Hán Hương
Q1 - Chương 011: Ngoài kia là thiên hạ của người Hán. (2)
Khi Thái Tể tỉnh lại thì mặt mặt trời đã sắp lặn, Vân Lang mặc một thứ quần áo kỳ quái đưa cơm cho ông ta, ông ta vừa ăn vừa xem Vân Lang dọn dẹp căn nhà đá bừa bộn.
“ Vì sao ngươi không hỏi sao ta về muộn?” Thái Tể đặt bát cơm xuống suy tư:
Vân Lang bê cái bàn cát tới, ở trước mặt ông ta dùng ba kiểu chữ viết "Thủy hoàng đế", ông ta liền quên câu hỏi vừa rồi, kiểm tra bài tập của y, chỉ cho vài chỗ chưa đúng, rồi lại tiếp tục dạy y viết chữ.
Theo thông lệ ngày hai bữa, trời tối Thái Tể dừng dạy học, ho khù khụ ra ngoài, nhìn ráng chiều sót lại mà ngây người.
“ Gia gia ở đây bao lâu rồi?”
Thái Tể cười nhẹ:” Cả đời.”
“ Gia gia không muốn ra ngoài xem à?”
“ Không, bên ngoài là thiên hạ của nước Hán, không có chỗ cắm dùi cho người Tần ta.”
“ Không tiếc sao?”
“ Người Tần một lời đáng nghìn vàng, không chết không quay gót.”
Vân Lang nghĩ một lúc nói:” Ở đây tốt, chỉ cần vui là đất lành.”
“ Không từ thủ đoạn chẳng phải hảo hán, không đổi chí lớn mới là đại trượng phu. Vân Lang, nhớ lấy, con người một khi giỏi quyền biến thì không thể kiên trì nguyên tắc được.”
Vân Lang gật đầu, y cũng không muốn hỏi Thái Tể dùng cả đời canh mộ cho người chết có đáng hay không? Dù người đó có là Tần Thủy Hoàng đi chăng nữa.
Đó chỉ là suy nghĩ của y thôi, Thái Tể coi sự kiên trì này là một loại vinh dự.
Điều ấy phù hợp với giá trị quan của người thời đại này, giống như điển cố Bá Di và Thúc Tề không ăn thóc lúa nhà Chu, như năm trăm tráng sĩ Điền Hoành cố thủ hoang đảo, cuối cùng tự tận mà chết, như sự trung trinh tàn nhẫn của cô nhi Triệu thị, là thứ mà người như Thái Tể hướng tới.
Trong suốt thời gian không thể động đậy, Vân Lang đã suy nghĩ rất nhiều, từ thân phận Thái Tể bộc lộ ra, từ cái đồi đất xanh ngắt đối diện với căn nhà đá, nếu như y không đoán ra đó là lăng của Tần Thủy Hoàng thì quá ngu xuẩn rồi.
Mặt nam dựa núi, hai mé đông tây và phía bắt tạo thành thế ba mặt bao quanh nước "y sơn hoàn thủy" chính là đặc trưng chính của lăng mộ Tần Thủy Hoàng.
Y đang ngầm đánh giá Thái Tề, đoán chừng ông ta cũng đang đánh giá mình, một người chưa quen biết bao lâu, hẳn ông ta sẽ không quá tin tưởng.
Cho tới tận bây giờ Vân Lang vẫn nghi ngờ, từ ngày đầu tiên mình xuất hiện trên thế giới này là Thái Tề đã biết tới sự tồn tại của mình.
Nếu không làm sao mà một người không thể cử động như mình lại có thể tồn tại ở nơi hoang dã tới ba ngày.
Từ nhỏ tới lớn, Vân Lang chưa bao giờ có cái gì gọi là vận may, bởi thế, y chưa bao giờ tin vào sự trùng hợp. Thái Tể có thể giết một người vì bộ quần áo mà không có chút gánh nặng tâm lý nào, rất có thể xung quanh đây có rất nhiều người, nếu như ông ta muốn thì hẳn không thiếu Thái Tể đời thứ năm.
Trừ khi sự xuất hiện của mình vô cùng hoành tráng, tới mức Thái Tể không cách nào lý giải được, mà ở cái thời rất thiếu nhận thức về thế giới này, họ thường quy những chuyện khó giải thích cho quỷ thần.
Thái Tể lúc này đang ngồi ngây trên đài gỗ ở trên vách núi, ngây ra nhìn cái đồi đất xanh um, không rõ có phải đang tưởng nhớ tới vương của mình không?
Vân Lang không có vương để tưởng nhớ, cho nên y đành chơi với cái móng lớn của con hổ … Thực ra cái này hay lắm nhé, móng của nó không cứng rắn kiểu cơ bắp, mà mềm nhũn, nhất là mấy miếng đệm thịt ở dưới chân, ấn một cái là vuốt liền bật ra ngoài.
Cái mồm to tướng gác lên đầu Vân Lang, thi thoảng nó há mồm ra ngáp, như muốn ngoạm cái đầu y, mồm nó sạch lắm, không có mùi vị lạ, Vân Lang từ khi hai tay tự do hoạt động, còn dùng nước sạch rửa miệng cho nó, kỳ thực đó cũng giống như hành vi lấy lòng vậy, mặc dù sợ chết khiếp đi được, nhưng y vẫn làm.
