Chu Du Cùng Hệ Thống

Chương 275 - Áp lực tạo ra kim cương

Chương 275 - Áp lực tạo ra kim cương

Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên

Chương 275: Áp lực tạo ra kim cương

Cảnh đêm quá xuất sắc, chương trình nào cũng hay, hoạt động nào cũng đặc biệt, khiến Đường Tư Kỳ phân vân không biết nên lấy gì bỏ gì.

Sau khi về tới phòng trọ, cô tức khắc nhào vào bàn vẽ liền cho nóng hổi.

Và cô vô cùng bất ngờ khi phát hiện ra trong khoảng thời gian này cả trình độ lẫn tốc độ vẽ của mình đều tiến bộ rõ rệt.

Lúc trước bất luận là nộp bài online, làm nhiệm vụ hay nhận đơn hàng, Đường Tư Kỳ đều dùng cùng một tốc độ để dựng bài, tất nhiên về mặt kỹ thuật có tăng, nhưng là tăng từ từ theo lộ trình học hỏi và luyện tập chứ chưa hề thấy sự đột phá.

Nhưng lần này thì khác, như thể cô đặt mình vào cuộc đua nước rút, dốc toàn bộ thời gian cùng tinh lực chỉ để sáng tác một tác phẩm Thanh Minh Thượng Hà đồ phiên bản hiện đại. Có lẽ nhờ sự chuyên chú và làm việc cường độ cao nên áp lực đã tạo ra kim cương, Đường Tư Kỳ đã bứt phá mọi giới hạn, nâng trình độ lên một tầm cao mới vượt ngoài tưởng tượng của bản thân.

Cái dễ nhìn thấy nhất là tốc độ vẽ. Để hoàn thành bức đầu tiên, Đường Tư Kỳ chật vật mất hơn mười ngày mới miễn cưỡng tạm gọi là xong mà vẫn chưa hoàn toàn ưng ý. Lúc sau còn phải quay lại chỉnh tới chỉnh lui, sửa chữa thay đổi không biết bao nhiêu lần.

Nhưng dường như càng vẽ càng thuận tay, càng dấn sâu thì cảm xúc càng tăng trưởng, ở bức thứ hai Đường Tư Kỳ đi liền một mạch trơn tru mượt mà từ khâu lên bố cục nội dung, mảng khối chính phụ, thêm nhân vật quần chúng cho sinh động, rồi quần chúng mặc trang phục gì, biểu cảm gương mặt ra sao, động tác tầm mắt thế nào, tất cả đều được Đường Tư Kỳ tính toán rõ ràng, chỉ đặt bút là vẽ không cần suy nghĩ nhiều. Thế nên bức thứ hai rất nhanh, chỉ trong vòng một tuần là hoàn thiện.

Và các bức về sau còn nhanh hơn nữa. Đương nhiên, trong lúc vẽ, Đường Tư Kỳ ra ra vào vào công viên Thanh Minh Thượng Hà rất nhiều lần. Mỗi lần cô đều chuyên tâm quan sát độc nhất một khu vực, theo dõi sự vận hành và thay đổi của nó ở các khung giờ khác nhau trong ngày rồi chọn những điểm đặc sắc nhất, thú vị nhất mang vào tranh vẽ.

Ròng rã suốt hai tháng trời đổ mồ hôi sôi nước mắt, cuối cùng bản hiện đại của Thanh Minh Thượng Hà đồ cũng đại công cáo thành!

Dĩ nhiên độ dài và quy mô tổng thể kém xa so với bản gốc. Bức Thanh Minh Thượng Hà đồ của hoạ sĩ Trương Trạch Đoan được vẽ trên diện tích 1,31 mét vuông, gồm tổng cộng 814 nhân vật, 28 thuyền bè, 20 xe cộ, 60 con vật và 170 cây cối, chia thành ba khu riêng biệt, đặc tả chi tiết cả cuộc sống nhộn nhịp ở trong thành lẫn sự thanh bình của đồng lúa nương dâu ngoại thành.

Tuy không thể sánh bằng, nhưng Đường Tư Kỳ cũng đã vẽ vào đấy mấy trăm nhân vật. Và cô chủ động giản lược bớt phần ngoại ô, chỉ tập trung miêu tả khu trung tâm thành Biện Kinh.

Tác phẩm của Đường Tư Kỳ phân theo bố cục thời gian, ngày đêm sáng tối.

