Chu Du Cùng Hệ Thống

Chương 123 - Hài Mũ Phượng

Chương 123 - Hài Mũ Phượng

Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên

Chương 123: Hài Mũ Phượng

Nghe xong phần thuyết minh tự động, Đường Tư Kỳ đi quanh chiếc cổng vòm thêm vài vòng nữa. Cảm xúc dâng trào, cô rút điện thoại ra Check-in nhưng rất tiếc lần này không được công nhận

[ Nơi này là Bảo Tàng Nam Kinh, không thể Check-in địa danh khác. Xin hỏi bạn có muốn tiếp tục? ]

Đường Tư Kỳ sững người. Tại sao lại vậy? Đây là địa danh nổi tiếng thế giới, là bảo vật cấp quốc gia, là món quà con trai Chu Nguyên Chương xây tặng vua cha. Ý nghĩa như vậy lý nào lại không tính?

[ Xin mời bạn di chuyển tới địa điểm Chùa Báo Ân để tiến hành Check-in ]

Ồ thì ra là thế, Đường Tư Kỳ tiu nghỉu tắt điện thoại. Được thôi, đã chấp nhận chơi thì phải tuân thủ luật lệ.

Vả lại nếu bình tĩnh suy xét thì thấy cũng hợp lý, Minh Thành Tổ Chu Đệ đâu chỉ xây tặng cha mẹ độc tháp lưu ly thôi đâu, mà là cả quần thể chùa Báo Ân nguy nga, đồ sộ cơ mà. Thế nên muốn lấy kim cương thuộc về địa danh ấy thì phải tới tận nơi tận chốn là đúng rồi. Không nhắc thì thôi mà nhắc lại thấy tò mò ghê, không biết tình trạng hiện tại của ngôi chùa ra sao nhỉ?! Hy vọng không quá tang thương!

Tạm gác chủ đề tháp lưu ly với chùa Báo Ân sang một bên, Đường Tư Kỳ tiếp tục đi quanh Bảo Tàng Nam Kinh, cố sức tìm kiếm thêm những văn vật từ thời Hồng Vũ.

Và trời không phụ lòng người đã cho cô tìm được thật.

Là một bản tấu chương.

Hiểu nôm na tấu chương là công văn thời cổ đại, được các quan đại thần viết rồi trình dâng lên Hoàng đế. Khi phê duyệt, Hoàng đế thường đích thân để lại một đoạn, một câu hoặc vài chữ ở đầu, cuối hoặc giữa các dòng văn bản trong tấu chương bằng mực đỏ, thể hiện đã đọc qua, đã biết hoặc cho ý kiến chỉ đạo. Những lời hồi đáp này của Hoàng đế được gọi là “Châu phê”.

Từ đó đến giờ cách bao nhiêu năm, trải qua bao biến cố lịch sử, vậy mà vẫn bảo tồn được đến ngày nay, quả thực là trân quý vô cùng.

Trong phần audio thuyết minh về cổ vật Tấu Chương, cũng nhắc tới không ít chuyện có liên quan đến Chu Nguyên Chương.

Nghe nói, bởi vì Chu Nguyên Chương xuất thân bần hèn, cũng từng cạo đầu làm hoà thượng thế nên trong tấu sớ dâng lên tuyệt đối không được xuất hiện bốn từ “tặc, tăng, nghèo, trọc”.

Đây gần như là luật bất thành văn, là điều cấm kỵ ở thời Hỗng Vũ. Nó được xem là sự châm chọc, chế giễu Hoàng đế, nhẹ thì bỏ mạng, nặng thì chu di cửu tộc.

Ôi trời, tàn bạo đến vậy sao? Đường Tư Kỳ nhăn mặt, bao nhiêu ấn tượng tốt đẹp ban đầu tức thì tan biến hết, chẳng còn sót lại tí gì!

Tuy nhiên điều ấy cũng chẳng làm cô buồn lâu bởi Bản Tấu Chương cổ đã đem về cho cô thêm một viên kim cương nữa. Vậy là viên thứ hai trong ngày, quá đã!

Thừa thắng xông lên, quên cả việc đôi chân đi bộ nãy giờ đã mỏi nhừ, Đường Tư Kỳ hào hứng lượn sang Phòng Triển Lãm và may mắn bắt gặp buổi triển lãm giày của các phi tần hậu cung.

Tuy rằng quy mô không quá hoành tráng, nhưng đã thể hiện được khái quát lịch sử hình thành cũng như tiến trình cải cách mẫu giày qua từng triều đại.

Chỉ đáng tiếc trong bộ sưu tập đồ sộ ấy, Đường Tư Kỳ không tìm được giày của Mã hoàng hậu.

Vô lý, Mã hoàng hậu là vị hoàng hậu đầu tiên của triều Minh đồng thời cũng là hoàng hậu duy nhất của Chu Nguyên Chương mà lại không có thì quả thực vô lý quá. Đường Tư Kỳ không phục, nhất quyết phải tìm cho ra! Cô cẩn thận rà soát đi rà soát lại bộ sưu tập dưới thời Hồng Vũ. Và trong số hàng loạt các đôi giày xa hoa lộng lẫy, đính kết cầu kỳ sặc sỡ, Đường Tư Kỳ phát hiện lọt thỏm trong số đó là một đôi giày với kiểu dáng khác lạ, phong cách mộc mạc giản dị hơn rất rất nhiều. Lấy làm lạ, Đường Tư Kỳ tiến lại gần quan sát thì mới biết nó có một cái tên riêng nghe rất kêu “Hài Mũ Phượng”. Và càng ngạc nhiên hơn, Hài Mũ Phượng có liên quan tới Mã hoàng hậu. Mừng quá, cô lập tức quét mã QR để nghe phần mô tả.

