Chu Du Cùng Hệ Thống

Chương 255 - Những chiếc hộp bí ẩn

Chương 255 - Những chiếc hộp bí ẩn

Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên

Chương 255: Những chiếc hộp bí ẩn

Mang theo sự phấn khích, Đường Tư Kỳ hăm hở một lần nữa vén rèm đi vào.

Bên trong vẫn tối đen như hũ nút, đường dốc thoai thoải, sâu hun hút, chỉ vừa một người đi. Đường Tư Kỳ rùng mình xoa xoa hai cánh tay. Nhiệt độ giảm dần theo từng bước chân và càng vào sâu bên trong, cảm giác âm u càng nặng nề.

Não bộ nhanh như cắt hiện lên những kiến thức về cơ quan, bẫy rập đã được thu lượm trong công cuộc luyện tiểu thuyết. Chỉ đáng tiếc, nơi này chẳng ẩn giấu cơ quan bí mật nào hết, nền đất rắn chắc, tường đá vững chãi, dẫm vào đâu hay chạm chỗ nào cũng không có bất ngờ gì xảy ra.

Đi được nửa đường, Đường Tư Kỳ nhạy bén phát hiện tường đá gồ ghề đã chuyển thành tường gạch nhẵn mịn. Các giác quan trên người cô tự động bừng tỉnh, bước chân cũng dường như hối hả hơn.

Chẳng mấy chốc, Đường Tư Kỳ đã đi tới cuối mộ đạo. Và cái chào hỏi cô đầu tiên chính là hai tượng đá trong hình dạng tướng quân đứng hiên ngang oai vệ canh gác giấc ngủ ngàn thu cho chủ nhân.

Không khí vương thất đang đến rất gần, bất giác tim Đường Tư Kỳ đập bình bịch, chỉ vài bước nữa thôi là cô có thể tận mắt nhìn thấy thạch quan của hoàng đế ở khoảng cách rất gần.

Ra khỏi mật đạo chật hẹp là tới mộ thất của Bắc Nguỵ Tuyên Vũ Đế.

Tuy nhiên toà mộ có vẻ tương đối nhỏ và đơn giản, xung quanh không hề thấy những bức bích hoạ hoành tráng hay các loại văn vật bồi táng quý giá như những cổ mộ khác được lưu truyền qua sử sách hoặc tiểu thuyết.

Song lại gần nhìn kỹ sẽ thấy, mộ thất được xây bằng gạch kiên cố, đế đôn dày, đỉnh cao vút chứng tỏ địa vị của người nằm trong mộ không hề bình thường.

Trên nóc mộ khảm một bức Thiên Văn Đồ độc nhất vô nhị với tổng cộng 300 viên đá quý tượng trưng cho sao trời lấp lánh.

Nhiệt độ lạnh lẽo, không khí âm u, thời gian ngưng đọng khiến người ta vừa sợ hãi lại vừa nổi tâm tò mò.

Chỉ đáng tiếc khách vào đây không nhiều nên âm thịnh dương suy, ban nãy có lác đác vài người thì Đường Tư Kỳ còn dám ngó nghiêng ngó dọc xem xét nọ kia chứ mọi người vừa đi khỏi là sống lưng cô tự khắc lạnh toát, cảm giác mỗi phút mỗi giây đều hít thở khó khăn.

Nghe nói lăng mộ này bị mộ tặc ghé thăm rất nhiều lần nên đã lưu lại nhiều dấu vết, đồ gốm, chén sành có lai lịch từ các triều đại khác nhau.

Không hiểu lúc chui vào đây, bọn trộm mộ có cảm thấy sợ hãi không nhỉ…Chứ cô là quéo hết cả chân tay luôn rồi!

Dù cố gắng lắm nhưng chung quy vẫn là nhát gan, không dám một mình thám hiểm nên còn chưa xem hết mộ thất, Đường Tư Kỳ đã ba chân bốn cẳng bỏ của chạy lấy người.

Thì cũng tại lúc qua cổng chính không đọc kỹ bảng giới thiệu nên mới mơ mơ hồ hồ cắm đầu vào Cảnh Lăng. Giờ bình tĩnh tìm hiểu thông tin, tham khảo review trên mạng, Đường Tư Kỳ mới biết thì ra trong Viện bảo tàng còn có rất nhiều ngôi mộ cổ được di dời từ trên núi Bắc Mang xuống.

Và đây cũng là viện bảo tàng đầu tiên và duy nhất trên thế giới triển lãm và trưng bày về chủ đề cổ mộ.

Dò tìm một hồi, Đường Tư Kỳ tìm được một khu vực trưng bày dưới lòng đất.

Phòng triển lãm ngầm được xây dựng theo hình hộp tứ giác, có bốn cửa dẫn tới bốn khu trưng bày cổ mộ ở nhiều thời kỳ trong lịch sử, điển hình như Tần - Hán, Bắc Nguỵ, thời Đường và nhiều triều đại khác nữa.

