Mang Theo Hệ Thống Kinh Doanh Về Cổ Đại

Chương 395



Thịnh Quân nhanh chóng nghĩ đến dòng suối trong núi, nàng nảy ra một suy đoán, không chừng dưới lòng đất sẽ có một nguồn nước dồi dào.
Nàng nói ra suy đoán của mình, kiến nghị Tảo Nhi và những người khác đào một số giếng nước để tưới tiêu, đồng thời xây dựng đồng loạt các bánh xe nước.
Sau khi nghe xong, Tảo Nhi và những người khác đều cảm thấy rất khả thi.
Trước đây vào mỗi mùa hạn hán, dòng suối trong núi đã cứu mạng bọn họ, bọn họ cũng dựa vào nó để trồng trọt ở trong núi.
Rất có thể dưới lòng đất còn ẩn chứa nhiều nguồn nước hơn nữa.
Nhưng vấn đề nan giải nhất chính là tìm được vị trí của nguồn nước.
Không có phương pháp tân tiến nào để sử dụng, Tảo Nhi và những người khác đành làm theo phương pháp thô sơ mà Thịnh Quân chỉ dẫn, tìm kiếm dấu vết của cây ngải cứu ở những nơi hoang vắng không có ai chăm sóc.
Cây ngải cứu ưa ẩm, nếu tìm thấy cây ngải cứu, họ có thể dùng “phương pháp thử hơi” để kiểm tra thử.
Thực ra phương pháp thử hơi chỉ là úp một cái bát trên đất vào ngày hôm trước, hôm sau đến xem trên thành bát có giọt nước nào đọng lại không. Nếu như có vậy rất có khả năng dưới đất có nước.
Tuy nhiên, nếu là nơi ở khô ráo bình thường, phương pháp này sẽ không hiệu quả. Phải chuyển sang dùng “phương pháp thử chậu”.
Thực ra hai phương pháp đều tương tự nhau.
Phương pháp sau là đào một cái hố sâu khoảng vài thước trên mặt đất, đặt một cái chậu vào trong, phủ cỏ khô lên trên rồi quan sát xem bên trong có giọt nước nào đọng lại hay không.
Tuy đây chỉ là một phương pháp đơn giản nhưng cũng khá hiệu quả.
Mọi người đồng tâm hiệp lực, dùng cách này thử nghiệm trong thời gian dài, cuối cùng đã xác định được nhiều nơi thích hợp để đào giếng.
Vừa hay gần đây thời tiết ấm dần, đất đai cũng không còn quá cứng. Chỉ cần dùng sức để đào, có thể tranh thủ đào xong một số giếng trước vụ mùa xuân.
Đào giếng cũng là một công việc đòi hỏi kỹ thuật cao.
May mắn là giờ đây họ có hai thành trì cho nên có nhiều người để làm việc.
Chẳng mấy chốc bọn họ đã tìm được hai người thợ có nhiều kinh nghiệm đào giếng ở Miên Sùng đến hỗ trợ công việc.
Kỹ thuật dùng để đào giếng ở đây chính là công nghệ khoan.
Đầu tiên, dựa theo kế hoạch dựng một giàn khoan tại miệng giếng,
Sau đó dùng dụng cụ mài lớn để mài, giữa chừng dùng gàu treo để dọn cát và đá, sau khi dọn xong lại tiếp tục dùng dụng cụ mài sắt để đục.
Bọn họ cũng rất may mắn, hầu hết các giếng được đào đều có nước.
Đào mười giếng chỉ có khoảng hai giếng không có nước, tốt hơn so với tưởng tượng. Công sức của mọi người đều không bị uổng phí.
Điều này cũng chứng tỏ nguồn nước ngầm ở nơi bọn họ ở vô cùng dồi dào.
Vừa đào giếng, việc xây dựng bánh xe nước cũng không bị chậm trễ.
Vấn đề tưới tiêu gần như đã được giải quyết, bọn họ lại tiếp tục chuyển sự chú ý sang vấn đề canh tác.
Ngoài hạt giống lương thực, đậu và một ít hạt giống củ mài đã chuẩn bị sẵn trước đó, còn có loại hạt giống tốt được bảo quản ở chỗ của Phương Tiên Nhi.