May là con hổ này có vẻ quen tiếp xúc với con người, thêm vào tự do chứ không bị nuôi nhốt như hổ ở rạp xiếc nên tính nó cũng khá thuần, như thế Vân Lang suy đoán, trừ khi là thứ có tính uy hiếp với nó, hoặc là khi nó đói bụng, nếu không mình chắc là an toàn thôi, không cần nơm nớp lo sợ ngày nào đó nó lên cơn tợp cho một phát.
Cái con hươu cái kia vì quanh quẩn ở bên Vân Lang nên dần dần không sợ con hổ nữa, nằm ngay bên cạnh con hổ, thật kỳ lạ. Vân Lang không khỏi sinh ra ý nghĩ, hay nó giống mình, bụng lo thon thót nhưng mà cố làm ra vẻ bình thản? Y bị chính ý nghĩ kỳ lạ của mình làm bật cười, nó mà khôn như thế thì lúc này nên chạy ngay đi mới phải.
Tiếng ho của Thái Tể truyền đi rất xa trong đêm tối, vô cùng bi tráng, ho mà cũng thành bi tráng, chắc trên đời này chỉ mỗi mình ông ta thôi.
“ Mai cháu theo gia gia đi tuần núi được không?” Vân Lang rốt cuộc vẫn còn trẻ, không nhịn được lên tiếng trước:
Thái Tể quay đầu lại, đôi mắt sáng như sao: “ Không cần, sao lại muốn đi tuần cùng ta?”
Vân Lang khoác tấm da lên người ông ta: “ Sợ gia gia không về.”
Thái Tể lần nữa thần người ra nhìn ngọn đồi đất, lắc đầu: “ Không cần đâu, chưa tới mức đó, đợi khi nào ta không được tích sự nữa, sẽ giao nhiệm vụ tuần sơn cho ngươi, bây giờ chưa cần. Sinh tử, chuyện nhỏ mà thôi.”
Vân Lang quay lại nằm bên cổ con hổ, nghịch móng của nó: “ Gia gia thuần phục nó thế nào, nó có tên không?”
“ Hổ là hổ, cần gì tên, ta nhặt nó về khi nó còn nhỏ, lớn lên nó theo ta đi tuần.” Thái Tể rất dửng dưng:
Quả nhiên thế, nó chắc chắn phải quen mùi người từ nhỏ nên mới thuần thế này: “ Gia gia, lông trắng trên đầu nó giống chữ vương, gọi nó là Đại Vương nhé?”
“ Đại vương?” Thái Tể hồi lâu mới lẩm bẩm: “ Nó vốn là vương của muông thú, gọi là Đại Vương cũng được.”
Vân Lang như không thấy ánh mắt biến hóa của Thái Tể, thân mật cọ đầu vào đầu hổ: “ Đại Vương, Đại Vương.”
Con hổ chẳng có phản ứng gì với cái tên mới này, nhưng Thái Tể siết chặt nắm đấm.
“ Gia gia, kiếm cho cháu một thanh đao sắt được không?” Vân Lang hôm nay rất tích cực bắt chuyện:
“ Đao sắt mềm lắm, ngươi có đao đồng rồi mà?”
Đao sắt mềm à? Lần đầu tiên Vân Lang nghe thấy luận điệu kỳ lạ này, công nghệ luyện sắt thời này tệ tới mức nào chứ? Vân Lang dĩ nhiên hiểu đồ sắt tốt hơn đồ đồng rất nhiều, lục lọi kiến thức tạm nham trong đầu, quyết định muốn thử một phen: “ Quê cháu toàn dùng đao sắt, sắc lắm, nếu gia gia kiếm cho cháu một cái đe sắt, một cái búa sắt, cháu làm ra được cái đao sắt thật sắc.”
Chẳng ai đáp lại.
Đó là cuộc nói chuyện tẻ nhạt kém sôi nổi nhất mà Vân Lang từng thấy, khi y đã từ bỏ rồi thì Thái Tể đột nhiên mới nói: “ Để ta tìm, không biết có không.”
(*) Bá Di và Thúc tề là hai anh em, Bá Di, Thúc Tề nghe tiếng Tây Bá hầu Cơ Xương là người trọng đãi hiền sĩ, anh em Bá Di tìm đến. Nhưng khi hai người đến nơi thì Cơ Xương đã qua đời, con là Cơ Phát lên thay, mang quân đánh vua Trụ tàn bạo. Bá Di, Thúc tề ghìm cương ngựa can, cho đó là việc làm bất nhân. Sai khi Cơ Phát diệt Trụ Vương dựng nghiệp nhà Chu, Bá Di và Thúc Tề lấy việc nước mất làm xấu hổ mới bỏ đi ở ẩn, hái rau vi mà ăn chứ không ăn thóc nhà Chu. Cả hai người đều chịu chết đói trên núi Thú Dương. (Sử ký quyển 61, Thông Chí quyển 177...)
Bạn cần đăng nhập để bình luận