Theo dòng lịch sử, từ Nam Đường cho tới Minh Thanh, tất cả phụ nữ đều phải tuân theo tập tục bó chân từ khi còn bé tí nên chân ai cũng nhỏ xíu xìu xiu, chỉ riêng Mã Hoàng Hậu là sở hữu đôi bàn chân to bất thường - tất nhiên là theo tiêu chuẩn thời bấy giờ. Và cũng vì kích cỡ chân quá khổ nên sau khi bà gả cho Chu Nguyên Chương, đã xảy ra không ít trò khôi hài xung quanh sự việc này.

Tiêu biểu trong số đó phải kể đến câu chuyện đêm hội hoa đăng. Khi ấy, Chu Nguyên Chương vừa mới đăng cơ, chuyện quốc gia đại sự đang đi vào ổn định nên rất bận rộn, Mã Hoàng Hậu ở trong tẩm điện buồn chán nên đã lén xuất cung đi xem hội hoa đăng. Có lẽ vì mải vui nên bà không cẩn thận để lộ khuyết điểm. Đám đông thấy thế, lập tức ồ lên, chỉ trỏ và chê cười.

Những lời đàm tiếu không chỉ dừng ở đêm hôm hội mà lan truyền với tốc độ chóng mặt. Ngay sáng hôm sau, hầu như khắp ngõ nhỏ phố lớn, người người nhà nhà đều biết tới câu chuyện Hoàng hậu Mã lộ chân to và đã sáng tác truyện cười “khoe chân ngựa” ngụ ý châm chọc và phê phán.

Mã Hoàng Hậu rất lấy làm phiền lòng, cả ngày ảo não âu sầu chẳng thiết ăn uống. Chu Nguyên Chương thấy vậy thì đau lòng khôn cùng. Hoàng đế lập tức truyền chỉ yêu cầu tìm thợ thủ công giỏi nhất trong cả nước nhanh chóng đóng một đôi giày riêng phù hợp với kích thước chân của Hoàng hậu và ban cho nó cái tên Hài Mũ Phượng.

Về cơ bản, Hài Mũ Phượng có hình dáng khá giống với loại giày của phụ nữ bó chân thông thường với phần mũi nhọn cong vút và cao dần xuống phía đế. Nó chỉ khác ở kích thước to hơn cùng lối trang trí đơn giản, tinh tế theo đúng sở thích của Mã Hoàng Hậu.

Đáng tiếc ở chỗ, đôi Hài Mũ Phượng hiện đang được trưng bày trong viện bảo tàng không thuộc sở hữu của Mã Hoàng Hậu, cũng không tới từ hoàng cung, mà đến từ An Thuận, Quý Châu.

Sở dĩ có chuyện đó là bởi vì sau khi lên nắm quyền, Chu Nguyên Chương đã phải cử quân lính đi khắp nơi thảo phạt quân phản loạn. Thế nên từ Bắc chí Nam, từ Đông sang Tây, không có khu vực nào thiếu bóng quân triều đình canh giữ. Đương nhiên, tướng lĩnh đi đóng quân sẽ có vợ con gia đình đi theo, và chính những vị phu nhân đó đã truyền bá Hài Mũ Phương, kiểu giày đang được ưa chuộng nhất kinh thành đến với mọi miền tổ quốc, bao gồm cả An Thuận, Quý Châu.

Nghe xong phần giới thiệu, Đường Tư Kỳ không khỏi rưng rưng xúc động. Quả là đế hậu tình thâm! Giữa muôn vàn mỹ nữ giai nhân, Hoàng đế không những không ghét bỏ Hoàng hậu mà còn công khai bênh vực, vì người thương mà sáng tạo ra một loại giày hoàn toàn mới, tạo thành trào lưu và lưu danh sử sách muôn đời. Ngôn tình thế này mới là ngôn tình chứ, mấy anh soái ca tổng tài thời nay có mà xách dép đuổi theo cũng chẳng kịp.

Vất vả lắm mới tìm được một thứ có liên quan mật thiết tới Chu Nguyên Chương, Đường Tư Kỳ hí hứng mở máy ra Check-in nhưng rất tiếc đời không như là mơ

[ Xin chia buồn, bạn đã Check-in thất bại. Bởi vì đôi Hài Mũ Phượng này không phải là bản gốc nên bạn không nhận được kim cương.]

Đường Tư Kỳ tức điên! Tại sao lại không được? Tuy rằng nó không phải là đôi giày Mã Hoàng Hậu sử dụng nhưng sự tồn tại của nó đã biểu thị cho tình nghĩa phu thê sâu đậm giữa Chu Nguyên Chương và Mã Hoàng Hậu còn gì. Cái mà cô nhắm tới chính là ý nghĩa này này!

Đáng tiếc hệ thống không thèm nghe cô lý luận thế nên Đường Tư Kỳ chỉ đành phải hậm hực đi tiếp.

Bạn cần đăng nhập để bình luận