Bách Yêu Phổ
Chương 148: Hiệp Quái(7)
Vàng mã hóa thành tro bị làn gió mùa hè nhè nhẹ cuốn đi.
Chàng trai trẻ chưa tới hai mươi tuổi quỳ thấp gối trước ngôi mộ, vừa đốt vàng mã vừa hào hứng nói: "Mẹ ơi, ngày mai con sẽ xuất phát đến Lạc Dương, chùa Cam Lâm thuê con vẽ một nửa bức tranh tường cho chùa. Khó khăn lắm con mới nhận được công việc này, thành Lạc Dương có đầy cao nhân, thậm chí đại sư ở Trường An cũng ứng cử, con cứ tưởng kẻ vô danh tiểu tốt như con sẽ không có cơ hội nào chứ."
Chàng thật sự rất vui, ở trước mặt mẹ, chàng càng không cần che giấu niềm vui của mình.
Đốt vàng mã xong, chàng không thèm quan tâm đến bộ đồ màu trắng trên người mình có bị bẩn hay không mà ngồi bệt xuống trước ngôi mộ, đưa mắt nhìn ngọn núi ngập tràn sắc xanh: "Phương trượng hiền lắm, đối đãi với người khác rất ân cần, ông ấy chẳng những sắp xếp cho con chỗ ở mà còn nói sẽ giới thiệu con với các danh gia trong thành Lạc Dương. Chuyến này con đi Lạc Dương lâu lắm, e là trong thời gian dài sẽ không đến thăm mẹ được. Đích thân hoàng thượng yêu cầu vẽ tranh tường cho chùa Cam Lâm nên không ai dám lười biếng cả. Nếu hoàn thành thuận lợi, làm hoàng thượng vui lòng, có khi con còn nổi tiếng từ Lạc Dương cho đến Trường An ấy chứ." Chàng nhìn mộ mẹ, ánh mắt ngập tràn hy vọng,"Mẹ cũng biết đó, con không mưu cầu công danh lợi lộc, con chỉ thích vẽ thôi. Nếu lần này được thưởng tiền, con sẽ tu sửa lại mộ cho mẹ, chứ con sợ qua một thời gian nữa ngôi mộ nho nhỏ này sẽ bị vùi lấp mất."
Làn gió nhẹ thổi qua, chàng vén phần tóc mái lơ thơ trên trán, sau đó móc ra cái túi thơm mùi thảo dược, nhìn là biết được con gái tặng.
"A Mẫn mới tặng cho con cái túi thơm. Khoảng thời gian trước con bị khó ngủ nên muội ấy làm cái này tặng con, bảo con đặt bên gối lúc đi ngủ, hình như có tác dụng thật mẹ ạ." Chàng vuốt ve cái túi,"Con biết A Mẫn không nỡ để con đi, hôm qua lúc thu xếp hành lý giúp con, mắt muội ấy đỏ hoe." Chàng thở dài,"Con đã hứa với A Mẫn rằng con đi lâu nhất là nửa năm, chờ con hoàn thành bức tranh tường xong, có ít tiền dành dụm thì con sẽ về cưới muội ấy." Chàng ôm theo niềm mong đợi vào tương lai mà cười thẹn thùng,"Mẹ ơi, con nghĩ A Mẫn là cô gái tốt nhất thế gian, y như tiên nữ trong tranh vậy. Chờ tới ngày muội ấy trở thành con dâu mẹ, chắc chắn mẹ sẽ thích muội ấy. Có khi tầm hai ba năm nữa thôi thì sẽ có ba người đến thăm mẹ đấy, à không, phải bốn người chứ! Con không tham lam đâu, có một trai một gái là đủ rồi. Con muốn dạy chúng vẽ tranh, vẽ núi sông phố phường, cái gì đẹp thì vẽ hết. Ha ha ha."
Chàng càng nói càng vui, mặt mày hớn hở: "Còn có một chuyện nữa ạ, mẹ biết ai là người vẽ nửa bức tranh tường còn lại cho chùa Cam Lâm không?" Chàng thiếu điều nhảy cẩng lên vì phấn khích,"Là Ngũ tiên sinh đó! Ông ấy là họa sĩ nổi tiếng nhất hiện nay! Con phục ông ấy sát đất luôn mẹ ạ, mẹ không biết người trong tranh của ông ấy kỳ diệu đến mức nào đâu! Chẳng những mặt mày sống động mà đến cả vạt áo như cũng muốn bay lên vậy đó! Trên đời chỉ có ông ấy đạt tới cảnh giới đó thôi! Có lẽ cả đời này con cũng không thể đạt tới trình độ của ông ấy. Bây giờ sắp được vẽ tranh cùng Ngũ tiên sinh làm con vui muốn chết! Còn chẳng dám mơ nữa là!"
Những ngọn cỏ, cành hoa đung đưa trong gió như muốn chúc mừng cho chàng thanh niên đơn thuần đang vô cùng vui vẻ ấy.
Đầu mùa hè năm nay quả thực là giây phút tươi sáng nhất trong đời chàng.
Nắng chiều đưa tiễn người hân hoan đi xuống núi.
