Âm Phủ Thần Thám
Chương 4: Đề hình quan Tống Từ
Một giờ sau, hai ông cháu về đến nhà, ông nội pha cốc trà gừng, nhấp một ngụm rồi nói: "Dương nhi, chắc con rất thắc mắc, tổ tiên Tống gia chúng ta rõ ràng là có liên quan tới nghề Ngỗ Tác, thế nhưng lại răn đe hậu thế không được làm nghề này đúng không? Chuyện này là có nguyên nhân sâu xa."
Thời Nam Tống, có một vị quan Đề hình nổi tiếng, tên gọi Tống Từ. Vị này xử án như thần, thiên hạ hiếm thấy.
Trong thời gian đảm nhiệm chức cai ngục, đã phá được toàn bộ án oan sai, án không đầu không cuối ở địa phương, bắt hơn hai trăm hung thủ; sau chuyện này không có ai kêu oan.
Mặc dù Tống Từ lợi hại, nhưng ngài cảm thấy bản thân chỉ một mình, sức lực có hạn, còn rất nhiều viên quan địa phương, xử án mà không tham khảo Ngỗ Tác, chỉ dựa vào ép cung, nên hay vu oan giá họa cho người dân lành, xem mạng người như cỏ rác. Cái này gọi là: "Một giọt mực trên bàn, dân chúng ngàn giọt máu."
Vì vậy, Tống Từ đem tâm đắc cả đời nghiệm thi, toàn bộ viết nên cuốn "Tẩy oan tạp lục", tác phẩm tiên phong trong lĩnh vực pháp y, đi trước phương Tây mấy trăm năm, nên ngài được cả thế giới công nhận là ông tổ ngành Pháp y.
Kể từ đời Tống Từ về sau, con cháu Tống gia đều đảm nhiệm chức vụ trong Hình Bộ của Đại Lý Tự, xử án vô số, dựa vào bộ "Tẩy oan tạp lục" mà đúc kết, thêm thắt viết thành cuốn "Thần thiên xử án".
Như đã nói, con cháu của Tống Từ đều nắm giữ gia truyền xử án này, cho nên gây thù chuốc oán với rất nhiều ác nhân, thường bị chúng tìm cách hạ độc thủ. Mặt khác, người có tuyệt kỹ này lại dễ bị lợi dụng. Thời nhà Minh, người họ Tống phụng mệnh điều tra loạt án ly kỳ "Cửu vĩ ly miêu", kết quả lại dính dáng tới tranh giành ngai vàng, trở thành con tốt thí, suýt nữa thì bị tru di cửu tộc.
Sau đó, có một người trong dòng họ, tinh thông số mệnh phát hiện, có lẽ bởi vì người nhà họ Tống nắm giữ bộ kiến thức quá tinh thâm, phát hiện quá nhiều bí mật, khiến quỷ thần đố kỵ, cho nên người nhà họ Tống hễ làm quan, làm Bộ Khoái, làm Ngỗ Tác, nhất định sẽ chết không được tử tế. Bởi vậy mà lập ra quy củ "Không quan không sĩ, bo bo giữ mình", hi vọng hương hỏa của Tống gia mãi mãi trường tồn.
Sau khi nghe ông nội kể, tôi có chút ủ rũ, lại có phần không phục: "Nhưng chẳng phải chính ông cũng giúp cảnh sát phá án sao?"
Ông nội thở dài: "Năm đó còn trẻ, ta cũng nông nổi như con, thích phá án. Trước giải phóng từng làm công an, phá mấy vụ đại án khiếp sợ cả nước. Không ngờ tai họa ập tới rất nhanh, có người vu cáo ta, tuyệt học nghiệm thi là mê tín dị đoan, kết quả là bị đưa đi ngủ chuồng ngựa, chăn ngựa suốt ba năm. Ba năm đó, ta luôn phải lo lắng đề phòng, nếu không phải là được phúc thẩm án oan, ta đã tự vẫn rồi."
Nói tới đây, ông lại nhấp một ngụm trà: "Cứng quá thì dễ gãy, nhu mới trường tồn. Ta chỉ mới thi triển mấy chiêu nhỏ đã mang lại tai họa lớn như vậy, cuối cùng mới thấy lời tổ tiên là có đạo lý. Sau đó ta nhất quyết trốn ở nhà, nhưng có lẽ đã nổi tiếng bên ngoài nên muốn tránh cũng không thể tránh. Mỗi năm luôn có người tới mời ta hạ sơn, không phải ta không muốn đi, mà thực sự là không thể. Cuối cùng dùng phương pháp này để hợp tác với bọn họ. Vốn nghĩ tới đời của con, Tống gia sẽ có thể sống bình an, ai ngờ hôm nay con lại thể hiện tài năng trước mặt Tôn Lão Hổ, thật là tạo hóa trêu ngươi, đây là kiếp số của Tống gia, cũng là sứ mệnh của Tống gia."
