Bách Yêu Phổ
Chương 133: Anh Nguyên(3)
Ông chọn con ngựa nhanh nhất trong phủ, sau khi ra khỏi cổng thành thì phi thẳng về phía nam mà không hề nghĩ ngợi rằng mình cần đi hướng nào. Ông chỉ đi theo bản năng.
Cảnh sắc dọc đường đi không khác trong mơ là bao, mùi cỏ, hương hoa, ngay cả những dãy núi cũng giống hệt... Phải chăng vì đó là cùng một ngọn núi, cùng một con sông?
Ông thúc ngựa, lòng nôn nao đến lạ, ông không muốn chạy chậm lại dù chỉ là một chút, chỉ muốn mọc ra đôi cánh để bay cho nhanh.
Phía xa xa ở đằng sau ông có một người đang cưỡi ngựa đuổi theo. Sắc mặt của lão Phàn có vẻ nghiêm trọng.
Ông không biết, cũng không quan tâm tình hình phía sau, chỉ chăm chăm chạy về phía trước, tự nhủ chỉ cần chạy thêm một chút nữa thôi là sẽ thấy tòa thành trong giấc mơ.
Ông không giải thích nổi vì sao mình lại muốn tìm kiếm nơi trong giấc mơ ấy, ông chỉ muốn đi tìm mà thôi.
Mặt trời trên đỉnh đầu đi theo ông, ánh nắng gay gắt bổ thẳng xuống cả người lẫn ngựa đang chạy điên cuồng bên dưới, mãi đến khi mặt trời ngả về tây, ông mới ghìm dây cương lại.
Là nơi đây, chắc chắn là nơi đây.
Nhưng tòa thành đâu rồi?
Ông ngơ ngẩn. Trước mắt chỉ có khu đất hoang rộng lớn, đám cỏ dại mọc xen giữa đống gạch đá thỉnh thoảng lay động trong gió.
Không có cổng thành cao vút, không có nhóm người trong mơ, chỉ có nền gạch đổ nát trốn dưới đám cỏ dại chứng minh nơi này từng có người sống. Nếu nhìn kỹ, sẽ thấy có mấy cái xe đẩy bị gãy nát hoặc các loại chén bát bị vỡ.
Chắc chắn đây không phải là nơi ông nhìn thấy trong mơ, nhưng vì sao ông lại đến đây... Những cảm xúc ngạc nhiên, tiếc nuối, mờ mịt cùng kéo đến khiến lòng ông rối như tơ vò.
Ông xuống ngựa, ngơ ngác nhìn quanh, hóa ra khi đến nơi rồi thì mới bị mất phương hướng.
Phán đoán từ lý trí đã không còn tác dụng, mỗi bước chân của ông tại giờ phút này đều xuất phát từ bản năng.
Đằng trước đáng lẽ có một cái cây chứ nhỉ? Ông cứ đi, một hướng khác trong tầm mắt bỗng hiện ra bóng cây hư ảo, nhưng chỉ chớp mắt sau, đầu ông vang lên tiếng động, không rõ là ảo giác hay là ký ức, nhưng như có nam châm kéo mạnh ông đi về phía đó.
Nhưng mặt đất gồ ghề quá, có mấy lần làm ông suýt trẹo chân, thế mà ông lại không muốn ngừng, cứ mải đi tiếp.
Dưới ánh tà dương, một con quạ đen bay xoẹt qua, đến nó còn chê nơi này, không thèm liếc lấy một cái.
Ông không được may mắn lắm, sẩy chân rơi xuống cái hố bị cỏ che khuất, may mà hố không sâu, chỉ tới ngang hông ông, dưới đáy hố cũng chỉ có bùn mà thôi, lúc ngã bệt xuống hố không bị đau, chỉ bị bẩn quần áo.
"Sao lại vậy..." Ông rất tức giận, giận mình không nhìn kỹ đường, nhưng hơn hết là vì ông không thể tìm ra được bất kỳ đáp án nào tại nơi khỉ ho cò gáy này.
Ông leo lên khỏi hố, phủi bùn dính trên quần áo, sau đó tấm mắt dính chặt vào nửa khúc tượng đá ở cách đó không xa.
Nó là bức tượng Phật nghiêm trang nhưng giờ chỉ còn lại nửa khúc đứng nghiêng ngả trong đống đổ nát, trông vừa cô tịch vừa thê lương.
Ông thở dài, thầm nhủ tội lỗi, tội lỗi.
Hu hu hu!
Bỗng có tiếng khóc rấm rứt từ đầu truyền đến, không to lắm, nghe rất kìm nén.
