Bách Yêu Phổ
Chương 117: Hàm Thử(3)
Bắt đầu từ sáu mươi năm trước, nó cực kỳ sợ chết.
Là một con Hàm Thử nhưng tới tận hôm nay nó còn chưa chọn được người để "bám theo", nhẩm tính thì cùng lắm nó chỉ còn lại một năm nữa thôi, trong một năm nếu không thể giành được ai, nó sẽ chịu số phận giống như vô số đồng loại xui xẻo khác: từ lúc ra đời cho đến khi chết đi chỉ vỏn vẹn ba năm vừa đói vừa uất ức.
Đúng vậy, nếu không chọn được ai để bám theo, tính mạng của Hàm Thử chỉ dài ba năm, đã vậy còn là ba năm đói meo, thật đáng buồn.
Do đó, trong phạm vi trăm dặm xung quanh mỗi thai phụ có rất nhiều Hàm Thử, chỉ cần em bé cất tiếng khóc chào đời là ngay lập tức chúng sống mái một phen, ai nếm được giọt nước mắt đầu tiên của đứa bé mới sinh nhanh nhất thì kẻ đó sẽ được kéo dài sự sống.
Nhưng có một nguy cơ khác là dẫu đã dùng trăm phương nghìn kế để chạy nhanh hơn đồng loại uống được giọt nước mắt của đứa bé nhưng nếu đứa bé sống chưa được mấy ngày đã chết yểu, hai số mệnh gắn liền với nhau, đứa bé chết thì Hàm Thử cũng chết, vậy là có con Hàm Thử sống còn chưa tới ba năm.
Dẫu vậy, mọi người vẫn tranh nhau vỡ đầu, ai cũng hy vọng người mình chọn trúng sẽ sống lâu trăm tuổi.
Nó đã quên mất vào đêm đông năm ấy, nó đã lấy sức lực và nghị lực ở đâu mới giành được thắng lợi. Nó chỉ nhớ trong tiếng khóc oe oe, nó uống được giọt nước mắt đầu tiên, nước mắt của loài người có vị mặn nhưng vào miệng nó lại ngọt như mật, ngon quá, hóa ra cảm giác no bụng lại sung sướng nhường này.
Người nó chọn là con độc đinh của nhà Khúc tú tài, nói là Khúc tú tài nhưng đó chỉ là cách bà con láng giềng gọi lão Khúc mà thôi. Ông học hành khắc khổ mười năm nhưng thi cử luôn thất bại, chưa từng giành được công danh gì, nhưng ông là người học sâu hiểu rộng nhất huyện. Ngoài bốn mươi mới có được mụn con trai, ông mừng như điên, đặt tên con là Phục Lai(1), ngàn vàng lại đến hay công danh lại đến đều được, tóm lại lão Khúc đã giao hết những tiếc nuối và hy vọng cho Tiểu Khúc.
(1) Lão Khúc đặt tên con là Phục Lai trong câu thơ "Thiên kim tán tận hoàn phục lai" trong bài thơ Thương Tiến Tửu của nhà thơ Lý Bạch, nghĩa là "Nghìn vàng tiêu hết rồi lại đến" (bản dịch của Hoàng Tạo, Nam Trân)
Tiểu Khúc không phụ lòng mong mỏi của cha, chưa đầy bốn tuổi đã thuộc lòng trăm bài thơ phú, viết chữ ngay hàng thẳng lối, thậm chí còn đẹp hơn nhiều bậc trưởng giả. Phàm ai tới nhà lão Khúc chơi, lão Khúc đều khoe khoang với họ, ông bảo Tiểu Khúc đọc thuộc lòng bài Thương Tiến Tửu hoặc Trường Hận Ca bằng chất giọng non nớt, sau đó hưởng thụ cảm giác tự hào khi được làm "cha của thần đồng" dưới ánh mắt hâm mộ của mọi người.