Ông nội nói câu này làm tôi rất phân vân, đây là ông hi vọng sau này tôi làm Ngỗ Tác, đồng thời lại không hi vọng tôi làm Ngỗ Tác.
Ông nói tiếp: "Dương nhi, con coi như đã hoàn thành thử thách, bắt đầu từ hôm nay, ta sẽ dốc hết sở học truyền cho con, con có muốn học không?"
Nghe câu này, tôi lập tức kích động: "Đương nhiên là con muốn."
"Đừng nghĩ xa quá." Ông nói: "Ta muốn dạy con, là bởi vì sợ con dựa vào hai cuốn tuyệt học, mà phô trương, giống như đứa trẻ lên ba có trong tay bảo kiếm bén nhọn, chơi đùa trước mặt kẻ thù, sẽ vô cùng nguy hiểm. Thực chất tinh hoa của Tống gia, con chỉ nắm được chưa tới 10%. Ta không hi vọng con chết sớm, nhưng ta già rồi, cũng không thể quản con cả đời, việc duy nhất có thể làm, là truyền 'chiêu thức' sử dụng bảo kiếm này cho con, để sau này con có thể một mình độc bước."
"Hơn nữa, nghiệm thi tuyệt học là một bảo tàng mà tổ tiên để lại, nếu đoạn tuyệt trong tay ta, thì tội của ta rất lớn, xuống suối vàng cũng chẳng có mặt mũi nào gặp liệt tổ liệt tông. Nếu Tống gia có người nối nghiệp, ta chết cũng có thể nhắm mắt."
Không biết có phải ảo giác hay không, nghe ông nói tới 'chết cũng nhắm mắt', đột nhiên lòng tôi dấy lên một dự cảm bất an, nghe như đó là trăn trối của ông nội vậy.
Tôi cố xua ý nghĩ này, gật đầu với ông.
Từ đó tới lớn, chỉ cần có thời gian rảnh là tôi theo ông nội học cách nghiệm thi thế nào, xử lý hiện trường phạm tội ra sao, chi tiết trong đó khó mà kể hết thành lời được. Dĩ nhiên tôi cũng nếm không ít khổ sở, nhưng dù thất bại bao lần, tôi đều cắn răng kiên trì, giống như một miếng bọt biển hút nước, tham lam mà thẩm thấu hết những kiến thức quý báu.
Chớp mắt đã ba năm trôi qua, thành tích tốt nghiệp của tôi không khả quan lắm, tôi muốn đăng ký vào trường đại học Bách Khoa, nhưng dự tính thiếu rất nhiều điểm. Ông nội bảo tôi cứ điền nguyện vọng vào đi, đảm bảo con sẽ đỗ.
Tôi tin tưởng vào quan hệ thông thiên của ông nội, việc thêm chỉ tiêu tuyển sinh chỉ là chuyện nhỏ, nên đã tự tin đăng ký.
Cô tôi thì muốn tôi học chuyên ngành kinh tế, sau này có thể giúp cô làm ăn. Nói thật, tôi là một kẻ cực đoan, chỉ thích phá án, không thích buôn bán làm ăn, khả năng đây là gene di truyền.
Lo trái nghĩ phải, cuối cùng tôi lại điền vào ngành điện tử viễn thông, nghe nói công việc sau này lương sẽ rất cao. Chỉ có điều, lúc nhập học, tôi mới ngớ người, cả lớp chỉ có ba nữ sinh, trong lòng thầm kêu hối hận, tiếc rằng ván đã đóng thuyền, có than cũng vô ích.
Thời gian nghỉ hè sau kỳ thi rất dài, tôi rảnh rỗi ở nhà xem phim, chơi cờ với ông nội, trải qua một quãng vô cùng vui vẻ.
Hôm đó, tôi tới nhà một người bạn học tổ chức liên hoan. Mọi người uống hết hai thùng bia, chúng tôi đều là bạn thân từ nhỏ tới lớn, nghĩ tới sắp xa cách nhau, tâm lý đều phóng khoáng, lại có chút lưu luyến không rời.
Nhậu xong, chúng tôi lại kéo nhau đi hát, ầm ĩ tới khuya mới về nhà.
Giờ đã là 23 giờ đêm, từ xa tôi đã thấy nhà mình đèn đuốc sáng choang, tự nhiên có một dự cảm không tốt. Bởi ở huyện này, mọi người đều đi ngủ rất sớm, chỉ khi trong nhà có biến cố mới bật hết đèn trong nhà lên như vậy, ví như có người chết...
Trong phút chốc, hơi men tan biến hết, tôi bước nhanh hơn chạy, đẩy cửa gọi người, nhưng trong phòng không hề có ai.
Tôi vào thư phòng của ông nội, thấy trên bàn có một phong thư, phía trên không dán tem, dưới góc phải vẽ một loan đao đỏ như máu.
Dường như có gì đó bên trong, tôi tò mò cầm lên dốc ra, một thứ nhớp nháp đột ngột rơi xuống lòng bàn tay, đó là một con mắt!
Bạn cần đăng nhập để bình luận