Ông giật thót, không lẽ không chỉ mắt mình có vấn đề mà đến cả tai cũng bị tật... Ông cố nghe kỹ, xác định tiếng khóc phát ra từ sau nửa bức tượng Phật. Tượng Phật khá to nên đã chắn tầm nhìn của ông.
Ông sờ lên eo theo bản năng, lại nhận ra mình quên mang theo kiếm mất rồi.
Tiếng khóc đứt quãng nhưng chưa bao giờ ngừng lại. Ông siết chặt tay, nhẹ nhàng đi tới chỗ tượng Phật.
Tiếng khóc càng lúc càng gần, ông cẩn trọng thò nửa thân mình ra khỏi tượng Phật, sau đó thở phào nhẹ nhõm.
Đó là một đứa bé tầm bốn, năm tuổi để tóc trái đào, mặc bộ đồ màu vàng nhạt sạch sẽ, gương mặt vốn trắng trẻo, dễ thương của nó đã trở nên lem luốc vì bị nó dùng bàn tay dính bẩn lau nước mắt.
Chân trái của ông vô ý giẫm lên nhánh cây khô. Nghe tiếng động, đứa bé quay sang, mở to mắt nhìn ông chốc lát rồi càng khóc tức tưởi, trông rất tội nghiệp.
Ông đi tới gần đứa bé, ngồi xuống, cố gắng tỏ ra thật hiền lành: "Cháu là con nhà ai? Sao ở đây một mình thế?"
Đứa bé vừa khóc thút thít vừa lắc đầu.
"Đừng sợ." Ông khẽ khàng xoa đầu nó,"Cháu tên gì? Biết đường về nhà không?"
Vì mới khóc nên giọng của đứa bé không được rõ ràng lắm: "Ngạo... Ngạo..."
Thấy nó cứ lắp bắp chữ "Ngạo", ông đành ngắt lời: "Tên là Tiểu Ngạo hả?"
Đứa bé không lắc đầu cũng chẳng gật đầu, chỉ có nước mắt là không ngừng rơi lã chã.
"Tiểu Ngạo nói cho bác nghe nào, nhà cháu có ở gần đây không?" Ông nhẫn nại hỏi,"Có nhớ ở hướng nào không? Chỉ cho bác đi, bác dẫn cháu về."
Tiểu Ngạo lắc đầu, vẫn không ngừng khóc.
Sau đó mặc kệ ông hỏi gì, Tiểu Ngạo cũng không nói nữa.
Ông hết cách, đứng lên nói: "Nếu cháu không nói gì thì bác chịu thua thôi." Ông giả vờ bỏ đi nhưng bị Tiểu Ngạo tóm lấy vạt áo, đồng thời nó cũng khóc to hơn, giống như ông sẽ bỏ mặc nó ở đó thật vậy.
Có phải do ông đâu? Ông không biết đứa bé này, người có lỗi là cha mẹ của nó mà. Nhưng chỉ cần nhìn thằng bé đáng yêu đang ăn vạ này, lòng ông trở nên mềm nhũn, hơn nữa trời cũng sẩm tối rồi, không thể bỏ mặc nó ở đây một mình được.
Ông nghĩ ngợi chốc lát, sau đó nhặt một hòn đá rồi viết xuống đất: "Thằng bé đang ở Long Thành Viện, cha mẹ hãy đến đó đón con về." Ông cúi người bế Tiểu Ngạo lên, nói: "Có muốn về nhà bác không?"
Tiểu Ngạo hít mũi, gật đầu.
Ông cười lắc đầu, bế Tiểu Ngạo đi, nói tiếp: "Vậy mình giao kèo nhé, đến nhà bác rồi thì không được khóc nhè nữa đâu đấy."
Tiểu Ngạo dẩu miệng, càng ôm chặt hơn.
Có tiếng vó ngựa cách đó không xa, cuối cùng con ngựa mập chở lão Phàn cũng đã thở phì phò đuổi kịp ông.
"Lão gia... Ngài... ngài... chạy tới đây làm gì?" Lão Phàn lớn tuổi rồi, lảo đảo xuống ngựa, vội vã chạy đến đón ông.
"Không có gì đâu, chỉ là nổi hứng, muốn ra ngoài giải khuây thôi." Ông cười với lão Phàn,"Về thôi, tối rồi." Nói xong, ông đi tới ngựa của mình, đặt Tiểu Ngạo lên trước rồi phóng mình lên lưng ngựa, sau đó quay qua nói với lão Phàn: "Chắc thằng bé này bị lạc rồi, ta đưa nó về phủ ở tạm, ngày mai lại tính tiếp. Chờ về tới nhà ông nhớ bảo phòng bếp làm ít thức ăn mềm cho nó nhé."