Khi đó, nó hoặc là nằm lim dim trên vai Tiểu Khúc, hoặc là nằm thẫn thờ trên giấy bút của cậu. Trời rất đẹp, bên ngoài rộn tiếng vui đùa của lũ trẻ hàng xóm, còn Tiểu Khúc lại chỉ có thể ngồi trong phòng đọc hết bài thơ này đến bài phú khác, viết theo bảng chữ mẫu hết lần này đến lần khác vì chỉ có như vậy, cậu mới không bị phạt quỳ, buổi tối mới được cho ăn ngon. Tiểu Khúc từng lén chạy đi chơi nhưng bị lão Khúc bắt về, cậu cứ tưởng sẽ bị ăn đòn nhưng lão Khúc không đánh cậu mà lôi cậu đến trước bài vị tổ tiên, hai cha con cùng quỳ xuống. Ông không đánh không mắng, chỉ nói ông không hề muốn nhốt Tiểu Khúc ở nhà, nhưng nếu để mặc cậu phí thời gian chơi bời như những đứa trẻ bình thường khác thì sau này cậu làm sao bộc lộ tài năng giữa đám người, làm sao có được tương lai xán lạn. Ông vừa nói vừa khóc... Tiểu Khúc nhìn dòng lệ lăn trên gò má cùng hai bên tóc mai trắng xóa của cha, chợt cảm thấy mình còn đau hơn cả khi bị đánh. Thềm cao gương soi rầu tóc bạc/Sớm như tơ xanh, chiều tựa tuyết(2). Lần đầu tiên trong đời, Tiểu Khúc hiểu được ý nghĩa của câu thơ.
(2) Trích từ bài thơ "Thương Tiến Tửu" của tác giả Lý Bạch, bản dịch của Hoàng Tạo, Nam Trân.
Đối mặt với hai cha con, kẻ tiếc nuối nhất là nó, tại sao nó không ra đời sớm hơn mấy chục năm?! Chọn lão Khúc mới là chính đạo! Nhìn đi, hở chút là khóc, nói chuyện với con cũng khóc, say rượu cũng khóc, làm thơ cảm động quá cũng khóc, nhiều khi không có lý do gì cũng khóc... Rồi lại nhìn Tiểu Khúc đi. Từ lúc chào đời cho đến bây giờ chưa từng khóc thực sự lần nào. Có lẽ được khen ngợi nhiều quá, hoặc là da dày bẩm sinh, bị phạt quỳ là vẫn còn quá nhẹ, tóm lại thằng bé chưa từng khóc vì chuyện buồn. Lần duy nhất là con chó mà cậu nuôi chết đi, cậu đỏ hoe mắt chôn con chó, lúc sắp khóc thì bỗng nhiên có một con mèo nhảy lên bờ tường, cậu lập tức nhịn khóc mà đuổi theo con mèo. Hây da, trẻ con nhanh quên không phải là chuyện tốt.
Kể từ đó, nó lờ mờ dự cảm tương lai mình sẽ khó sống lắm đây.
Lão Khúc không vui mừng lâu được, bởi vì năng lực thần đồng của Tiểu Khúc không phát triển theo tuổi tác mà càng ngày càng phai nhạt. Số bài thơ cậu thuộc hồi bốn tuổi còn nhiều hơn khi đã mười bốn tuổi, chữ viết cũng không tiến bộ, trình độ làm thơ còn bình thường hơn. Biệt danh thần đồng Tiểu Khúc dần bị thời gian xói mòn. Lão Khúc không biết vấn đề nằm ở đâu, rõ ràng con trai ông học hành rất chăm chỉ, cũng rất ngoan ngoãn nhưng sao lại không còn giỏi như hồi bé nữa.
Tiểu Khúc thì không để tâm mấy, cảnh tượng cậu đọc thơ cho bạn bè thân thích của cha không còn xuất hiện từ rất lâu rồi, mà trên thực tế thì hiện giờ rất ít ai tới nhà cậu chơi, dường như mọi người ai cũng bận. Cậu vẫn đi học, vẫn luyện chữ vẽ tranh, nhưng ngoài những cái đó ra thì cậu còn biết rất nhiều việc khác, ví dụ như làm thế nào để cây đào ngoài sân không có sâu, làm thế nào để cải tạo đấu lạp để khi mưa to không bị ướt đầu, làm thế nào để giặt sạch vết mực trên quần áo, làm thế nào để mở ổ khóa mà không cần chìa khóa, làm thế nào để gấp được đèn lồng có hình dáng khác nhau, vân vân... Cuộc sống không chỉ có thi từ ca phú.