A Mẫn chờ chàng trước cửa nhà, đưa cho chàng một bộ đồ và hai đôi giày mới, còn có các loại lương khô. Nàng sợ chàng lạnh, sợ chàng đói, chỉ muốn gói thức ăn của cả thôn vào hành lý của chàng.
Chàng nắm lấy đôi tay thô ráp của A Mẫn, nói: "Khi nào về, ta sẽ tặng muội chiếc vòng tay thật đẹp."
Cô gái ăn mặc mộc mạc thẹn thùng lắc đầu: "Mua làm chi. Muội không quen đeo mấy cái đó đâu, tại không tiện làm việc. Huynh cứ giữ tiền mà lo cho thân, Lạc Dương không giống cái thôn nhỏ xíu của mình, ở đó đụng tới cái gì cũng cần tiền, huynh cứ giữ tiền tiêu đi."
"Phải mua chứ." Chàng bỗng trở nên bướng bỉnh, chân thành nhìn nàng,"Chờ ta về, chúng ta thành thân nhé."
Mặt nàng đỏ lựng như thoa phấn, xấu hổ không dám nhìn chàng, chỉ nắm tay chàng thật chặt, khẽ gật đầu: "Muội chờ huynh."
Đôi bàn tay không nỡ tách rời, chỉ mong thời gian ngưng đọng.
Nhưng người muốn đi vẫn phải đi.
A Mẫn đuổi theo chiếc xe ngựa chở chàng một đoạn rất xa, chàng cũng liên tục ngoái đầu nhìn nàng, mãi đến khi họ không còn trông thấy nhau nữa.
Nỗi buồn chỉ ngắn ngủi thôi, đâu phải là không về nữa, hơn nữa đoạn đường phía trước sẽ là giai đoạn vinh quang nhất đời chàng.
Đây là lần thứ hai chàng tới thành Lạc Dương nhưng sự phồn hoa nơi đây vẫn khiến chàng choáng ngợp, không hiểu vì sao trên đời này lại có nơi đẹp hệt tranh vẽ dường này. Trên phố, cái gì cũng mới lạ, cái gì cũng làm chàng hứng thú, ngay cả tiếng cười của đám trẻ con đang chơi đùa cũng hay hơn những nơi khác.
Chàng muốn vẽ những gì mà chàng nhìn thấy để đem về cho A Mẫn xem. Không... phải dẫn muội ấy đến Lạc Dương mới được, muội ấy còn chẳng ra khỏi thôn mấy lần, chắc chắn sẽ thích nơi này cho mà coi.
Phương trượng chùa Cam Lâm vẫn hiền từ như trước, chàng được sắp xếp cho một căn phòng ở trong chùa, thức ăn cũng vô cùng phong phú và ngon miệng. Phương trượng còn cho hai chú tiểu hỗ trợ chàng, nếu thiếu màu mực gì đấy thì có thể nhờ họ mua giúp.
Hoàng đế muốn họ vẽ nối lên tất cả bức tường trống ở hai cổng Nam, Bắc trong chùa thành một bức tranh tên là "Viêm Ngục", ý nghĩa như tên, hoàng đế muốn họa sĩ thể hiện khung cảnh dưới địa ngục nóng rực trong truyền thuyết, hơn nữa còn phải làm nổi bật cảnh tượng kẻ ác bị ác quỷ địa ngục quất roi nấu sôi, mục đích là để cảnh tỉnh người dân, khuyên dân chúng chớ làm điều ác mà hãy sống đời thiện lành.
Ai cũng nói nếu vẽ đẹp, chẳng những làm vua hài lòng, người vẽ một bước lên mây mà còn tích công đức lớn. Do đó họa sĩ khắp nơi tranh nhau bể đầu, thi triển hết khả năng, chỉ mong được lưu lại tác phẩm lớn của mình lên bức tường ở chùa Cam Lâm.
Kết quả cuối cùng khiến người ta ngạc nhiên một nửa. Sở dĩ chỉ một nửa là vì một trong hai họa sĩ là Ngũ tiên sinh, ai cũng tâm phục khẩu phục khi ông ấy được vào chùa Cam Lâm, vì suy cho cùng ông ấy chẳng những có nhiều năm kinh nghiệm nhất, sở hữu kỹ thuật thượng thừa, mà ông ấy còn là họa sĩ được hoàng thượng coi trọng nhất. Bình thường muốn gặp ông ấy đã khó, còn muốn mời được ông ấy vẽ thì e rằng cũng chỉ có chùa Cam Lâm mang theo hoàng lệnh mà thôi. Vì vậy họ ngạc nhiên là vì chàng, một kẻ tên là Hoàng Phủ Cần, là họa sĩ mới không có danh tiếng gì.
