Chu Du Cùng Hệ Thống

Chương 299 - Tư Mã Đài

Chương 299 - Tư Mã Đài

Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên

Chương 299: Tư Mã Đài

Đường Tư Kỳ xếp gọn hành lý gửi trong tủ khoá của hostel, dự định hôm sau quay về sẽ thuê tiếp. Xong xuôi, cô cùng ba người bắt taxi ra Đông Trực Môn (1). Ở đó có tuyến buýt chạy thẳng đến Cổ Bắc Thuỷ Trấn, lộ trình mất khoảng tiếng rưỡi đồng hồ.

Trương Thiên Ý hưng phấn nhất, dọc đường nói nói cười cười rộn rã: “Chị Tư Kỳ, chị nhớ lúc trước em nói với chị vị trí long huyệt nằm ở điện Giao Thái không? Thế chị có biết long mạch nằm ở đâu không?”

Đường Tư Kỳ không chắc chắn lắm: “Chắc là ở đâu đó xung quanh Minh Thập Tam Lăng hả?”

Nếu đúng như những gì Thiên Ý nói, cả định đô và dựng lăng đều dựa vào phong thuỷ thì hẳn Hoàng Đế sẽ phải tuyển chọn rất kỹ vị trí tu sửa hoàng lăng. Minh Thập Tam Lăng chính là nơi chôn cất của mười ba vị hoàng đế triều Minh nên khả năng cao vị trí long mạch sẽ nằm quanh quanh khu đó thôi.

Trương Thiên Ý vỗ đùi cái đét: “Xin chúc mừng, bạn đã đoán đúng! Trên thực tế xét dưới góc độ phong thuỷ thì long mạch khởi nguồn từ núi Côn Luân mà dãy Thiên Sơn ở phía bắc Bắc Kinh chính là điểm nối dài từ long mạch đó. Quần thể Minh Thập Tam Lăng ngự trên Thọ Môn Sơn, ngọn núi nằm chính giữa dãy Thiên Sơn nên cũng là nơi long mạch chạy qua. Và đoạn Tư Mã Đài chúng ta sắp sửa tới cũng trùng hợp nằm trên đường đi của long mạch.”

Đường Tư Kỳ mắt tròn mắt dẹt vì đó giờ mù tịt phong thuỷ. Hơn nữa trước kia đi học thầy cô chỉ giảng Vạn Lý Trường Thành là để ngăn giặc ngoại xâm chứ nào có ai nhắc tới long mạch các thứ đâu mà biết.

Thấy các chị ú a ú ớ, Trương Thiên Ý càng hăng hái thể hiện sở trường. Hai cô bạn đi cùng hâm mộ không thôi

“Wow, Thiên Ý, em còn biết cả đoán mệnh nữa hả? Hay là tính giúp chị xem tình duyên năm nay thế nào đi? Vận đào hoa khi nào mới rộ chứ tình hình là dạo này ê sắc ế quá!”

Trương Thiên Ý phóng khoáng nhận lời ngay: “Haha, được chứ, nào về em tính cho. Còn chị Kỳ có muốn không, em tính cho luôn thể.”

Thật tình cũng rất muốn ủng hộ cô em nhưng đợt trước nó biểu diễn dự báo thời tiết sai toàn tập khiến Đường Tư Kỳ khá là ái ngại: “Haha, mình không mê bói toán cho lắm, ba người cứ tự nhiên!”

Tới nơi, mấy chị em kiếm được căn homestay khá xinh xắn nằm ngay ngoài cổ trấn. Phòng tiêu chuẩn dành cho hai người tầm 150 đồng, ở mức chấp nhận được. Chứ khách sạn trong Cổ Bắc Thuỷ Trấn đắt kinh khủng. Ban đầu cũng tính ở trong đó để trải nghiệm cuộc sống và không khí trấn cổ nhưng hỏi giá xong vội quay xe chuồn thẳng, quá ư là hãi hùng!

Vào homestay cất đồ cất đạc xong, mấy chị em sang quán cơm bên cạnh ăn qua loa bữa trưa rồi hành quân lên Tư Mã Đài.

Vì trấn cổ nằm rất gần trường thành nên đứng ở bất cứ đâu chỉ cần ngẩng cổ lên là nhìn thấy. Ừ thì rất hùng vĩ và hoành tráng tuy nhiên phải tới sát chân núi mới có thể thấy rõ cái địa hình cheo leo hung hiểm tới mức nghẹt thở rợn tóc gáy.