Sức khỏe của lão Khúc càng ngày càng kém, mỗi lần thấy con trai giặt giặt chà chà, ông chợt ý thức được, phục lai phục lai, nghĩa là số mệnh... không có gì cả?
Nhưng thỉnh thoảng lão Khúc cũng an ủi bản thân rằng thôi vậy, nếu hiện giờ con ông vẫn là thần đồng thì sao chứ, đến cả triều đại thịnh vượng cũng sụp đổ thì hạng thấp bé như con kiến họ đây làm sao tạo được công danh giữa thời binh hoang mã loạn thế này.
Thực sự không thể... Đến cả sống sót cũng trở nên rất khó khăn.
Hoàng đế trẻ tuổi trừ trẻ tuổi ra thì không có gì cả, ngôi vị hoàng đế và quốc thổ bị ngoại địch dòm ngó, cuộc sống phóng túng không ngăn nổi mấy vạn thiết kỵ, giang sơn nước Thục sẽ trở thành món đồ của kẻ khác, thảm nhất là e rằng đến cả hoàng đế cũng bị chém đầu.
Năm hoàng đế rơi đầu, lão Khúc cũng chết vì bệnh. Thân thể vốn không khỏe đã bị lụi tàn theo vận mệnh nước nhà.
Tiểu Khúc mười ba tuổi ngồi trước giường bệnh của cha già, lẳng lặng nắm chặt bàn tay lạnh ngắt của cha.
Lão Khúc không để lại di ngôn gì nhiều. Nhà không còn dư bao nhiêu tiền, căn nhà cũ kỹ không còn ai, bà Khúc đã qua đời vì bạo bệnh hồi Tiểu Khúc còn chưa tròn một tuổi, bà vú chăm sóc cậu đã xin về quê hồi năm ngoài, có một người làm đã bỏ đi vì không được trả lương suốt mấy tháng trời, vì vậy gia tài quý giá nhất của nhà họ Khúc chính là Tiểu Khúc.
"Con có... tự chăm sóc được bản thân không?" Trước lúc nhắm mắt, lão Khúc thều thào hỏi.
"Khóa cửa nhà mình là do con tự làm." Tiểu Khúc cố nặn ra nụ cười dưới ánh nến.
Lão Khúc bật cười, bệnh đến mụ mị cả người, cứ cho rằng con trai mình vẫn là thằng nhóc còn hôi sữa. Nó đã giỏi rồi, lên mái nhà lật ngói, xuống sông bắt cá, cái gì cũng biết.
"Chừng nào con có con... nhớ cho nó học hành." Lão Khúc thở nặng nhọc.
Tiểu Khúc gật đầu: "Dạ."
Lão Khúc hài lòng thở phào nhẹ nhõm, đôi mắt đục ngầu nhìn lên trần nhà: "Phục Lai... Nghìn vàng tiêu hết rồi lại đến."
Tiểu Khúc siết chặt tay cha hơn, có như vậy cậu mới kiềm được để không nói: Thứ chưa bao giờ có thì làm sao "lại đến" được... Cậu không dám nói, sợ cha sẽ chết nhanh hơn.
Canh ba, lão Khúc đi đến điểm cuối của cuộc đời ông.
Nó hơi buồn, lão Khúc là người đã luôn có mặt trong suốt quãng đời mười ba năm qua của nó, mà phần lớn là thời gian vui vẻ. Lúc này hẳn là Tiểu Khúc sẽ khóc một trận đã đời, cảm ơn trời đất, cuối cùng nó cũng được ăn một bữa no nê rồi, mười ba trăm trời ăn muối chán òm, khó chịu chết đi được.
Nhưng nó phải thất vọng rồi. Từ lúc lão Khúc nhắm mắt cho đến khi hạ táng, thằng Tiểu Khúc chết bầm này không rơi lấy một giọt nước mắt. Lúc hóa vàng mã ở trước mộ lão Khúc, nó nghe Tiểu Khúc đọc lại toàn bộ những bài thơ mà nó đã đọc trước mặt họ hàng từ nhỏ đến lớn, đọc từ trưa hôm nay đến rạng sáng hôm sau mới chịu lê đôi chân tê rần về nhà.