Vốn dĩ bức tranh này sẽ do một mình Ngũ tiên sinh vẽ nhưng phương trượng nghĩ Ngũ tiên sinh đã lớn tuổi, một mình vẽ hết bức tranh khổng lồ thì vất vả quá, do đó phương trượng mới xin hoàng đế tách bức tranh thành hai sân Nam và Bắc, rồi lại kiếm thêm một họa sĩ nữa, mỗi người vẽ một nửa, vừa giúp Ngũ tiên sinh đỡ mệt vừa tiết kiệm thời gian, vì vậy mới có chuyện vô số họa sĩ dùng hết tâm tư để vào chùa Cam Lâm. Về Hoàng Phủ Cần, nghe nói phương trượng tình cờ nhìn thấy tác phẩm của chàng và ông đã vô cùng tán thưởng, thậm chí còn nhận xét "Tuy chưa bằng Ngũ tiên sinh nhưng cũng không kém hơn là bao".
Tất nhiên chàng rất quý trọng cơ hội quý giá từ trên trời rớt xuống này. Ngày vào chùa Cam Lâm, chàng thức trắng đêm, ngồi nhìn bức tường ở sân Bắc đến trời sáng. Ngày hôm sau, trên bức tường xuất hiện con ác quỷ đầu tiên. Chàng vừa vẽ xong, chú tiểu đi ngang qua giật nảy mình, nói chưa bao giờ thấy hình ảnh nào đáng sợ nhường ấy, con ác quỷ trên tường sống động đến mức như sắp phá tường bước ra ngoài.
Chỉ sau một đêm, tất cả những người ôm lòng nghi ngờ về trình độ của chàng đã phải thán phục phương trượng quả có cặp mắt quá tinh tường, không chọn nhầm người. Thậm chí người bên ngoài cũng nghe thấy lời đồn mà đến chùa ngắm thử, sau đó hết lời khen ngợi nét vẽ của chàng.
Ngày đầu tiên, ngày thứ hai, ngày thứ ba, càng ngày càng có nhiều người đến chùa Cam Lâm xem chàng vẽ, trong đó có không ít cô gái mến mộ chàng. Họ không quan tâm chàng vẽ đẹp hay xấu, một chàng trai trẻ tuổi khôi ngô tuấn tú, tinh thần phấn chấn mặc bộ đồ trắng tinh, dáng người cao ráo đứng trước tường, tay cầm bút tạo nên những đường cong xinh đẹp mới là nguyên nhân khiến các cô gái đến chùa. Hơn nữa chàng vẽ đẹp thật, dù không hiểu hình vẽ trong tranh nhưng vẫn thấy đẹp. Thậm chí lúc chàng rảnh, không chỉ có một người nhờ chàng vẽ tranh tặng mình, vẽ gì cũng được, một đóa hoa, một con chim hay cho dù là một chiếc lá cũng được, miễn là vẽ xong phải ký tên Hoàng Phủ Cần.
Càng ngày càng có nhiều người tin tưởng Hoàng Phủ Cần là ngôi sao mới trong giới hội họa, sớm muộn cũng sẽ vang danh thiên hạ, nhân lúc chàng chưa nổi danh mà lưu giữ bút tích của chàng là việc đúng đắn. Chàng cũng dễ chịu, ai nhờ vẽ cũng vẽ, tin này lan truyền ra ngoài khiến càng thêm có nhiều người thích chàng, thậm chí nhờ chàng mà nhang khói chùa Cam Lâm càng thêm dồi dào.
Sau hơn nửa tháng chàng vẽ mải mê, bức tường ở sân Bắc đã hoàn thành được một nửa, tiến độ nhanh hơn dự kiến.
Tối hôm đó, chàng vừa đặt bút xuống, theo thói quen nhìn sang hướng sân Nam, tim đập thình thịch.
Nghĩ cũng buồn cười, chàng đến chùa Cam Lâm hơn nửa tháng mà chưa từng có can đảm đi tới sân nam.
Ngày thứ ba chàng đến đây, nghe chú tiểu nói Ngũ tiên sinh vừa đến rồi, sẽ ở sân Nam. Khi ấy chàng kích động suýt nhảy cẩng lên, thần tượng mà chàng sùng bái bao năm đang gần trong gang tấc, chàng chỉ muốn ngay lập tức xông đến đó nhìn ông ấy thôi. Nhưng chàng cũng nhanh chóng bình tĩnh lại, nghe nói tính tình Ngũ tiên sinh có phần quái gở, lúc không vẽ tranh rất ghét bị người khác quấy rầy, nếu bây giờ đến gặp thì có khác gì quấy rầy người ta nghỉ ngơi? Đó là chuyện không nên... Nghĩ tới nghĩ lui, chàng đành tạm thời đè nén mong muốn gặp mặt, nghĩ bụng ráng chờ tới ngày họ hoàn thành bức tranh rồi đến bái kiến cũng không muộn.
Lúc này, chàng đứng trước hành lang thông đến sân Nam, khát vọng gặp mặt thần tượng bỗng bùng cháy mãnh liệt, không thể áp xuống. Chàng cân đo đong đếm, nhấc chân lên rồi lại rụt về, cứ lặp đi lặp lại như thế mấy lần, cuối cùng thuyết phục mình rằng chỉ nhìn lén thôi, tuyệt đối sẽ không làm phiền Ngũ tiên sinh!
