Chu Du Cùng Hệ Thống

Chương 187 - Loá mắt

Chương 187 - Loá mắt

Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên

Chương 187: Loá mắt

Phải công nhận từ lúc kéo Vali đi chu du đến giờ Đường Tư Kỳ được nhiều hơn mất. Thời gian đầu đúng là đi trong tình thế bị ép buộc, đi để giữ mạng sống, sau lại có thêm nhu cầu kiếm vàng để trao đổi vật phẩm, hàng hoá. Tuy nhiên dần già niềm yêu thích xê dịch đã từ từ nhen nhóm và ngày một lớn mạnh trong cô.

Lại nhìn về phía người hướng dẫn Hồ Bân, tâm tình Đường Tư Kỳ thoáng chốc dao động mạnh.

Anh ấy tự tin, hoạt ngôn, kiến thức sâu rộng. Không chỉ thuyết minh chi tiết về nguồn gốc, xuất xứ, đặc điểm, giá trị của những văn vật cổ đại mà còn thông tin thêm những mẩu chuyện nhỏ thú vị xung quanh, giúp mọi người dễ dàng tiếp cận với những dữ kiện lịch sử vốn bị cho là khô khan, là lê thê buồn ngủ, để từ đó khơi gợi lên niềm tự hào và kiêu hãnh dân tộc.

Bản thân Đường Tư Kỳ cũng không thể ngờ, một viện bảo tàng cấp tỉnh mà sở hữu bộ sưu tập đồ sộ tới vậy, hơn 37.000 di vật quý giá. Trong đó những chiếc đỉnh ba chân thời Tây Chu được xếp vào hàng bảo vật cấp quốc gia. Hay tượng binh mã trong đội quân đất nung của Tần Thuỷ Hoàng cũng là điểm thu hút rất đông khách du lịch. Tất nhiên, viện bảo tàng chỉ trưng bày tượng trưng một số ít, nhưng như vậy cũng đủ khiến du khách thập phương được phen mở mang tầm mắt.

Tiến vào khu triển lãm thời Hán Đường thì hỡi ơi, bảo vật nhiều đến độ hoa cả mắt, chóng cả mặt.

Ngay từ cái nhìn đầu tiên, Đường Tư Kỳ đã bị ấn tượng với món cổ vật có tên gọi “Tây Hán Hoàng Hậu chi tỉ”. Đây là ngọc ấn duy nhất của hoàng hậu nhà Hán được tìm thấy cho đến ngày nay. Nó được khai quật trong lăng mộ hợp táng của Hán Cao Tổ Lưu Bang và Lữ Hậu, được xác định là ngọc ấn do Lữ Hậu sử dụng khi còn sống.Thế nên nó không những quý mà còn hiếm, hiện nằm trong danh sách bảo vật quốc gia và cấm trưng bày ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Ngọc ấn hình vuông, cao 2cm, dài 2,8cm, nặng 33 gram, điêu khắc trên bạch ngọc Tân Cương dày dặn, chắc chắn. Sắc ngọc trong vắt, không tì vết, trong suốt trơn bóng, phần trên điêu khắc hình hổ với dáng vẻ hung mãnh, uy nghiêm đại diện cho thân phận cũng như uy quyền của vị hoàng hậu khét tiếng lịch sử Trung Hoa. Và mặt dưới con dấu khắc bốn chữ “Hoàng Hậu Chi Tỉ” theo thể chữ triện (1). Từ Hán triều tới nay nhẩm vội cũng phải hơn hai ngàn năm, trải qua biết bao biến cố lịch sử vậy mà vẫn có thể bảo tồn chiếc ngọc ấn toàn vẹn, không hư hại, quả là khiến người ta phải trầm trồ kinh ngạc.

Ngay bên cạnh là cây lư hương mạ vàng của công chúa Bình Dương do Hán Vũ Đế ban thưởng.

Nghe đến bốn chữ “Bình Dương công chúa” là Đường Tư Kỳ biết ngay, bởi cô là mọt phim cổ trang mà lại. Cô buột miệng lẩm nhẩm: “Vệ Thanh”

Ai dè Hồ Bân đứng bên nghe được, anh ta cười tán thưởng: “Đúng vậy, bạn nữ này đã nhắc cho chúng ta một thân phận khác của Bình Dương công chúa. Ngoài là công chúa nhà Hán, bà còn là vợ của danh tướng Đại tư mã Vệ Thanh. Mà Vệ Thanh là cậu của Hoắc Khứ Bệnh, một tướng quân rất được Hán Vũ Đế tin tưởng. Còn Vệ Tử Phu - hoàng hậu thứ hai của Hán Vũ Đế thì chính là chị ruột của Vệ Thanh. Trước đó, Vệ Tử Phu làm ca nữ trong phủ của Bình Dương công chúa, sau được chính Bình Dương công chúa tiến cử vào cung, một bước lên mây thành Vệ Tư Hậu và được Hán Vũ Đế sủng ái suốt thời gian dài.”