Nó đoán hẳn là Tiểu Khúc chưa từng hận lão Khúc, nếu hận thì cậu đã chẳng nhớ quãng thời gian mà lão Khúc vui vẻ nhất.
Trên đường về, nó nhìn thấy cậu dụi mạnh mắt, dụi đến mức mắt đỏ ngầu, nhưng không giọt nước mắt nào rơi xuống cả.
Nó bị đói suốt năm sáu năm nay, nó mới là người khóc không ra nước mắt đây nè.
Thiên hạ vẫn bị chia năm xẻ bảy, mọi người cũng đã quen với cuộc sống khói lửa. Hôm nay là hoàng đế, ngày mai làm ma dưới lưỡi đao không còn là chuyện kỳ lạ nữa, giang sơn ở những năm tháng tốt đẹp rất dễ bị phá hủy. Có câu thời thế tạo anh hùng, nhưng anh hùng thì quá ít trong khi người thường lại quá nhiều, lý tưởng xưng bá thiên hạ đầy hào hùng bị chôn vùi dưới mưu cầu được sống, chôn sâu đến nỗi không thể nhìn thấy ánh nắng, không ai biết được.
Tiểu Khúc không lừa lão Khúc, cậu có thể tự lo cho bản thân, thời thế loạn lạc ra sao thì có tay có chân vẫn sẽ sống được. Cậu chép sách cho người ta, học tính toán sổ sách, làm công cho tiệm gốm, công việc lâu nhất là trồng trọt ở thôn nọ, sẵn tiện đọc thư cho người dân trong thôn không biết chữ, nhìn chung cũng kiếm được đủ ăn, đôi khi còn có dư.
Tiểu Khúc mười chín tuổi chẳng những cao hơn rất nhiều mà mặt mũi cũng đàng hoàng, tuy không đẹp trai tuấn tú nhưng sáng sủa thích cười, trông cứ như không bao giờ biết buồn, rất dễ mến. Cô nương Thúy Nhi hay ra bờ sông ở phía đông để giặt giũ rất thích cậu. Cậu dạy cô đập nát loại cỏ dại không biết tên mọc đầy thôn rồi thả vào nước, dùng nước đó giặt đồ vừa sạch vừa chống phai màu, cậu còn lấy hòn đá viết chữ lên mặt đất để dạy cô vào những lúc cô rảnh rỗi, thế là Thúy Nhi lại vô tình trở thành người biết nhiều chữ nhất trong thôn. Cậu kể đủ chuyện mà cậu từng gặp cho cô nghe, thường xuyên khiến cô cười nắc nẻ. Mỗi khi thôn có lễ hội gì, Thúy Nhi luôn là người đầu tiên thông báo cho cậu, qua những cái Tết Trung Thu, Tết Đoan Ngọ, Tết Nguyên Đán, họ càng ngày càng quen với việc dành thời gian cho nhau. Họ thường rang một đĩa đậu với ít muối để làm đồ ăn vặt, ngồi ở bờ ruộng thảo luận Thường Nga có ở trên mặt trăng hay không, lén lút leo lên đỉnh núi lúc nửa đêm, ngồi hứng gió lạnh để chờ mặt trời mọc như hai kẻ ngốc nghếch. Có đôi khi cậu sẽ trêu tay nghề của Thúy Nhi tệ quá, làm đôi giày tặng cậu mà chiếc lớn chiếc nhỏ.
Tóm lại, Tiểu Khúc nghĩ có lẽ cuộc sống sau này của cậu sẽ có thêm một người, vì vậy bây giờ phải nỗ lực kiếm thật nhiều tiền để sang nhà Thúy Nhi cầu hôn.
Thanh niên tràn đầy hy vọng vào cuộc sống thật khiến người ta vui mừng.
