Dune - Xứ Cát
Chương 41
Bất kỳ so sánh nào về các tín ngưỡng tôn giáo quan trọng trong Đế quốc trước thời Muad'Dib cũng đều phải bắt đầu từ các thế lực chính hình thành nên những tín ngưỡng này:
1. Các tín đồ của Mười bốn Hiền giả, sách của họ là Kinh thánh Toàn Nhân loại Màu Cam, và quan điểm của họ được thể hiện trong các Chú giải và những văn bản khác do Ủy ban Dịch giả Đại đồng Tôn giáo soạn thảo;
2. Bene Gesserit, những người kín đáo phủ nhận mình là một dòng tôn giáo, nhưng lại hoạt động đằng sau một bức màn nghi lễ huyền thuật hầu như không thể vượt qua; và nội dung huấn luyện của họ, hệ thống biểu tượng của họ, cách tổ chức và các phương pháp giảng dạy nội bộ của họ hầu như hoàn toàn mang tính tôn giáo;
3. Giai cấp lãnh đạo theo thuyết bất khả tri (trong đó có Hiệp hội) mà với họ tôn giáo là trò múa rối mua vui cho dân chúng và làm cho người dân trở nên ngoan ngoãn dễ bảo; và là những người rất mực tin rằng mọi hiện tượng - kể cả hiện tượng tôn giáo - đều có thể quy giản về những giải thích mang tính cơ giới;
4. Cái gọi là những Giáo lý Cổ - trong đó có những giáo lý được các Phiêu dân Zensunni duy trì từ các phong trào Hồi giáo thứ nhất, thứ hai và thứ ba; đạo Kitônava của Chusuk; các Dị bản Phật Hồi thuộc những loại hình phổ biến tại Lankiveil và Sikun, Hợp Thư Mahayana Lankavatara; sách Zen Hekiganshu của Delta Pavonis 3, sách Tawrah và Zabur Talmud còn sót lại ở Salusa Secundus, Nghi thức Obeah rộng khắp; bộ Muadh Quran với các bản Ilm và Fiqh thuần khiết được lưu giữ bởi những nông dân trồng lúa pundi ở Caladan, các chi phái Ấn giáo có thể gặp ở khắp cùng vũ trụ trong những nhóm pyon nhỏ biệt lập; và cuối cùng là Thánh chiến Butler.
Còn có lực lượng thứ năm hình thành nên tín ngưỡng tôn giáo, nhưng tác động của nó quá phổ quát và sâu xa đến nỗi nó xứng đáng đứng một mình một cõi.
Đó dĩ nhiên là du hành không gian - và trong bất cứ cuộc thảo luận tôn giáo nào, nó xứng đáng được viết thế này:
Du hành không gian!
Sự di chuyển của con người trong vũ trụ đã in dấu ấn độc nhất vô nhị lên tôn giáo trong suốt một trăm mười thế kỷ trước Thánh chiến Butler. Trước hết, việc du hành không gian ở thời kỳ đầu tuy đã phổ biến nhưng phần lớn vẫn chưa được kiểm soát, còn chậm chạp, không chắc chắn, và, trước khi Hiệp hội nắm độc quyền, vẫn được thực hiện nhờ một mớ phương pháp hổ lốn. Những kinh nghiệm không gian đầu tiên, được truyền đạt một cách kém cỏi và bị bóp méo ghê gớm, đã mạnh mẽ khích lệ người ta đi vào những suy niệm thần bí.
Ngay lập tức, không gian mang lại một hương vị và cảm nhận khác đối với những ý nghĩ về Đấng Sáng tạo. Khác biệt đó có thể thấy rõ ngay cả ở những thành tựu tôn giáo cao nhất của thời kỳ này. Khắp mọi ngóc ngách trong tôn giáo, cảm nhận về thần thánh thiêng liêng đều bị tác động bởi tình trạng hỗn loạn của bóng tối ngoài vũ trụ.
Dường như Jupiter, trong mọi dạng hậu duệ của mình, đã rút lui vào bóng tối của người mẹ để rồi bị thay thế bởi một nội tại có tính nữ mang đầy sự đa nghĩa và với một khuôn mặt mang nhiều nỗi kinh hoàng.