Vách núi đá rất cao và dốc, có những đoạn thẳng đứng 90 độ, đứng dưới nhìn lên đã thấy thót tim rồi vậy mà bằng sức mạnh vĩ đại nào người xưa có thể vác gạch vác đá lên đó để xây trường thành?

Suy nghĩ này làm cho bốn cô gái càng thêm tò mò, bước chân leo bậc thang cũng nhờ đó mà bớt phần mỏi mệt.

Từ bên dưới đi lên ước chừng bốn mươi phút leo dốc. Đường Tư Kỳ mệt muốn tụt hơn, nhưng khi đứng trên trường thành, phóng tầm mắt bao quát tứ phương, cô bỗng cảm thấy tất cả sự nỗ lực nãy giờ đều hoàn toàn xứng đáng.

Hôm nay thời tiết khá đẹp, trời xanh mây trắng, gió lạnh se se và đặc biệt là chất lượng không khí rất trong lành. Riêng về khoản này thì những thành phố lớn, đặc biệt là Bắc Kinh phải ngả mũ chào thua.

Quang cảnh hùng vĩ bất ngờ mở ra trước mắt khiến ba cô gái quên cả mệt mỏi, vội vội vàng vàng rút điện thoại ra quay chụp đồng thời vỗ ngực đảm bảo sẽ đi hết hành trình, không bỏ cuộc giữa chừng.

Riêng Trương Thiên Ý thì có cách ăn mừng rất riêng. Cô nàng nhảy chồm chồm, vươn mình bật xa hai bước rồi đứng chống hông cười ngạo nghễ:

“Hahaha, cuối cùng thì Thiên Ý em cũng có thể đạp lên long mạch mà đi, em cảm thấy mình thật là trâu bò!”

Đường Tư Kỳ bật cười: “Giữ sức đi cô em, đoạn sau còn phải đi xa lắm đó.”

Dọc Tư Mã Đài mở ra mười phong hoả đài, đại bộ phận đều không có tay vịn hai bên, bậc thang nhấp nhô dốc đứng, chiều rộng chỉ dành cho một người, hai bên là vực thẳm 900m vô cùng đáng sợ, chỉ cần sơ sảy một cái là rơi tự do liền luôn!

Mỗi phong hoả đài đều mở ra một phong cảnh đặc sắc riêng nhưng có lẽ điểm nổi bật nhất chính là độ cao và sự hiểm hóc, thách thức lòng gan dạ của mọi du khách.

Chẳng thế mà Tư Mã Đài được mệnh danh là đoạn trường thành nguy hiểm nhất trong tổng chiều dài 21.000km của Vạn Lý Trường Thành.

Sự hào hứng ban đầu dần bị cái mệt và mỏi chiếm chỗ. Một cô bạn vừa thở hồng hộc vừa hỏi đứt quãng: “Cái…cái đoạn trường thành này…được được..xây từ lúc nào ấy nhỉ?”

“Những năm đầu Hồng Vũ thời Minh, còn cụ thể là năm nào thì tớ cũng không rõ lắm…”

Vì đã từng Check-in Nam Kinh nên Đường Tư Kỳ cũng có tí chút kiến thức về niên đại này: “Nhưng tớ đoán là thời kỳ mới lập quốc. Vì năm Hồng Vũ là thời điểm hoàng đế Chu Nguyên Chương trị vì mà ông chính là người khai quốc nhà Minh, thế nên rất có khả năng ông vừa đăng cơ liền cho hạ lệnh xây dựng đoạn trường thành này.”

“Ồ, vậy ra chúng ta đang đi trên trường thành nhà Minh đấy!”

Đứng trên Tư Mã Đài có thể nhìn thấy Kim Sơn Lĩnh, đoạn trường thành được mệnh danh là đẹp nhất Trung Quốc và được liệt vào một trong bảy kỳ quan thời trung cổ.

Tư Mã Đài và Kim Sơn Lĩnh nối liền nhau. Dọc đường đi, nhóm Đường Tư Kỳ bắt gặp một nhóm leo núi chuyên nghiệp đi xuyên từ Kim Sơn Lĩnh sang Tư Mã Đài.

===

Chú thích:

(1)Đông Trực Môn - 东直门 - Dongzhimn

Bạn cần đăng nhập để bình luận