Đường Chuyên

Quyển 17 - Chương 31: Vì sao lão tử tạo phản?

- Hoàng hầu, để Thanh Tước chuẩn bị lễ đệ tử tới bái tạ những thần tử hiến sách kia đi, Vân Diệp nói đúng, lòng trung kính này không được xóa bỏ.

Giọng Lý Nhị trong đại điện xa xa truyền ra, vừa rồi lời Vân Diệp nói kỳ thực cho hoàng đế nghe.

Hoàng đế lên tiếng, trận phong ba này xem như đã đi qua hoàn toàn, huân quý lại khôi phục sự tiêu diêu trước kia. Lý Thái lại bận rộn, mỗi lần thay cha đi cảm tạ người ta với hắn mà nói là một sự hành hạ, Nhạc Châu tháng tám nóng nực khó chịu. Lý Thái mặc lễ phục tế thiên của mùa đông, làm hết việc này, toàn thân hắn mọc đầy rôm sẩy mụn nhọt.

Lý Thái xoa phấn cùng Vân Diệp để thân trần mặc quần cộc ngồi bên ao uống nước ô mai, hai cốc nước ô mát mát lạnh đổ vào bụng, Lý Thái thư thái vỗ bụng nói:

- Đám lão già kia cho chưa chịu chết, họ không chết thì ta chết mất, bao giờ chúng ta mới có thể thành lão bất tử như thế nhỉ.

- Đợi tới lúc đó thì những lão bất tử hiện giờ đã chết ráo rồi, vinh dự lớn như thế còn trách ta lắm mồm, lão Ngụy Trưng là đáng ghét nhất, rõ ràng muốn tháo vải ra đi xem lễ nghi hoàng gia rốt cuộc thiếu sót ở đâu, lại còn nói với ta cuốn ( Trinh Quan thập di) chưa bổ xung hoàn thiện, đã đóng thành sách rồi còn sửa cái rắm.

Lý Thái cực kỳ mất lịch sự kéo ống quần quạt gió vào trong, khoan khoái nói:

- Phụ hoàng ta cắt máu ba lần, hiện đầu không đau nữa, Tôn tiên sinh nói bệnh tình không còn đáng ngại, không cho phụ hoàng ta uống máu, nói máu chảy ra ngoài cơ thể là thành vô dụng rồi, uống hai cốc máu chẳng bằng uống hai bát canh gà, uống máu nhiều còn nghiện, phụ hoàng ta sợ luôn.

- Diệp Tử, sao muốn phụ hoàng ta đọc sách, mấy ngày qua phụ hoàng ta tới mức quên ăn quên ngủ, xử lý xong triều chính, lại không ngừng xem sách, lúc thì mừng rỡ, lúc bi thương, đôi lúc còn xấu hổ, tức giận ném sách đi, lại nhặt về xem. Thế có ảnh hưởng tới sức khỏe không?

Vân Diệp vừa bóc chuối ăn vừa nói:

- Hết cách, quốc gia biển đổi từng ngày, ngươi nhìn Nhạc Châu thì biết, bệ hạ giá lâm mười ngày, đã biến thành ngày lễ của thương cổ, ghi chép giao dịch của hộ tào lớn kinh người, mười ngày bằng nửa năm giao dịch, chuyện này trước kia ngươi có nghĩ tới không?

Lý Thái nghĩ một lúc rồi nói:

- Thực ra ta không thích Nhạc Châu, vật gì cũng có giá, bò dê còn hiểu được, nhưng người cũng có giá là sao? Có người mang cả thư viện Ngọc Sơn ra định giá, bọn họ chọn chủ xem giá cao thấp, chứ không phải nhân phẩm, học thức, ai trả tiền cao thì theo người đó, xỉ nhục tư văn, còn nói đẹp đẽ là đại hội nhân tài.

- Sẽ thay đổi, rồi dần dần quay lại chính thống, hiện mới mẻ nên cấp tiến, vài ba năm nữa con người không còn thiển cận như thế nữa, truyền thống trong bản chất vẫn sẽ chiếm thượng phong.

- Ta vẫn thích thư viện Ngọc Sơn, đậm mùi sách vở, không khí mang hơi thở trí thức, hít một hơi cảm thấy khỏe khoắn vô cùng, ở đó ta luôn cảm thấy muốn bay lên, ta hâm mộ những học sinh mang dù nhảy xuống vách núi, bọn họ khi bay trên không sẽ tự do nhường nào.

Lý Thái giang hai tay ra, nhắm mắt lại để bản thân tắm trong gió đêm, mơ mình đang bay trên trời cao, hắn rất thích cảm giác này, Vân Diệp có thể nhận ra niềm vui từ nội tâm hắn.

Lý Nhị cầm cuốn sách đi đi lại lại trong hành cung sáng choang, bút mực bừa bộn trên bàn, từng mảng mực tụ với nhau thành cái ao, lòng không bình tĩnh, thì ra trong mắt người khác trẫm là như thế, những cuốn sách này do người thân cận nhất viết, nên Lý Nhị không hoài nghi sự chân thành của họ, nhưng dù sao cũng phải có người sai, chẳng lẽ là trẫm.