Trước khi đi đến sân Nam, chàng đã chuẩn bị tình thần phải nhanh chóng ghi nhớ tranh của Ngũ tiên sinh trong thời gian ngắn nhất có thể, ngay cả một nét bút cũng không được quên! Có như vậy thì chàng mới đối chiếu và tìm ra sơ sót của mình để kịp thời cải tiến. Suy cho cùng cũng là tác phẩm chung của hai người, chàng không thể tha thứ cho bản thân nếu chàng làm ảnh hưởng Ngũ tiên sinh.
Nhưng kế hoạch của chàng hoàn toàn đổ bể.
Không phải vì choáng ngợp trước bức tranh của Ngũ tiên sinh khiến đầu óc không thể nhớ được gì mà vì trên bức tường ở sân Nam hoàn toàn trống trơn, đừng nói là ác quỷ địa ngục, đến cả con muỗi còn không có...
Chàng đứng sững sờ ở cửa sân Nam, dụi mắt mấy lần, chàng không bị hoa mắt.
Một tiếng ngáy vang lên, trên chiếc ghế trúc có ông lão tóc bạc trắng đang ngủ say, tay áo rơi xuống đất, hai vò rượu rỗng nằm đè lên cây bút còn chưa chấm mực.
Đây là Ngũ tiên sinh sao?
Tuy rất khác so với tưởng tượng nhưng chàng vẫn vô cùng kích động. Nhìn lại bức tường trống trơn, chàng nghĩ chắc là tiền bối đang ấp ủ ý tưởng, với trình độ của ông ấy thì có lẽ ông ấy chỉ cần mấy ngày là vẽ xong bức tranh mà chàng phải dùng cả tháng mới hoàn thành.
Chắc chắn là vậy. Chàng hành lễ với Ngũ tiên sinh đang say giấc nồng rồi khẽ khàng về lại sân Bắc.
Mười ngày trôi qua, bức tường sân Nam vẫn trống trơn.
Đến cả phương trượng cũng bắt đầu sốt ruột.
Phương trượng hiểu mỗi người có cách làm việc khác nhau nên không dám hỏi nhiều, nhưng các nhà sư khác trong chùa thì thường xuyên lén nói Ngũ tiên sinh "Giang lang tài tẫn"(1),"lớn tuổi rồi nên không sánh được với người trẻ tuổi nữa","Tôi nghĩ ông ấy vẽ không ra"...
(1) Giang lang tài tẫn: ý chỉ người đã bị thui chột tài năng
Hôm nay Hoàng Phủ Cần được nghỉ, chàng ra chợ mua vò rượu ngon, lén giấu trong phòng, chần chừ từ chiều đến tối mới lén đem vò rượu lặng lẽ đến sân Nam.
Bức tường vẫn còn trống, Ngũ tiên sinh không ngủ mà ngồi trên ghế trúc đối diện với bức tường, cây bút không chấm mực lắc lư trong tay ông.
Chàng lấy hết can đảm ho khẽ một tiếng coi như nhắc nhở Ngũ tiên sinh rằng có người đến, tiếp đó đi tới sau ông, cúi thấp người, bái: "Vãn bối Hoàng Phủ Cần bái kiến Ngũ tiên sinh!"
Cây bút vẽ ngừng chuyển động, Ngũ tiên sinh không ngoái đầu, chỉ đáp: "Là Hoàng Phủ công tử ở sân bên đấy à."
Chàng không nghe ra ông có hoan nghênh chàng hay không, đành dâng vò rượu ra: "Vãn bối mua vò rượu, có điều tửu lượng rất kém, nghe nói Ngũ tiên sinh có tửu lượng cao nên vãn bối xin tặng cho tiên sinh. Nếu lỡ làm phiền tiên sinh, mong tiên sinh không trách tội, con sẽ đi ngay."
Nghe đến rượu, Ngũ tiên sinh lập tức thay đổi thái độ, vội vàng đứng lên nhận lấy vò rượu của chàng, mở nắp ra ngửi thử, bật cười: "Đúng là rượu ngon rồi!"
Chàng thở phào nhẹ nhõm, tặng rượu là đúng rồi.
"Cậu tới đúng lúc lắm, ta đang lo không có ai đi mua rượu cho ta." Ngũ tiên sinh vẫy tay gọi chàng,"Qua đây, cậu đừng đi, lần đầu gặp mặt, lại còn là đồng liêu, đêm nay cũng đẹp trời, hay là cậu uống cùng ta đi."
Chàng mừng rỡ ra mặt, vội đồng ý ngay.
Ngũ tiên sinh bảo chàng đi vào phòng lấy thêm cái ghế, còn mình thì đặt hai cái ly lên chiếc bàn gỗ, một già một trẻ ngồi ở hai bên, đội trăng trên đầu mà nhìn bức tường trống trơn.
Có được cơ hội nhường này, sao chàng có thể không bày tỏ sự sùng bái của mình với Ngũ tiên sinh chứ? Chàng bưng ly rượu mà chẳng buồn uống, kể lể đủ chuyện, từ giây phút đầu tiên nhìn thấy tranh của tiên sinh cho đến khen ngợi hết các bức tranh của ông.
