Chu Du Cùng Hệ Thống

Chương 294 - Bảo vật tiếp nối bảo vật

Chương 294 - Bảo vật tiếp nối bảo vật

Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên

Chương 294: Bảo vật tiếp nối bảo vật

Thú thực thì nhìn vào những hoa văn trang trí này, Đường Tư Kỳ chẳng hiểu mô tê gì hết, cũng may có đại sư Thiên Ý đi bên cạnh phổ cập kiến thức kịp thời.

Trong lúc nghe thuyết minh viên bảo tàng giới thiệu, Đường Tư Kỳ khá ấn tượng với một món bảo vật bằng đồng đào được từ lăng mộ Phụ Hảo (1)

“Trước đây trong lịch sử không ai biết Phụ Hảo là ai, mãi cho đến năm 1976, khi các nhà khảo cổ học khai quật được mộ táng của bà tại phía tây bắc thôn Tiểu Đồn, huyện An Dương tỉnh Hà Nam và phát hiện trong đó có rất nhiều giáp cốt văn viết về bà. Từ đó, người ta mới đi tìm hiểu và biết được bà là thê tử của quốc vương Vũ Đinh, vị vua thứ 22 nhà Thương. Nhưng mà vua Vũ Đinh có tới hơn 60 người vợ, tại sao Phụ Hảo lại có vinh dự được nhắc tên trong giáp cốt văn?” (2)

Ờ ha, tại sao ta? Ở cái thời nam tôn nữ ti mà một người phụ nữ lại được cả xã hội xem trọng và tôn vinh thì cũng thật đặc biệt. Câu hỏi này đã thành công khơi dậy trí tò mò của Đường Tư Kỳ. Cô nhanh mắt liếc nhìn bảng thông tin chi chít chữ ở cột bên phải màn hình.

Ồ thì ra ngoài là vương hậu Thương triều, Phụ Hảo còn là nữ tướng, nữ chính trị gia đầu tiên của Trung Quốc. Lý lịch chất lừ như vậy, bảo sao chả được sử sách ghi danh.

“…Theo thông tin trên giáp cốt văn ghi nhận có ít nhất một lần Phụ Hảo làm thống soái chỉ huy đại quân nhà Thương đánh đuổi quân thù giành chiến thắng vang dội. Có thể nói, bà là nữ tướng đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa, trí dũng song toàn, có tài thao lược, nắm đại quyền về quân sự, chinh nam phạt bắc, tiếng tăm lẫy lừng. Mà văn vật này là một binh khí cổ đào được từ hầm mộ của bà. Không có đầy đủ thông tin để khẳng định đây là binh khí bà từng sử dụng. Nhưng được là vật tuỳ táng, chôn cùng trong lăng mộ nữ tướng quân thì hẳn nó là một vật vô cùng quan trọng.”

Đường Tư Kỳ mắt tròn mắt dẹt khoá chặt tầm nhìn vào chiếc binh khí cổ đang được trình chiếu trên màn hình.

Cô thực không dám tượng tượng hơn 3000 năm trước có một người phụ nữ tay cầm binh đao, mình khoác chiến bào, chỉ huy ngàn vạn đại quân xông pha trận mạc, giết giặc giữ nước.

Tích tắc vài giây, trong đầu Đường Tư Kỳ lướt nhanh rất nhiều hình ảnh về nữ tướng anh dũng thiện chiến Phụ Hảo.

Ngay chính bản thân cô cũng cảm thấy bất ngờ và choáng ngợp.

Quả là kỳ diệu!

Thì ra đây chính là tầng ý nghĩa sâu xa của văn vật khảo cổ, làm nhiệm vụ kết nối giữa quá khứ và hiện tại, lịch sử và tương lai, tái hiện những câu chuyện từ thời viễn cổ hư vô, làm sống dậy những con người cũng như sự thật tưởng chừng đã bị thời gian vùi lấp.

Ngay khi Đường Tư Kỳ vẫn đang mải đắm chìm trong sự ngưỡng mộ thì màn hình đã nhanh chóng thay đổi.

Quả không hổ danh là bảo tàng quốc gia, tổng kho toàn quốc, chả thiếu gì ngoài bảo vật!