Các công thức cổ xoắn xuýt, quấn bện vào nhau bởi chúng phù hợp với nhu cầu của những cuộc chinh phục mới và các biểu tượng huy hiệu mới. Đó là thời kỳ đấu tranh giữa một bên là các con quỷ thú dữ còn một bên là những lời cầu nguyện và thần chú cổ.
Chưa bao giờ có một quyết định rõ ràng.
Trong thời kỳ đó, người ta nói rằng sách Khải huyền đã được diễn giải lại, cho phép Thượng đế nói:
"Hãy gia tăng và nhân lên, hãy lấp đầy vũ trụ, và khuất phục nó, hãy cai trị mọi loài thú lạ và mọi sinh vật trong những không gian vô tận, trên và dưới những địa cầu vô tận."
Đó là thời của những thầy phù thủy, quyền lực của họ là có thật. Có thể thấy rõ khả năng của các phù thủy này qua việc họ chẳng bao giờ huênh hoang họ đã tóm được kẻ xúi giục nổi loạn như thế nào.
Thế rồi đến thời Thánh chiến Butler - hai thế hệ hỗn loạn. Thượng đế của logic máy móc bị quần chúng lật đổ và một ý niệm mới được nêu lên:
"Con người không thể bị thay thế."
Hai thế hệ bạo lực đó là một quãng tạm ngơi đối với toàn thể loài người. Con người nhìn các vị thánh thần của mình cùng những nghi thức của các ngài và rồi nhận thấy rằng cả hai đều chứa đầy cái phương trình kinh khủng nhất trong mọi phương trình: sợ hãi lớn hơn tham vọng.
Với thái độ do dự, lãnh tụ các tôn giáo - mà tín đồ của chúng đã làm đổ máu hàng tỉ người - bắt đầu gặp nhau để trao đổi quan điểm. Đó là một động thái nhận được sự khuyến khích từ Hiệp hội Không gian, cái thực thể vốn đang bắt đầu xác lập sự độc quyền của mình trên toàn bộ vấn đề du hành giữa các vì sao, và từ Bene Gesserit, cái tổ chức đang tiến hành tập hợp các phù thủy.
Các cuộc gặp gỡ hiệp đồng tôn giáo đầu tiên đó đã đạt được hai bước tiến chính:
1. Sự nhận thức rằng mọi tôn giáo đều có ít nhất một điều răn chung: "Ngươi không được phép làm dị dạng linh hồn."
2. Ủy ban Dịch giả Đại đồng Tôn giáo.
được triệu tập trên một hòn đảo trung lập của Trái Đất Cũ, ra đời trên nền móng các tôn giáo mẹ. Họ gặp nhau "trong niềm tin chung rằng có một Thực tánh Thiêng liêng hiện hữu trong vũ trụ." Mọi tín ngưỡng thu hút được trên một triệu tín đồ đều có người đại diện, và, một cách nhanh chóng đến kỳ lạ, họ đạt được một thỏa thuận dựa trên tuyên ngôn về mục đích chung:
"Chúng ta có mặt ở đây để tước một thứ vũ khí quan trọng nhất khỏi tay các tôn giáo đang còn tranh chấp. Thứ vũ khí đó - khăng khăng khẳng định mình là tôn giáo sở hữu sự khải thị duy nhất."
Niềm hân hoan trước "dấu hiệu hòa đồng sâu xa" này tỏ ra là quá vội. Trong hơn một Năm Chuẩn, tuyên ngôn đó là thông báo độc nhất của Ủy ban Dịch giả Đại đồng Tôn giáo. Người ta nhắc đến sự chậm chạp này một cách chua chát. Giới hát rong sáng tác những bài hát hài hước và chua cay về một trăm hai mươi mốt tay "Già dịch" - danh xưng dành cho các đại biểu của Ủy ban Dịch giả Đại đồng Tôn giáo. (Cái tên này phát sinh từ một chuyện đùa thô tục, chơi chữ dựa trên từ "dịch" trong tên gọi chính thức của Ủy ban.) Một trong các bài hát đó, Yên nghỉ Màu Nâu, được hồi sinh đi hồi sinh lại nhiều lần và lưu truyền đến tận ngày nay:
"Kìa xem những vòng hoa.
Yên nghỉ màu nâu.
Bi kịch cho bao nhiêu là.
Già dịch!
Biết bao nhiêu.