Ngũ tiên sinh như không nghe thấy, chỉ lo uống rượu, thỉnh thoảng gật đầu lấy lệ.
Có lẽ người quen được tán dương sẽ luôn bình tĩnh như vậy.
Chàng không thấy tủi thân vì bị phớt lờ, được bày tỏ lòng ngưỡng mộ của mình cho thần tượng nghe đã là niềm hạnh phúc lớn lao rồi.
Nhìn bức tường trắng tinh, lại thêm vài ly rượu vào bụng, chàng không dằn được mà hỏi: "Tiên sinh đang ấp ủ đại tác phẩm ạ? Vì vậy mới cẩn thận thế này, đến nay vẫn chưa hạ bút?"
"Có lẽ vậy..." Ngũ tiên sinh chép miệng, cười gượng gạo, chuyển đề tài,"Hoàng Phủ công tử không phải là người Lạc Dương à?"
Nghe thần tượng chủ động hỏi mình, chàng lập tức kể hết mọi chuyện trong nhà, rằng nhà mình ở đâu, cha mẹ qua đời khi nào, chỉ còn một mình thì phải học vẽ bằng cách cầm nhánh cây vẽ lên cát vì không có tiền mua giấy mực ra sao, v. v... Dường như muốn moi móc hết những gì chàng đã trải qua suốt hai mươi năm kể cho ông nghe.
Ngũ tiên sinh cười: "Hồi trẻ ta cũng giống Hoàng Phủ công tử vậy, ta còn xài lại giấy mà người khác đã dùng rồi nữa cơ." Ông lại uống một ly rượu,"Chớp mắt đã mấy mươi năm rồi."
"Hóa ra tiên sinh cũng..." Chàng định nói là "xuất thân cơ hàn" nhưng lại cảm thấy nói vậy không lịch sự nên nuốt xuống. Chàng khá ngạc nhiên, không ngờ Ngũ tiên sinh cao ngạo trong lời đồn không hề khó gần, cũng không hề tỏ ra bề trên khi đối xử với hậu bối. Chàng nói: "Bất kể quá khứ khó khăn ra sao, thành tựu ngày hôm nay của tiên sinh cũng đủ khiến người trong thiên hạ ngước nhìn. Vãn bối rất bội phục!"
Có lẽ là vì dù chàng kích động nhưng từng câu từng chữ chan chứa sự chân thành, có lẽ là vì vò rượu chàng tặng rất hợp khẩu vị, Ngũ tiên sinh dường như không hề ghét hậu bối này, còn rót rượu cho chàng, cười nói: "Tới chùa Cam Lâm đã lâu mà ta lại chưa ghé thăm Hoàng Phủ công tử, thật thất lễ quá."
Chàng vội đỡ lấy ly rượu bằng cả hai tay, luôn miệng nói: "Tiên sinh quá lời rồi! Phải là vãn bối nên đến bái yết ngài mới phải. Con không dám giấu, ngay ngày đầu tiên biết ngài đến chùa Cam Lâm, con đã rất muốn tới đây để được tận mắt nhìn thấy phong thái của ngài rồi, nhưng vì sợ quấy rầy ngài nên lại thôi."
"Ha ha, nếu Hoàng Phủ công tử rảnh thì cứ sang chơi, không sao đâu." Ngũ tiên sinh gõ vò rượu,"Nhớ mang theo rượu là được. Nhưng mà đừng để các nhà sư phát hiện, họ mà biết sẽ càm ràm chúng ta phá hỏng quy tắc chốn Phật môn."
Chàng cũng phì cười: "Chắc rồi ạ."
Gió đêm hơi lạnh, áng mây mỏng che mờ vầng trăng, bóng cây đung đưa, không khí thoang thoảng mùi đàn hương, bóng đêm dịu dàng nhất thành Lạc Dương rơi lên người họ, một già một trẻ nhưng trông hết sức hài hòa.
Mấy ngày tiếp đó, ngày nào chàng cũng lẻn ra ngoài mua rượu rồi mượn bóng đêm đi tới sân Nam.
Thông qua những vò rượu, chàng và Ngũ tiên sinh dần trở nên thân thiết hơn, chàng vẫn rất sùng bái ông nhưng không còn co cóng tay chân, muốn nói gì cũng phải cân nhắc thật lâu như trước nữa.
Khi tán gẫu, chàng sẽ nói đến quan điểm riêng của mình về hội họa, về kỳ vọng của mình vào tương lai, đến cả chuyện như muốn mua chiếc vòng tay đẹp nhất để tặng A Mẫn mà chàng cũng nói, còn nói nếu có cơ hội thì chàng sẽ đi ngao du khắp nơi, sẽ khắc ghi non sông Đại Đường vào trang giấy để lại cho người đời sau.
Ngũ tiên sinh chuếnh choáng lẳng lặng lắng nghe chàng nói, nhìn chàng bằng ánh mắt hâm mộ.
Chàng không chú ý tới, chỉ một lòng phấn khởi kể hết nguyện vọng của mình cho thần tượng nghe, giọng điệu chất chứa sự tự tin rằng mình sẽ thực hiện được hết.
