Chu Du Cùng Hệ Thống

Chương 121 - Minh Hồng Vũ Tuế Hàn Tam Hữu Văn Mai Bình

Chương 121 - Minh Hồng Vũ Tuế Hàn Tam Hữu Văn Mai Bình

Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên

Chương 121: Minh Hồng Vũ Tuế Hàn Tam Hữu Văn Mai Bình

Say mê dạo bước, suýt chút Đường Tư Kỳ quên mất nhiệm vụ chính yếu của ngày hôm nay, tìm kiếm những thứ có liên quan tới Chu Nguyên Chương.

Ừ thì biết là tìm rối đấy…nhưng mà tìm ở đâu và tìm thế nào thì cô cũng chưa có định hướng cụ thể.

Và cái gì khó quá ta nhờ trợ giúp vậy, Đường Tư Kỳ lọc cọc chạy đi hỏi nhân viên bảo tàng.

“Chu Nguyên Chương…xin lỗi cô, tôi cũng không nhớ rõ lắm. Nhưng cô có thể tham khảo ở khu triển lãm những món đồ thời Hồng Vũ xem, hẳn là có rất nhiều.”

Đường Tư Kỳ bán tin bán nghi đi theo chỉ dẫn.

Và rồi cô nhận ra Hồng Vũ chính là niên hiệu của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương. Đường Tư Kỳ mừng quýnh, vậy là tìm đúng hướng rồi!

Rất nhanh sau đó, ở Phòng Triển Lãm, Đường Tư Kỳ tìm thấy bảo vật đầu tiên liên quan đến Chu Nguyên Chương.

Ban nãy cô cũng đi ngang khu vực tủ trưng bày này nhưng khi ấy chỉ thầm tán thưởng một câu “hoa văn trên chiếc bình tinh xảo quá” rồi lại lướt qua ngay, đúng kiểu cưỡi ngựa xem hoa, bởi có hiểu gì về đồ gốm sứ đâu mà biết thưởng thức.

Nào ngờ món bảo vật đó lại có liên quan trực tiếp tới Chu Nguyên Chương. Đã vậy thì Đường Tư Kỳ buộc phải vận dụng hết kỹ năng đọc hiểu và hội hoạ để nghiền ngẫm thật kỹ một phen.

Trước tủ kính có dán một tờ thông tin [ Minh Hồng Vũ Tuế Hàn Tam Hữu Văn Mai Bình ]

Chà, tên dài thật đấy mà bị cái đọc chả hiểu gì cả!

Tuy vậy, Đường Tư Kỳ vẫn kiên nhẫn đọc tiếp xuống dưới

À tới đây thì hiểu rồi, thì ra là Bình hoa mai tráng men đỏ Minh Hồng Vũ có hoa văn ba người bạn, được khai quật vào tháng 3 năm 1975 trong Lăng mộ nhà Minh ở núi Tương Long, cầu Đông Sơn, quận Giang Ninh, thành phố Nam Kinh.

Đấy, cứ phải cắt nghĩa rõ ràng như vậy thì mới hiểu được chứ không thôi chịu chết!

Nhưng khoan, trong phần giới thiệu nói hoa văn tráng men đỏ mà sao cái bình trước mặt chỉ toàn những nét đen xì. Men gốm đỏ đáng lẽ phải có màu đỏ chứ nhỉ? Lạ lùng ghê!

Mang theo nghi vấn, Đường Tư Kỳ cẩn thận tra cứu tài liệu.

Trong bản Sơ lược về gốm sứ thời Minh của Trung Quốc có viết, sau khi nhà Minh đóng đô ở Nam Kinh thì lò Ngự ( lò chế tác đồ phục vụ cho nhà vua và hoàng gia) cũng được xây dựng ở trấn Cảnh Đức. So với các tỉnh Phúc Kiến - Quảng Đông vẫn tiếp tục sản xuất đồ gốm truyền thống thì trấn Cảnh Đức là trung tâm sản xuất đồ gốm lớn nhất Trung Hoa thời bấy giờ với những kỹ thuật vô cùng tinh xảo. Và một trong số đó phải kể đến men đỏ. Việc sử dụng men đỏ để trang trí trên đồ gốm là minh chứng cho kỹ thuật men sứ đã đạt đến đỉnh cao trong lịch sử gốm sứ Trung Hoa.

Tuy nhiên trong quá trình nung lại gặp vô vàn khó khăn, bởi theo nguyên tắc muốn ra thành phẩm màu đỏ thì phải sử dụng nguyên tố đồng làm chất tạo màu. Và về cơ bản, đồng khá nhạy cảm với nhiệt độ. Nếu nhiệt độ quá cao, đồng sẽ tan chảy khiến hoa văn trong suốt và hoàn toàn biến mất trên sản phẩm. Còn nếu nhiệt độ thấp quá thì đồng sẽ bị oxy hoá và màu đỏ sẽ biến thành màu đen, nhìn không đẹp mắt nếu không muốn nói là xấu xí.

Như vậy có nghĩa là…chiếc bình đang trưng bày trong tủ kính và được mệnh danh là quốc bảo này thực chất là một sản phẩm lỗi?

