Chu Du Cùng Hệ Thống

Chương 188 - Chùa Đại Từ Ân

Chương 188 - Chùa Đại Từ Ân

Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên

Chương 188: Chùa Đại Từ Ân

Lúc này Đường Tư Kỳ mới sực nhớ tới nhiệm vụ khảo sát ý kiến năm nhóm đối tượng khác nhau về thành phố Tây An. Mấy bạn này chính là nhóm đối tượng thứ hai du khách tới tham quan, không biết bọn họ có nhận xét gì không nhỉ.

Trong khi Đường Tư Kỳ đang phân vân thì đoàn người đã ra tới cổng bảo tàng, Hồ Bân đã hoàn thành nhiệm vụ, chào tạm biệt mọi người rồi nhanh chóng quay về văn phòng chuẩn bị đón đoàn khách tiếp theo. Năm người bạn có vẻ cũng rục rịch muốn rời đi, thấy vậy Đường Tư Kỳ càng rối rắm tợn. Cô không biết phải bắt đầu thế nào. Giờ tự nhiên mở lời liệu có đường đột quá không?

“Bye Bye mọi người, đi trước nhé.”

“Ok bye! Hôm nay cảm ơn mọi người nha, mua chung đúng là tiết kiệm được bao tiền thật.”

“Ờ, anh hướng dẫn viên hôm nay cũng giỏi và tận tình nữa, giải thích rất đầy đủ, rất dễ hiểu. Trải nghiệm hôm nay thực sự đáng tiền. Thôi, tôi có hẹn rồi, đi đây, hẹn gặp sau nhé. Byeeee”

Chưa đợi Đường Tư Kỳ chuẩn bị xong tâm lý thì mọi người đã hoàn thành nghi thức tạm biệt và tản đi mỗi người một hướng.

“Ơ kìa…haizzz…”

Đường Tư Kỳ tiu nghỉu đứng tần ngần tại chỗ. Thôi bỏ đi vậy, vấn đề này cũng không thể chỉ hỏi qua loa một, hai câu là xong. Hơn nữa đây là cửa ra vào người qua kẻ lại đông đúc cũng không tiện cho lắm.

“Lần sau cố gắng vậy!” Đường Tư Kỳ hít một hơi thật sâu tự an ủi bản thân rồi lại tiếp tục cuộc hành trình khám phá Tây An.

Trước đó cô đã nghiên cứu bản đồ rất kỹ lưỡng và biết được Chùa Đại Từ Ân, nơi có toà Tháp Đại Nhạn nổi danh nằm cách đây không xa. Thế là Đường Tư Kỳ ra ngay bến xe trước cổng bảo tàng bắt tuyến buýt tới thẳng chùa Đại Từ Ân.

Theo sử sách, vốn ban đầu Đại Từ Ân là ngôi chùa hoàng gia do Hoàng đế Cao Tông, lúc bấy giờ vẫn là thái tử Lý Trị cho xây dựng để hiếu kính mẫu thân là Trưởng Tôn Hoàng Hậu.

Sau, ngài Huyền Trang đi thỉnh kinh trở về, đã dừng chân ở nơi đây và giữ chức trụ trì đầu tiên của chùa Đại Từ Ân. Dưới sự đồng ý của Hoàng đế Cao Tông, năm 652, ngài Huyền Trang đã chỉ đạo xây dựng một ngôi tháp bên trong khuôn viên chùa để lưu giữ và chuyển dịch kinh sách Phật từ tiếng Phạn sang Hán Ngữ. Và ngôi tháp ấy mang tên Tháp Đại Nhạn, một trong những kiến trúc cổ nổi tiếng nhất Trung Quốc và được xem là một biểu tượng tiêu biểu của tỉnh Thiểm Tây.

Trước sân chùa dựng một pho tôn tượng ngài Huyền Trang bằng đồng rất cao lớn. Hầu như du khách nào đến viếng cảnh chùa cũng phải dừng lại chụp một tấm hình làm kỷ niệm.

Trong lúc Đường Tư Kỳ đang loay hoay chỉnh góc độ và ánh sáng thì tình cờ nghe được đoạn hội thoại của mấy du khách xung quanh

“Giá vé ở đây đắt quá. Vào cổng 50 đồng, muốn lên tháp phải mất thêm 30 đồng nữa. Mày muốn lên không?”

“Gì? Lại phải mua vé riêng nữa hả? Thế thôi tao không lên đâu. Tháp Tiểu Nhạn miễn phí vé vào cửa. Tao leo Tháp Tiểu Nhạn cũng được.”

“Ờ thế mày chụp nhanh lên rồi đi.”

Đường Tư Kỳ lắng tai nghe. Tuy rằng cô không bắt chuyện cùng họ nhưng đã âm thầm ghi nhớ thông tin “du khách phàn nàn giá vé quá đắt.”

Rồi cô chợt nghĩ, nếu không phải có siêu khuyến mãi của hệ thống đỡ cho, bắt cô bỏ ra 80 đồng mua vé chắc cô cũng buốt ruột lắm.

Mà đâu phải mỗi 80 đồng đâu, còn vé tham quan bảo tàng Thiểm Tây và thuê hướng dẫn viên sáng nay nữa, cộng tổng lại cũng phải mấy trăm chứ chả ít.

