Chu Du Cùng Hệ Thống

Chương 189 - Cao Tăng Huyền Trang

Chương 189 - Cao Tăng Huyền Trang

Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên

Chương 189: Cao Tăng Huyền Trang

Phía bắc chùa là Huyền Trang Tam Tạng Viện, nơi lưu giữ và trưng bày những thông tin, tiểu sử, ảnh chụp cùng các mẩu chuyện về cuộc đời ngài Huyền Trang.

Cũng như rất nhiều bạn trẻ khác, Đường Tư Kỳ xem Tây Du Ký mà lớn lên nhưng mãi sau này mới biết thì ra nguyên mẫu của sư phụ Đường Tăng trong phim chính là cao tăng Huyền Trang.

Trong quá trình tu tập, ngài đau lòng khi phát hiện ra rất nhiều chỗ thiếu sót trong kinh sách địa phương, vì thế ngài quyết tâm lên đường, đi tới đất Phật để cầu kinh.

Quá trình ròng rã suốt 17 năm trời, có thể nói là cửu tử nhất sinh, về điểm này bộ phim “Tây Du Ký” đã khắc hoạ đậm nét qua 81 kiếp nạn mà thầy trò Đường Tăng phải trải qua.

Tất nhiên ngoài đời thực không màu nhiệm như trên phim nhưng những khó khăn hung hiểm thì chỉ hơn chứ không kém. Bởi trong suốt chuyến hành trình ngài Huyền Trang phải đơn thương độc mã chống chọi với mọi khó khăn thử thách, mà không có Tôn Ngộ Không thần thông quảng đại ở bên cạnh bảo vệ.

Có lần ngài Huyền Trang bị lạc trong sa mạc hai ngày không một giọt nước thấm môi, khát cháy cổ họng nhưng ngài vẫn quyết tâm thề rằng không tới Tây Trúc thì nhất định không trở về quê hương “Thà rằng Tây hành một bước tựa. Không chịu Đông còn một bước sinh”, tức “Thà đi về phương Tây mà chết còn hơn là trở về phương Đông để sống”. Cuối cùng ngài cũng sống sót thoát nạn và tiếp tục công cuộc thỉnh kinh vô tiền khoáng hậu của nhân loại.

Vâng, vô tiền khoáng hậu của nhân loại chứ không phải của riêng nước Trung Hoa. Chỉ vài từ đó thôi cũng đủ để thấy được cái vĩ đại cao thượng của ngài Huyền Trang rồi.

Đường Tư Kỳ kiên nhẫn đọc hết và càng thêm cảm mến cũng như nể phục ngài. Không chỉ mình cô, mà với những ai yêu mến và muốn tìm hiểu về ngài thì chùa Đại Từ Ân chắc chắn sẽ không làm mọi người thất vọng.

Ngài xuất phát từ Trường An, hành trình dọc theo con đường tơ lụa, đi qua nhiều quốc gia khác nhau và thành công đến được Ấn Độ. Sau 17 năm lưu trú ở Ấn Độ để chiêm bái Phật địa, nghiên cứu Phật lý và sưu tầm kinh điển, ngài về lại Trường An - đúng điểm khởi đầu, mang theo nhiều tượng Phật, xá lợi và 657 bản kinh Phật khác nhau.

Với một lòng khao khát chánh pháp cháy bỏng và tâm từ muốn cứu nhân độ thế, ngài Huyền Trang đã dùng nửa đời trước để tìm kiếm chân kinh, nghiên cứu giáo lý, và nửa đời sau để phiên dịch kinh sách, hoằng dương Phật pháp. Cho nên dù cả đời ngài chỉ chuyên chú làm đúng một việc duy nhất nhưng ngài đã làm bằng tất cả khả năng và mạng sống của mình, đem lại giá trị vĩnh hằng cho nhân loại, đặc biệt là đối với những người con nơi cửa Phật.

———

Đi loanh quanh một hồi, Đường Tư Kỳ tìm nhà vệ sinh mãi mà không thấy, cuối cùng mới ngã ngửa, nhà vệ sinh trong chùa Đại Từ Ân gọi là Tịnh Tâm Các ạ!

Mà đúng thật, muốn giải quyết nỗi buồn thì phải bình tâm, chứ nóng vội là hỏng bét ngay!

Trước cửa Tịnh Tâm Các, rất nhiều du khách không vào trong mà cứ đứng ngoài ngó nghiêng, ngâm cứu.

Và buồn cười hơn cả là phòng vệ sinh nam lẫn nữ lần lượt treo biển Lý Trị cùng Võ Mỵ Nương để phân biệt.

Mang phu thê bậc đế vương ra giỡn chơi, tin chắc ngoài Tây An ra thì không nơi nào dám to gan lớn mật làm vậy.

Đường Tư Kỳ chụp tách tách ba bức rồi đăng lên mạng

“Còn đâu bá đạo hơn không? [hình ảnh] - [hình ảnh] - [hình ảnh]”

Rồi xong, lại một lần nữa bài đăng của Đường Tư Kỳ bị bão haha bao phủ

“Nè [hình ảnh] nhà vệ sinh ở chùa chỗ tôi lấy tên [Vườn Địa Đàng] hahaha”

“Này đã là gì, một lần tôi đi ăn mỳ tương đen tại một quán ở Bắc Kinh, nhìn thấy người ta treo biển [An toạ môn] ngoài cửa toilet cơ. Nghe là đã thấy truất rồi !”

