Bách Yêu Phổ
Chương 100: Độn Ngư(4)
"Mi ngốc hả... Tình thế này mà còn ngủ được."
Bên tai là tiếng mắng đầy sốt sắng của thiếu niên. Nó dụi mắt, phát hiện mình bị quấn trong một tấm vải thô ráp, dựa vào lồng ngực ấm áp.
Trời sáng rồi, nhưng đây lại là đâu nữa?
Nó xoay đầu, phía trước là con đường không thấy điểm cuối, bên trái là con sông khúc khuỷu, bên phải là ngọn núi có hình dáng kỳ lạ, bên trên là... cằm của một người trẻ tuổi.
"Mi chịu dậy rồi à?" Thiếu niên đi chậm lại, vừa thở dốc vừa cúi đầu nhìn nó,"Ai cũng nói yêu quái vừa xấu vừa ác, nào giống như mi chứ."
Nó không phân biệt được đây là khen hay châm biếm, ngáp dài, sau đó khụt khịt mũi, nói: "Ta lúc nào cũng giống như vầy hết, nhưng sau này sẽ lớn hơn."
Thiếu niên dở khóc dở cười: "Với tính tình của mi thì trời mới biết mi có sống nổi đến lúc đó không."
"Ta sẽ cố gắng hết sức." Nó lại ngáp, kỳ lạ ghê, ở trong lồng ngực cậu, nó không hề sợ hãi, còn có thể thản nhiên nói tới chuyện sống chết.
"Ta chỉ đưa được mi đến đây thôi." Thiếu niên cẩn thận đặt cái bọc trong lòng mình xuống tảng đá trơn nhẵn bên bờ sông,"Cha ta mà biết ta lén thả mi thì sẽ đánh chết ta mất... Ta phải nhanh chóng quay về, nếu may mắn thì còn có thể đi ngang qua quầy hàng của thím Hồ mua hai cái bánh nướng, bị đánh thì cũng phải no bụng đã."
Hẳn là cậu đã chạy rất lâu, rất xa, mặt toàn mồ hôi, hơi thở vẫn chưa ổn định.
"Vậy cậu mang ta về đi, chứ nếu cha cậu đánh chết cậu, ta sẽ khó chịu." Nó nghiêm túc nhìn cậu.
Thiếu niên bật cười, búng trán nó: "Mi ngốc thật đấy à? Ông ấy là cha ruột của ta, sao đánh chết ta thật chứ, cùng lắm là đánh mấy cái cho hả giận thôi."
Nó che trán lại, thầm nghĩ sao con người thay đổi thất thường quá, là họ tự đi bắt yêu quái, cũng là họ tự thả yêu quái, hóa ra người này sẽ khác với người khác sao?
"Mi đi nhanh đi, còn sớm nên chưa ai phát hiện ra mi cả." Thiếu niên đứng dậy, nhìn ngó xung quanh, khi nhìn thấy tảng đá to màu xanh ở ven sông, mặt cậu hơi tái,"À, cũng không phải không có ai phát hiện..."
Một ông lão đánh cá đang ngồi trên tảng đá to đủ để ngồi ba người, tay cầm cần câu, bất động như núi.
Nó cũng nhìn thấy, cảm thấy hết sức kỳ lạ: "Đó cũng là con người sao? Người lông dài?"
Thiếu niên cười nói: "Không phải lông, là áo tơi, dùng cỏ bện thành áo, mặc để che mưa. Ông lão đánh cá đó cũng không phải người mà là tượng đá có hình dạng giống ông lão đánh cá."
"Không phải người thì sao phải che mưa? Là tượng đá thì cầm cây gậy tre làm gì?"
