Thời Gian Chi Chủ

Chương 678: Koyama Akane

Trương Hằng không biết có phải do ảo giác của mình không, Koyama Akane dường như liếc nhìn hắn, sau đó cô ta sờ túi mình, lấy ra khoảng mười lăm đồng tiền, đưa cho hai cô bé trước mặt, áy náy nói: "Hôm nay ta ra ngoài vội, chỉ mang theo từng này tiền nhưng ít nhiều cũng bù đắp được tổn thất của các ngươi."
Chiyo và bạn cô không nhận số tiền này, bọn họ có thể thoát khỏi lưỡi đao của Yamada hoàn toàn là nhờ ân nhân cứu mạng Koyama Akane, đang lo không biết báo đáp ân nhân trước mắt như thế nào, không đời nào lại đi lấy tiền của đối phương.
Sau đó Koyama Akane lại nhìn Trương Hằng, lần này hắn có thể chắc chắn rằng nữ đao khách đến từ võ đường Koyama này thực sự đang nhìn hắn, sau đó Trương Hằng lại nghe Koyama Akane lẩm bẩm một câu: "Người ta vì ngươi mà suýt mất mạng, ngươi nhìn mà không quan tâm cũng được, ngay cả tiền cũng không muốn cho chút nào sao."
Koyama Akane nói không lớn, vừa đủ để Trương Hằng nghe thấy nhưng đồng thời cũng không để hắn nghe quá rõ ràng, đến khi Trương Hằng phản ứng lại được cô ta nói gì thì Koyama Akane đã xoa đầu hai cô bé rồi quay người rời đi.
Trương Hằng sửng sốt nhưng lúc đó cả hai đều không biết rằng đây không phải là lần cuối cùng họ gặp nhau, trên thực tế, không lâu sau đó, hai người lại gặp lại.