Già dịch!
Lười ôi chao ôi.
Lười thối lười thây.
Lười trọn bao ngày.
Ngày đã rung chuông.
Ôi ôi ngày đã rung chuông.
Cho Đức Ông Sandwich!"
Thỉnh thoảng những lời đồn lại xì ra từ các phiên họp của Ủy ban Dịch giả Đại đồng Tôn giáo Nghe nói họ đang đối chiếu văn bản và, thật tắc trách, các văn bản đều được nhắc tên. Những đồn thổi như thế không tránh khỏi làm dấy nên những cuộc nổi loạn chống chủ nghĩa đại đồng tôn giáo và, dĩ nhiên, khơi nguồn cảm hứng cho những nhận xét sâu cay mới.
Hai năm trôi qua... rồi ba năm.
Các đại biểu Ủy ban, trong lớp đại biểu đầu tiên thì chín người đã chết và được thay thế, ngừng mọi việc lại để tiến hành lễ nhậm chức chính thức của những người thay thế và công bố họ đang lao động cật lực để cho ra một cuốn sách sẽ loại bỏ "mọi triệu chứng bệnh lý" của quá khứ tôn giáo.
"Chúng tôi đang tạo ra một nhạc cụ của Tình thương yêu để nó được chơi theo mọi cách, " họ nói.
Nhiều người cho rằng thật kỳ quặc khi lời tuyên bố này lại làm bùng phát những cuộc bạo động tồi tệ nhất chống chủ nghĩa đại đồng tôn giáo. Hai mươi đại biểu bị các giáo đoàn của họ triệu hồi. Một người tự sát bằng cách đánh cắp tàu không gian rồi lái nó lao thẳng vào mặt trời.
Các sử gia ước tính những cuộc nổi loạn đã cướp đi tám mươi triệu sinh mạng. Con số này tương đương với sáu ngàn người cho mỗi thế giới thuộc Liên minh Landsraad tại thời điểm đó. Xét tình trạng bất an của thời kỳ này, đây có thể không phải là ước lượng quá đáng, tuy nhiên bất kỳ sự kỳ vọng nào đối với độ chính xác đích thực về con số rốt lại cũng chỉ đến thế mà thôi: kỳ vọng. Việc trao đổi thông tin giữa các thế giới đang nằm ở một trong những hồi suy thoái nhất.
Với giới nghệ sĩ hát rong, âu cũng là lẽ tự nhiên, thì đây là thời đại hoàng kim. Trong một vở nhạc kịch được ưa thích vào thời đó, có cảnh một đại biểu Ủy ban Dịch giả Đại đồng Tôn giáo. ngồi dưới gốc cọ trên bãi biển cát trắng, hát:
"Vì Thượng đế, đàn bà và sự huy hoàng của tình yêu.
Chúng ta lần khân mãi ở đây không sợ hãi chẳng âu lo.
Người hát rong! Người hát rong ơi, hãy cất giai điệu khác.
Vì Thượng đế, đàn bà và sự huy hoàng của tình yêu!"
Bạo loạn và hài kịch chỉ là triệu chứng của thời đại, có tính khai mở sâu xa. Chúng tiết lộ giọng điệu tâm lý, những bất định sâu sắc... và sự gắng gỏi đấu tranh cho điều tốt đẹp hơn, cộng với nỗi sợ rằng rốt cuộc điều đó sẽ không đưa lại bất cứ cái gì.
Trong các thời kỳ đó, những đập ngăn chủ yếu chống lại tình trạng vô chính phủ là Hiệp hội thời kỳ phôi thai, Bene Gesserit và Lansdraad, trong đó Landsraad vẫn tiếp tục duy trì kỷ lục nhóm họp trong suốt 2000 năm liên tục bất chấp những trở ngại nghiêm trọng nhất. Đóng góp của Hiệp hội có vẻ rõ ràng: họ cung cấp dịch vụ vận chuyển miễn phí cho toàn bộ công vụ của Landsraad và Ủy ban Dịch giả Đại đồng Tôn giáo. Vai trò của Bene Gesserit thì khó hiểu hơn. Hẳn nhiên đây là thời họ củng cố ảnh hưởng đối với các phù thủy, thử nghiệm những loại thuốc gây mê tinh vi, phát triển lối đào tạo prana-bindu và thai nghén Missionaria Protectiva, chi phái đen tối chuyên gieo rắc sự mê tín. Nhưng đó còn là thời chứng kiến việc soạn thảo Kinh Chống Nỗi sợ và sự kết tập cuốn Sách Azhar, kỳ tích thư tịch học đã bảo tồn những bí ẩn lớn lao của các tín ngưỡng cổ xưa nhất.