Chỉ có nó là tức chết... Thằng nhãi này lại rơi vào bể tình... Nghe nói tình yêu sẽ khiến người ta hạnh phúc, vậy chẳng phải cậu sẽ càng không khóc ư? Tức chết mất, tức chết mất! Chẳng lẽ nó phải chịu đói cả đời?? Đây là thời đại khiến người ta dễ dàng rơi lệ, nhưng tại sao thằng nhãi này cứ không khóc mãi vậy?!
Nửa năm sau, Thúy Nhi xuất giá, chú rể là con trai của nhà giàu xóm trên.
Trước khi định hôn ước, Thúy Nhi đến tìm Tiểu Khúc và khóc rất nhiều, nói rằng cô không muốn cưới người đó, bảo cậu mau đến nhà cô cầu hôn đi.
Tiểu Khúc đếm số tiền mà cậu giấu dưới giường, thật ra còn chẳng cần đếm vì quá ít.
Cậu vẫn đến nhà Thúy Nhi, không đủ tiền nhưng thừa can đảm, cậu thật lòng thích Thúy Nhi, đó là lần đầu tiên trong suốt hai mươi năm qua cậu muốn phó thác cuộc đời mình cho người khác.
Nhưng lòng can đảm và ước muốn của cậu đã chịu thất bại thảm hại trước phần sính lễ phong phú của người khác. Bất kể cậu bày tỏ chân tình ra sao thì vẫn bị mẹ Thúy Nhi cầm chổi đuổi ra khỏi nhà, vừa đánh vừa mắng: "Thằng quê mùa như mày còn chẳng nuôi nổi bản thân mà dám đòi cưới con gái nhà tao? Cha nó làm ăn thua lỗ, bị đòi nợ thì mày giúp nhà tao trả nợ hay giúp nhà tao tự sát hả? Mày mà còn dám tới tìm Thúy Nhi thì coi chừng tao đánh chết!"
Trong nhà, cha Thúy Nhi sầm sì mặt mũi, ho sù sụ.
Ban đầu Thúy Nhi còn khóc lóc cãi lại, thậm chí chỉ trích cha mình học đòi kinh doanh giữa thời loạn lạc này, mẹ mắng cô bất hiếu, cô vừa sợ vừa tức, nói không ra lời, mãi đến khi cha ho ra máu, cả nhà mới thôi công kích nhau, sau đó ôm nhau òa khóc.
Cậu không biết phải an ủi gia đình họ ra sao, nhưng người mới vừa bị đánh là cậu mà, liệu có ai an ủi cậu không?
Không ai cả.
Cậu lặng lẽ rời khỏi nhà Thúy Nhi.
Mấy ngày sau đó, Thúy Nhi không tìm cậu, cậu cũng chẳng tìm cô.
Lại qua thêm mấy ngày, Thúy Nhi đỏ hoe mắt đứng trước mặt cậu. Khi đó đã sẩm tối, trời rất lạnh, toàn thân từ trên xuống dưới đều lạnh cóng.
Ngoài bờ tường trụi lủi, hai người nhìn nhau không nói gì. Thúy Nhi cúi đầu không dám nhìn cậu.
Làn gió bấc lạnh lẽo bị buộc phải nhìn hai sinh vật còn sống trước bờ tường. Giờ phút này, thế giới dường như không tìm được sự sống nào khác.
"Sau này phải sống thật tốt đấy." Cậu không cần cô nói, đáp án đã có sẵn trong lòng. Cậu lấy đồ từ trong ngực áo ra, đó là cái hà bao mà trước đây Thúy Nhi may cho cậu, bên ngoài thêu hình uyên ương trông như con vịt. Cậu trả lại cô,"Không biết phải mua quà gì, em nhận cái này vậy, thích gì thì mua nhé."
Tay Thúy Nhi cứng ngắc như gỗ, trả hà bao lại cho cậu, lắc mạnh đầu.
Cậu không nhận, đẩy trở lại: "Cưới chồng là chuyện vui. Trời lạnh lắm, mau về đi."
Thúy Nhi càng khóc tợn, nghẹn ngào muốn nói gì đó nhưng mãi vẫn không nói nửa lời.