"Dạ?" Lão Phàn sững sờ.
"Đừng rề rà nữa, mau về thôi. Lão chạy chậm quá đó." Ông nắm dây cương, con ngựa hí lên một tiếng rồi phóng theo đường cũ.
Mãi đến khi ông khuất dạng, lão Phàn mới sực tỉnh, vội vã leo lên ngựa, lúc quay đầu ngựa lại, lão chợt nhìn mảnh đất hoang đằng sau, trên gương mặt già nua ướt đẫm mồ hôi thoáng hiện lên sự bi thương và lạnh lẽo khó tả.
Trên con đường hẻo lánh không người lui tới, có hai con ngựa tắm trăng nối đuôi nhau chạy thẳng về Long Thành Viện trong ngọn gió đêm se se lạnh.
Về tới phủ đã là nửa đêm, Tiểu Ngạo tỉnh ngủ, đôi mắt mở to nhìn tòa nhà rộng lớn trước mặt.
Ông bế Tiểu Ngạo xuống ngựa, dắt tay thằng bé đi vào nhà, vừa đi vửa hỏi: "Trông cháu tỉnh táo nhỉ, không ngủ à?"
Tiểu Ngạo nhìn trái ngó phải, ánh mắt không chứa quá nhiều sự tò mò, tuy không khóc nữa nhưng cũng không thấy cười.
"Đói không?" Ông xoa đầu Tiểu Ngạo,"Muộn quá rồi, chắc chỉ đành ăn tạm ít bánh để lót dạ thôi."
Tiểu Ngạo vẫn không đáp lời, nó dồn toàn bộ sự chú ý vào nơi rộng lớn đầy xa lạ này, trông vẻ mặt nó không hề giống đứa trẻ chỉ biết khóc nhè chút nào.
Ông dắt nó đi thẳng vào vườn, đã nghĩ xong tối nay sẽ tạm thời cho thằng bé ngủ ở thư phòng, ngày mai sẽ nghĩ cách tìm kiếm cha mẹ nó. Đứa bé này trông có vẻ thông minh, tiếc là kiệm lời quá, nếu nó vẫn không chịu nói gì thì khó mà tìm được cha mẹ nó đây.
Trong lúc ông đang nghĩ ngày mai phải làm gì thì Tiểu Ngạo bỗng dừng lại, nhìn thẳng vào cây quế, tuy là ban đêm nhưng những đóa hoa màu đỏ vẫn vô cùng bắt mắt.
Giờ thì đến lượt ông tò mò. Một đứa trẻ không có hứng thú với việc ngủ, cũng chẳng thích thú với chuyện ăn uống mà lại có hứng với một cái cây. Chẳng lẽ nó thích mùi hoa quế?
"Cháu đang nhìn gì thế?" Ông hỏi.
Tiểu Ngạo không trả lời mà giãy tay ông ra, chạy tới gần cái cây để nhìn rõ hơn.
Lẽ nào nhà nó cũng có một cây quế giống vậy, thấy có cái tương tự nhà mình nên nó mới nhìn? Ông nghĩ có lẽ là lý do khác.
"Lão gia..."
Đằng sau vang lên tiếng bước chân dồn dập cùng tiếng thở hổn hển của lão Phàn.
Ông quay lại, buồn cười nhìn người hầu trung thành đã đi theo mình bao nhiêu năm qua: "Ta đã nhắc lão rèn luyện sức khỏe không biết bao nhiêu lần rồi. Có phải già lắm đâu mà mới cưỡi ngựa thôi đã khiến lão bơ phờ thế này rồi."
"Đã sáu mươi rồi, nửa thân người đã chôn xuống đất rồi còn đâu." Lão Phàn lắc đầu, vỗ ngực nói,"Lão gia, sau này ngài đừng đột ngột bỏ đi như thế nữa, cho cái mạng già của lão được sống yên ổn với. Ngài phi ngựa như bay, lại tới nơi khỉ ho cò gáy đó, lỡ xảy ra chuyện gì thì Long Viện Thành biết tính sao!"
"Lão lo quá rồi đó." Ông không để tâm,"Ta không sao đâu." Ông chợt nhớ ra một chuyện, nói ngay với lão Phàn: "Hôm nay muộn quá rồi, ngày mai lão phải bảo nhà bếp nấu ngon ngon chút, cứ theo khẩu vị của Đường Nhi ấy, chắc trẻ con đứa nào cũng giống nhau. Với cả sai thủ hạ đi hỏi thăm quanh đây xem có nhà nào bị lạc mất con không. Chà, cũng chỉ biết làm vậy thôi, hy vọng tìm được cha mẹ của nó."