Tình cờ thay, đúng lúc này có đoàn du khách tiến vào, người hướng dẫn cầm micro đứng đầu hàng thuyết minh: “Trước mắt mọi người là bình hoa mai tráng men đỏ Minh Hồng Vũ Tuế Hàn Tam Hữu. Là món bảo vật có một không hai đồng thời cũng là bình hoa mai Hồng Vũ duy nhất được bảo tồn toàn vẹn cho đến ngày nay. Vâng, mọi người nghe không nhầm đâu ạ. Là có một không hai, độc nhất vô nhị, trên thế giới không tồn tại chiếc thứ hai ngoài chiếc đang trưng bày tại Bảo Tàng Nam Kinh của chúng ta. Mặc dù có chút tỳ vết, men gốm thiếu sắc nét nhưng bởi vì trình độ chế tác cao cộng với việc được bảo tồn toàn vẹn cho nên vào thập niên 90, chiếc bình đã được xếp vào di sản văn hoá cấp quốc gia, đồng thời là một trong những báu vật hàng đầu của Bảo Tàng Nam Kinh. Theo khảo chứng (1), chiếc bình này là di vật được khai quật trong lăng mộ của công chúa An Thành, con gái Hoàng Đế Minh Thành Tổ. Trong số những di vật tuỳ táng, chiếc bình hoa mai này được đặt ở vị trí trang trọng nhất, chứng tỏ nó là vật yêu thích của công chúa lúc sinh thời. Một số nhà khảo cổ học đã xác minh Minh Hồng Vũ Tuế Hàn Tam Hữu Văn Mai Bình là do đích thân Chu Nguyên Chương ngự ban.]

Hướng dẫn viên vừa dứt lời, Đường Tư Kỳ đã xung phong đặt câu hỏi: “Xin hỏi ngoài chiếc bình này ra thì còn món đồ sứ nào ở năm Hồng Vũ được bảo tồn đến ngày nay không?”

Hướng dẫn viên mỉm cười tán thưởng: “Xin cảm ơn bạn nữ xinh đẹp, câu hỏi của bạn rất hay. Như mọi người đã biết, năm Hồng Vũ chính là thời kỳ trị vì của Chu Nguyên Chương, hay các sử gia còn gọi là Hồng Vũ chi trị. Lúc bấy giờ, nhà Nguyên với những chính sách tàn bạo đã khiến dân chúng khổ cực muôn phần, nạn đói, thiên tai, dịch bệnh hoành hành, khởi nghĩa nông dân nổ ra khắp nơi, chết chóc lầm than. Chu Nguyên Chương đã đứng lên lãnh đạo lực lượng lật đổ nhà Nguyên, lập nên nhà Minh. Ông được xem là một trong những Hoàng đế vĩ đại nhất Trung Quốc nhờ những công trạng to lớn đối với đất nước. Song, bên cạnh đó ông cũng bị chê trách bởi sự hà khắc và ác độc khi ban lệnh sát hại hàng loạt công thần khai quốc trong thời gian nắm quyền. Thời kỳ đầu khai quốc bách phế đãi hưng (2), đáng lý không có dư tài lực và nhân lực cho việc xây dựng lò nung. Nhưng Chu Nguyên Chương dường như có niềm yêu thích đặc biệt với đồ gốm nên đã ra lệnh cho xây dựng hai mươi lò Ngự ở trấn Cảnh Đức. Tuy rằng số lượng hiện vật lưu truyền không nhiều nhưng men sứ thời Minh thì vô cùng, vô cùng nổi tiếng.”

Một du khách cũng tò mò lên tiếng: “Vì nguyên do gì mà Chu Nguyên Chương lại yêu thích đồ sứ tới vậy?”

Hướng dẫn viên để lộ nụ cười thần bí: “Cái này thì không có sử sách chính thống nào ghi chép, chỉ là những giai thoại được truyền miệng xung quanh cuộc đời Chu Nguyên Chương mà thôi…”

Một du khách khác buột miệng nói: “Khai cục nhất cá oản!” (3)

Đám đông cười rầm trời.

Hướng dẫn viên gật gù tán thành: “Đúng vậy, chính là giai thoại này. Khai cục nhất cá oản. Như tất cả mọi người đều biết, thời niên thiếu của Chu Nguyên Chương rất cơ cực, là ăn mày đi khắp nơi xin ăn từng bữa, thường xuyên trong tình trạng bụng rỗng, đói đến độ hoa mắt chóng mặt. Theo dã sử triều Minh ghi chép lại, vào thời điểm ông sắp chết đói đã được một quả phụ tốt bụng cho một bát nước cơm. Mà cái bát đựng ấy lại chính là sứ Thanh Hoa. Còn quả phụ tốt bụng kia tên là Hồ Thị, đồng thời cũng là mối tình đầu của Chu Nguyên Chương. Sau này khi ông đăng cơ, đã quay về chốn cũ nạp Hồ Thị làm phi.”

Quả nhiên dã sử luôn hấp dẫn và thu hút hơn chính sử gấp ngàn lần. Chẳng thế mà đám động không cần nhắc nhở, tự động im phăng phắc, há hốc miệng nghe kể chuyện.

===

Chú thích:

(1)Khảo chứng: Kiểm tra lại các tư liệu, dựa vào tư liệu để khảo cứu, chứng thực và thuyết minh khi nghiên cứu các vấn đề lịch sử - văn hoá.

(2)Bách Phế Đãi Hưng: Chữ Bách lấy nghĩa 100, chữ Phế lấy nghĩa nửa chừng, bỏ dở. Chữ Đãi lấy nghĩa đợi. Chữ Hưng lấy nghĩa dấy lên. Như vậy, câu thành nghĩa này tạm hiểu là còn có rất nhiều việc còn dang dở, cần phải hoàn thành.

(3)Khai cục nhất cá oản - Bắt đầu từ một cái bát ăn xin, ý chỉ là một khởi đầu địa ngục.

Bạn cần đăng nhập để bình luận