Chu Du Cùng Hệ Thống

Chương 262 - Khoả lấp tiếc nuối

Chương 262 - Khoả lấp tiếc nuối

Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên

Chương 262: Khoả lấp tiếc nuối

“Trời ơi đẹp quá! Chủ thớt lợi hại thật. Một hơi vẽ được bao nhiêu người mà mỗi người mỗi vẻ, không ai giống ai thế mới tài chứ.”

“Đẹp mê mẩn, cảnh đẹp, người đẹp, không còn gì để chê. Một từ thôi - Tuyệt Vời!”

“Err, mọi người có phát hiện không? Hình như các nhân vật trong hình đều mặc Hán phục. Chẳng lẽ đây là Hoàng Đế và Hoàng Hậu của Hán triều?”

“Khẳng định không phải Hán triều. Mọi người xem kỹ lại đi. Rõ ràng Đại Phật Lư Xá Na được điêu khắc vào thời nhà Đường. Nên hẳn hai vị Đế Hậu kia chắc chắn phải từ Đường triều trở về sau. Hơn nữa ở thời nhà Hán hang đá Long Môn đã bắt đầu được chạm khắc đâu.”

“Nhưng mà tên bộ tranh là “Đế Hậu quy hồi Long Môn”, thế rốt cuộc là hai vị Đế Hậu nào quay về Long Môn vậy?”

Để cho mọi người tha hồ suy đoán, Đường Tư Kỳ tiếp tục vẽ thêm mấy bức đơn giản nữa, đặc tả những chi tiết nho nhỏ như sau khi nghi thức bái lễ kết thúc, các cung nữ thái giám được phép tản ra tự do tham quan ngắm cảnh. Họ đi theo từng tốp nhỏ, người trầm trồ tán thưởng, kẻ tò mò nghi hoặc. Có một thái giám tìm tới trước pho tượng “bàn tay cái kéo”, vì không hiểu ý nghĩa thủ ấn nên anh ta chỉ biết ngu ngơ bắt chước, mặt cười vô tri.

Và cuối cùng là bức chủ chốt của bộ ảnh. Đế Hậu dẫn đoàn tuỳ tùng tiến về động Tân Dương. Đoàn người rầm rộ, cờ quạt tung bay, khí thế rợp trời. Đường Tư Kỳ dựa theo nguyên mẫu để sắp xếp đội hình, vị trí đứng. Bên cạnh việc khôi phục bản gốc, cô còn sáng tạo thêm, khéo léo lồng ghép “Đế Hậu lễ Phật đồ” vào trong bản vẽ của mình. Sau khi dừng bút, Đường Tư Kỳ lặng người ngắm nhìn, phảng phất có cảm giác phù điêu thực sự đã quay về chốn cũ vậy.

Xem hết cả bộ tranh, cuối cùng mọi người cũng hiểu ra dụng ý Đường Tư Kỳ muốn gửi gắm

“A, tôi hiểu rồi. Là “Đế Hậu lễ Phật đồ”, hoạ sĩ muốn nhắc chúng ta nhớ đến bức phù điêu đã bị đánh cắp hàng trăm năm trước.”

“Lầu trên siêu thật, nhanh vậy đã nhìn ra rồi. Tôi mới phải tra Baidu xong. Công nhận bạn hoạ sĩ này không chỉ có tài mà có cả tâm nữa, thật sự rất nể bạn.”

“ [ Đế Hậu lễ Phật đồ ] được điêu khắc vào thời Bắc Nguỵ. Vậy nên Hoàng Đế và Hoàng Hậu trong hình chính là Hiếu Văn Đế cùng Văn Chiêu Hoàng Hậu. Bức phù điêu là do con trai của họ, Bắc Nguỵ Tuyên Vũ Đế hạ lệnh thực hiện với ý nghĩa cầu phúc cho cha mẹ. Thế mà bị bọn đạo chích ăn trộm rồi lén bán cho người Mỹ, đúng là quân thối tha vô lương tâm.”

“Hèn chi bức hoạ lại động lòng người đến vậy, hoá ra là bảo vật quốc gia. Nhưng sao bảo vật quốc gia lại bị trộm sang Mỹ? Quân đội đâu, gô cổ chúng lại đi chứ!”

“Không chỉ bị vận chuyển sang Mỹ mà còn bị cắt thành hai mảnh, trưng bày ở hai bảo tàng thuộc hai tiểu bang khác nhau, gần như không có cơ hội đoàn tụ luôn ấy. Với lại, mình từng đọc được một tài liệu nói rằng tác phẩm ở viện bảo tàng thực chất cũng là hàng copy thôi, chứ bản gốc đã bị hỏng từ lâu rồi.”

“Đọc bình luận mà giận phát run, thực sự có việc này sao? Lúc ấy nước ta còn nghèo, thấp cổ bé họng nên rất nhiều bảo vật quốc gia bị cướp mất. Nghĩ nó uất thật chứ!”