Nhận xét của Ingsley có lẽ là nhận xét hợp lý duy nhất:
"Đó là những thời nghịch lý sâu xa."
Thế rồi, trong hầu suốt bảy năm, Ủy ban Dịch giả Đại đồng Tôn giáo làm việc cật lực. Và khi sắp đến dịp kỷ niệm bảy năm thành lập, họ chuẩn bị cho toàn vũ trụ loài người một tuyên bố vô cùng hệ trọng. Vào dịp kỷ niệm bảy năm đó, họ trình ra trước bàn dân thiên hạ cuốn Kinh thánh Toàn Nhân loại Màu Cam.
"Đây là một công trình đầy phẩm giá và ý nghĩa, " họ nói. "Đây là cách để nhân loại nhận thức về bản thân mình như một sáng tạo tuyệt đối của Thượng đế."
Người của Ủy ban Dịch giả Đại đồng Tôn giáo được so sánh với các nhà khảo cổ chuyên khai quật ý tưởng, được Thượng đế truyền cảm hứng về sự vĩ đại của tái phát kiến. Nghe nói họ đã mang ra ánh sáng "cái sinh khí của những lý tưởng vĩ đại bị trầm tích của nhiều thế kỷ phủ lên", rằng họ đã "mài sắc những đòi hỏi đạo đức xuất sinh từ lương tri tôn giáo."
Cùng với Kinh thánh Toàn Nhân loại Màu Cam, Ủy ban Dịch giả Đại đồng Tôn giáo còn trưng ra Sách Nghi lễ và Chú giải - xét trên nhiều phương diện thì tác phẩm này còn kiệt xuất hơn nhiều, không chỉ vì sự ngắn gọn (chưa bằng phân nửa Kinh thánh Toàn Nhân loại Màu Cam), mà còn bởi sự trung thực và khả năng kết hợp giữa thái độ tự thương mình với tự cho mình là đúng.
Đoạn đầu rõ ràng là lời kêu gọi các lãnh tụ theo thuyết bất khả tri.
"Con người, do không tìm thấy câu trả lời cho sunnan [mười ngàn câu hỏi về tôn giáo trong Shari-ah] nên giờ đây áp dụng lập luận riêng của họ. Con người ai cũng mong mỏi được khai minh. Tôn giáo chẳng qua là phương pháp cổ xưa nhất và chính trực nhất mà theo đó con người gắng gỏi tìm ra ý nghĩa nơi vũ trụ của Thượng đế. Các nhà khoa học thì tìm tính hợp quy luật của các sự kiện. Nhiệm vụ của Tôn giáo chính là làm con người tương hợp với tính hợp quy luật đó."
Tuy nhiên, trong phần kết luận, sách Chú giải lại dùng một giọng gay gắt rất có thể đã báo trước số phận của nó.
"Hầu hết những gì gọi là tôn giáo đều mang thái độ thù địch vô thức đối với sự sống. Tôn giáo đích thực phải dạy rằng sự sống tràn đầy niềm phúc lạc làm vui mắt Thượng đế, rằng tri thức mà không có hành động thì không có ý nghĩa gì hết. Mọi người phải thấy rằng, tôn giáo mà truyền giảng bằng luật lệ và học vẹt thì phần lớn là lừa bịp. Không khó để nhận ra thế nào là cách truyền giảng đúng đắn. Ta có thể nhận ra nó mà không hề nhầm lẫn bởi nó làm thức tỉnh trong ta cái cảm thức cho ta hiểu được đây là điều ta vốn vẫn luôn luôn biết."
Có một cảm giác bình yên kỳ lạ khi nhà in và các máy in shigawire chạy hết tốc lực và Kinh thánh Toàn Nhân loại Màu Cam được truyền bá khắp mọi thế giới. Vài người diễn giải điều này như một dấu hiệu từ Thượng đế, một điềm báo về sự thống nhất.
