Chu Du Cùng Hệ Thống

Chương 479 - Hồ Namtso - Biển Trời linh thiêng của người Tây Tạng

Chương 479 - Hồ Namtso - Biển Trời linh thiêng của người Tây Tạng

Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên

Chương 479: Hồ Namtso - Biển Trời linh thiêng của người Tây Tạng

Rất nhanh, Đường Tư Kỳ đã nhìn ra vấn đề.

Cái khác ở đây chính là hậu kỳ!

Công đoạn hậu kỳ là xử lý và hoàn thiện bức hình sau khi chụp, giúp nó đẹp mắt và chuyện nghiệp hơn.

Đương nhiên không thể bàn cãi kỹ thuật chụp của họ xuất sắc hơn cô. Nhưng để có được một bức ảnh chỉn chu chất lượng nhất thì kể cả có là nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp cũng không thể bỏ qua phần hậu kỳ ảnh.

Vì thế cho nên cũng dễ hiểu khi mang lên bàn cân so sánh, các tác phẩm của Đường Tư Kỳ thiếu đi độ sắc nét và hoàn thiện cần có.

Không nản chí, Đường Tư Kỳ bắt tay vào nghiên cứu các phương pháp cũng như phần mềm xử lý hậu kỳ.

Lightroom và Photoshop thì không quá xa lạ với Đường Tư Kỳ. Cả hai phần mềm đều đã được cài sẵn trong máy nên chỉ mất một lúc là cô có thể sử dụng thành thạo.

Đường Tư Kỳ tiếp tục tải lên những tấm ảnh đã qua xử lý hậu kỳ.

Hiển nhiên tiền thưởng bắt đầu tăng

1,58 usd

2,57 usd

3,33 usd

Tuy nhiên tốc độ vẫn quá chậm.

Đường Tư Kỳ tiếp tục phân tích lý do. Chắc có lẽ tại vì Lhasa là thủ phủ của khu tự trị Tây Tạng, là thành phố cao nhất thế giới, là trung tâm Phật giáo linh thiêng nhất Tây Tạng, thế nên thành phố này đã quá nổi tiếng rồi, thêm một vài bức của cô cũng chẳng khiến mọi người trầm trồ hiếm lạ.

Đúng lúc này trên diễn đàn nhiếp ảnh có người đăng bài kêu gọi lập hội đi hồ Namtso chụp sao.

Đường Tư Kỳ vỗ đùi cái đét.

Đúng rồi! Phải tới những nơi xa xôi hẻo lánh ít người lui tới thì mới mong thu hút nhiều lượt xem.

Không một phút chần chờ, Đường Tư Kỳ đăng ký báo danh ngay.

Cùng ngày, mọi người tập trung trước cửa chùa Đại Chiêu rồi ngồi xe tới hồ Namsto. Hồ nước lớn thứ hai Tây Tạng, lớn thứ 3 Trung Quốc và với độ cao 4718m so với mực nước biển, Namsto được coi là hồ nước cao nhất thế giới.

Ngoài cái tên Namsto, dân địa phương ở đây thường gọi bằng cái tên khác là Namuchua, theo tiếng Tạng có nghĩa là “Hồ Trời” hoặc “Biển Trời”.

Người Tây Tạng xem Namtso là một trong bốn hồ thiêng quan trọng nhất của họ, bên cạnh hồ Yamdrok, Lhamo Latso và Manasarovar Tso.

Còn khách du lịch thường kháo nhau Namsto chính là cảnh tượng tươi đẹp chốn thiên đường ngang lưng trời. Là địa điểm nhất định không thể bỏ qua khi đi du lịch Tây Tạng.

Vì nhất thời nổi hứng nói đi là đi luôn nên chỉ có 5 người tham gia. Tuy nhiên nhìn đống hành lý thì cứ ngỡ phải hơn chục người mất vì ai cũng lỉnh kỉnh vác theo túi lớn túi nhỏ. Có ông bác trước cổ đeo lủng lẳng hai máy cơ, bên hông khoác chiếc túi hộp to tướng, tay xách chân máy, hai vai đeo hai cái ống kính to như khẩu đại bác, nom rất chiến.

