Chu Du Cùng Hệ Thống

Chương 186 - Cuộc đời là món quà vô giá

Chương 186 - Cuộc đời là món quà vô giá

Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên

Chương 186: Cuộc đời là món quà vô giá

Thật tốt quá!

À đúng rồi, vậy tức là từ giờ cũng không cần quan tâm đến nhiệm vụ, không cần chạy đôn chạy đáo tìm chỗ Check-in rồi xù đầu xù cổ kiếm vàng đào kim cương nữa, phải không?! Sinh mệnh đã không bị khống chế rồi mà, cần gì bận lòng chạy theo mấy cái đó cho cực thân.

Ồ, thế thì…Chớp mắt một cái, một ý nghĩ thoáng vụt lên trong đầu Đường Tư Kỳ. Hay là giờ về khách sạn ngủ một giấc cho đỡ nắng nôi nhỉ hoặc là bay thẳng về Thượng Hải, làm ổ trong nhà mình cho sướng.

Còn đang phân vân suy nghĩ coi nằm lười ở đâu thích hơn thì hướng dẫn viên lịch sử đi tới. Anh ta đeo cặp kính trắng, dáng dấp thư sinh, hào hoa phong nhã, sử dụng tiếng phổ thông tiêu chuẩn, giọng nói lưu loát truyền cảm để giao lưu cùng mọi người: “Xin chào các bạn, tôi là hướng dẫn viên của Bảo tàng lịch sử Thiểm Tây. Tôi xin tự giới thiệu, tôi tên Hồ Bân. Hôm nay tôi sẽ dẫn các bạn đi tham quan một vòng và tìm hiểu thật kỹ lưỡng về viện bảo tàng đồ sộ và kỳ diệu này.”

Ánh mắt biết cười ấy, thanh âm trầm ấm ấy phảng phất như có ma lực, khiến Đường Tư Kỳ không tự chủ được cứ thế cất bước đi theo.

Dù sao cũng chẳng tốn gì mà tới cũng đã tới rồi, giờ tự nhiên quay về có phải lỡ cỡ dở hơi không. Hơn nữa cả combo này trị giá 600 nhân dân tệ lận, thế mà cô chỉ dùng đúng 2 đồng vàng để đổi, gần như được cho không rồi, thế thì tội gì không vào nghe cho mở mang tầm mắt, trau dồi tri thức.

Phía bên trên, giọng Hồ Bân cứ đều đều không nhanh không chậm, đi tới đâu thuyết minh tới đó

“Nơi này là phòng triển lãm thứ nhất trưng bày các di vật quý giá chạy dài từ thời tiền sử của người vượn Lam Điền (1) cho tới các triều đại nhà Thương, nhà Chu và sau đó là nhà Tần.”

“Xin mời mọi người hướng mắt về phía này ạ. Đây là ‘Chậu gốm hoa văn nhân diện ngư’ (2). Là một trong những di vật quốc bảo của đất nước chúng ta. Nó là tác phẩm tiêu biểu của “Truyền thống gốm màu” trong Văn hoá Ngưỡng Thiều, đánh dấu đỉnh cao phát triển của một “nền văn hoá thời kỳ đồ đá mới” đã tồn tại dọc theo miền trung Hoàng Hà, Trung Quốc và có niên đại khoảng 5000 TCN tới 3000 TCN. Chậu gốm này là một đồ dùng chôn cất đặc biệt, chủ yếu được sử dụng làm quan tài trẻ em.”

Ồ, thì ra là quan tài, bỗng một trận gai lạnh nổi dọc sống lưng nhưng đồng thời cũng làm người ta dấy lên nỗi bi thương chua xót. Vừa sinh ra đã lìa đời, quả là đáng thương. Không biết tâm trạng những ông bố bà mẹ thời đó sẽ ra sao nhỉ, cũng đau thấu trời xanh và day dứt khôn nguôi chăng?!

“Anh Bân, không biết ở viện bảo tàng này có bảo vật nào được xếp vào hàng quốc bảo nữa không?”

Hồ Bân cười thần bí: “Xin mời các bạn dời bước theo tôi, ngay bên cạnh liền có một món quốc bảo khác.”

Ồ, ngay bên cạnh liền có! Tất cả mọi người gần như đổ xô chạy theo.

“Cái này là Tứ Túc Cách (四足鬲) hay còn có tên gọi dân gian là ‘cái lịch’, xuất hiện ở cuối thời nhà Thương. Nó được chế tạo bằng đồng, cao 22,8cm, đường kính 21cm, nặng 4,7kg. Bốn chân chia thành bốn hộc sâu 16cm, dùng để nấu ăn. Bề mặt được trang trí hoa văn cổ tinh xảo, bốn chân là tượng bốn con thần thú Thao Thiết với phần mắt đúc lồi vô cùng ấn tượng. Theo sử sách ghi chép, chiếc lịch là dụng cụ nấu ăn ngày xưa, miệng tròn, giống như cái đỉnh ba chân nhưng không hiểu sao chiếc lịch này lại có tận bốn chân độc đáo. Và cho tới ngày nay, đây cũng là chiếc Tứ Túc Cách bốn chân duy nhất được tìm thấy và được xếp vào danh sách văn vật cấp quốc gia.”