Nhưng chính các đại biểu của Ủy ban Dịch giả Đại đồng Tôn giáo. đã cho thấy sự bình yên đó là hư ngụy ngay sau khi người nào quay trở về giáo đoàn người nấy. Chỉ trong vòng hai tháng, mười tám người trong số đó bị hành hình. Năm mươi ba người khác thì tuyên bố khước từ tín ngưỡng ngay trong năm đó.
Kinh thánh Toàn Nhân loại Màu Cam bị lên án là một công trình được tạo ra bởi "sự xấc xược của lý tính". Nghe nói các trang sách tràn ngập mối quan tâm đầy cám dỗ đối với logic. Bắt đầu xuất hiện những bản hiệu chỉnh phục vụ cho sự tin tưởng mù quáng của nhân dân. Các bản hiệu chỉnh này dựa trên những biểu tượng đã được chấp nhận (Thập tự, Lưỡi liềm, Lúc lắc gắn lông vũ, Mười hai vị Thánh, Phật gầy, vân vân) và không mất nhiều thời gian để thấy rõ rằng những mê tín và tín ngưỡng cổ xưa đã không bị chủ nghĩa đại đồng tôn giáo mới có này nuốt chửng.
Cái danh hiệu mà Halloway dùng để gọi thành quả suốt bảy năm ròng của Ủy ban Dịch giả Đại đồng Tôn giáo. - "Thuyết tất định Pha Thiên hà (Galactophasic Determinism)" - đã được hàng tỉ người háo hức vồ ngay lấy, diễn các chữ viết tắt của cái tên này (G. D.) thành "God-Damned (Chết bầm chết tiệt)".
Chủ tịch của Ủy ban Dịch giả Đại đồng Tôn giáo., Toure Bomoko, một Ulema của đạo Zensunni và một trong mười bốn đại biểu không bao giờ khước từ tín ngưỡng ("Mười bốn vị Thánh hiền" trong sử dân gian) hình như rốt cuộc cũng thừa nhận rằng Ủy ban Dịch giả Đại đồng Tôn giáo đã sai lầm.
"Chúng tôi lẽ ra không nên cố tạo ra những biểu tượng mới, " ông nói. "Chúng tôi lẽ ra phải hiểu, việc của chúng tôi không phải là đưa những thứ không chắc chắn vào trong tín ngưỡng đã được chấp nhận, rằng chúng tôi không được khuấy động sự tò mò về Thượng đế. Chúng ta phải hàng ngày đối mặt với sự bất ổn đáng sợ của tất cả những gì thuộc về con người, thế nhưng chúng ta lại để cho các tôn giáo của mình trở nên cứng nhắc và chặt chẽ hơn, cưỡng buộc và áp chế hơn. Bóng đen chắn ngang con đường của Lời răn Thiêng liêng này là cái gì vậy? Thật đáng báo động khi mà các thiết chế cứ trường tồn, các biểu tượng cứ trường tồn dù nghĩa của chúng đã mất, khi mà chúng ta không có được tổng kết nào từ vốn tri thức có thể thủ đắc."
Cái giọng điệu lập lờ chua cay trong lời "thú nhận" này không qua nổi con mắt của những người phê phán Bomoko và chẳng bao lâu sau ông buộc phải bỏ trốn, tự lưu đày, mạng sống của ông phụ thuộc vào cam kết của Hiệp hội rằng sẽ giữ bí mật. Người ta nói ông chết ở Tupile, được trọng vọng và yêu mến, những lời cuối cùng của ông là: "Tôn giáo trước sau vẫn phải là một lối thoát cho những người tự bảo mình: 'Ta không phải loại người ta muốn.' Nó không bao giờ được phép suy đồi thành một bầy đoàn những kẻ tự mãn."
Thật thú vị khi nghĩ rằng Bomoko thấu hiểu sự tiên tri trong lời ông: "Các thể chế vẫn trường tồn." Chín mươi thế hệ sau, Kinh thánh Toàn Nhân loại Màu Cam và sách Chú giải đã tràn lan khắp cùng vũ trụ tôn giáo.
