Chu Du Cùng Hệ Thống

Chương 496 - Che trời lấp biển

Chương 496 - Che trời lấp biển

Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên

Chương 496: Che trời lấp biển

Ngồi trên xe, Đường Tư Kỳ cũng đang chuẩn bị sẵn tâm lý để nếu lỡ hôm nay có xui, không xem được gì thì cũng không quá thất vọng.

Vừa động viên mình xong thì bất chợt, một con linh dương to khoẻ từ trong đàn hùng hổ vọt lên dẫn đầu. Nó không thể chờ đợi thêm được nữa, nếu cứ chần chờ trời tối hẳn là sẽ không còn cơ hội qua sông. Như vậy cả bộ tộc sẽ chịu chung cái chết.

Nó thận trọng bước tới bên bờ sông cũng chính là chênh vênh sườn núi. Dưới chân nó đá nhọn lỉa chỉa, sóng nước gào thét nhưng nó không hề nao núng. Đàn linh dương đầu bò phía sau đồng loạt bước theo.

Nháy mắt, con đầu đàn tăng tốc phi nước đại, xông thẳng ra lòng sông, đội ngũ phía sau rầm rập lao theo.

Lúc này, thủ lĩnh dẫn đầu đã vọt tới giữa sông, anh dũng ngoan cường giao tranh. Dựa vào kinh nghiệm phong phú, nó lách mình, tránh né những cú táp đoạt mạng, đạp lên đầu cá sấu tạo đà phóng qua bờ bên kia. Bọn cá sấu bị chọc điên, chúng điên cuồng táp loạn xạ, sóng cuộn đục ngầu.

Một số con linh dương bị cảnh tượng này doạ sợ rụt trở về. Nhưng ngay giây phút nó tách đàn, bầy sư tử, sói hoang đã lặng lẽ áp sát xé xác chúng lôi đi trong tích tắc.

Không còn sự lựa chọn, càng nhiều con linh dương liều chết quăng mình xuống dòng sông, cố gắng dùng tốc độ nhanh nhất có thể để bơi sang bờ bên kia. Vì sinh tồn chúng bắt buộc phải liều mạng.

Toàn bộ quá trình không được phép có bất cứ sai sót nào. Chỉ cần chậm lại một chút sẽ bị đàn mãnh thú mai phục tấn công ngay lập tức. Hay chẳng may sẩy chân vấp ngã chính là tự dâng mình làm mồi cho cá sấu. Nước trên dòng sông Mara cũng là một trở lực đáng gờm của bầy thú kiệt sức. Thậm chí có những con bị chính đồng loại dẫm chết trong cơn hoảng loạn tháo chạy. Máu đỏ rải khắp nơi, mùi tanh nồng nặc trong không khí. Lũ kền kền chao liệng, liên tục phát ra những âm thanh chói tai vang vọng tít trời xanh.

Một cảnh tượng chấn động tột cùng cho tất cả những người chứng kiến.

Đường Tư Kỳ phát sóng trung thực và đầy đủ toàn bộ từ đầu tới cuối. Lượt xem tăng chóng mặt nhưng khung bình luận lặng yên như tờ, khác hẳn mọi khi.

Phải một lúc lâu, mọi người mới hồi phục tinh thần sau cơn choáng váng

“Đây chính là những gì thực tế nhất, một thế giới động vật đầy tàn khốc và đẫm máu!”

“Lần đầu tiên được xem bản full không che, không cắt ghép chỉnh sửa, thực sự quá chấn động.”

“Chọn lọc tự nhiên. Thế giới này không có chỗ cho kẻ yếu đuối, chỉ được phép tiến lên không có đường lui, một sai sót nhỏ cũng phải trả giá bằng cả tính mạng.”

“Không biết phải nói gì, cảm ơn Tư Kỳ, cảm ơn buổi livestream của bạn đã cho chúng tớ thấy một hình ảnh rất khác của thế giới ngoài kia.”

“Nằm lười lướt mạng chơi chơi, xem xong một cái buồn ơi là buồn! Thôi không nằm lười nữa đâu, phải dậy lao động thôi, nếu không sẽ bị đào thải mất…”

Quần thể linh dương đầu bò rất đông. Dưới sự dẫn dắt uy dũng của con đầu đàn, đại bộ phận đã thành công vượt sông. Dù chưa biết chặng đường kế tiếp ra sao nhưng ít nhất tại thời điểm này chúng đã may mắn sống sót.



Trạm cuối cùng ở Kenya là Thung lũng Great Rift của Đới tách giãn Đông Phi.