“Tịnh Tâm Các ở Chùa Đại Từ Ân đúng không? Tôi đi rồi. Cơ mà tịnh tâm quá thành ra không đi được =))))”

“Trời đất ơi, vậy mà cũng nghĩ ra được. Haha, toàn các từ hay tự nhiên giờ lại có tí mùi vương vấn :))))”

“Lần trước tôi cũng đi tới một khu vệ sinh đề biển [Khu Giải Phóng], làm suýt chút không dám vào giải quyết luôn.”

“Thật là hại não, haha!”

“Sao loằng ngoằng oằn tà là vằn quá vậy, tính ra chỗ chúng tôi vẫn trực tiếp nhất, WC nam treo bảng [Nam], WC nữ treo bảng [Nữ], thế là xong, nhanh gọn dễ hiểu.”

“Vẫn không bằng cái chỗ tôi đã từng đi, hai bên cửa treo hẳn câu đối cơ, tôi đọc hai lần không hiểu, suýt chút tè ra quần luôn, hahaha…”

“Thôi thôi, cho xin đi các vị huynh đài, tôi cười xoắn cả ruột rồi. Thấy có thông báo cứ tưởng Kỳ Kỳ đăng tranh mới, ai dè nhảy vào toàn thấy đái với ẻ thế này, chết mất thôi.”

Đường Tư Kỳ cũng cười đau bụng nãy giờ. Cứ tưởng mỗi mình cô gặp phải tình huống dở khóc dở cười, ai ngờ nhiều chỗ còn bá đạo tới ngã ngửa!

Mỗi khi tham quan xong một địa danh, Đường Tư Kỳ đều hình thành thói quen Check-in. Cả Viện bảo tàng lịch sử Thiểm Tây lẫn chùa Đại Từ Ân đều được bình xét hạng A và đem về cho Đường Tư Kỳ tổng cộng một ngàn vàng.

Nãy giờ đi bộ vòng vòng mỏi chân quá, Đường Tư Kỳ bèn tìm một chỗ râm mát dưới chân Tháp Đại Nhạn ngồi nghỉ mệt.

Không gian yên tĩnh, phong cảnh hữu tình, thỉnh thoảng một cơn gió nhẹ thổi tới, khẽ vờn qua dãy chuông đồng ở bốn góc trên bảy tầng tháp, tạo thành một bản hợp tấu leng keng leng keng rất vui tai.

Đường Tư Kỳ nheo mắt ngẩng đầu nhìn rồi chợt thắc mắc, không biết những chiếc chuông này được treo lên từ khi nào nhỉ, từ thời Đường chăng?

Một khi đã nổi cơn tò mò mà không có câu trả lời thì ngứa ngáy lắm, thế là cô vội lên mạng tìm hiểu. Không có đáp án chính xác chuông được treo lên từ thời điểm nào nhưng lại phát hiện tác dụng của nó là dùng để đuổi chim.

Cũng không biết mục đích thực chất là để đuổi chim, để trang trí hay mang ý nghĩa phong thuỷ, thì vẫn không thể phủ nhận ngồi dưới chân tháp hóng mát, nghe âm thanh lục lạc leng keng vang vọng trong gió, cả người bỗng nhiên cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái lạ thường.

Rời khỏi cổng chùa cũng là lúc Đường Tư Kỳ bắt đầu thấy hơi đói bụng.

Mảnh đất Tứ Xuyên đã dưỡng cho cô một thói quen, mỗi lần cảm thấy đói bụng là mừng dữ lắm. Vì đó là dấu hiệu cho biết lại đến lúc thưởng thức mỹ thực rồi, mau đi ăn thôi!

Đương nhiên, Tháp Đại Nhạn là khu du lịch mà, xung quanh có không ít quán ăn. Song Đường Tư Kỳ cũng đã có kinh nghiệm, bụng mình có hạn, nhất định không được ăn bậy, phải để dành chứa đồ ngon thôi.

Vì thế dù có đói đến mấy, cô cũng không tuỳ tiện tấp đại vào một quán ven đường rồi nhét đại cái gì chỉ cốt lấp bụng mà cô cẩn thận lựa chọn thật kỹ càng, tỉ mỉ.

Mặc kệ tiếng bụng sôi ùng ục thúc giục, cô vẫn kiên nhẫn đi lang thang khắp nơi. Cơ hồ đến lúc mắt sắp hoa lên rồi thì may quá, cô đi theo đám đông và đến được một khu ăn vặt cực kỳ sầm uất.

Ấy, nói khu nghe chừng tầm thường quá bởi nó là cả một toà trung tâm thương mại ba tầng đồ sộ cơ. Đường Tư Kỳ phải lùi ra sau mới đọc được tấm bảng hiệu đèn Led choáng gần hết chiều ngang toà nhà “Trung tâm trải nghiệm ẩm thực Gia Thôn Quan Trung.”

Đường Tư Kỳ tiến vào bên trong thì mắt lại càng hoa tợn. Chỗ này các hàng quán bầy san sát, nhìn đâu cũng thấy đồ ăn xanh đỏ tím vàng, cùng những tiếng chào mời tíu tít. Mới đi hai vòng mà cô đã quên xừ mất lối vào ở đâu, như thể bị lạc trong mê cung vậy, không còn biết đường với lối nữa, cứ thả bước theo tâm linh mách bảo thôi. Bởi cô cũng không có ý định rời đi trước khi cái bụng no căng thế nên giờ cứ tập trung tìm đồ ngon để thưởng thức cái đã.

Bạn cần đăng nhập để bình luận