"Đấu lạp và áo tơi là do mẹ làm cho ông lão đánh cá, cần câu cũng do mẹ để lại." Thiếu niên nhìn ông lão đánh cá, cười nói,"Mẹ thú vị lắm. Mẹ nói vạn vật có linh, có khi tượng đá hình người này cũng có linh hồn, nếu vậy thì ngồi đây một mình hẳn sẽ chán lắm nên mới đưa cần câu cho ông ấy giết thời gian, nếu lúc đi ngang qua mà mẹ có thức ăn thì sẽ đặt trước mặt ông ấy. Mẹ xem ông ấy như người thật, bao năm vẫn vậy. Có lẽ người khác sẽ cười chê mẹ ngốc nghếch nhưng ta nhớ mẹ từng nói người có thể kiên trì làm chuyện gì đó trong thời gian dài là rất giỏi. Trong lòng ta, mẹ là giỏi nhất."
"Câu cá..." Nó nhìn chằm chằm tượng đá ông lão đánh cá, cảm thấy rất thú vị, ở con suối gần nhà nó chưa có ai câu cá cả, bất kể là chim thú hay yêu quái lớn nhỏ, muốn ăn cá thì lội xuống suối mà bắt, vừa nhanh vừa gọn.
Trong lúc họ tán gẫu thì trời đã sáng choang, thiếu niên xoa đầu nó: "Không nói với mi nữa, ta phải về đây, sau này mi sống một mình phải cẩn thận đấy, đừng để bị bắt nữa." Dứt lời, cậu xoay người bỏ đi,
Nó thấy cậu càng lúc càng xa nó, nghĩ thế nào cũng thấy không đúng, vội vã nhảy xuống tảng đá, hấp tấp đuổi theo cậu, tóm lấy ống quần cậu.
Cậu ngạc nhiên dừng lại, cúi đầu: "Mi làm gì thế? Thả cho mi tự do rồi, còn không đi đi?"
"Ta không biết làm sao để về." Nó bỗng thấy tủi thân, ngồi bệt xuống đất, rơi nước mắt,"Ta còn rất đói nữa."
Cậu bất đắc dĩ ngồi xổm xuống: "Mi đói hả? Vậy mi muốn ăn cái gì?"
"Ăn gì cũng được, nhưng không ăn đá được." Nó thút tha thút thít nhìn cái bụng rỗng của mình.
"Nhưng quanh đầy không có gì ăn được cả..."
Còn chưa nói xong, đằng sau vang lên tiếng gào: "Thằng nhãi ranh kia! Học gì không học, lại học thói trộm cắp! Tao xem mày chạy được bao xa!"
Thiếu niên hoảng hốt la lên, nó cũng giật mình theo, bò từ ống quần lên tới ngực cậu, rúc vào áo cậu, vì quá sợ hãi nên không điều chỉnh tốt tư thế, chỉ có thể chúi đầu xuống thò chân ra ngoài, còn không ngừng đạp chân.
Người đàn ông trung niên chạy vọt tới trước mặt thiếu niên, giận đến mức chỉ muốn lấy đá đè chết cậu.
Thiếu niên ôm chặt lấy nó, nhanh chóng lùi về sau, kiên quyết nói: "Cha có đánh chết con thì con cũng sẽ thả nó đi!"
Ông ta sững người, sắc mặt vẫn rất khó coi: "Mày nói lại xem!"
"Nói mười lần, trăm lần cũng vậy!" Thiếu niên cứng đầu như tảng đá,"Mẹ từng nói lấy oán báo ơn không phải là quân tử. Nó đã giúp đỡ cha nên cha không được hại nó!"
Bên bờ sông yên tĩnh, giọng nói của thiếu niên vô cùng vang dội. Trong phút giây kiên quyết và bình tĩnh ấy, cậu như vụt lớn, không còn là cậu bé nữa mà là một người đàn ông.
Nước sông chảy róc rách, tượng đá ông lão đánh cá cắm cần câu vào nước vẫn bất động, chỉ có gió thổi qua làm lay động vạt áo và mái tóc của họ, có lẽ cũng dập tắt cơn thịnh nộ của mỗi người.
Người cha ngẩng đầu, hít sâu rồi thở mạnh một hơi tựa như thả ra những lời trách mắng của mình. Ông lặp đi lặp lại nhiều lần động tác đó rồi mới cúi đầu nhìn cậu con trai bất khuất của mình, thở dài: "Về thôi."