Nếu gieo xong từng này mà vẫn không đủ thì cần phải thu thập thêm hạt giống.
Tảo Nhi suy nghĩ một lúc, bàn bạc với các thương hộ và phú thương, nhờ bọn họ nghĩ cách, ngoài hạt giống lương thực và rau củ, còn lấy thêm một số hạt giống bông vải.
Trước đây khi bọn họ còn sống trong núi cũng từng nói về việc trồng bông. Lúc đó Phương Tiên Nhi nói bông hút nhiều nước cho nên bọn họ cũng không nhắc đến nữa.
Năm nay Phương Tiên Nhi thương xót mọi người nên mới cho nhiều cây bông vải như vậy. Vật phẩm làm từ bông là một trong những nhu yếu phẩm. Sau này càng lúc càng đông người, nếu chỉ dựa vào Phương Tiên Nhi cũng không phải một phương án lâu dài.
Nếu mua bông từ bên ngoài thì chi phí lại rất đắt, không thể gồng gánh nổi.
Hiện giờ đã có điều kiện tưới tiêu, không còn thiếu nước, có thể trồng thì tự trồng thôi!
Tính toán kỹ càng, còn rất nhiều việc phải lo toan.
Nhóm Phương Quân làm việc tối mày tối mặt đều cảm thấy may mắn vì có Miên Sùng hỗ trợ.
Việc phân chia than tổ ong là phụ, quan trọng là bọn họ có thêm nhiều người tới giúp đỡ.
Lần này, người của các phú hộ trong thành được bọn họ sắp xếp đi mua giống, các phú hộ ở huyện Miên Sùng cũng được sáp nhập vào Bộ thương mại nên cũng đi cùng.
Đợi hạt giống về phải mất một khoảng thời gian.
Bên này Thiết Trụ lại phải dẫn đội đến biên giới phía Bắc.
Thu xếp đồ đạc xong, lần này bọn họ không mang theo nhiều vật tư, ngoại trừ lương thực, chỉ có một ít thuốc men và một số vật dụng nhỏ như cốc tre.
Nhiệm vụ chính của bọn họ lần này là tìm kiếm cỏ cao su, sau đó là tìm cách kết nối liên lạc với người bên ngoài.
Nói đến việc kết nối liên lạc.
Trao đổi hàng hóa chỉ là thứ yếu, Thiết Trụ đã nhận được một số thứ có giá trị hơn từ Phương Tiên Nhi, trong lòng tràn đầy niềm tin.
Chương 396

Cũng giống như việc phát triển huyện Hưng Hòa và huyện Miên Sùng, nếu muốn người khác chấp nhận thì cần phải dựa vào các ngành nghề thực tế, tạo điều kiện sống ổn định cho mọi người. Khi đã có đảm bảo về nhu cầu ăn uống mới có thể dùng văn hóa để gắn kết lòng người.
Trước đây, Thiết Trụ đã học được nhiều kiến thức về các dân tộc khác từ sách vở.
Ở khu vực Hồi Hột, ngoài việc trồng cỏ cao su, khí hậu còn rất phù hợp để trồng các loại trái cây. Nghe nói trước đây họ còn trồng bông, nhưng sau cuộc chiến của triều đại trước, thông tin giảm ít đi, không rõ hiện tại tình hình ra sao.
Còn về phần Tác-ta, họ nuôi rất nhiều gia súc như bò, cừu và ngựa. Phương Tiên Nhi có nhiều phương pháp tận dụng lông và sữa cừu, sau này sẽ rất có ích.
Tuy nhiên, đó đều là kế hoạch dài hạn, hiện tại không cần quan tâm.
Chuyến đi này, điều quan trọng nhất vẫn là tìm kiếm cỏ cao su. Ngoài ra, cần thăm dò tình hình phòng thủ biên giới, tìm hiểu trạng thái hiện tại của hai bộ tộc, tìm đối tác hợp tác và xác định những kẻ cần loại bỏ... Tóm lại, nhiệm vụ rất nặng nề, phải đợi đến khi tình hình ổn định mới có thể tính tiếp việc phát triển kinh tế.
Chuyến đi buôn của Thiết Trụ lần này không bình thường, Tảo Nhi đã cử một đội bảo vệ tinh nhuệ gồm mấy chục người đi cùng hắn ta.