Lão Phàn nhăn mặt, im lặng hồi lâu.
Ông nhận thấy lão Phàn có vẻ kỳ lạ, bèn hỏi: "Sao thế? Ta nói gì sai à?"
Lão Phàn ngập ngừng hồi lâu, cứ muốn nói gì đó rồi lại không chịu nói.
"Lão sao vậy? Sao cứ nhăn nhó mãi thế?" Ông càng thêm khó hiểu,"Có gì thì nói nhanh đi, còn phải đi ngủ nữa."
"Lão gia... ngài bảo lão chuẩn bị thức ăn cho trẻ con?" Lão Phàn nói.
"Chứ không thì sao? Ông biết rõ trẻ con tuổi đó thích ăn gì mà, đúng không?" Ông hỏi ngược lại, việc đơn giản vậy mà lão Phàn cũng phải hỏi lại, không giống với tác phong bình thường của lão chút nào.
"Không phải..." Lão Phàn xoa tay, nhìn quanh, cuối cùng như hạ quyết tâm,"Lão không thấy đứa bé nào về cùng ngài cả."
Ông sửng sốt, sau đó cười to: "Lão Phàn ơi là lão Phàn, lão đang chứng minh mình già đấy à? Mới sáu mươi thôi mà mắt đã mờ thế sao?"
Lão Phàn sốt sắng, tiến lên nói: "Lão gia, không có đứa bé nào cả, thật đấy! Từ đầu đến cuối lão chỉ thấy mình ngài thôi!" Lão thiếu điều sờ trán xem lão gia nhà mình có bị sốt hay không.
"Buồn cười, ban nãy ở khu đất hoang, lão cũng thấy ta bế một đứa nhỏ lên ngựa mà!" Ông cũng sốt sắng theo, quay lại chỉ vào gốc cây quế,"Thằng bé đang ở..."
Một cơn gió thổi qua, ông nheo mắt, những lời còn sót lại bị nghẹn lại trong cổ.
Đằng sau ông, trừ cái cây ra, không có đứa bé nào cả.
Ông hoảng hốt, đi quanh cái cây mấy vòng rồi lại trèo lên cây, sau đó đi quanh vườn, quả thật không thấy Tiểu Ngạo đâu cả. Đang yên đang lành, một đứa trẻ lại biến mất trước mặt ông?
Bàn tay ông vẫn còn vương cảm xúc mềm mại của tay trẻ con, không thể nào, chắc chắn không thể... Dạo này thỉnh thoảng ông sẽ thấy ảo giác nhưng chắc chắn Tiểu Ngạo không phải ảo giác. Nó có trọng lượng, có nhiệt độ, nó ngồi trong lồng ngực ông rất lâu mà!
Ông không tin, lại tìm khắp vườn hồi lâu, vẫn không tìm ra dấu vết gì của Tiểu Ngạo.
Hệt như Tiểu Ngạo chưa từng xuất hiện. Lẽ nào việc họ gặp nhau giống như giấc mơ hồi sáng, rất chân thật nhưng lại chưa từng tồn tại?
Lão Phàn dè dặt tới gần ông, ân cần nói: "Lão gia, hôm nay vất vả quá, để lão đi hâm thuốc cho ngài uống. Ngài uống thuốc xong rồi ngủ một giấc, ngày mai sẽ đỡ hơn thôi." Ánh mắt của lão như muốn nói lão đang chăm sóc một bệnh nhân không bình thường.
Ông thẫn thờ, nói: "Tối nay không uống thuốc. Lão đi nghỉ đi."
Lão Phàn định khuyên nhủ thêm nhưng giọng ông kiên quyết quá nên lão đành thôi, mang theo sự lo lắng về phòng mình.
Ông đứng trong vườn một mình hồi lâu, lại nhìn cây quế hết lần này tới lần khác. Sau đó ông nhíu mày, lẳng lặng về thư phòng.
Khu vườn yên tĩnh trở lại, chỉ có những nhánh cây quế thỉnh thoảng đung đưa theo gió, phát ra tiếng xào xạc.
Ông nằm trên giường, nhớ đi nhớ lại từng cảnh tượng ban ngày, một lần nữa xác nhận mình không nằm mơ, cũng không gặp ảo giác. Ông tin chắc rằng hôm nay mình đã gặp Tiểu Ngạo!
Nhưng vì sao Tiểu Ngạo lại biến mất?
Cơn đau đầu ập đến, ông nghiến chặt răng chịu đựng, chờ cơn đau qua đi.
Nếu Tiểu Ngạo biến mất như không khí, vậy thứ ông mang về... là gì?!
Hết chương 8. 3
Bạn cần đăng nhập để bình luận