Chu Du Cùng Hệ Thống

Chương 127 - Chùa Kê Minh

Chương 127 - Chùa Kê Minh

Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên

Chương 127: Chùa Kê Minh

“Có hai chỗ này chắc là ít người để ý tới, đó là Hồ Huyền Vũ và Lầu Duyệt Giang.

Dưới thời Chu Nguyên Chương, Hồ Huyền Vũ được lựa chọn làm nơi cất giữ Hoàng sách - tập thống kê dân số, thuế, địa lý và những nơi có nguồn nước dồi dào để phòng tránh hoả hoạn. Chính vì thế mà hồ Huyền Vũ trở thành cấm địa hoàng gia, bị cách ly với thế giới bên ngoài lên tới 260 năm.

Còn Lầu Duyệt Giang nằm trên đỉnh núi Sư Tử, phía nam sông Dương Tử là một trong bốn đại danh lầu nổi tiếng nhất Giang Nam. Lầu Duyệt Giang được Chu Nguyên Chương cho xây dựng hơn nữa còn hạ lệnh yêu cầu toàn thể quan văn trong triều viết bài ca ngợi. Trong số đó có bài ‘Nhạc Giang Tháp’ (1) được chọn vào tuyển tập ‘Cổ Văn Quan Chỉ’ (2) nữa mà.”

“Nhắc tới chỗ ít người biết thì phải kể đến Trung Hoa Môn. Nó nằm ở phía Nam của thành nhà Minh và là cổng vào lớn nhất trong số 13 cổng thành còn nguyên vẹn cho tới ngày nay. Trung Hoa Môn có hệ thống phòng thủ khổng lồ với bốn lớp gồm các sân trong và thành luỹ nối tiếp nhau. Đây có thể xem là pháo đài phòng thủ vững chắc, thể hiện nghệ thuật quân sự của phong kiến Trung Hoa. Dưới thới nhà Minh, nó có tên gọi khác là Tự Bảo Môn. Nghe nói lúc xây cổng cũng có nhiều giai thoại thú vị lắm, một trong số đó có liên quan tới phú hộ Thẩm Vạn Tam, người giàu nhất cả nước lúc bấy giờ. Chuyện là trong lúc xây cổng thành, phần nền xuất hiện vấn đề. Lưu Bá Ôn đã hiến kế mượn vàng bạc châu báu của Thẩm Vạn Tam chôn phía dưới nhằm mục đích trấn thành, đảm bảo chiếc cổng sẽ sừng sững với thời gian, vạn năm không đổ. Tuy nhiên cũng có người nói rằng Chu Nguyên Chương mượn chuyện công hưởng lợi riêng, cố ý dùng cách đó để đường đường chính chính chiếm dụng tài sản của Thẩm Vạn Tam. Đến tột cùng chuyện là thế nào thì không ai biết, sử sách cũng không đề cập rõ ràng vấn đề này.”

Quá trời thông tin rơi xuống như mưa, Đường Tư Kỳ vừa xem vừa cố gắng ghi nhớ thật kỹ. Công nhận sự trợ giúp từ cư dân mạng hữu ích thật, đỡ được bao công mò mẫm tìm tài liệu.

Kế tiếp mấy ngày hôm sau, cô cứ theo danh sách đó mà Check-in, nhàn tênh!

Đường Tư Kỳ rất hào hứng với khu du lịch Tường thành nhà Minh vì cô cực thích ngắm cảnh và tầm nhìn sẽ bao quát hơn, rộng mở hơn khi đứng từ trên cao nhìn xuống. Qua tìm hiểu, Đường Từ Kỳ cảm thấy mình sẽ thích đoạn Đài Thành nhất vì đó là đoạn thành đẹp nhất và cũng là nơi có vị trí ngắm cảnh lý tưởng nhất.

Tuy nhiên lúc chuẩn bị lên đường thì cô mới chợt phát hiện ra Chùa Kê Minh ở cách đó rất gần, lại có thể từ cổng sau đi thông qua tường thành thế nên Đường Tư Kỳ đã chọn tới chùa Kê Minh trước.

Cũng may hôm nay không phải cuối tuần nên khách tới viếng cảnh chùa không quá đông. Vé vào cửa cũng tương đối rẻ, chỉ có mười đồng một người và còn được phát ba nén hương miễn phí nữa, quá là hời luôn!

Sau khi mua vé, Đường Tư Kỳ nhanh chóng tiến vào bên trong khuôn viên. Tuy nhiên đến trước chính điện, cô lại bất tri bất giác thả chậm bước chân, tâm tình cũng buông lỏng, nhẹ nhõm thư thái hẳn.

Lưng chùa tựa núi, tĩnh tại mà uy nghiêm, nhang khói vấn vít cũng không che mờ được vẻ hiền từ của tượng Phật Dược Sư đang ngự ở vị trí tối cao.

Khác với hầu hết những ngôi chùa khác, chùa Kê Minh có thiết kế chủ đạo là tường vàng ngói đen cực kỳ thẩm mỹ và độc đáo. Cộng thêm thảm thực vật phong phú trong khuôn viên chùa, mùa xuân xanh non mơn mởn, thu sang ngả sắc vàng tạo cảnh quan tuyệt mỹ, níu bước du khách thập phương.

Tiến tới trước lư hương to nhất đặt tại chính điện, Đường Tư Kỳ cẩn thận đốt nhang rồi quỳ xuống, học người ta lạy ba lạy sau đó cắm nhang vào giữa lư hương.

