Chu Du Cùng Hệ Thống

Chương 229 - Hỉ Châu cổ trấn

Chương 229 - Hỉ Châu cổ trấn

Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên

Chương 229: Hỉ Châu cổ trấn

Đường Tư Kỳ rất cảm thông cho ba nhưng đồng thời cũng thấy may mắn cho mình. Nếu không có ba thì đảm bảo cái chức phó nháy áp lực trùng trùng kia sẽ rơi thẳng xuống đầu cô.

Mà cô nào thích chụp người, trước giờ chỉ mê chụp cảnh thôi à!

Đợi hoàn thành nốt mấy đơn hàng dang dở, cô sẽ bắt tay sáng tác bộ “Tiểu Kỳ du ngoạn Vân Nam”. Mà muốn vẽ thì phải có tư liệu, thế là Đường Tư Kỳ lập tức nâng cao ống kính camera, bấm lia lịa tất cả các góc các cảnh mà cô cho rằng có giá trị tham khảo.

Phải công nhận nơi này đẹp thật, chụp bừa một bức cũng dễ dàng thành poster tạp chí.

Cảnh hồ yên ả, hai bên bờ các dãy homestay chạy dài với thiết kế thơ mộng làm bất cứ du khách nào tới đây cũng nghĩ ngay đến việc thuê một phòng để nghỉ lại.

Chỉ là cái việc dựng đạo cụ để “dụ” du khách chụp ảnh rồi cưỡng ép thu phí thực sự rất mất thiện cảm.

Ngẫm nghĩ thế nào, Đường Tư Kỳ bèn đăng nhập hệ thống, Check-in thử.

[ Check-in thất bại! Người chơi cần đi tham quan hết một vòng hồ Nhĩ Hải.]

Lần này thì Đường Tư Kỳ không bực. Thất bại là phải thôi, cái trạm dừng chân con con này sao có thể xếp vào hàng ngũ danh lam thắng cảnh được.

Dù sao đây mới là trạm dừng đầu tiên, phía trước vẫn còn tha hồ cảnh đẹp để du lãm, thế nên Đường Tư Kỳ cũng không vội.

Đợi một hồi thì mẹ cũng chụp xong. Cả nhà lục tục kéo nhau ra xe tiếp tục di chuyển.

Trạm dừng chân thứ hai thi vị hơn nhiều. Đây là một nơi tập trung sinh sống khác của người dân tộc Bạch ngoài cổ thành Đại Lý, có cái tên nghe là đã thấy hoan hỉ vui tươi “Hỉ Châu cổ trấn”.

Bữa sáng nay Đường Tư Kỳ dặn đi dặn lại ba mẹ ăn ít thôi chính là để dành bụng tới đây thưởng thức đặc sản truyền thống trứ danh, món bánh Hỉ Châu ba ba.

Điểm đặc sắc có một không hai của món bánh này là ngửi thì thơm điếc lỗ mũi và nhai thì giòn rôm rốp nghe sướng lỗ tai. Từ lúc đọc review trên mạng Đường Tư Kỳ đã thèm nhỏ dãi rồi. Thế nên vừa đặt chân tới trấn Hỉ Châu là cô phải lùng tìm địa chỉ được nhiều người đề cử nhất để mua ăn thử.

Vốn Đường Duệ Thanh không mong chờ cho lắm nhưng nể tình con gái xếp hàng lâu nên chú cũng cắn một miếng cho con vui. Nào ngờ, chiếc bánh nhìn đơn giản mà hương vị quá đỗi đặc biệt. Sau lớp vỏ ngoài giòn xốp là lớp bột bên trong mềm mịn hoà quyện cùng phần nhân đậu đỏ ngào đường tán nhuyễn.

Ngon thế này ăn một cái sao đủ, Đường Duệ Thanh bèn đề nghị: “Hay là mình mua thêm mấy cái đem về tối ăn.”

Lưu Anh phản đối: “Bánh này ăn nguội mất ngon.”

Đường Duệ Thanh vẫn cố gắng: “Nhà trọ có lò vi sóng. Có gì mình mượn dùng tí chắc không vấn đề.”

Lưu Anh nghe vậy bèn gật gù đồng ý vì căn bản thím cũng thích món này, nhưng khẩu vị thím thiên về vị mặn hơn.

Ngoài ẩm thực, Lưu Anh còn thích cả không khí nơi đây. Nó mang đậm nét truyền thống giản dị hài hoà, hiền lành chất phát của người dân tộc Bạch.

Những con đường lát đá trắng, liễu rủ bên hồ, cổng gỗ cổ kính,…gặp cái gì Lưu Anh cũng sà vào đòi chụp. Chỉ khổ Đường Duệ Thanh, đuổi theo làm phó nháy mệt tướt bơ mà lâu lâu vẫn bị ăn mắng.

