Chu Du Cùng Hệ Thống

Chương 152 - Mỳ thạch “buồn”

Chương 152 - Mỳ thạch “buồn”

Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên

Chương 152: Mỳ thạch “buồn”

Hàng người dài thườn thượt nhưng di chuyển tương đối nhanh, chẳng bao lâu đã tới lượt Đường Tư Kỳ

“Ăn gì cô bé?” Dì bán hàng đứng sau quầy, hai tay thoăn thoắt không ngừng nghỉ.

Trước mặt là một bàn xếp kín các khay lớn nhỏ, khay nào khay nấy đầy tràn thực phẩm được cắt gọt khéo léo với đủ hình dạng và màu sắc bắt mắt.

Nào là thủ heo ngâm tỏi ớt, thạch Xuyên Bắc (1), bò trộn, gỏi tai heo dưa chuột, gà xé, thịt lợn om, xá xíu, chà bông, rồi còn cả đường đỏ, hạt mè cho những ai hảo ngọt.

Nói chung là nhiều vô số kể, dường như có thể nhồi cả thế giới vào trong chiếc bánh tròn tròn be bé này.

Đứng trước quá nhiều sự lựa chọn, đâm ra lại càng khó chọn tợn. Đường Tư Kỳ phân vân tới lui, cuối cùng vẫn lùi về phương án an toàn, không dám khiêu chiến với sự đột phá đầy lạ lẫm của thủ heo ngâm và gỏi tai heo.

“Cho con một bò trộn và một đường đỏ.”

Nhận được bánh, Đường Tư Kỳ cắn thử chiếc nhân thịt bò trước.

Ôi mẹ ơi, nóng quá! Nhưng mà ngon nha.

Phần vỏ bánh ngoài giòn xốp, trong mềm ẩm. Cắn một cái mà muốn bỏng cả lưỡi nhưng mà đã lắm.

Vừa nhồm nhoàm nhai Đường Tư Kỳ vừa tấm tắc tán thưởng. Từ nhỏ đến lớn cô chưa ăn cái bánh nướng nào mà ngon đến vậy.

Hay cứ thử Check-in xem sao. Kể cả có không trúng nhiệm vụ ngẫu nhiên thì chắc vẫn được tính ở nhiệm vụ chủ đề chứ nhỉ. Ngon thế này cơ mà.

[ Chúc mừng người chơi đã thành công Check-in món “bánh mũ nồi” - đặc sản Tứ Xuyên. Khen thưởng: +24 giờ sinh mệnh, +500 đồng vàng.

Tiến độ: 1/50.]

Cái gì? Bánh mũ nồi là đặc sản Tứ Xuyên?

Vừa rồi đói quá run tay gõ nhầm chữ nên đã đọc nhầm thông tin một loại bánh nướng khác cũng có cái tên tương tự.

Giờ tỉnh táo rồi, để lên Baidu tìm lại nè.

Thì ra Bánh Mũ Nồi Tứ Xuyên xuất hiện từ thời Tam Quốc, do Gia Cát Khổng Minh sáng tạo. Lúc bấy giờ quân đội đang đóng tại Thành Đô, vì để hành quân được nhanh chóng, Gia Cát Lượng đã chế ra loại bánh này để quân lính có thể mang theo dùng làm lương khô ăn dọc đường. Thế nên, ngoài “Bánh Mũ Nồi”, nó còn có tên gọi khác là “Bánh dã chiến quân đội”.

Bánh này ăn nóng mới ngon thế nên hầu hết mọi người nhận được bánh là mở bọc ăn ngay, ai bận thì hối hả vừa đi vừa ăn nhưng cũng có không ít người đứng ngoài cửa tiệm ăn tại chỗ.

Thành ra đã tạo nên một cảnh tượng tương đối buồn cười. Đầu đằng kia thì xếp hàng đợi mua bánh, đầu đằng này thì xếp hàng đứng ăn bánh.

Người đi đường cũng vì thế mà bị hấp dẫn, ngứa tay ngứa chân phải tấp vào làm một cái cho bằng chị bằng em.

Xử lý xong nhân thịt bò, Đường Tư Kỳ nhanh chóng chuyển sang cái đường đỏ.

Đường đỏ chảy ra đặc kẹo như mật, ngọt lừ, thơm phức, chỉ muốn cắn mãi không dừng.

Nếu Đường Tư Kỳ không nhầm thì bên trong người ta còn cho thêm một chút bơ đậu phộng nữa, làm dậy lên hương vị đặc trưng rất bùi, rất béo.

Nhưng ăn được hai miếng, Đường Tư Kỳ bắt đầu phát hiện ra vấn đề, đó là phần nhân không chịu nằm yên trong lòng bánh mà cứ tràn ra bên ngoài. Cắn bên trái thì tràn bên phải, cắn bên phải thì tràn bên trái mà cắn ở giữa thì chảy chèm nhẹp sang cả hai bên. Đã vậy còn nóng nữa chứ, không cẩn thận là bỏng tay bỏng miệng như chơi.

Haizzz, nói chung ăn được miếng ngon quả không dễ tí nào.

Gian nan mãi mới chiến đấu xong cái bánh. Nhưng mà ngon nên mọi trắc trở đều không thành vấn đề. Đường Tư Kỳ thoả mãn với cái bụng đã được lấp đầy bảy phần.