Còn chưa tìm hiểu xong cái này thì các khác đã vội vã chen vào. Thuyết minh viên ấn nút điều khiển, một món bảo vật khác hiện ra, có tên gọi “Tư Mẫu Mậu Đỉnh” (3), được giới thiệu là một trong các báu vật quý giá nhất mọi thời đại của Trung Quốc.

Ôi cái này thì người dân Trung Quốc ai chẳng biết. Có thể không rõ về giá trị lịch sử, nguồn gốc xuất xứ nhưng chắc chắn rất quen mắt, bởi đã được nhìn thấy rất nhiều lần, không trong sách giáo khoa thì trên báo đài phóng sự.

Trương Thiên Ý ghé sang thì thầm: “Hoa văn trang trí trên chiếc đỉnh này cũng là Thao Thiết. Hoa văn Thao Thiết tương đối phổ biến, được in cả trên tờ tiền 20 nhân dân tệ nữa.”

Gì chứ riêng về các loại thần thú thì Trường Thiên Ý thuộc nằm lòng, nhắm mắt cũng nhận ra được.

Ngay khi Thiên Ý vừa dứt lời, chị bạn ngồi bên cạnh lập tức mở ví rút tờ 20 đồng ra đối chiếu

“Ôi đúng thật này, nhưng mà đôi mắt hơi khác chút thì phải.”

Trương Thiên Ý gật đầu xác nhận: “Đúng vậy. So với chi tiết khắc trên thân đỉnh thì quả thực có sự khác biệt. Nhưng chị nhìn dưới phần chân đỉnh xem, có giống không?”

“Wow, đúng là giống thật!”

Không chỉ hai cô bạn kia mà cả Đường Tư Kỳ cũng rất bội phục Trương Thiên Ý. Hoa văn cổ xưa khó như vậy mà chỉ cần liếc sơ một cái liền có thể phân biệt ngay.

“Các chị nhìn tiếp đi, còn có hoa văn đầu trâu nữa.”

“Ủa Thiên Ý, hoa văn trên quai đỉnh là gì vậy? Cũng là thần thú hả? Nhưng hình như có cả mặt người thì phải? Ủa là sao em?”

Trương Thiên Ý vừa đánh mắt sang sắc mặt đã lập tức trắc bệch, run rẩy cúi đầu phủ nhận: “Em…em không biết…”

Đường Tư Kỳ thấy biểu tình cô em khác lạ nhưng chưa tiện hỏi ngay vì đang vội nghe thuyết minh

“Mời mọi người hướng mắt về phần hai bên quai đỉnh ạ. Hoa văn trên này vô cùng thần bí và đã có rất nhiều ý kiến tranh luận về ý nghĩa ẩn sau, đặc biệt là hình hai con hổ đang há to miệng ngậm một cái đầu người mang nụ cười thần bí. Kiểu hoa văn này cũng thường thấy trên các món đồ đồng được khai quật vào thời Tiền Tần.”

Eo, hoa văn trang trí thôi mà, có cần khủng bố đến vậy không?!

Đường Tư Kỳ ghé tai Thiên Ý thì thầm: “Này chị bảo, sau này nếu em có xuyên thì đừng xuyên về thời viễn cổ nha, Hạ Thương Chu gì đó tránh xa ra, thời đó đáng sợ quá!”

Trương Thiên Ý: “…”

Đang lúc Đường Tư Kỳ tưởng bài thuyết minh về Tư Mẫu Mậu Đỉnh kết thúc thì giọng nói lảnh lót của cô hướng dẫn viên lại vang lên, nối tiếp những mẩu chuyện truyền kỳ xung quanh chiếc đỉnh.

===

Chú thích:

(1)Phụ Hảo - 妇好 (? - 1200 TCN), tên Hảo hoặc họ Hảo (tức Hảo Tử) còn được gọi là Phụ Hiếu, miếu hiệu Mậu Tân, là vương hậu của vua Vũ Đinh nhà Thương.

(2)Giáp cốt văn - 甲骨文 hay Chữ Giáp Cốt là một loại văn tự cổ đại khắc trên xương và mai rùa của Trung Quốc thời nhà Thương và được coi là hình thái đầu tiên của chữ Hán.

(3)Tư Mẫu Mậu Đỉnh - 后母戊鼎, tên đầy đủ là Tư Mẫu Mậu Phương Đỉnh, là đồ đúc vào thời cuối nhà Thương cách đây khoảng 3000 năm lịch sử.

Bạn cần đăng nhập để bình luận