Đội ngũ này được trang bị đầy đủ, đồng thời giữ nguyên phong cách kín đáo quen thuộc của họ. Thoạt nhìn không nổi bật, nhưng nếu có xung đột xảy ra, sức mạnh của họ sẽ như lưỡi d.a.o sắc bén vừa rút khỏi vỏ.
Rất thích hợp để đồng hành trong chuyến đi, mang lại cảm giác an toàn.
Nói đến cảm giác an toàn.
Bên Nhị Sơn thúc, tiến độ chế tạo hỏa s.ú.n.g không mấy khả quan, gần đây hắn ta định sau khi hoàn thành môn học Lý và Hóa sẽ tiếp tục nỗ lực.
Tuy nhiên, công nghệ chế tạo nỏ tay ngày càng tinh xảo.
Hiện nay, sức mạnh và tính gọn nhẹ của nỏ được nâng cao rất nhiều. Mang theo bên người rất yên tâm, gần như tất cả các thành viên trong đội ngũ cốt lõi đều sở hữu một cái, đủ dùng trong một thời gian ngắn.
Việc Thiết Trụ dẫn theo đội ngũ tinh nhuệ lần này sẽ không ảnh hưởng đến lực phòng thủ của huyện.
Sau khi tiếp quản Miên Sùng, quân lực của huyện cũng sẽ được bổ sung. Gần đây, đợt tuyển chọn quân đội thứ hai đang diễn ra sôi nổi.
Ngoài ra, kế hoạch tăng cường sức khỏe toàn dân cũng đang được triển khai thuận lợi tại Miên Sùng. Còn ở Hưng Hòa, mọi người đã luyện tập Bát Đoạn Cẩm rất nhuần nhuyễn, gần đây còn bổ sung thêm hạng mục tập luyện thái cực quyền. Thể chất của toàn bộ huyện thành đều rất đáng nể, ngay cả người già yếu bệnh tật cũng khỏe hơn so với nơi khác.
Thiết Trụ chính thức lên đường.
Trước đó, những người được cử đi thu mua lương thực và hạt giống trong thành cũng đã trở về an toàn.
Ngoài giống lúa mì, gạo và bông, họ còn mang về vài loại hạt giống rau, lần lượt được Phương Tiên Nhi gọi là bắp cải, bí đao và củ cải đường.
Ở nơi khác củ cải đường được gọi là “củ họ dền”. Vị của nó ngọt pha chút đắng, chủ yếu được dùng làm thuốc, trước đây mọi người không quan tâm lắm.
Nhưng Phương Tiên Nhi lại nói rằng loại củ này rất có giá trị, có thể sản xuất ra đường cao cấp.
Nghe vậy, mọi người lập tức coi trọng củ cải đường, liền cử người ra ngoài thu thập thêm hạt giống. Tiện thể bán luôn một ít đồ ăn vặt ra ngoài.
Việc sản xuất đường từ củ cải đường sẽ là một ngành phát triển lâu dài.
Việc này không thể đợi đến khi củ cải đường trưởng thành mới hành động mà cần phải chuẩn bị trước cả dụng cụ và kỹ thuật. Một nhóm chuyên biệt đã nhanh chóng được thành lập.
Bận rộn một hồi thì đã đến mùa cày bừa.
Giếng nước đã được khoan gần xong nhưng hệ thống nước và kênh mương phục vụ tưới tiêu vẫn chưa hoàn thành, vẫn đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ, hiện chỉ mới sửa xong vài chỗ quan trọng nhất.
Nhưng không thể trì hoãn việc cày bừa, nông cụ nhanh chóng được phân phát cho dân làng.
Mỗi làng còn có hai con trâu cày để luân phiên sử dụng. Người và trâu cùng tham gia, tốn không ít công sức, cuối cùng cũng cày xới đất đai được một lượt.
Sau khi cày sẽ có người kiểm tra đất nên mọi người đều cày rất cẩn thận, kết quả kiểm tra không có trường hợp nào không đạt yêu cầu.
Phân bón đã tích trữ từ trước cũng được đem ra sử dụng, bón vào đất và hòa quyện với đất, làm cho đất thêm màu mỡ.
Bạn cần đăng nhập để bình luận