Không cần xin lỗi, cũng không có oán hận. Cậu xoa đầu cô, tiễn cô ra đầu ngõ, chỉ có thể tiễn đến đây thôi, con đường sau này cô phải đi cùng người khác.
Cậu mỉm cười vẫy tay chào cô, dõi mắt nhìn cô rời đi.
Nó đứng trên vai cậu thở dài, không phải vì cậu thất tình mà là vì đang đoán xem liệu nó có đồ ăn hay không. Cái cậu này thật là, rốt cuộc phải đến mức nào thì cậu mới khóc hả?
Đang nghĩ ngợi, một giọt nước mắt lấp lánh đột nhiên rơi xuống má cậu. Nó ngạc nhiên, vội vã lao xuống nuốt vào, lúc ngẩng đầu lên thì thấy cậu đã mất hết sức lực dựa vào thân cây khô, bộ đồ màu nâu mà cậu mặc như hợp thể với thân cây.
Giọt nước mặt còn chưa kịp lăn xuống thì cậu đã giơ tay quệt mạnh. Cậu vẫn cười, tựa như chỉ cần không để lộ vẻ mặt đau khổ thì cậu cũng sẽ không đau khổ.
Nó thỏa mãn ợ một cái, bay tới hôn mạnh mặt cậu: "Cuối cùng cậu cũng khóc rồi!" Nó thậm chí còn mong ngóng cậu yêu thêm một cô gái nữa rồi cô ấy cũng đi lấy chồng khác, biết đâu như vậy thì nó sẽ không phải lo đói bụng cả đời.
Tóm lại vào ngày hôm đó, Tiểu Khúc không biết mình về nhà bằng cách nào, dĩ nhiên càng không biết bên cạnh mình có con yêu quái phấn khởi thiếu điều gõ trống khua chiêng ăn mừng.
Không lâu sau khi Thúy Nhi xuất giá, Tiểu Khúc rời khỏi nơi này.
Không thể về quê vì lúc đi căn nhà đã bị khói lửa chiến tranh thiêu rụi hơn phân nửa, bây giờ chắc cũng đã hỏng toàn bộ rồi. Lúc đầu ra ngoài kiếm sống, còn nghĩ chờ để dành đủ tiền thì chắc thiên hạ cũng thái bình, khi đó sẽ về quê tu sửa lại nhà cửa, cưới vợ sinh con, dạy con học, không cần con học thuộc hết, càng không cần con trở thành thần đồng. Nhưng lăn lộn bao năm, tiền sửa nhà còn lâu mới đủ, thiên hạ cũng chưa thái bình, thậm chí là càng ngày càng loạn lạc.
Hai mươi tuổi, ba mươi tuổi, bốn mươi tuổi... Chỉ có số tuổi là nhẹ nhàng thay đổi mà thôi.
Trong quá trình từ Tiểu Khúc biến thành Lão Khúc, hắn từng tòng quân đánh giặc. Trong quân đội ít nhất được ăn no, nhưng hắn không dám giết người, đao nặng hơn bút rất nhiều, hắn cầm không vững, hơn nữa chiến trường quá đáng sợ, hắn chưa từng thấy nhiều máu và nhiều sự tổn thương đến vậy. Người chết chồng lên người bị thương, mạng người ở đó còn rẻ rúng hơn cả tờ giấy vụn. Tới một ngày nọ, hắn đào ngũ, không phải vì sợ chết mà vì cảm thấy chuyện mình đang làm thật vô nghĩa, cũng không còn sức để làm nữa. Lúc bỏ trốn, hắn còn dắt theo cậu bé mười mấy tuổi bị thương, thấy máu là khóc. Họ ẩn nấp suốt dọc đường, những lúc không có gì ăn, hắn sẽ lẻn vô nhà người ta vào ban đêm để hái trộm trái cây, hơn nữa còn để lại tên. Sống không hề dễ dàng, cũng may cậu thương binh rất ngoan, dọc đường cứ luôn miệng bảo hắn cứ bỏ mặc cậu đi. Hắn cũng dao động mấy lần, dắt theo thương binh chạy trốn thực sự rất khó, nhưng sau cùng lần nào hắn cũng nói ta dắt đệ đi thêm một đoạn nữa, hết đoạn này tới đoạn khác, cứ thêm một đoạn là lại gần nhà của cậu thương binh thêm một đoạn. Cậu thương binh nói nhà mình còn có mẹ và em gái, quanh thôn là núi đồi, hoa quả khắp nơi, còn bắt được thỏ nữa, nằm mơ cậu ấy cũng mong được về nhà. Hắn nghe xong cũng rất mong đợi, thậm chí còn nghĩ quê hương của cậu thương binh là nơi mà hắn muốn đến.