Ồ, không đi thì không biết dụng cụ nấu nướng của người xưa lại cầu kỳ tới như vậy. Đường Tư Kỳ cảm thấy thích thú vô cùng. Nếu lúc nãy quay về thì đã bỏ lỡ một kiến thức vô cùng thú vị rồi.

Bất chợt, Đường Tư Kỳ khựng lại tự hỏi bản thân. Một khi đã không còn bị hệ thống trói buộc, liệu cô muốn nằm lười ở nhà hay tiếp tục đi du lịch đó đây tìm hiểu những điều mới lạ?

Tuyển tập tranh “Kỳ Kỳ du ngoạn Trung Quốc” đang nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo cư dân mạng. Nhưng không đi ra ngoài ngắm nhìn phong cảnh thì cô lấy đâu ra tư liệu phong phú, lấy đâu ra cảm hứng để sáng tác? Hơn nữa, chẳng phải cũng nhờ đó mà cô mới được khách hàng biết đến nhiều hơn và tăng thêm thu nhập hay sao?

Còn nhớ trước đây, cô vẫn luôn khao khát thoát ly khỏi đời sống văn phòng nhàm chán, chấm dứt cái cảnh cấp trên chèn ép, đồng nghiệp kèn cựa, muốn được tự do tự tại, làm công việc mình thích. Thì đây, du lịch đã giúp cô đạt được đúng như những gì mình mong muốn, đặt cô vào đúng vị trí sở trường của mình, giúp cô thể hiện được giá trị của bản thân và quan trọng nhất là tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời.

Đời không phải là cuộc đua, mà là một món quà vô giá cho riêng mỗi người.

===

Chú thích:

(1)Di cốt hoá thạch của Người vượn lam điền được tìm thấy ở Công Vương Lĩnh (Gong Wangling) và Trần Gia Oa thuộc huyện Lam Điền, tỉnh Thiểm Tây.

Ở Công Vương Lĩnh, năm 1964, phát hiện được một xương sọ, xương mũi, một phần xương hàm trên và 3 răng hàm thuộc một cá thể, có thể là nữ, trên 30 tuổi. So thấp, xương sọ rất dày, dung tích sọ bé, khoảng 780 xăng ti mét khối. Người vượn Lam Điền ở Công Vương Lĩnh so với Người vượn Bắc Kinh thì có nhiều nét nguyên thuỷ hơn.

Những năm 1965-1966, trong địa tầng chứa Người Vượn Lam Điền ở Công Vương Lĩnh, khai quật được một số công cụ đá gồm nạo, mảnh tước và hạc đá. Cùng tím thấy với hoá thạch người là xương của 41 giống động vật như gấu tre lớn,voi răng kiếm, heo vòi khổng lồ…thuộc giai đoạn sớm của trung kỳ Pleistocene. Bằng phương pháp cổ từ, người ta đoán định Người Vượn Lam Điền ở Công Vương Lĩnh có niên đại giữa 750.000 và 800.000 năm.

Ở Trần Gia Oa, Năm 1963, phát hiện được một xương hàm dưới khá nguyên vẹn và 13 cái răng thuộc một cá thể nữ đã già, không khác nhiều so với xương hàm và răng Người vượn Bắc Kinh. Năm 1964 - 1975, trong tầng chứa di cốt người đã tìm được nhiều công cụ đá và xương của 14 giống động vật. Quần thể động vật ở Trần Gia Oa muộn hơn quần thể động vật ở Công Vương Lĩnh. Bằng phương pháp cổ từ, người ta định niên đại của Người Vượn Lam Điền ở Trần Gia Oa khoảng 650.000 năm.

(2)人面鱼纹彩陶盆: Chậu gốm màu thời kỳ đồ đá mới vẽ hình mặt người và cá được khai quật ở Bản Pha, Tây An, Thiểm Tây năm 1955. Là một đồ dùng chôn cất đặc biệt, chủ yếu được sử dụng làm quan tài trẻ em. Chiếc chậu cao 16,5cm, đường kính 39,8cm, bằng gốm sành, màu nâu đỏ, miệng tròn với vành rộng, dày, màu đen ngắt quãng. Hoa văn màu đen vẽ bên trong lòng bát là hình mặt người và cá đối xứng.

Nó là tác phẩm tiêu biểu của văn hoá đồ gốm Ngưỡng Thiều, được công nhận là di tích văn hoá cấp quốc gia vào ngày 25/5/1995. Và được đưa vào “đợt xếp hạng di tích văn hoá thứ ba” và danh sách “Di vật bị cấm trưng bày ở ngoài lãnh thổ Trung Quốc” vào tháng 1 năm 2013.

Bạn cần đăng nhập để bình luận