Trên thực tế, chàng cũng tin những buổi uống rượu trò chuyện dưới trăng của mình và Ngũ tiên sinh sẽ kéo dài, cũng vô số lần cảm tạ thần phật đã ban cho mình niềm may mắn lớn lao này.
Nhưng có đôi khi thế sự không hề hợp lòng người, cũng không phát triển theo hướng mà người ta mong muốn.
Đó là một ngày trước khi chàng xong việc. Bức tượng sân Bắc đã thành "Viêm Ngục", ai cũng bị chấn động khi xem tranh, không những vì thảng thốt bởi nội dung của bức tranh mà còn vì ngạc nhiên trước tài năng thiên bẩm của chàng họa sĩ trẻ tuổi.
Ngũ tiên sinh cũng là một trong những người đứng xem. Ông cũng không biết hôm nay vì sao mình lại nổi hứng đến đây, có lẽ là do uống ké rượu của chàng nhiều rồi, dẫu ông có ngạo mạn đến đâu thì cũng nên đáp lễ. Vì vậy, lần đầu tiên ông đến sân Bắc, còn mang theo một vò rượu và một túi bánh ngọt để làm mồi nhắm.
Không ai chú ý tới ông lão bạc trắng đầu trong đám đông, họ chỉ quan tâm đến bức tranh tường cùng tác giả, thậm chí có vài người buôn tranh còn vội vàng tới móc nối xin hợp tác, sợ sẽ bị nhà khác giành mất mối làm ăn.
Chàng bị vây ở giữa, vừa thân thiện vừa ngây ngô đáp lại tình cảm mãnh liệt của mọi người.
Một lúc lâu sau, qua khe hở của đám đông, chàng mới nhìn thấy Ngũ tiên sinh đang đứng thẫn thờ trước bức tranh tường, thế là chàng vội dạt đám đông ra, chạy tới chỗ ông rồi vui mừng nói: "Sao tiên sinh đến đây?" Thấy ông cầm vò rượu, chàng vô cùng phấn khích: "Ngài tới tìm con để uống rượu ạ?"
Ngũ tiên sinh khó nhọc dời mắt khỏi bức tranh tường, cười: "Sắp vẽ xong rồi à?"
"Dạ, mai là xong." Chàng gật mạnh đầu, thầm nghĩ hiếm lắm mới được Ngũ tiên sinh ghé thăm, nếu được ông bình phẩm tranh của mình thì coi như hoàn thành tâm nguyện bao năm qua rồi.
Nhưng Ngũ tiên sinh lại chỉ nhìn lướt qua bức tranh tường, vừa cười vừa thả rượu và bánh vào tay chàng: "Không thể cứ uống chực rượu của cậu mãi được. Ta nghe chú tiểu nói cậu sắp vẽ xong rồi nên mang ít quà đáp lễ, cũng coi như chúc mừng cậu diệu bút sinh hoa(2), đại công cáo thành."
(2) Diệu bút sinh hoa: ý chỉ người có tài năng kiệt xuất
Diệu bút sinh hoa... Từng có rất nhiều người dùng từ này để khen ngợi chàng, nhưng với chàng, khi nó được thốt ra từ miệng của Ngũ tiên sinh thì mới là lời khen ngợi có giá trị nhất, thậm chí còn khiến chàng vui hơn cả được hoàng đế khen ngợi.
Chàng ôm quyền hành lễ, kích động đến mức không biết phải nói gì.
"Tốt lắm... Tốt lắm!" Ngũ tiên sinh nói "Tốt lắm" mấy lần rồi vỗ vai chàng,"Vậy ta xin cáo từ, đằng kia còn nhiều người đang đợi cậu đấy."
Chàng ngẩn người, sự việc tiếp theo không phải là họ sẽ nâng ly tâm sự sao? Chỉ khác ở chỗ đổi địa điểm từ sân Nam thành sân Bắc thôi... Sao ông đã đi rồi?
"Ngũ tiên sinh..." Chàng chần chừ gọi ông, rồi lại sợ lời mời mọc của mình sẽ làm ảnh hưởng tới thời gian của Ngũ tiên sinh. Ông đi gấp thế chắc là có việc gì quan trọng lắm.
Thôi vậy. Chàng mất mát nhìn bóng dáng vội vã rời đi của Ngũ tiên sinh rồi lại giơ vò rượu lên cười: "Tao không nỡ uống mày đâu."
Chàng nói thật. Khoan hãy nói tửu lượng của chàng không tốt, cho dù có uống giỏi thì chàng cũng nhất quyết không uống vò rượu này. Đối với chàng, thứ trong cái vò này không phải là rượu mà là sự thỏa mãn và niềm hạnh phúc chàng đã mong đợi rất nhiều năm, chỉ từng xuất hiện trong mơ.
Hôm sau, chàng hoàn thành bức tranh tường đúng hạn.
Phương trượng rất vui mừng, không những trả thù lao cho chàng mà còn thưởng thêm kha khá nữa, nói đây coi như là quà cảm ơn của ông.
