Chu Du Cùng Hệ Thống

Chương 310 - Lạc Thư Hà Đồ

Chương 310 - Lạc Thư Hà Đồ

Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên

Chương 310: Lạc Thư Hà Đồ

Trên thân tháp, ngoài dấu chân Phật còn có rất nhiều các biểu tượng Phật giáo khác, đều được điêu khắc công phu và tỉ mỉ. Đặc biệt, ở toà Kim cương bảo toạ, tượng Phật nhiều không đếm xuể, tuy kích thước không lớn nhưng các chi tiết đều được chăm chút cẩn thận, mỗi bức tượng là một tư thế thủ ấn khác nhau, mang ý nghĩa riêng biệt.

Trời chiều ngả bóng về Tây, hoàng hôn buông phủ, quả bóng lửa đỏ au như lòng đỏ trứng muối từ từ lặn sau bảo tháp, ánh sáng rọi chiếu làm sáng bừng tượng Phật, sắc vàng kim quang chói loà toả ra muôn nơi, một thứ ánh sáng mạnh mẽ và màu nhiệm.

Đường Tư Kỳ mê đắm ngắm nhìn cảnh tượng diễm lệ linh thiêng ấy, nhưng chị Lưu đã dẫn cả đoàn đi sâu vào bên trong viện bảo tàng, đến trước một tấm bia đá cao quá đầu người, bên trên khắc chữ vàng, nét bút rồng bay phượng múa, hữu lực có hồn. Thì ra là bài thơ bốn câu của Càn Long đế, nội dung liên quan đến vấn nạn khoa cử.

Nghe nói năm đó xảy ra một vụ gian lận quy mô lớn chưa từng có. Một lượng lớn thí sinh lén mang tài liệu vào trường thi. Sự việc phanh phui long nhan phẫn nộ, hoàng đế Càn Long không chỉ nghiêm khắc xử phạt những thí sinh vi phạm quy chế mà còn đích thân di giá tới Hàn Lâm Viện, ngự bút viết bốn câu thơ, ngụ ý răn dạy các sĩ tử một khi quyết định bước chân vào chốn quan trường thì phải làm người thành thật, băng thanh ngọc khiết, có như vậy mới giúp ích được cho giang sơn xã tắc. Đồng thời cũng răn đe cảnh cáo những người khác tuyệt đối không được có suy nghĩ gian lận, bằng không sẽ bị trừng trị thích đáng.

Cứ như vậy, chị Lưu dẫn cả đoàn đi tham quan lần lượt năm tháp chùa. Mặc dù chị không phải hướng dẫn viên chuyên nghiệp, chỉ là tình nguyện viên không ăn lương song có thể thấy chị làm bằng cả đam mê và tâm huyết. Mọi người đều rất nể phục tinh thần này của chị, trước khi tạm biệt đã tặng chị một tràng pháo tay giòn giã bằng tất cả sự trân trọng và tán thưởng.

Riêng với Đường Tư Kỳ còn thêm cả sự ngưỡng mộ dành cho Bảo tàng nghệ thuật chạm khắc đá Bắc Kinh. Trước khi bước chân vào đây, cô không nghĩ Ngũ Tháp Tự lại cất giấu nhiều văn vật quý giá như vậy.

Một địa danh mang giá trị cao nhưng lại chưa được nhiều người biết tới thế này không biết ở Bắc Kinh còn những đâu nhỉ?

Đường Tư Kỳ rút máy ra Check-in

[ Chúc mừng người chơi đã Check-in thành công “Bảo tàng nghệ thuật chạm khắc đá Bắc Kinh”.

Xếp hạng: S

Khen Thưởng: 1000 đồng vàng + 1 viên kim cương.]

Không quá bất ngờ khi hệ thống bình xét nơi này hạng S. Bởi vì nó quá quạnh quẽ đi, đoàn du lịch không tổ chức tour và ngay cả dân địa phương cũng hiếm khi lui tới. Tuy nhiên Đường Tư Kỳ vẫn cảm thấy nó xứng đáng được quan tâm và biết đến nhiều hơn.

Dạo xong viện bảo tàng, đang trên đường đi ra ngoài thì đột nhiên Trương Thiên Ý bị một bức điêu khắc hớp hồn.

Đi một hồi thấy đội hình thiếu thiếu, Đường Tư Kỳ ngoái lại mới phát hiện lạc mất nhỏ em, cô tất tả vòng ngược trở lại liền thấy Trương Thiên Ý đang đứng tần ngần như mất hồn.