Thật không hổ danh là thiên đường ẩm thực Châu Á, kinh đô ẩm thực thế giới, ra đường vớ đại cũng được siêu phẩm. Đường Tư Kỳ âm thầm hạ quyết tâm, trong hai ngày tới cô nhất định sẽ thử hết tất cả các vị trong tiệm bánh này.

Tiếp tục đi lên phía trước vài trăm mét, Đường Tư Kỳ lại bắt gặp một cửa hàng chật kín khách bu đen bu đỏ. Ngước cổ lên liền thấy tấm bảng đề “Cửa hàng mỳ thạch Động Tử Khẩu Trương Lão Nhị”. (2)

À, chỗ này Đường Tư Kỳ biết. Tuy trên bảng đề mỳ thạch nhưng nó là quán ăn vặt, bán đủ các món và cực kỳ nổi tiếng, đã tồn tại ở đây hơn nửa thế kỷ.

Lại là quà vặt, có nên ăn không nhỉ. Đường Tư Kỳ thoáng chần chờ do dự. Nhưng dầu gì cũng đi ngang qua đây, cũng coi như có duyên gặp gỡ. Thế là lại tặc lưỡi đứng vào hàng.

Vốn cho rằng bảng hiệu ghi mỳ thạch thì mỳ thạch phải là món đinh của quán nhưng theo như cô quan sát thì hầu như những người xếp hàng phía trước đều gọi mỳ ngọt .

Tuy nhiên đến phiên Đường Tư Kỳ, cô vẫn gọi một phần mỳ ngọt ((甜水面) và một phần mỳ thạch (凉粉) ăn thử cho biết. Nghĩ bụng, chén hết hai phần này chắc no cành hông, ngày hôm nay khỏi ăn thêm cái gì khác nữa.

Gọi món xong, Đường Tư Kỳ cầm phiếu, tìm một chỗ ngồi xuống đợi. Từ ô cửa sổ nhỏ bên trong tiệm liên tục vọng ra tiếng đọc số. Khách hàng cứ lần lượt theo đó chạy tới lấy mỳ. Và rất nhanh đã tới lượt Đường Tư Kỳ.

Vì tò mò cái tên nên cô chọn nếm thử món mỳ ngọt trước. Nhưng bất luận thế nào thì đoán chắc là phải có vị ngọt ở trong rồi.

Đường Tư Kỳ tách đôi đũa dùng một lần ra, khều sợi mì lên nghiên cứu. Nó to, dày và thô hơn sợi mì thông thường rất nhiều. Nhìn qua thì có vẻ được làm thủ công và cắt bằng tay nên mới cho ra hình thù không đồng đều như vậy.

Điều này càng làm tăng sự đặc biệt giữa thời buổi công nghiệp hoá hiện đại hoá như ngày nay.

Tiếp tục quay lại với hộp mỳ, từng sợi từng sợi được áo đều một lớp nước sốt nâu đậm, là sự hoà quyện của tổ hợp hương vị bao gồm vị ngọt thơm của nước tương và đường nâu hoặc đường trắng, cay tê của dầu ớt, nồng nàn của tiêu đen và bột quế, béo bùi của dầu vừng và cả cái vị nhẫn nhẫn không lẫn đi đâu được của lá nguyệt quế.

Thực sự là một bản hoà tấu về mùi vị vô cùng đặc sắc.

Đường Tư Kỳ cắn một miếng là không thể dứt ra được. Cái cảm giác dai dai, giòn giòn cứ dẫn dắt, lôi cuốn khiến cô nhất thời quên khuấy mất hộp mỳ thạch bên cạnh.

Chén xong hộp thứ nhất là thấy hơi no no rồi đấy, nhưng tuyệt đối không được lãng phí đồ ăn, Đường Tư Kỳ bưng hộp thứ hai lên, tiếp tục chiến đấu.

Cảm nhận đầu tiên, sợi mỳ thạch mềm hơn rất nhiều, nó trong suốt, dẻo dẻo lành lạnh, được tắm trong nước sốt sa tế đỏ rực, bên trên trang trí thêm hành lá, rau mùi, tỏi, chút đồ chua và nắm đậu phộng rang giã dập. Đặc trưng của món này là vị cay xé lưỡi, cay đến độ chảy cả nước mắt. Bởi thế cho nên món mỳ thạch còn có tên gọi khác là “mỳ thạch buồn”.

Khi cảm thấy tâm trạng tồi tệ, ăn một tô mỳ thạch, vị cay chạy xộc lên não làm tê liệt các dây thần kinh, nước mắt vô thức chảy ra đem theo hết thảy đau khổ, muộn phiền. Mọi cảm xúc dồn nén bấy lâu cứ thế trôi tuột đi hết.

Tuy cả hai món đều đặc sắc nhưng để chấm điểm thì Đường Tư Kỳ nghiêng về món mỳ ngọt hơn một chút, bởi sự sáng tạo độc đáo và nó hợp với khẩu vị cá nhân cô hơn.

===

Chú thích:

(1)Thạch Xuyên Bắc (Mì trong suốt với tương ớt) là món ăn nổi tiếng ở Nam Sung, Tứ Xuyên. Được sản xuất tại công ty TNHH Văn hoá ẩm thực Thạch Xuyên Bắc, thành lập năm 2003, đăng ký nhãn hiệu năm 1994.

(2)洞子口张老二凉粉

địa chỉ: số 39 đường Wenshuyuan

Bạn cần đăng nhập để bình luận