Không thể nào, trẫm chém chông gai mở ra con đường cho đế quốc làm sao sai được, vô số lịch sử trước kia chứng minh sự anh minh của trẫm, Phòng Huyền Linh giỏi mưu mà thiếu quyết đoán, Đỗ Như Hối quyết đoán lại thiếu tỉnh táo, Ngụy Trưng quá mức cổ hủ, Vân Diệp thiên hướng đầu cơ, không bao giờ nói dứt khoát, Trường Tôn Vô Kỳ tầm nhìn hơn người lại không thể kiên trì, mình nhìn một cái là thấy rõ thiếu sót của họ.

Thần tử có khiếm khuyết mới là thần tử tốt, học thuyết đế vương không chỉ một lần phán định như thế.

Lý Nhị rối bời, mọi chuyện bắt đầu hỗn loạn từ khi nào? Từ khi đại thắng thảo nguyên, hay là khi khoai tây xuất hiện? Lý Nhị ở đại điện suốt đêm, khi mặt trời xuất hiện ở phía đông, Trường Tôn thị mang thức ăn lên, ông ta đột nhiên ngộ ra nguồn gây ra hỗn loạn.

Thì ra là sau khi ăn no rồi mới bắt đầu hỗn loạn, thiên hạ đói kém mấy nghìn năm, tới tay trẫm mới bắt đầu được ăn no, no bụng rồi không xuất hiện chuyện hiểu lễ, câu kho lẫm đầy nên biết lễ là thứ lừa đảo, ăn no rồi thứ sinh ra là dâm dục, bụng no thì muốn áo ấm, có áo muốn nhà thoải mái, ham muộn là vô tận.

Khoai tây, ngọc mễ, gạo hai vụ giải quyết vấn đề sinh tồn, khi con người không còn lo đói bụng nữa, tâm tư liền sôi động, thế giới vốn trong sáng biến thành đống hỗn loạn.

Lý Nhị cắn một món ăn, nhắm mắt thưởng thức mùi vị của nó.

Trường Tôn thị luôn nhìn trượng phu, bà phạt hiện hôm nay ăn uống tham làm vô cùng, cái hộp chín món rau, một bát cháo gạo thơm ngát bị ông ta ăn sạch, mấy món ăn mặn thường ngày vẫn thích lại không đụng đũa.

Lý Nhị cả đêm không ngủ tinh thần dư dật, thay y phục xong dẫn Đoàn Hồng và đám thị vệ đi nhận thức lại thành Nhạc Châu.

Tiểu phiến bán rau chăm chú quan sát mỗi người đi qua, chỉ cần có chút khả năng là mang rau ra rao bán, Lý Nhị phát hiện tiểu phiến khi lấy được tiền mặt mày hớn hở, có điều niềm vui đó biến mất khi người đi đường khác tới, lại biến thành khát vọng, lặp đi lặp lại, loại khát vọng ấy không phải mấy đồng tiền có thể lấp đầy.

Ăn mày ở thành Nhạc Châu đều là thủy tặc, Lý Nhị biết, nên không hề thương hại đám người bi thảm này, bọn họ hoàn toàn không hòa nhập được với Nhạc Châu, mắt đờ đẫn, chó bị đá còn tru lên, bọn họ bị đá chỉ bò đi, trước đây rất lâu Lý Nhị nhìn thấy loại ánh mắt này ở trong rất nhiều người rồi, bao gồm cả phụ thân mình.

Khi đó sợ bản thân cũng biến thành như thế, nên dứt khoát khởi binh, thế giới này luôn có người không chịu trôi theo dòng chảy, Lý Nhị trước kia không hiểu vì sao mình tạo phản, giờ đã hiểu.

- Lão tử tạo phản là vì không muốn lặng lẽ biến thành bùn đất như lá rụng.

Lý Nhị hết nhìn tiểu phiến, lại nhìn ăn mày, nhìn sĩ tử, thậm chí ông ta đi theo một vị hòa thượng đi hóa duyên từng nhà.

Vị hòa thượng kia già lắm rồi, trước ngực đeo độ điệp của mình, chứng minh bản thân là một hòa thượng chân chính, ông ta muốn xây một cái miếu nhỏ, người dân có vẻ rất tôn kính vị lão hòa thượng này, chủ nhà thường thường cho một hai đồng tiền vào bát, có phụ nhân còn cho ông ta ít cơm, lương khô.

Hòa thượng già được bố thì đều chân thành cảm tạ, đi từ đầu phố tới cuối phố, bát của ông ta đã đầy tiền, hòa thượng già không hóa duyên nữa, giao tền cho chưởng quầy hiệu gỗ, xin bát nước, ngồi dưới mái hiên lấy lương khô ra, hàng mi thọ rung rinh theo gió, thỏa mãn mà điềm đạm.

- Đại sư là cao tăng có đạo, sao lại làm chuyện hạ tiện thế này?

Lý Nhị đi tới hỏi hòa thường già:

- Hạ tiện ư? Sao bần tăng không biết? Con đường này có một trăm hai mươi lăm hộ, mỗi hộ bố thí cho bần tăng hai đồng, kết một phần thiện duyên, mỗi người đều chúc bần tăng sớm xây xong chùa, bần tăng gom thiện duyên lập nên một tòa miếu cho người gửi gắm tâm linh, sao lại nói là hạ tiện?
Bạn cần đăng nhập để bình luận