Hán Vũ Đế, Vệ Tử Phu, Trần A Kiều (hoàng hậu đầu tiên của Hán Vũ Đế), Vệ trưởng công chúa, Vệ Thanh, Hoắc Khứ Bệnh, toàn là những cái tên không thể quen thuộc hơn, xuất hiện nhan nhản trong các bộ phim cung đấu kịch tính. Đường Tư Kỳ xem nhiều đến độ quen mặt thuộc tên, thậm chí các mối quan hệ chồng chéo cũng có thể dễ dàng liệt kê vanh vách. Tuy nhiên lúc xem trên phim cô vẫn cảm thấy có cái gì đó xa vời lắm, thậm chí còn có cảm giác ảo ảo không thật. Nhưng giờ thì cô tin rồi, bởi ngay trước mặt chính là chiếc lư hương của Bình Dương công chúa, chiếc lư hương đi xuyên qua ngàn năm lịch sử, đảm bảo hàng thật giá thật trăm phần trăm, không phải đồ phục dựng trong phim trường.

Chưa bao giờ Đường Tư Kỳ lại thấy khoảng cách lịch sử được kéo gần đến thế.

Nhưng như vậy vẫn chưa là gì, tiến sang khu triển lãm của Đường triều, Đường Tư Kỳ còn kinh ngạc và choáng váng gấp bội.

Văn vật nhiều vô số kể, không chỉ cho người ta thấy sự thịnh vượng huy hoàng của Đường Triều mà còn thể hiện được sự giao thoa văn hoá giữa các nhóm dân tộc thông qua các điệu vũ, bài ca đi xuyên con đường tơ lụa, du nhập từ Tây Vực xuống tới Trung Nguyên.

Tiêu biểu nhất trong số đó phải kể đến di sản văn hoá cấp quốc gia “Tam thải tái nhạc lạc đà - 唐三彩骆驼载乐俑”, là bức tượng làm nổi bật được giá trị nghệ thuật và tính thẩm mỹ đỉnh cao của văn hoá Gốm màu đời Đường. Bức tượng cao 58cm, dài 43cm, gồm ba màu chủ đạo là lam, lục và vàng, khắc hoạ cảnh một nhóm nhạc công đang say mê diễn tấu trên lưng một chú lạc đà đầu ngẩng cao, miệng hí vang.

Đặc biệt hơn cả, bảo tàng Thiểm Tây còn trưng bày những bức hoạ của các nữ quan hay các pho tượng gốm mỹ nhân thời Đường với đặc điểm nổi bật là dáng người tròn trịa cùng bộ tóc búi cao cầu kỳ, cồng kềnh đầy đặc trưng.

Chẳng mấy mà chuyến tham quan viện bảo tàng Thiểm Tây đã sắp tới hồi kết nhưng Đường Tư Kỳ vẫn không thể thoát khỏi cái trạng thái bồng bềnh ngất ngây, như thể mình vừa có một chuyến du hành vượt thời gian, đi một dọc qua các thời đại lịch sử, từ viễn cổ xa xưa, tới thời kỳ đồ đá, các triều đại phong kiến rồi vòng về hiện đại. Quả thực quá kỳ diệu!

Tuy nhiên nếu hỏi nơi nào đem đến cho cô ấn tượng sâu sắc nhất thì Đường Tư Kỳ sẽ không ngần ngại mà trả lời ngay, đó chính là phòng Trung Nguyên có giá vé 270 nhân dân tệ, nơi trưng bày 97 bức bích hoạ có niên đại ít nhất 1.100 năm tuổi được khai quật từ các ngôi mộ của gia đình hoàng tộc thời Đường, bao gồm cả các hoàng tử và công chúa.

Trong đó số lượng nhiều nhất được tìm thấy ở mộ của thái tử Chương Hoài và thái tử Ý Đức. Đáng chú ý nhất là bức “Khuyết lâu đồ” to chạm trần, sừng sững đầy uy phong khí thế, khiến Đường Tư Kỳ phải dừng chân ngắm nhìn rất lâu.

Kết thúc buổi tham quan, không chỉ mình Đường Tư Kỳ yêu thích mà cả năm bạn đi cùng cũng không tiếc lời tán thưởng

“Trời, dã man thật!”

“Bảo vật nhìn loá cả mắt!”

“Tôi đã đi xem rất nhiều viện bảo tàng rồi nhưng chưa thấy nơi nào có nhiều quốc bảo như nơi này. Thật sự muốn đi một vòng nữa để ngắm cho đã mắt.”

===

Chú thích:

(1)Chữ triện - 篆书: là một kiểu chữ thư pháp Trung Quốc cổ. Đây là loại chữ tượng hình có nguồn gốc từ chữ giáp cốt thời nhà Chu và phát triển ở nước Tần trong thời kì Chiến quốc. Kiểu chữ triện của nhà Tần trở thành dạng chữ viết chính thức cho toàn Trung Quốc dưới thời nhà Tần và tiếp tục được sử dụng rộng rãi để khắc trang trí trên các ấn tín dưới thời nhà Hán.

Bạn cần đăng nhập để bình luận