“Thung lũng tách giãn lớn” là một đoạn đứt gãy lớn ở Đông Phi và là vùng đứt gãy lớn nhất trên thế giới tính tới thời điểm hiện tại. Nó phân tách kiến tạo mảng kéo dài từ Ngã ba Afra xuống phía nam khắp Đông Phi, và đang trong quá trình tách mảng châu Phi thành hai mảng riêng biệt mới. Các nhà địa chất học thường gọi là các mảng Nubian và Somali.

Nhìn từ ảnh chụp vệ tinh, Thung lũng tách giãn Đông Phi hệt như một vết sẹo của trái đất. Ở đây cư dân thưa thớt và là thiên đường trú ngụ của hàng ngàn loài động vật hoang dã.

Trước đó, nhóm Đường Tư Kỳ đã tới thăm Maasai Mara, một thảo nguyên quan trọng nằm gần Thung lũng tách giãn Đông Phi.

Lần này, bọn họ đến thăm hồ Bogoria, cũng nằm tại phụ cận Thung lũng tách giãn.

Đáng lý theo kế hoạch ban đầu bọn họ định tới hồ Nakuru, một địa danh cực kỳ nổi tiếng vì có sự tập trung lớn của loài chim hồng hạc.

Nhưng Sở Tĩnh kiên trì thuyết phục cả nhóm đổi sang đi hồ Bogoria. Sau khi thảo luận cùng tài xế và được biết hồ Nakuru mấy năm gần đây mực nước dâng cao, chim hồng hạc không còn tập trung ở đó nhiều nữa vậy nên cả nhóm quyết định bỏ qua Nakuru, đi tới Bogoria, một nơi xa hơn, ít nổi tiếng hơn và biết đâu sẽ gặt hái bất ngờ lớn hơn.

Bởi vì khoảng cách tương đối xa, lúc xe tới được Bogoria thì trời đã nhá nhem tối. Nhưng vì quá nóng lòng nên chẳng ai màng đi kiếm khách sạn mà lao thẳng ra hồ.

Và Bogoria đã không phụ lòng họ. Cảnh sắc hiện lên hùng vĩ diễm lệ. Mặt hồ nhuộm một mảng lớn màu hồng phấn. Ban đầu Đường Tư Kỳ cứ tưởng do nước hồ muối kiềm nên đổi màu nhưng Sở Tĩnh đã tủm tỉm nói với cô rằng đó là màu của một đàn hồng hạc.

“Cái gì? Mảng lớn đó…tất cả đều là hồng hạc?”

Đương nhiên Đường Tư Kỳ biết mục đích tới Bogoria là để xem hồng hạc nhưng cô không thể ngờ số lượng lại nhiều tới vậy, phủ kín mặt hồ, nhuộm hồng rực cả một khoảng không bát ngát.

Từng này rốt cuộc phải bao nhiêu con?

Dịch Đồng hỏi thăm bác tài rồi mắt chữ O miệng chữ A quay lại thông báo với anh em: “Đố mọi người đoán được có bao nhiêu con tất cả? Cả triệu con lận đấy, khiếp chưa. Nghe bảo tầm tháng tám, tháng chín là thời điểm hồng hạc đổ về nhiều nhất. Bọn mình hên ghê, đi đúng mùa đẹp nhất.”

Ráng chiều hững hờ buông lơi, chân trời phía xa hắt lên màu đỏ ối.

Bất thình lình, đàn hồng hạc như nhận được mệnh lệnh, từng tốp từng tốp sôi nổi vỗ cánh bay lên không trung. Tư thế ưu nhã, dáng hình uyển chuyển, tạo thành một dải lụa dài nối liền trời đất.

Trăm vạn hồng hạc ào ào đổ bộ. Cảm giác che trời lấp biển, có lẽ chính là như vậy.

Đường Tư Kỳ giơ máy ảnh lên, rồi lại hạ xuống. Khoảnh khắc này, cô muốn dùng mắt thường để nhìn, dùng nội tâm để cảm nhận một cách trọn vẹn nhất. Cô đưa máy cho Sở Tĩnh.

Sở Tĩnh nắm bắt thời cơ, cho ra đời bức ảnh tuyệt hảo nhất kể từ khi học cách cầm máy tới nay, thậm chí là trong cả sự nghiệp cầm máy sau này. Và cô đã đặt tên cho bức ảnh là “Hồng hạc đuổi theo bóng hoàng hôn”.

Bạn cần đăng nhập để bình luận