Cách thức tham quan cũng rất khiêu khích sự can đảm của du khách. Mỗi một mộ thất đều nằm sau một ô cửa nhỏ, phải khom người mới có thể chui qua, bên trong ánh sáng âm u rợn tóc gáy.

Thiết kế cửa thấp nhỏ vừa ngăn cách ánh sáng bên ngoài, tăng cảm giác thần bí và cũng ngụ ý tôn trọng người đã khuất, một cái khom lưng cúi đầu như một lời chào hỏi lịch sự trước khi bước vào.

Tuy nhiên Đường Tư Kỳ cứ nấn ná tới lui, nói thẳng ra là nhát cáy không dám vào vì cái cảm giác lạnh xương sống ở Cảnh Lăng vừa rồi vẫn chưa tan hết.

Mà bực nhất là khách tham quan đã ít lại còn phân tán khắp nơi. Đợi mãi mới có một nhóm nhỏ đi tới, Đường Tư Kỳ lập tức thành cái đuôi, hèn mọn nhập đoàn.

Nhưng người tính không bằng trời tính, có mộ thất lớn nhưng cũng có một vài chỗ rất bé, chỉ một người chui vừa, thành ra Đường Tư Kỳ chỉ dám thò cái đầu vào liếc sơ một vòng rồi vội thụt ra ngay.

Ngoài diện tích khác biệt thì cấu trúc bên trong cũng không giống nhau. Một số mộ cực kỳ đơn giản nhưng cũng có không ít mộ trang trí cầu kỳ, điêu khắc hoa văn phức tạp, thậm chí còn bồi táng theo dụng cụ sinh hoạt, tượng gốm hay dựng cả những tấm bích hoạ đồ sộ.

Trong đó có một gian mộ thất khiến Đường Tư Kỳ ấn tượng nhất. Vật liệu xây quan tài rõ ràng bằng đá nhưng lại mô phỏng theo kiểu giả gỗ. Ngay cả các chi tiết nhỏ như mộng và lỗ mộng (1) là các khớp nối độc đáo trong kỹ thuật làm mộc cũng được tái hiện rất chân thực hay các khung cửa sổ đều được tạo hình vân gỗ cực kỳ chuẩn xác. Có thể nhìn ra chủ nhân của ngôi mộ này lúc sinh thời là một người có gu và rất chú trọng tới chất lượng cuộc sống.

Hay ở một gian mộ khác lại khiến Đường Tư Kỳ giật mình suýt đứng tim chết giấc. Vừa thò đầu vào là bắt gặp một cô gái trong trang phục cổ trang trên bức tường phía sau quan tài. Cô ấy nhìn thẳng, miệng chúm chím đỏ chót, lông mày hình chữ bát, mặt trắng xoá theo lối trang điểm thời Đường, nhìn rất chi là doạ người!

Có mộ lại bày biện các loại đồ dùng sinh hoạt thường nhật, đầy đủ không thiếu thứ gì kể cả bô đi tiểu. Chắc hẳn người ta nghĩ trần sao âm vậy nên chết cũng phải dắt theo cho chắc cú đây mà.

Rất nhiều mộ đi theo cụm gia đình gồm cha mẹ con cái cháu chắt quây quần quấn túm. Cách quy hoạch mộ thất cũng cho thấy dụng tâm và ý nguyện của họ, sống cùng nhau, thác cùng nhau, người một nhà quyết không chia lìa.

Ban đầu Đường Tư Kỳ còn cảm thấy sợ hãi, nhưng đi nhiều tự nhiên quen, hết sợ.

Lần lượt xem hết bốn phòng triển lãm với vô số gian mộ thất lớn nhỏ khác nhau, càng xem càng cuốn, như kiểu trò chơi Chiếc hộp bí ẩn, phải mở ra mới biết thứ chờ đợi mình bên trong là gì!

===

Chú thích:

(1)”mộng-榫” và “lỗ mộng - 卯” là kết cấu chính để chế tác đồ nội thất của người cổ đại. Nó đã trở thành nét tinh tuý trong văn hoá truyền thống Trung Hoa mấy ngàn năm qua. Không cần dùng đến đinh, những thanh gỗ vẫn có thể kết nối với nhau một cách chắc chắn. Không chỉ tại Trung Quốc, người Nhật Bản cổ xưa cũng đã biết sử dụng kỹ thuật mộc độc đáo này để tạo dựng nhiều ngôi nhà gỗ có thể đứng vững chãi qua nhiều trận động đất.

Nghiên cứu khu di chỉ Văn hoá Hà Mỗ Độ cho thất kết cấu “mộng lỗ” của người Trung Hoa đã có ít nhất 7000 năm lịch sử.

Bạn cần đăng nhập để bình luận