Khi Paul Muad'Dib đứng đặt bàn tay phải lên ngôi đền đá bao bọc sọ của phụ thân Người (bàn tay phải của người được ban phúc, chứ không phải bàn tay trái của kẻ bị nguyền rủa), Người đã trích dẫn từng lời trong "Di sản của Bomoko":
"Các ngươi, kẻ đã đánh bại chúng ta, tự nhủ rằng Babylon đã bại vong và các công trình của nó đã bị lật đổ. Ta nói cho các ngươi biết rằng con người vẫn ngồi nơi tòa án, mỗi người trên ghế bị cáo của riêng mình. Mỗi người là một cuộc chiến tranh nhỏ."
Người Fremen nói rằng Muad'Dib giống như Abu Zide, người từng chỉ huy chiếc tàu chiến đánh bại Hiệp hội, người từng bay đến nơi đó rồi trở lại. Từ nơi đó dùng theo cách này, được giải thích trực tiếp từ huyền thoại Fremen có nghĩa là vùng đất của linh hồn ruh, cái alam al-mithal nơi mọi giới hạn bị triệt tiêu.
Có thể dễ dàng nhìn thấy sự song hành giữa người này và Kwisatz Haderach. Kwisatz Haderach, người mà Nữ giáo đoàn tìm kiếm trong suốt chương trình nhân giống của họ, được hiểu là "Sự rút ngắn con đường" hay "Người có thể ở tại hai nơi cùng một lúc."
Nhưng, có thể chỉ ra rằng cả hai cách hiểu này đều phát sinh trực tiếp từ sách Chú giải: "Khi luật pháp và nghĩa vụ tôn giáo là một, thì cái ngã của ngươi bao trùm vũ trụ."
Về chính mình, Muad'Dib nói: "Ta là một cái lưới trong biển thời gian, tự do ôm trọn tương lai và quá khứ. Ta là một cái màng di động mà không một khả năng nào có thể thoát ra khỏi nó."
Những tư tưởng đó tất thảy đều là một, và chúng đồng vọng với Kalima 22 trong Kinh thánh Toàn Nhân loại Màu Cam, viết rằng: "Dù một tư tưởng có được nói ra hay không thì nó vẫn là một thực thể và có các quyền năng của thực tại."
Chính khi đọc các chú giải của Muad'Dib trong "Các trụ cột của vũ trụ", có nghĩa là Qizara Tafwid theo như cách diễn giải của những tín đồ tôn sùng người, ta mới vỡ lẽ rằng thực ra Người mang nợ Ủy ban Dịch giả Đại đồng Tôn giáo. và truyền thống Zensunni của người Fremen.
Muad'Dib: "Luật pháp và nghĩa vụ là một; mong sao như thế. Nhưng hãy nhớ những giới hạn này - Rằng ngươi không bao giờ hoàn toàn tự ý thức về mình. Rằng ngươi vẫn đắm chìm trong tau cộng đồng. Rằng ngươi luôn luôn kém hơn một cá nhân."
Kinh thánh Toàn Nhân loại Màu Cam: Ngôn từ đồng nhất. (Khải ngôn 61).
Muad'Dib: "Tôn giáo thường dự phần vào huyền thoại về tiến bộ, cái huyền thoại che chở ta trước sự khủng khiếp của một tương lai bất định."
Sách Chú giải của Ủy ban Dịch giả Đại đồng Tôn giáo: Ngôn từ đồng nhất (Sách Azhar truy nguyên lời nói này tới tác gia tôn giáo từ thế kỷ thứ nhất là Neshou; được phát biểu lại bằng những từ ngữ khác).
Muad'Dib: "Nếu một đứa trẻ, một người chưa được huấn luyện, một người dốt nát hay một kẻ điên rồ gây nên chuyện phiền hà, thì giới cầm quyền mới là kẻ có lỗi vì đã không tiên liệu và ngăn chặn được chuyện phiền hà đó."
Kinh thánh Toàn Nhân loại Màu Cam: "Bất cứ tội ác nào cũng có thể quy - ít nhất là một phần - cho một khuynh hướng xấu tự nhiên vốn là tình tiết giảm nhẹ hình phạt được Thượng đế chuẩn thuận." (Sách Azhar truy nguyên câu này tới sách Tawra cổ của người Xêmit).
Muad'Dib: "Hãy vươn tay ra trước mà ăn thứ Thượng đế đã cho ngươi; và khi ngươi đã được no, hãy tạ ơn Thượng đế."