Ở mảng ban ngày, phong cách thể hiện tương tự trong nguyên tác, dùng nét vẽ cổ phong để mô tả khung cảnh đông đúc, náo nhiệt của công viên. Tuy các chi tiết nhiều nhưng không rối, chen chúc nhưng không loạn, vẫn có thể thấy rõ biểu cảm hớn hở của khách tham quan, sự đon đả chào mời của các sạp hàng ven đường hay không khí sôi động của những màn biểu diễn ca kịch, diễu hành đường phố.

Sang phần tả cảnh đêm, tuy không phong phú hoạt động như ban ngày nhưng Đường Tư Kỳ cũng cố gom nhặt những chi tiết đắt giá để đưa vào. Ví dụ như từ lễ hội triển lãm hoa cúc, Đường Tư Kỳ đã tưởng tượng và phát triển thành cảnh thả thiên đăng vào đêm Nguyên Tiêu. Cảnh tượng hàng ngàn chiếc thiên đăng bay lên thắp sáng bầu trời đêm còn lộng lẫy hơn cả pháo hoa. Và đương nhiên không thể thiếu “Đông kinh hoa mộng”, buổi biểu diễn kinh diễm và đặc sắc chỉ có ở công viên Thanh Minh Thượng Hà.

Hoàn thành rồi, Đường Tư Kỳ vẫn chưa chịu ngừng. Cô dành thêm rất nhiều thời gian cho phần hậu kỳ, chỉnh sửa những chỗ chưa đạt hay thêm thắt vài yếu tố nho nhỏ để tác phẩm đầy đặn và hoàn thiện nhất có thể.

Tới khi chính thức dừng bút thì cũng đã hai tháng trôi qua.

Đường Tư Kỳ không thể ngờ dự án lần này lại dài hơi tới vậy. Đây là tác phẩm lâu nhất trong sự nghiệp cầm cọ của cô từ trước tới giờ.

Cùng lúc ấy chú Đường Duệ Thanh ở Ôn Châu thì đang trông đứng trông ngồi vì lâu rồi không thấy con gái cập nhật Weibo.

Đều hơn ăn cơm, ngày nào chú cũng lượn qua Weibo của con gái mấy bận. Bình thường chỉ cách ít bữa là con bé có bài đăng mới. Mỗi lần như vậy đám trẻ sẽ bình luận rất sôi nổi.

Chú Đường cứ âm thầm vào đọc và lấy đó làm niềm vui.

Nhưng kể từ bức gần nhất “Đế Hậu quy hồi Long Môn” cho đến nay cũng đã hơn hai tháng rồi vẫn chưa ra tác phẩm mới.

Tuy quan tâm lắm nhưng chú tế nhị không hỏi thẳng, chỉ thỉnh thoảng bâng quơ bóng gió một đôi câu qua điện thoại: “Dạo này tình hình vẽ vời sao rồi con gái?”

Đường Tư Kỳ cũng không nói rõ, chỉ đáp qua loa rằng con đang vẽ.

Như vậy Đường Duệ Thanh lại càng lo lắng tợn. Vẫn vẽ mà sao không có tác phẩm? Hay con bé gặp phải khó khăn gì? Không lẽ bí ý tưởng?

Đáng tiếc riêng về cái khoản hội hoạ là chú dốt đặc cán mai, thành ra có sốt ruột mấy cũng chỉ là lo lắng suông. Chú cũng chẳng dám nói với vợ miễn cho bà xã lo lắng thêm. Trong nhà một người lo nghĩ là đủ rồi.

Nhưng cứ ôm mãi trong bụng cũng ấm ách lắm, thế là chú bèn tìm đến ông bạn thân để trút bầu tâm sự.

Vợ chồng Từ Hiến đã về lại Ôn Châu. Từ Thiên Ngưng đã tốt nghiệp khoá học thiết kế thời trang, một lần nữa bước vào con đường khởi nghiệp, làm lại cuộc đời.

Sau chuyến đi này, Từ Hiến thay đổi hẳn. Không còn là ông già khó tính sầu khổ nữa mà cả ngày ôm điện thoại, không gọi video với Tuấn Bảo thì xem lại hình hai ông cháu chụp chung, cười đến độ híp tịt mắt, cả những nếp nhăn trên mặt cũng chảy tràn niềm vui và hạnh phúc.

Bạn cần đăng nhập để bình luận