Đáng tiếc kết quả cuối cùng là cả hai người họ đều không thể về quê nhà trong mơ.
Cậu thương binh chết dọc đường, trước khi chết còn mê man gọi mẹ, nói con muốn mặc quần áo mới.
Hắn không tìm được vàng mã, đành xếp lá khô thành quần áo rồi đốt trước cái mộ giữa khoảnh đất hoang.
Hắn không bao giờ ra chiến trường nữa. Tuy ở quê đã không còn người thân và bạn bè nhưng hắn vẫn lén trở về. Mấy năm xa quê, ngôi nhà tổ chờ được sửa sang chỉ còn là một bức tường cũ nát, tòa thành nhỏ từng náo nhiệt giờ chỉ còn là vùng đất hoang vu, người đi được đã đi hết rồi, chỉ còn lại người già, phụ nữ và trẻ em tranh cãi nhau chỉ vì một túi bánh quy nhỏ.
Hắn ngồi trước căn nhà tan hoang cả đêm, sáng sớm hôm sau rời khỏi thành, lúc đi còn mang theo ổ khóa cổng, đó là bằng chứng mà hắn nói sẽ tự lo cho bản thân lúc cha lâm chung.
Người biết cái chữ, biết trồng trọt, biết sửa khóa sẽ không chết đói.
Hắn đi đến thành phố lớn đông đúc, trừ trộm cướp lừa đảo ra thì chuyện gì cũng làm. Thời loạn lạc kiếm tiền cực khổ, phải chắt chiu từng đồng, học người ta buôn bán nhỏ, rõ ràng đã phân tích kỹ càng và chuẩn bị đầy đủ nhưng vẫn thua lỗ. Có người nói buôn bán phải dựa vào may mắn, nhưng hắn đã dùng hết may mắn của mình vào ánh hào quang lúc còn bé mất rồi. Hắn cười, chỉ vào trong gương: Phải rồi! Chấp nhận sự thật này đi!
Không có may mắn nhưng còn có sức khỏe, hắn đã hứa với cha là sẽ tự chăm sóc bản thân, không thể nuốt lời.
Bất kể là tính sổ sách cho cửa tiệm hay tắm cho ngựa ở ngoài chuồng ngựa, hắn cũng tin tưởng một ngày nào đó thiên hạ thái bình, khi đó cuộc sống sẽ tốt hơn thôi.
Hắn cũng đem lòng quý mến một hai cô gái nhưng không đủ duyên đủ phận, rốt cuộc cũng chẳng đi đến đâu. Hắn không thể phủ nhận cuộc sống của mình khó khăn quá, nếu cứ kéo người khác vào cuộc đời mình thì sẽ hại người ta.
Nhoáng cái đã lại mười năm trôi qua, chiến hỏa ngày càng lớn, tựa như đã tới cực hạn, cục diện liên tục biến đổi chỉ chờ một nhân vật vung đao lên để ổn định.
Còn ông đã qua bốn mươi tuổi, đã là một người trung niên, soi gương còn thấy tóc bạc bay bay bên tóc mai.
Hôm đó là ba mươi tết, ông ra khỏi ngôi miếu hoang xập xệ mà đi ra chợ, ông cứu được một đứa bé bị trượt chân ngã xuống sông. Đứa bé nói nó không biết đường về nhà, mà trời rất lạnh, ông đành bồng nó về ngôi miếu đổ nát, đốt lửa sưởi ấm. Nhưng người ở trong miếu, họa từ trời giáng xuống, một đám người không biết hiểu lầm cái gì mà xông vào, một người phụ nữ ôm đứa bé khóc to, đứa bé gọi bà ấy là mẹ. Ông định nói chuyện thì đã bị những người khác vây vào đánh một trận nhừ tử, vừa đánh vừa mắng bọn buôn người sẽ không được sống tử tế, có người còn đòi lôi ông đi báo quan.