Những nỗi vất vả mà chàng đã chịu đựng bao năm qua coi như đáng giá, được người khác thật lòng tán thưởng, cũng được ôm tiền vào lòng. Hôm nay, chàng đã kiếm ra tiền. Chàng trốn trong phòng khóc một trận đã đời, chỉ muốn đạp cửa tung cánh bay về nhà nói với A Mẫn rằng mọi chuyện đã tốt hơn rồi, sau này sẽ còn tốt hơn nữa!
Sau đó, chàng ra phố mua vò rượu đắt tiền nhất trong quán rượu rồi hòa vào bóng đêm đến sân Nam.
Ngoài sân không có người, cửa phòng thì đóng chặt.
Chàng nhìn qua khe cửa, không chắc trong phòng có người hay không.
Ngũ tiên sinh không có ở đây à?
Chàng thất vọng ra về, ra đến trước cổng lại ngoái đầu nhìn bức tường, vẫn u ám dẫu đã có ánh trăng chiếu vào.
Mấy ngày kế tiếp, chàng cũng không tìm được Ngũ tiên sinh, có vài lần chàng loáng thoáng nghe thấy tiếng ho bên trong cánh cửa, nhưng khi gõ cửa lại chẳng có ai trả lời.
Chàng rối như tơ vò, lại không dám gõ cửa lung tung, đành ôm thất vọng trở về.
Lại qua mấy ngày, phương trượng đến tìm chàng, nói đã chuẩn bị một chỗ ở cho chàng ở Lạc Dương, sau này không cần ở trong chùa nữa, như vậy cũng tiện tiếp đãi bạn bè hơn.
Chàng cảm ơn rối rít.
Về phòng thu dọn hành lý, chàng nhìn thấy vò rượu ngon mãi không có cơ hội được tặng.
Đắn đo hồi lâu, chàng lại xách vò rượu đến sân Nam.
Rốt cuộc Ngũ tiên sinh cũng xuất hiện. Ông vẫn nằm trên ghế trúc, phe phẩy chiếc quạt hương bồ, nghe tiếng chàng cũng không có ý ngồi dậy.
"Tiên sinh về rồi!" Chàng vui vẻ nói,"Mấy ngày qua ngài không ở trong chùa ạ?"
"Hoàng Phủ công tử có việc gì không?" Ngũ tiên sinh hờ hững hỏi.
Chàng vội giơ vò rượu ra: "Ông chủ quán rượu nói đây là loại rượu ngon nhất, con mua mời tiên sinh nếm thử!"
Ngũ tiên sinh đặt chiếc quạt hương bồ xuống, chầm chậm đứng lên, nhận lấy vò rượu, gỡ nắp vò ra ngửi.
"Ông chủ quán rượu nói rượu được ủ bằng men ngọt mấy chục năm, lại còn bỏ thêm dược liệu quý giá..."
Chàng còn chưa nói xong, Ngũ tiên sinh đã lắc đầu: "Trong rượu có nhân sâm."
"Dạ?" Chàng khó hiểu,"Nhân sâm ấy ạ? Ông chủ nói đúng là rượu có..."
Chàng đang nói thì vò rượu ngon đã bị Ngũ tiên sinh trút đổ hết xuống đất, mùi rượu nồng nhanh chóng tản ra.
"Tiên sinh..." Chàng rất ngạc nhiên, không phải vì xót tiền mua rượu.
"Về rượu ấy mà, ta chỉ chú trọng sự tinh khiết." Ngũ tiên sinh cười,"Ngoài gạo ra, ta rất ghét trong rượu có thêm thứ khác, dù có là của ngon vật lạ gì cũng vậy. Ta ghét và cũng không uống."
Vậy là nhân sâm gây họa rồi? Chàng còn tưởng chỉ có rượu ngon mới có những dược liệu quý giá này, hóa ra là thêm bậy thêm bạ.
"Xin lỗi tiên sinh, vãn bối không biết điều kiêng kỵ của tiên sinh, kính xin tiên sinh chớ để bụng!" Chàng vội vàng xin lỗi,"Sau này vãn bối không bao giờ phạm phải sai lầm này nữa!"
Ngũ tiên sinh xua tay: "Sai lầm gì đâu, chỉ là không hợp khẩu vị của ta thôi. Nhưng ta cũng cảm ơn tấm lòng của cậu." Ông ném vò rượu đi, phe phẩy chiếc quạt hương bồ đi vào phòng,"Ta mệt rồi, không ngắm trăng cùng Hoàng Phủ công tử được."
"Tiên sinh nghỉ ngơi đi ạ!" Chàng vội chắp tay đưa tiễn.
Cửa phòng đóng lại, chàng hít sâu một hơi, nhặt vò rượu lên rồi đi ra khỏi sân Nam, sợ mùi rượu còn dư lại trong vò sẽ khiến Ngũ tiên sinh khó chịu.
Chàng về phòng, đặt vò rượu lên bàn, bản thân cũng gục xuống bàn, tự nhủ: "Chỉ vì không thích mà đổ đi, phí ghê."