Kinh thánh Toàn Nhân loại Màu Cam: Diễn giải bằng một câu khác có cùng ý nghĩa. (Sách Azhar truy nguyên tới một câu có hình thức hơi khác từ thời Hồi giáo thứ nhất).
Muad'Dib: "Lòng nhân từ là khởi đầu của sự tàn ác."
Kitab al-Ibar của người Fremen: "Ảnh hưởng của một Thượng đế nhân từ là điều thật đáng sợ. Chẳng phải Thượng đế đã cho ta vầng mặt trời thiêu đốt (Al-Lat) sao? Chẳng phải Thượng đế đã cho ta những người Mẹ của Hơi ẩm (các Mẹ Chí tôn) sao? Chẳng phải Thượng đế đã cho ta Shaitan (Iblis, Xa Tăng) sao? Chẳng phải từ Shaitan ta đã có sự tàn hại của tốc độ hay sao?"
(Đây là nguồn gốc của câu châm ngôn Fremen: "Tốc độ từ Shaitan mà đến". Hãy xem: cứ mỗi một trăm calo nhiệt năng sinh ra từ vận động [hay tốc độ], cơ thể lại bốc hơi chừng 170 gam mồ hôi. Theo ngôn ngữ Fremen mồ hôi là bakka hay nước mắt và, theo một cách phát âm, được dịch thành: "Tinh chất của sự sống mà Shaitan vắt ra từ linh hồn mi.").
Sự xuất hiện của Muad'Dib được Koneywell gọi là "đúng lúc về mặt tôn giáo", nhưng chuyện đúng lúc hay không chẳng có mấy can hệ ở đây. Như chính Muad'Dib đã nói: "Ta ở đây; cho nên..."
Tuy nhiên, điều cốt tử để có thể thấu hiểu tác động của Muad'Dib về mặt tôn giáo là đừng bao giờ bỏ sót một điều: Fremen là dân tộc sống trong sa mạc, toàn bộ tổ tiên họ đã quen với những cảnh quan thù địch. Chủ nghĩa thần bí chẳng phải là khó nếu như ta phải sống sót từng giây một bằng cách vượt qua sự thù địch khắp xung quanh. "Người ở đó, cho nên..."
Với một truyền thống như vậy, sự thống khổ là điều được chấp nhận - có lẽ như sự trừng phạt vô thức, nhưng được chấp nhận. Và cũng nên lưu ý rằng nghi lễ của người Fremen cho phép người ta hầu như không phải mang chút cảm giác tội lỗi nào. Điều đó không nhất thiết bởi vì luật pháp và tôn giáo của họ giống hệt nhau, khiến cho sự bất tuân trở thành tội lỗi. Hẳn sẽ đúng hơn nếu nói rằng họ dễ dàng tự gột rửa tội lỗi cho mình bởi vì sự sinh tồn hàng ngày của họ đòi hỏi phải có những phán xét tàn bạo (thường là chết chóc) mà nếu ở một xứ sở ôn hòa hơn thì ắt đã khiến con người mang gánh nặng tội lỗi không thể nào chịu nổi.
Đây có lẽ là một trong những căn nguyên khiến người Fremen chú trọng sự mê tín (bất chấp sự chăm nom của Missionaria Protectiva). Cát huýt lên là một điềm báo, thì đã sao nào? Nếu lần đầu tiên nhìn thấy trăng thứ nhất thì phải làm hiệu bằng nắm đấm, vậy đã sao nào? Xác thịt của một người là của riêng anh ta, còn nước của anh ta thì thuộc về bộ tộc - và huyền nhiệm của sự sống không phải bài toán cần giải mà là thực tại cần trải nghiệm. Các điềm báo giúp ta nhớ điều này. Và chính vì ta ở đây, chính vì ta có tôn giáo ấy, nên chung cuộc thì chiến thắng không thể không thuộc về ta.
Như dòng Bene Gesserit đã dạy suốt nhiều thế kỷ, từ lâu trước khi họ đụng đầu với người Fremen:
"Khi tôn giáo và chính trị đi trên cùng một chiếc xe, khi chiếc xe đó được một vị thánh sống (baraka) dẫn dắt, thì không gì có thể chắn ngang đường của nó."
Bạn cần đăng nhập để bình luận