“Hoá ra tác giả đặt tên cho bộ tranh với ngụ ý mang [ Đế Hậu lễ Phật đồ ] quay trở về hang Long Môn, quay trở về động Tân Dương, vật về chủ cũ, người xưa đoàn tụ.]

“Thật ra…lúc xem tới bức thứ ba thấy Bắc Nguỵ Hiếu Văn Đế đứng trước Đại Phật Lư Xá Na, mình còn cười hoạ sĩ bug quá. Nhưng nguyên lai không phải bug, lưu lạc trăm năm giờ quay về đích thị là có thể chiêm bái tượng Đại Phật không phải sao?!”

“Tốt quá, thấy [ Đế Hậu lễ Phật đồ ] được trở về cố hương…dù chỉ là ước lệ tượng trưng thì cũng cảm thấy an ủi phần nào.”

“Cảm ơn Tiểu Kỳ nhé, bạn đã làm được một việc rất ý nghĩa.”

“Quá tuyệt vời, tặng Tiểu Kỳ ngàn like, ngàn tim.”

“Có ai giống tôi không, xem tranh xong ngồi khóc tu tu. Tự nhiên muốn đến hang đá Long Môn một chuyến quá!”

Đường Tư Kỳ mệt phờ nhưng đọc bình luận của các bạn bỗng nhiên bao nhiêu mệt mỏi tan biến hết.

Đáng lẽ cô chỉ cần vẽ một bức cuối là đủ hoàn thành nhiệm vụ rồi. Nhưng cảm giác sáng tác dâng trào, Đường Tư Kỳ vẽ một lèo gần chục bức, hoàn thành một bộ tranh hoàn chỉnh. Cũng coi như thoả đam mê đồng thời lấp đầy nỗi tiếc nuối trong lòng.

[ Đế Hậu lễ Phật đồ ] sau trăm năm lưu lạc, cuối cùng cũng đã được hồi hương theo cách của Đường Tư Kỳ!

Quá nhiều xúc cảm đan xen, Đường Tư Kỳ đăng luôn bức Phúc trường đồ lên Weibo cá nhân. Có lẽ trong tất cả các tác phẩm từ trước tới nay, đây là bức Đường Tư Kỳ cảm thấy hài lòng và tự hào nhất. Cô dự định ghim nó lên đầu trang xem như tác phẩm tiêu biểu của bản thân.

Và không ngờ rằng giữa đêm, một bất ngờ lớn đã gõ cửa nhà Đường Tư Kỳ.

Một hoạ gia nổi tiếng trong trường phái tranh cổ phong đã chia sẻ bài đăng của Đường Tư Kỳ về trang cá nhân cùng dòng bình luận

“ Trong [Đế Hậu lễ Phật đồ], tất cả các nhân vật đều mặc Hán phục, phản ánh chính sách Hán hoá mạnh mẽ của Bắc Nguỵ Hiếu Văn Đế (1); từng đường cong mềm mại uyển chuyển, các chi tiết tinh tế sắc nét, đại biểu cho trình độ điêu khắc tối cao lúc bấy giờ. Cảm tạ ‘Kỳ Kỳ du ngoạn thế giới’ đã lấy bức phù điêu làm cảm hứng sáng tác một bộ tác phẩm đầy tính nghệ thuật và giá trị cao, để cho chúng ta một lần có được cảm giác quốc bảo quy hồi cố hương.”

Đường Tư Kỳ đọc đi đọc lại những dòng này không biết bao nhiêu lần, thực sự là mừng muốn khóc. Phải biết rằng vị ấy là bậc đại thần, là cây đa cây đề trong giới mỹ thuật cổ phong, đồng thời cũng là bạn của giáo viên mà Đường Tư Kỳ đang theo học. Trong lúc giảng bài, cô giáo thường xuyên lấy các tác phẩm của vị này ra để làm mẫu và hướng dẫn học trò.

Như vậy cũng xem như một nửa giáo viên rồi. Được thầy cô công nhận và khen ngợi, thử hỏi sao không vui không mừng cho được. Đường Tư Kỳ đang sướng nhảy cẫng lên đây này!

===

Chú thích:

(1)Hiếu Văn Đế thi hành một chính sách Hán hóa mạnh mẽ, có ý định tập trung hóa chính quyền và để có thể dễ dàng cai trị một nhà nước đa sắc tộc. Các chính sách này bao gồm cả việc ưu tiên yếu tố Hán trong thẩm mỹ nghệ thuật cũng như buộc các cư dân phải nói tiếng Hán và mặc Hán phục. Ông buộc những đồng bào Tiên Ti của mình cùng những người Hồ khác phải nhận họ người Hán, và đổi họ của hoàng tộc từ Thác Bạt sang Nguyên. Ông cũng khuyến khích hôn nhân dị chủng giữa người Tiên Ti và người Hán.

Bạn cần đăng nhập để bình luận