“Thiên Ý, em đang xem gì đấy?”

“Chị nhìn tấm bia khắc này đi, bức hoạ đồ trên đây có liên quan mật thiết tới kinh dịch huyền học ”Trương Thiên Ý rù rì đáp, đến đầu cũng không buồn ngẩng dậy.

Đường Tư Kỳ liền ngó đầu nhìn, công nhận cũng có chút quen mắt thật.

Lúc ở Lạc Dương, nhiệm vụ của cô là tìm kiếm các điển tích điển cố và truyền thuyết dân gian. Trong số đó, Đường Tư Kỳ nhớ nhất câu chuyện tình yêu giữa Hậu Nghệ Hằng Nga và một cái khác là Hà Đồ Lạc Thư (1)

Khi đó cô cũng đã xem qua Hà Đồ Lạc Thư rồi, mặc dù xem không hiểu nhưng gặp lại vẫn có thể nhận ra.

“Đây là Hà Đồ Lạc Thư hả?”

Trương Thiên Ý khá bất ngờ: “Chị cũng biết cái này?”

Đường Tư Kỳ: “Biết chút chút.”

Trương Thiên Ý gật gù: “Cái hình này nhìn thì đơn giản nhưng ẩn chứa rất nhiều nguyên lý căn nguyên của huyền học. Trên thực tế không ít kiến thức phong thuỷ đều đúc kết từ Hà Đồ Lạc Thư.”

Đúng lúc này hai cô bạn kia cũng đuổi tới, nghe cái gì mà âm dương, ngũ hành, thiên số, địa số mà muốn lùng bùng hai lỗ tai.

Một hồi sau, Đường Tư Kỳ cũng bắt đầu không nắm bắt được, cái mặt nghệt thuỗn, đần thối.

Trương Thiên Ý thở dài: “Thôi bỏ đi, nói lý thuyết không phải sở trường của em, em mạnh thực hành hơn. Gieo quẻ đoán mệnh em làm cái một!”

Nữa nữa, lại nữa rồi! Đường Tư Kỳ ái ngại lỉnh thật xa, hai cô bạn kia cũng rảo bước cho mau vì sắp tới giờ đóng cổng.

Trương Thiên Ý ba hoa nhưng không có khán giả, vội quýnh quáng vừa chạy vừa gọi

“Này, đợi em với….”

Ra khỏi viện bảo tàng, mấy chị em đói mềm chân nên quyết định bắt taxi tới ngõ ẩm thực Nam La Cổ (2) kiếm đồ ăn.

===

Chú thích:

(1)Bát Quái, Lạc Thư và Hà Đồ là ba hoạ đồ được truyền lại từ thời xa xưa, có nguồn gốc là một phần di sản của truyền thống toán học và thần học Trung Quốc cổ đại và là một biểu tượng quan trọng trong Phong Thuỷ, nghệ thuật phong thuỷ liên quan đến vị trí của các đối tượng liên quan đến dòng chảy của qi (氣) "năng lượng tự nhiên”.

Theo truyền thuyết xưa của Trung Quốc, trên sông Hoàng Hà từng xuất hiện con long mã trên mình có đồ ( đường vẽ ngoằn ngoèo) gọi là Hà Đồ.

Trên sông Lạc Thuỷ xuất hiện con thần quy, trên lưng có thư, nên gọi là Lạc Thư.

Hà Đồ sinh ra Tiên Thiên Bát Quái, đi theo chiều thuận. Nghĩa là thuận với chiều kim đồng hồ, Âm Dương không bao giờ chống đối lẫn nhau.

Lạc Thư sinh ra Hậu Thiên Bát Quái, đi theo chiều nghịch. Nghĩa là ngược chiều kim đồng hồ. Lấy mâu thuẫn, ghen ghét kiềm chế nhau làm cơ bản.

Hà Đồ là thể, còn Lạc Thư là dụng. Hà Đồ chủ thường, Lạc Thư chủ biến. Hà Đồ trọng họp, Lạc Thư trọng phân, vuông tròn che chở nhau. Âm Dương ôm ấp nhau, sử dụng tương hỗ lẫn nhau, không thể chia cắt.

(2)Ngõ Nam La Cổ - 南锣鼓巷(Nanluogu Lane)

Bạn cần đăng nhập để bình luận