Dù chẳng quen biết nhưng cùng chí hướng đam mê nên vừa lên xe là chuyện nổ như pháo rang

“Ngoài Namsto thì hồ Yamdrok cũng là thánh địa săn ảnh đẹp, đi ở đây về mọi người nên cân nhắc qua đó một chuyến, đảm bảo không thất vọng”, một ông bác ước chừng ngoài bốn mươi, mặc áo da đội mũ cao bồi chia sẻ.

“Ôi bác đi Yamdrok rồi hả? Thích thế! Cháu mới tới hôm qua, định đi Evesest Base Camp trước nhưng vẫn đang phân vân quá, không biết mùa này có đi được không bác nhỉ?” Cậu trai trẻ đeo kính nhiệt tình hỏi han.

“Đi thì đi được nhưng chỗ đó quá cao. Cháu vừa mới tới phải để cơ thể thích ứng từ từ đã. Hơn nữa phong cảnh ở Base Camp bị khuất tầm nhìn nhiều, chẳng thà đi Lâm Chi chụp được nhiều ảnh đẹp hơn”

Ông bác áo da rất dày dặn kinh nghiệm nhưng lại gặp đúng thằng nhóc ngựa non háu đá

“Thế bác có biết đường nào leo lên đỉnh Namcha Barwa không?”

Lần này ông bác cạn lời, cả xe cũng chẳng ai nói gì, mãi một lúc sau tài xế không nhịn được bèn lên tiếng

“Nhóc con, đỉnh Namcha Barwa không phải chỗ nói thích là đi được. Quanh năm ẩn mình dưới tuyết, phải những ai may mắn lắm mới được nhìn thấy một lần trong đời, thậm chí ngay cả dân bản xứ sống tại đây cũng hiếm khi thấy được.”

Đường Tư Kỳ hứng thú lắng tai nghe. Mặc dù toàn là những câu chuyện phiếm nhưng nội dung đều xoay quanh chủ đề Tây Tạng và nhiếp ảnh.

Thi thoảng cô cũng chen vài câu, thắc mắc về những vướng mắc trong quá trình ngày đầu cầm máy. Trên xe toàn là những tay lão luyện lại nhiệt tình, họ tỉ mỉ hướng dẫn từng li từng tí, chia sẻ các bí quyết căn chỉnh thông số máy ảnh.

Cứ như vậy, chiếc việt dã bon bon vượt mấy trăm cây số mà chẳng thấy ai kêu mệt nhọc.

“Tự nhiên có linh cảm chẳng lành…cái thời tiết này liệu có chụp được ảnh?”

Vốn nãy giờ mải chuyện nên chẳng ai để ý. Giờ nghe có người nói vậy tất cả mới nhao nhao nhìn ra ngoài cửa sổ xe.

Không biết từ đâu mây ùn ùn kéo tới, tầng nọ chồng tầng kia khiến bầu trời vốn dĩ xanh trong bỗng chốc trở nên xám xịt như muốn mưa.

Lòng Đường Tư Kỳ cũng dấy lên cảm giác bất an.

Namtso nổi tiếng với hình ảnh bầu trời xanh thẳm phản chiếu xuống mặt nước màu ngọc lam. Nhưng giờ trời chuyển xầm xì thế này sao có thể chụp được sắc nước xanh lam tuyệt đẹp?

Cứ nghĩ đi chuyến này là có thể thuận lời hoàn thành nhiệm vụ không ngờ gặp đúng ngày nhiều mây. Không lẽ bỏ công tình chạy thật xa lên đây công cốc sao?

Bác tài xế giải thích: “Hiện Tây Tạng đang vào mùa mưa nên trời rất dễ mưa. Bất quá mọi người yên tâm, nếu có mưa thì cũng mau tạnh lắm.”

Bác tài vừa dứt lời, nóc xe liền truyền tới tiếp lốp đốp lốp đốp càng lúc càng mau, càng lúc càng dày hạt.

Mưa xuống khiến đường lầy lộ khó đi, lại còn gặp đoạn sửa đường, ùn tắc giao thông, cứ đi chút lại dừng, khiến tâm tình 5 người ngồi trên xe càng thêm trùng xuống.

Bạn cần đăng nhập để bình luận