Buôn người? Ông dở khóc dở cười nhưng giải thích thế nào cũng vô dụng, quyền cước vẫn mạnh mẽ rơi xuống người ông.
Cuối cùng là mẹ đứa bé hô dừng lại, nói nếu đã tìm được đứa bé và đánh một trận rồi thì thôi cho qua đi, đừng gây thêm chuyện nữa.
Sau đó ông bị mấy người lực lưỡng nhấc lên ném ra khỏi miếu, cảnh cáo ông lập tức rời khỏi vùng đất của họ, nếu còn dám thò mặt vào thôn để bắt cóc trẻ con thì sẽ bị đánh chết.
Ông nén đau bò dậy, lau vết máu ở khóe miệng, nhìn bóng dáng của đám người đi xa, thở dài, vô tội nói: "Tôi không phải bọn buôn người thật mà, sao mấy người không tin vậy."
Thật là ngày ba mươt Tết hỏng bét.
Ông không dám đi về hướng của đám người kia, sợ chết lắm.
Ông khập khễnh đi ra chợ, vào một cái quán nhỏ, mua một bầu rượu và một đĩa cơm thịt băm.
Trời chưa tối mà chợ vẫn rất náo nhiệt. Tết nhất mà, ở đây lại gần Lạc Dương, đông đúc hơn nơi khác nhiều. Mọi cửa sổ đều dán giấy đỏ mừng xuân, lũ trẻ mặc quần áo mới chơi đùa ngoài đường. Sau một năm bận rộn mọi người cũng tìm được một ngày nghỉ ngơi, đại đa số dẫn con về nhà ăn bữa cơm sum vầy, trong quán chỉ có mình ông là khác, tiểu nhị còn thỉnh thoảng tới nhắc hôm nay quán đóng cửa sớm.
Buổi tối, ông xách bầu rượu còn chưa uống hết và phần cơm thừa đi trên con đường vắng lặng, xa xa vang lên tiếng pháo.
Ông giơ bầu rượu, cười to nói với mình "Vạn sự như ý" rồi hớp một ngụm rượu.
Nó vẫn nằm trên vai ông, ngáp một cái.
Bốn mươi năm rồi, tuy chọn sai người nhưng sống được bốn năm coi như không lỗ, chẳng qua ngày mai lại không biết đi đâu để trộm muối ăn thôi.
Nhưng nó phát hiện ngày mai mình không cần tìm muối nữa bởi vì ông đã khóc... Vừa ăn vừa khóc.
Bao nhiêu năm rồi... Cuối cùng cũng khóc!
Nhưng ông khóc vì điều gì? Cứ tưởng ông đã không còn cố chấp vì chuyện gì nữa rồi chứ. Người bốn mươi tuổi đã gặp hết sóng gió cuộc đời rồi mà.
Ông vừa đi vừa uống rượu, mỗi lần uống chỉ hớp một ngụm nhỏ, nhưng tửu lượng quá kém, cuối cùng vẫn say.
Trong mơ màng, ông chỉ thấy có ngọn đèn dầu, lảo đảo qua đó mới biết ra là một ngôi chùa nhỏ, nhưng không đổ nát, vẫn đầy hương khói.
Ông ngồi ngoài bậu cửa, uống ngụm rượu cuối cùng.
Bầu rượu lăn lông lốc, ông nghiêng ngả dựa vào cửa chùa.
"Bốn mươi tuổi rồi... Đến cả một người nói với mình chúc mừng năm mới mà cũng không có... Ha ha..." Ông lèm bèm trước khi ngủ thiếp đi.
Nó nhảy xuống đùi ông, ngẩng đầu nhìn người đàn ông bốn mươi tuổi, chợt khinh thường hừ một tiếng: "Câu "chúc mừng năm mới" thôi chứ gì."
Hết chương 5. 3
Bạn cần đăng nhập để bình luận