Tối nay không có trăng, cũng chẳng có gió, chùa Cam Lâm giờ này chỉ có vài ngọn đèn thưa thớt.
Ngày hôm sau, mọi người trong chùa nói Ngũ tiên sinh đi rồi, có lẽ chỉ có người tầm cỡ như ông mới có tự do và đặc quyền như thế, có thể tự ý trì hoãn thời hạn do hoàng thượng đưa mà không có ai dám truy cứu.
Lúc nghe tin, chàng thấy rất tiếc nuối vì còn chưa xin được bút tích của Ngũ tiên sinh.
Thôi vậy, có lẽ sau này còn có cơ hội gặp lại.
Chàng chuyển ra khỏi chùa Cam Lâm, sống ở một căn nhà tại phía tây thành Lạc Dương.
Một tháng sau đó trôi qua vô cùng phong phú, cứ cách dăm ba hôm là có người mời dự tiệc. Chàng ngại từ chối nên tiệc lớn tiệc nhỏ gì cũng tham gia. Thật ra ngay ngày thứ hai chuyển ra ngoài, chàng đã muốn về nhà gặp A Mẫn rồi, nhưng phương trượng bảo chàng ở lại thêm mấy tháng, chờ hoàn thành một nửa bức tường tranh còn lại, hoàng thượng sẽ phái người đến giám nghiệm, nếu có chỗ nào không ổn thì chàng phải sửa ngay. Phương trượng vừa nói vừa thở dài. Hoàng thượng đưa ra thời hạn nửa năm, sắp hết thời hạn rồi vẫn không biết chừng nào Ngũ tiên sinh mới vẽ xong, bây giờ còn chẳng biết ông ấy ở đâu, phương trượng nóng hết cả ruột. Chàng an ủi phương trượng, nói cao nhân như Ngũ tiên sinh thường đi mây về gió, chớ nên lo lắng quá, dù sao vẫn còn thời gian, chắc chắn ông ấy sẽ hoàn thành đúng hạn.
Chàng rất tin tưởng thần tượng của mình.
Sau đó, chàng dần quen với cuộc sống ở Lạc Dương, ngoài vẽ tranh và dự tiệc ra, chàng chạy khắp các cửa hàng trang sức lớn nhỏ ở Lạc Dương chỉ để tìm một chiếc vòng tay vừa ý.
Chàng phải thực hiện được cuộc sống giữa mình và A Mẫn mà chàng đã hứa hẹn.
Một buổi chiều nọ, có họa sĩ quen biết đưa thiếp mời cho chàng, nói bảy ngày sau sẽ diễn ra bữa tiệc Thiên Hoa, các danh nhân giới thư họa đều sẽ tụ tập về đây. Bữa tiệc này được tổ chức ba năm một lần, được coi là sự kiện lớn nhất trong giới thư họa, người ấy nói chàng nhất định phải tham gia.
Chàng đồng ý ngay, nhân tiện hỏi Ngũ tiên sinh có tham gia không. Người nọ cười nói lần nào Ngũ tiên sinh cũng góp mặt, nếu không có ông ấy thì bữa tiệc sẽ ảm đạm đi một nửa.
Chàng rất vui, thầm nghĩ rốt cuộc cũng có cơ hội uống vò rượu mà Ngũ tiên sinh tặng rồi.
Hôm diễn ra bữa tiệc, chàng ghé cửa hàng trang sức để thương lượng về việc làm chiếc vòng mới. Chàng đã xem rất nhiều mẫu mã nhưng không vừa ý chiếc nào, vậy là chàng quyết định tự vẽ rồi bảo cửa hàng làm một chiếc vòng vàng dựa theo thiết kế của chàng, ông chủ cửa hàng trang sức nói mười ngày sau sẽ làm xong. Ra khỏi cửa hàng, chàng tưởng tượng A Mẫn đeo chiếc vòng tay độc nhất vô nhị ấy lên tay, đẹp quá, đẹp tuyệt vời!
Chàng xách vò rượu phấn khởi đi qua con hẻm không quá quen thuộc, vừa phấn khích vừa căng thẳng, chàng chưa từng tham gia bữa tiệc lớn như thế này bao giờ, lát nữa không thể thất lễ!
Nhưng mà hình như chàng đi nhầm đường rồi, con hẻm nhỏ không một bóng người này không dẫn đến địa điểm mà chàng cần đến.
Đi được nửa con hẻm, chàng thấy ngờ ngợ, bèn lắc đầu quành trở lại.
Trời xẩm tối, hơi lạnh dần tràn vào mọi ngóc ngách ở Lạc Dương, cũng xâm chiếm lấy thân hình của chàng...
Sáng sớm hôm sau, người đi qua hẻm phát hiện một thi thể. Đó là chàng trai tuấn tú trẻ tuổi, mắt hơi trợn, ngực đổ máu, trên bộ đồ trắng tinh như nở ra những đóa hoa đỏ sậm.
Trong không khí ngoài mùi máu còn có mùi rượu thoang thoảng. bên cạnh chàng là những mảnh vỡ tan tành của vò rượu.
Hết chương 10. 7
Bạn cần đăng nhập để bình luận