Thiếu niên ngẩn người, trông như không thể tin nổi.
"Thộn người ra đó làm gì, về nhà! Ăn cơm!" Ông vừa trừng mắt vừa véo tai con,"Điếc hả? Nói gì cũng không nghe, mà chạy thì nhanh lắm."
Thiếu niên do dự: "Cha không đốt nó chứ?"
"Nhà có củi, cha đốt nó làm gì?!" Ông nhăn nhó nhìn lồng ngực cậu,"Mau kéo nó ra, chúi đầu xuống đất chổng đít lên trời còn ra thể thống gì! Ỷ là yêu quái nên không biết xấu hổ hả?"
"Dạ!" Thiếu niên vội vã kéo nó ra, bế ngược đầu lại rồi lại ôm vào lòng.
Nó suýt thì ngộp thở, mặt mũi đỏ bừng, há miệng thở hổn hển như chó.
Ông nhìn nó, lắc đầu, xoay người, nói với không khí: "Công dã tràng." Rồi lại giậm mạnh chân, nghiến răng nghiến lợi,"Đáng đời suốt kiếp không giàu lên nổi, đáng đời!"
Nhìn lưng cha, thiếu niên thở phào nhẹ nhõm, cúi đầu nói với nó: "Cha giậm chân là ta an tâm rồi, mỗi lần cha giậm chân là ta biết mình sẽ không bị phạt."
"Về được không? Ông ấy không đốt ta nữa à?" Nó ngập ngừng hỏi.
Cậu cười: "Nếu cha quyết tâm đốt mi, mi tưởng ta đủ sức ngăn cha lại chắc? Cha là vậy đó, lúc nào cũng tỏ ra hung ác nhưng lại không hung ác nổi."
Nó nửa tin nửa ngờ gật đầu: "Nghĩa là sau này ta không cần sợ nữa?"
"Mi có chắc là muốn về cùng ta không?" Cậu chọt chọt đầu nó,"Đây là nơi ở của con người, không chỉ nhà ta mà xung quanh cũng toàn là người, mi không sợ sao?"
"Không đốt ta thì ta sẽ không sợ." Nó nghĩ ngợi, dè dặt nói: "Nếu ta biết cách về nhà thì lúc nào đi cũng được phải không?"
"Tất nhiên." Cậu bật cười,"Nhưng mi sẽ lớn thật à? Nếu cứ mãi như bây giờ, ta e mi chưa về tới nhà thì đã ngỏm giữa đường rồi."
Nó suy nghĩ hồi lâu, không quá lo lắng, nói: "Chắc sẽ lớn đó, mấy ca ca của ta ai cũng cao to hết."
"Mi có ca ca?"
"Ừm. Nhưng họ bỏ ta mà đi rồi, không biết đi đâu mà mãi chưa về."
"Có khi nào bị bắt rồi không?"
"Các ca ca của ta cường tráng lắm, không giống như ta đâu."
"Mấy thuật sư khác cũng không giống cha ta, nên là... Thôi, không nói nữa, về nhà thôi."
"Ừ. Không đốt ta thật chứ?"
"..."
Lúc ấy nó không hiểu lắm, thậm chí cũng chưa từng suy nghĩ kỹ vì sao mình quyết định ở lại một cách dễ dàng và tự nhiên đến thế. Nó rất sợ con người, cũng không muốn mình qua lại với con người trong suốt cuộc đời. Nó đã có cơ hội bỏ chạy không bao giờ quay lại, nhưng nó không làm vậy.
Rất nhiều năm sau, nó vẫn không có đáp án, chỉ nhớ hôm ấy khi trời vừa hửng sáng, một thiếu niên ôm nó vào lòng hệt như nó là thứ quý giá nhất trần đời cần phải dùng cả tính mạng để bảo vệ, sau đó thở hổn hển chạy một quãng đường rất xa.
Hết chương 2. 4
Bạn cần đăng nhập để bình luận