Xuyên Từ Mạt Thế, Cường Nữ Làm Giàu (Xuyên Từ Mạt Thế, Cường Nữ Chống Lại Thiên Tai)

Chương 662


Hôm nay là tiết Tiểu Tuyết, nhà cậu út Dương làm bánh dày.
Khi nhiệt độ ngày càng hạ thấp, mọi người lục tục lôi áo bông cất ở đáy hòm ra mặc, đồng thời đổi giày cỏ dưới chân thành giày vải. Có điều dù mùa đông lạnh thật nhưng cũng là mùa có nhiều thứ để ăn nhất trong năm.
Nếu hỏi trẻ con ở nông thôn rằng thích mùa nào nhất? Chắc chắn phần lớn sẽ trả lời là mùa đông.
Lập Đông ủ rượu vàng, Tiểu Tuyết ăn bánh dày. Chờ tới Đông Chí thì càng thêm nhiều, như là chè trôi nước, sủi cảo…
Qua hôm nay, chẳng mấy chốc là đến ngày mồng tám tháng chạp.
Mà qua mồng tám tháng chạp thì năm mới cũng đã gần kề.
Tết thì thôi, không cần phải nói, lúc nào chẳng đùm đuề đủ các loại món ngon chứ.
Đặc biệt là năm nay có rất nhiều hộ gia đình xây nhà mới, cái tết đầu tiên đón ở nhà mới chắc chắn sẽ vô cùng long trọng, kiểu gì cũng bày tiệc ăn mừng hoành tráng một phen.
Sở Thấm đã tưởng tượng ra được khung cảnh hôm nào trong thôn cũng tràn ngập hương thức ăn thôm lưng sau ngày mồng tám tháng chạp rồi.
Đến trưa, bánh dày nhà cậu út đã hoàn thành.
Giữa trưa trời nắng chang chang, cậu út Dương giã bánh dày đến chảy mồ hôi đầy người, cuối cùng không chịu nổi phải cởi bớt quần áo ra hạ nhiệt.
“Sở Thấm, tới vo viên giúp cậu nào.” Ông ấy đứng thẳng lưng, vừa lau mồ hôi trên trán vừa gọi với vào trong nhà.
“Dạ, tới ngay!”
Nghe vậy, Sở Thấm đang phùng mang trợn mắt chơi với em họ Dương lập tức đặt kẹo hồ lô xuống, ngẫm ngợi một lúc lại moi hết hạt trong quả sơn tra cũng như cây xiên que ra vứt đi, xong xuôi mới yên tâm rời khỏi phòng.
Sở Thấm thích nhất là vo bánh dày.
Cách làm bánh dày rất đơn giản, chỉ cần cho gạo nếp vào cối đá, giã nhuyễn, sau đó vo thành viên tròn rồi lăn qua hỗn hợp bột đậu nành và đường sao cho bề mặt bánh phủ kín hỗn hợp bột là xong. Đơn giản nhưng ngon cực kỳ, nếu không phải sợ ăn nhiều đầy bụng thì cô có thể một hơi nuốt luôn hai ba chục cái đấy!
Lát sau, Sở Thấm học theo cậu út Dương, vo đống gạo nếp đã giã nhuyễn thành từng quả cầu nhỏ. Bên cạnh cối đá có để một cái mẹt tròn, bên trong đựng đường và bột đậu nành.
Bánh dày tròn vo lăn một vòng trong mẹt là ngay lập tức được thay áo mới.
Hoàn thành xong viên đầu tiên, Sở Thấm vội vàng cho ngay vào miệng.
“Ôi, ngon quá!” Hai mắt Sở Thấm sáng rực lên. Khi mới cho vào miệng, hương vị của bột đậu nành lập tức lấp đầy cả khoang miệng, trước khi được nghiền thành bột, đậu nành đã được xào sơ, thế nên hương thơm đặc trưng của nó cũng được phát huy tối đa, hơn hết là bột đậu nành sẽ không khiến chúng ta thấy nghẹn họng. Tới khi hàm răng cắn vào bánh thì lại càng thêm bất ngờ, từng tiếng “rắc rắc” vang lên, đó chính là âm thanh phát ra khi ta nhai trúng đường trắng.
Mặc dù đường trắng rất ngọt, nhưng nhờ lớp bánh dày từ gạo nếp phối hợp với bột đậu tương nên xét tổng thể không hề ngấy chút nào, trái lại sự kết hợp này vô cùng hoàn hảo, khiến hương vị của chiếc bánh được nâng lên một tầm cao mới.