Cô không cầu xin gì nhiều, chỉ cầu cha mẹ ở nhà khoẻ mạnh, mình đi đường bình an suôn sẻ, vậy thôi.

Sau khi lễ xong, Đường Tư Kỳ bất giác bật cười cảm khái. Vốn là một đứa không tin vào tâm linh, ấy thế mà dạo gần đây cô ghé chùa tương đối nhiều, cũng bắt đầu biết cầu bình an cho mình và cho người thân.

Đường Tư Kỳ thơ thẩn đi dạo trước Tháp Dược Sư khá lâu, tại cô đọc trên mạng thấy người ta bảo thường xuyên có người hoá trang tới đây, diễn lại trích đoạn kinh điển phu thê chia lìa trong bộ phim Tân Bạch Nương Tử Truyền Kỳ.

Đáng tiếc, hôm nay Đường Tư Kỳ đợi rõ lâu mà chẳng thấy diễn viên nào xúng xính váy áo tới diễn. Thế nên cô đành phải rời gót đi sang nơi khác bởi chùa Kê Minh rất đẹp, góc nào cũng như tranh vẽ, khiến người ta mê mẩn không thôi.

Dáng vẻ cổ kính ấy đã lôi cuốn bước chân Đường Tư Kỳ, cô đi mãi đi mãi không biết mệt và rồi cô vô tình phát hiện ra một căn phòng nằm ở vị trí khá khuất, bên ngoài treo tấm biển nhỏ ghi “Trung tâm tư vấn tâm lý Bồ Đề”.

Xem qua giới thiệu thì trung tâm này đã thành lập được nhiều năm và người sáng lập là một vị bác sĩ tâm lý. Mục đích ban đầu do ông ấy nhận thấy có rất nhiều Phật tử coi chùa là nơi nương tựa tâm linh, khi có chuyện buồn sẽ thường tìm tới chùa để ký thác tâm tư, giãi bày tâm sự và khi ra về, một phần trong số họ có thể nhẹ lòng hơn vì học được cách buông bỏ tham sân si, hiểu được duyên nợ ở đời. Tuy nhiên số đó không đông, vẫn còn rất nhiều người vướng mắc khổ đau thành ra ông quyết định thành lập trung tâm tư vấn để giúp đỡ tâm lý cho họ. Sau nhiều năm, trung tâm đã giúp đỡ không ít người lìa khổ được vui, hướng tới cuộc sống tích cực và ý nghĩa hơn.

Đến trước tượng Phật, người ta dâng đèn dầu để cầu mong một tươi lai tươi sáng hơn, tốt đẹp hơn. Thì trung tâm tư vấn này chính là ngọn đèn trong lòng mỗi người, chỉ khi tiêu cực được giải toả, mây mù tan ra, ngọn đèn trong tim được bật sáng thì con người mới có thể nhẹ nhàng bình thản mà tiến bước.

Tâm sáng, vạn sự tự khắc tốt đẹp!

Bất giác, Đường Tư Kỳ nhớ tới bốn chữ viết trên cột trụ ở Chùa Pháp Hỉ Hàng Châu “Mạc Hướng Ngoại Cầu”, ý muốn nói hết thảy đều phải dựa vào chính mình, phải do chính bản thân mình nỗ lực mà thành.

Vốn biết là vậy thế nhưng riêng tại nơi này, khi bạn gặp khó khăn chỉ cần dũng cảm bước lên hỏi xin sự giúp đỡ sẽ có người sẵn sàng dang tay kéo bạn thoát khỏi thời khắc tuyệt vọng nhất để rồi bạn sẽ có thêm niềm tin, thêm mạnh mẽ tiếp tục đương đầu với cuộc đời đầy thử thách, chông gai.

Thật là tốt quá!

===

Chú thích:

(1)Nhạc Giang Tháp là một văn xuôi tán dương được viết bởi Song Lian, một nhà văn thời nhà Minh. Trong bài, tác giả ca ngợi cảnh đẹp của tháp Nhạc Giang ở kinh đô (nay là Nam Kinh), với ý tô điểm cho thời thịnh trị và ca tụng nhà Minh. Đồng thời, tác giả cũng hy vọng hoàng đế có thể xoa dịu trong ngoài, tỏ lòng từ bi với dân sinh, dung hợp tư tưởng trung với hoàng đế và lo lắng cho dân chúng. Toàn văn vừa kể vừa nghị luận, vừa chính luận vừa văn xuôi, điều này cho thấy tài nghệ phi thường của tác giả.

(2)Cổ Văn Quan Chỉ là tuyển tập văn xuôi cổ được tuyển chọn vào năm Khang Hy thứ 33 (1694), được khắc và in vào năm Khang Hy thứ 34 (1695) và đưa vào giảng dạy chính thức trong trường học thời Khang Hy nhà Thanh.

Cổ Văn sưu tập 222 bài văn từ thời Đông Chu đến thời nhà Minh, cả sách có 12 tập, chủ yếu sưu tầm văn xuôi, ngoài ra còn có văn xuôi song hành. Tiêu đề “Quan Chỉ" có nghĩa là các tác phẩm được lựa chọn là những tác phẩm nổi tiếng, những kiệt tác với ngôn ngữ cô đọng, ngắn gọn súc tích, dễ thuộc lòng, đảm bảo tiêu chuẩn cả về phẩm chất tư tưởng lẫn nghệ thuật.

Bạn cần đăng nhập để bình luận