Cơ mà đi rồi mới biết, có hướng dẫn viên giảng giải và không có hướng dẫn viên là hai trải nghiệm hoàn toàn khác biệt. Một cái hiểu kỹ càng tường tận, một cái chỉ sơ sài qua quýt như cưỡi ngựa xem hoa. Với lại đi vé miễn phí thì làm gì có cửa được vào xem những bức bích hoạ quý hiếm có một không hai trên đời. Vậy mới nói tiền nào của nấy, các cụ dạy cấm có sai bao giờ!

Thế nên Đường Tư Kỳ tự nhủ với lòng, từ giờ trở đi phải chăm chỉ kiếm tiền hơn, để lỡ sau này không có siêu khuyến mãi thì vẫn đủ khả năng để chi trả bất cứ thứ gì mình thích, vào được bất cứ nơi nào mình muốn.

Còn bây giờ không bị gánh nặng tiền bạc thì cứ thoải mái mà tận hưởng thôi. Chụp xong bức hình cùng ngài Huyền Trang, Đường Tư Kỳ ung dung mở Cửa Hàng Vật Phẩm, đổi hai tấm vé Chùa Đại Từ Ân và Tháp Đại Nhạn. Sau khi nhận được mã QR, cô quét mã qua cổng rồi tiến thẳng tới vị trí tháp Đại Nhạn nằm trong khuôn viên chùa.

Vừa hay có một hướng dẫn viên dẫn đoàn du khách đi tới, Đường Tư Kỳ hí hửng tò tò bám vào cuối hàng nghe ké.

“Ở đây có hai báu vật trấn tháp, nằm lần lượt ở hai mặt cửa Nam, đó là hai tấm bia do nhà thư pháp nổi tiếng đời Đường là Trữ Toại Lương viết, nhưng nội dung của bia lại do hai hoàng đế là Đường Thái Tông và Đường Cao Tông biên soạn, để tán thán những kỳ tích mà ngài Huyền Trang đã thực hiện. Mọi người có thể không leo tháp nhưng nhất định phải chiêm ngưỡng hai tấm bia. Chúng được mệnh danh là đệ nhất tinh hoa trong văn hoá thư pháp nước ta đấy ạ.”

“Rồi, giờ chúng ta bắt đầu leo tháp nhé. Xin mọi người chú ý, vì đường đi nhỏ hẹp, cầu thang theo hình xoắn ốc nên bước chầm chậm từng bước một, và quan sát cả phía trên nữa, cẩn thận đụng đầu ạ.”

“Ngoài ra, mọi người nhớ chú ý cả hai bên tường cạnh cửa hoặc các bia đá phía trong tháp. Nơi đó có lưu lại các bài thơ và chữ viết của các sĩ tử thi đỗ những kỳ thi do triều đình tổ chức. Đây là nghi thức chúc mừng tân khoa và tượng trưng cho việc thăng tiến sự nghiệp trong tương lai. Hình thức đề chữ viết thơ này được lưu truyền từ thời nhà Đường và tiếp tục cho đến triều Minh.”

Cả đoàn lục tục nối đuôi nhau leo tháp, Đường Tư Kỳ cũng đi theo. Tuy rằng quá trình hơi nhàm chán, nhưng cô phát hiện ra một chi tiết khá thú vị. Bên cạnh dấu tích hiền nhân thì xuất hiện rất nhiều các vết khắc ngoằn nghèo của đám hậu bối kiểu “Ta đã từng đến nơi này - ký tên, ngày tháng năm”.

Cái trò viết bậy này thật ra không hiếm, hầu như tới danh lắm thắng cảnh hay di tích văn hoá nào cũng thấy. Nhưng dựa theo thể chữ và ngày tháng lưu lại thì có vẻ cái thú vui này đã bắt nguồn từ thời xa xưa rồi. Hoá ra thời nào cũng không thiếu đám “trẻ trâu” thích chơi ngông, đi tới đâu để lại dấu vết tới đó!

Không biết phải đi bao lâu, leo bao nhiêu bậc thang, cuối cùng Đường Tư Kỳ cũng thành công đặt chân lên đỉnh tháp.

Đứng ở đây, có thể dễ dàng thu trọn cảnh chùa Đại Từ Ân và bao quát toàn cảnh thành phố Tây An vào mắt.

Nếu giả dụ có thể quay ngược thời gian, trở về thời Đường thì trước mắt chính là cảnh đường phố Trường An đông vui nhộn nhịp, sân chùa lồng đèn đỏ treo cao và bên trong tháp ngài Huyền Trang đang cùng các chúng tăng hối hả biên dịch kinh Phật ngày đêm không ngơi nghỉ.

Leo xuống Tháp Đại Nhạn, Đường Tư Kỳ tiếp tục đi xung quanh thưởng lãm cảnh chùa Đại Từ Ân. Tổng thể ngôi chùa như một khu vườn tuyệt đẹp cùng những kiến trúc ấn tượng. Mặc dù bị huỷ hoại rồi trùng tu nhiều lần, và hầu hết những khu nhà trong quần thể chùa Đại Từ Ân đều được xây vào thời nhà Thanh nhưng toàn bộ công trình đều nhất quán theo lối kiến trúc đời Đường - cũng chính là thời kỳ ngôi chùa được thành lập.

Bạn cần đăng nhập để bình luận