Sở Thấm hạnh phúc híp mắt, không kiềm được mà nhón thêm một cái bánh do cậu út Dương làm rồi cho vào miệng nhai nhóp nhép.
“Ngon đúng không?” Cậu út Dương cười hỏi.
Sở Thấm gật đầu lia lại, sau đó tiếc nuối đáp: “Ngon thì ngon thật, nhưng không bảo quản được lâu, để ở ngoài một thời gian là sẽ cứng lại, tới lúc đó dù có hâm nóng thì mùi vị cũng thay đổi mất.”
Cậu út Dương nói: “Nếu cháu thích thì mỗi ngày làm ít ít thôi, gạo nếp không đủ thì qua nhà cậu lấy, nhà cậu vẫn còn nhiều, dù sao mùa đông rảnh rỗi chỉ rúc ở nhà thôi chứ đâu có chuyện gì làm, lúc nào muốn ăn cứ lôi ra giã là được.”
Sở Thấm nghĩ ngợi, cũng đúng, dù sao giờ cũng rảnh mà.
Cô lập tức thuận nước đẩy thuyền, nói vội: “Vậy cũng phải, thế cậu út nhớ cho cháu ít gạo nếp nha.”
Cậu út Dương gật đầu: “Năm nay trong nhà còn nhiều gạo nếp lắm, lát nữa có cho cháu mười ký cũng không thành vấn đề.”
Dứt lời, hai người lại tiếp tục làm bánh dày.
Trưa nay họ không chỉ ăn mỗi bánh dày thôi mà còn có cả vịt do cậu út Dương chẳng biết bắt được từ đâu ra.
Ông ấy bưng một nồi vịt hầm lớn để lên bàn, bảo: “Là cậu và dì cả của cháu sang huyện bên mua đấy, đợi hai ngày nữa, bên Nhạc Thủy chia lương xong, hẳn dì cả sẽ gọi cháu qua ăn cơm cho xem.”
Sở Thấm kinh ngạc: “Chỉ vì một con vịt mà sang tận huyện bên luôn ạ?”
Cậu út Dương đáp: “Chậc, nếu mua được vịt thì có bảo cậu lết xác lên tỉnh lân cận cũng còn được nữa là.”
Sau đó ông ấy len lén nói nhỏ: “Không phải chỉ mua mỗi một con thôi đâu, ngày mai còn phải qua đó một chuyến chở số còn lại về đấy. Nếu không tính con này thì còn bốn con lận, đến lúc đó cậu sẽ cho cháu một con.”
Sở Thấm húp từng ngụm nước hầm vịt thơm ngon, ngọt thanh, miệng không tài nào thốt ra nổi hai chữ “không cần”.
Cơm nước xong, cô xách theo một túi gạo nếp về nhà.
Vừa về đến nhà, Trương Phi Yến cầm theo một túi gì đó tới: “Hôm nay tiện đường lên thị trấn nên mang về giúp cô đây.”
Sở Thấm vội vàng nhận lấy, đáp: “Chắc chắn là hàng mà anh họ tôi gửi tới rồi.”
Dứt lời, như nhớ ra chuyện gì, cô vội ngẩng đầu nhìn cô ấy: “Đúng rồi, tôi nghe người ta nói cô sắp đính hôn rồi hả?”
Trương Phi Yến gật đầu, chẳng hề xấu hổ hay e thẹn gì khi nhắc tới chuyện này: “Ừ, năm mới cũng sắp đến rồi, đính hôn sớm một chút cho bớt việc, nhưng vẫn còn lâu lắm mới tới lúc kết hôn. Đến lúc đó tôi sẽ mời cô đi đấy, nhớ chừa thời gian tới chung vui với tôi nha.”
Sở Thấm: “...”
À thì… được thôi.
Mặc dù thái độ của cô ấy có hơi lạ, nhưng sau khi nghĩ tới chuyện tính ra cô ấy cũng từng kết hôn, thậm chí là sống gần mấy chục năm, thì bỗng chẳng thấy lạ chỗ nào nữa.
Sở Thấm lại hỏi: “Đàn trai là ai vậy?”
Trương Phi Yến kinh ngạc: “Cô biết tôi sắp đính hôn mà lại không biết đàn trai là ai hả?”
Sở Thấm đáp: “Tôi chỉ tình cờ nghe thấy người ta bàn tán lúc đi ngang sân đập lúa thôi chứ đâu có đặc biệt nán lại hóng hớt, sao mà biết được chứ.”
Bạn cần đăng nhập để bình luận