Sau sự kiện Hắc thuyền, Mạc phủ Edo đã ký Hiệp ước Kanagawa với Hoa Kỳ, buộc phải mở hai cảng thương mại là Shimoda và Hakodate và đến năm Ansei thứ 5 của Thiên hoàng Komei, hai bên lại ký "Hiệp ước hữu nghị thương mại Nhật-Mỹ." trên tàu "Powhatan", bổ sung thêm các cảng như Kanagawa, Nagasaki, Niigata, Hyogo, đồng thời cho phép người nước ngoài lưu trú và kinh doanh ở khu vực Edo, Osaka.
Mặc dù Kyoto không nằm trong số đó nhưng bản thân lại rất gần Osaka, chỉ mất một ngày đường và giờ đây so với "Hiệp ước hữu nghị thương mại Nhật-Mỹ." đã trôi qua gần mười năm, sau biến cố Cấm môn, phe tôn hoàng nhương di đã suy nghĩ lại về chiến lược, hiện tại chỉ đề cập đến tôn hoàng, đặt mục tiêu là lật đổ Mạc phủ, không còn đề cập đến việc nhương di nữa, cũng bắt đầu tích cực hợp tác với phương Tây, do đó phạm vi hoạt động của người phương Tây cũng rộng hơn.
Sông Yodo là một trong những con sông quan trọng nhất ở vùng Kansai, bắt nguồn từ Hồ Biwa, nối lưu vực Kyoto với đồng bằng Osaka vào thời Edo là tuyến đường giao thông vận tải quan trọng của Kyoto, hầu hết các thương gia nước ngoài ở Osaka đều dọc theo con sông này đến Kyoto, Trương Hằng hỏi thăm một số cửa hiệu và người đi đường xung quanh về bến tàu gần nhất, đến đó trước khi mặt trời lặn.
Độ nhộn nhịp ở đây không kém gì khu phố chợ, hai bên bờ sông đều là những ngôi nhà phố, những viên ngói chữ nhất được xếp thẳng hàng trên mái nhà, biển hiệu và rèm cửa tung bay theo gió, tầng một là cửa sổ chấn song nhỏ, tầng hai là cửa sổ lồng côn trùng, đây là một loại kiến trúc mang đậm phong cách truyền thống Nhật Bản, sử dụng kết cấu gỗ, lối vào hẹp nhưng chiều sâu rất lớn, thông thường phần hướng ra phố được dùng làm cửa hàng, các phòng phía sau dùng để ở, ưu điểm là các cửa hàng tập trung hơn, san sát nhau.
Trên bến tàu có phu thuyền đang dỡ hàng, cũng có các phu nhân tiểu thư chuẩn bị lên thuyền du ngoạn, không xa còn có một ngôi đền, bên ngoài có khá nhiều tín đồ tụ tập cầu phúc hoặc xin bùa hộ mệnh.
Trương Hằng không mất nhiều thời gian đã tìm được một thương gia phương Tây có ý định thuê phiên dịch, tên anh ta là Gabriel, là người Pháp, theo đoàn thương gia đến Kyoto để thương lượng với thương gia địa phương về việc bán một lô sợi bông, tuy nhiên bản thân anh ta rõ ràng không hài lòng với việc kinh doanh sợi bông, dường như còn có một số dự định khác, chỉ là anh ta không tiện nói với những người khác trong đoàn thương gia, vì vậy không thể sử dụng phiên dịch của đoàn thương gia.
Đang buồn rầu không biết đi đâu tìm người Nhật hiểu tiếng Pháp thì Trương Hằng đã đến, Gabriel mừng lắm, hào phóng đưa ra mức lương một Koban nhỏ mỗi ngày, cái gọi là Koban là một loại tiền vàng phổ biến vào thời Edo, một Koban khoảng một lượng vàng, còn một lượng vàng thì bằng sáu mươi lượng bạc hoặc bốn quan tiền, mà vào thời điểm này, thu nhập mỗi ngày của một thợ thủ công ở Kyoto chỉ khoảng bảy mươi văn, nói cách khác, thu nhập một ngày hiện tại của Trương Hằng gần bằng hai tháng làm việc của một thợ thủ công.
Trương Hằng cũng không phải không biết gì về thị trường phiên dịch, trước khi đến đây hắn đã hỏi thăm những người ở bến tàu, hiện tại Nhật Bản rất thiếu nhân tài phiên dịch chuyên nghiệp nhưng những người có thể giao tiếp với thương gia nước ngoài không còn ít như trước sự kiện Hắc thuyền nữa, trên thực tế ngay cả khi Mạc phủ bế quan tỏa cảng, một số phiên như Satsuma, Choshu cũng từng lén lút làm ăn với các nước bên ngoài.
Súng hỏa mai Nhật Bản có nguồn gốc từ phiên Satsuma, khi đó một con tàu buôn của Bồ Đào Nha bị bão thổi đến đảo Tanegashima ở phía nam Satsuma, vì vậy súng hỏa mai Nhật Bản còn được gọi là súng hỏa mai Tanegashima.
Còn bây giờ Mạc phủ đã mở cửa thông thương được hơn mười năm, có không ít người Nhật đi du học ở châu Âu, phiên dịch cũng không còn giá trị như vậy nữa.
Mức giá mà Gabriel đưa ra đã cao hơn giá thị trường gấp đôi, đây vẫn là trong tình huống hai bên chưa quen biết nhau lắm, hơn nữa Trương Hằng còn yêu cầu trả trước một Koban, tuy nhiên dù vậy, Gabriel cũng không do dự lâu mà đồng ý, vì vậy Trương Hằng cũng biết rằng những gì thương gia Pháp chuẩn bị làm ở Kyoto có lẽ sẽ không đơn giản.
Tuy nhiên, với kỹ thuật dùng dao Level 3 của Trương Hằng và kinh nghiệm tích lũy được từ một số Phó bản trước đó, hắn cũng không quá lo lắng sẽ gặp phải nguy hiểm gì, huống hồ mặt trời đã lặn, hắn chưa chắc đã tìm được người chủ mới, vì vậy cuối cùng hai bên cũng đạt được thỏa thuận thuê mướn.
Bạn cần đăng nhập để bình luận