền trang. Có trái cà dại đen màu tím đen, có quả táo hồng chín mọng, còn có trái tầm bóp vàng chanh mọng nước, bên cạnh còn một khay tiên mao hạp vỏ mềm mềm, bên trong nhân mao hạp căng mọng nước.
*Cà dại đen (Solanum nigrum): tên dân gian là cây g.i.ế.c chó, lu lu đực, thù lù đực, cây nút áo.
*Trái tầm bóp (Physalis angulata): còn gọi là trái ***g đèn, trái thù lù canh, trái bôm bốp.
Liên Mạn Nhi nhìn thấy thì thích ý, cảm thấy so với bất kỳ loại nào mua ở trấn trên cũng không bằng.
Tính tình Tiểu Khánh cũng giống như La Vương thị, vị thẩm thẩm này nói chuyện lưu loát, chỉ kể mấy chuyện trong điền trang đã chọc Trương thị cười không dứt. Trong nhà đang nói chuyện phiếm thì có người từ ngoài vào bẩm báo:
“La Tiểu Yến nhà La gia ở đầu thôn đông tới xin gặp.”
Bạn cần đăng nhập để bình luận