Hôm nay trên trấn có chợ phiên, kẻ mua người bán náo nhiệt tưng bừng. Lưu Anh nhìn trúng một tấm khăn trải bàn được nhuộm theo kỹ thuật buộc chỉ cổ truyền của dân tộc Bạch, màu sắc trang nhã, hoa văn độc nhất vô nhị. Thím thầm nghĩ tấm này mà mang về trải ở phòng khách nhà mình thì hẳn khách khứa tới chơi phải lác mắt cho xem.

Tại nhà trọ thím đang ở, hầu hết vải vóc từ khăn trải bàn, tranh vải trang trí, rèm cửa đến áo của ông chủ đều được nhuộm theo phương pháp này. Lưu Anh thấy khá ấn tượng và cũng muốn mua một vài món đem về làm kỷ niệm nhưng ngặt nỗi cửa hàng trên cổ thành hét giá cao quá làm thím tưởng phải từ bỏ ý định rồi đấy chứ. Nào ngờ hôm nay tới cổ trấn Hỉ Châu, hàng vừa nhiều mà giá cả còn mềm hơn một chút, thế là sở thích mua sắm lại bừng bừng trong thím.

Tuy nhiên sau một hồi cò kè mặc cả, Lưu Anh vẫn không thể mua với mức giá thím cho là phù hợp. Cuối cùng đành phải ôm nuối tiếc rời đi.

Đường Tư Kỳ sau khi biết chuyện liền chạy lại an ủi: “Mẹ đừng vội, mình còn đến thôn Chu Thành nữa mà. Đó mới là quê hương của kỹ thuật nhuộm buộc chỉ. Nhiều khi ở đó lại rẻ hơn.”

Dạo một vòng hết cổ trấn Hỉ Châu, Đường Tư Kỳ lấy di động ra Check-in

[ Chúc mừng người chơi đã check-in thành công khu du lịch “Hỉ Châu cổ trấn”.

Tiến độ hoàn thành: 1/5

Hệ thống tặng bạn một món quà nhỏ, xin mời kiểm tra tại Cửa Hàng Vật Phẩm.]

Đường Tư Kỳ bay ngay đến Cửa Hàng Vật Phẩm, liếc mắt một cái là thấy dòng thông báo đỏ chót nổi bật ngay đầu trang

[ Phần thưởng nhiệm vụ nhanh: Vé tham quan ‘Nghiêm gia đại viện’

Số lượng: 3 vé người lớn ( bao gồm thuyết minh). ]

Xịn thật, hệ thống càng lúc càng tri kỷ, phần thưởng đến vừa kịp lúc lại hợp tâm ý.

Chuyện là cả nhà mới vừa đi ngang cổng Nghiêm Gia Đại Viện. Thấy chiếc cổng đá mái cong uy nghiêm sừng sững, cũng định tiến vào coi thử thì dè đâu bị chặn lại thu vé. Tất nhiên anh ba chị mẹ quay xe liền. Tại nơi này cũng không nổi danh cho lắm, nên không rõ bên trong có gì hay ho, lỡ đâu vào rồi cảm thấy chẳng đáng tiền lại mất vui.

Bắt được vé miễn phí, Đường Tư Kỳ hớt ha hớt hải gọi ba mẹ quay lại: “Ba mẹ, con có sẵn vé điện tử này. Bữa trước đặt mà suýt chút quên mất.”

Lưu Anh ngó đầu kiểm tra, quả thực là ba vé người lớn.

“Con bé này, có thế cũng quên.”

Tại cái tật thím hay mắng chứ nụ cười thì đã kéo tới tận mang tai rồi. Thím mừng rỡ kéo tay ông xã phăm phăm tiến vào bên trong.

Sau khi soát vé, hướng dẫn viên dẫn ba người họ đi tham quan toà nhà cổ.

Lúc đứng ngoài không nghĩ vào bên trong lại như lạc vào mê cung thế này.

Căn đại viện kiến trúc phức tạp, sân to sân nhỏ kết nối các dãy nhà lớn bé, khí thế vương giả giàu sang.

Phía ngoài cùng là đại sảnh tiếp khách, trên lầu là phòng ngủ của gia chủ, xuyên qua hành lang đi sâu vào bên trong là nơi sinh hoạt của các tiểu thư.

Tại bốn góc hành lang tầng hai có đặt bốn cái cửa sổ bằng gỗ hình tròn cực ấn tượng. Hỏi ra mới biết dụng ý là để các tiểu thư có thể ở chỗ này kín đáo ngắm lang quân. Nếu nhìn trúng ai thì chỉ việc vứt tú cầu xuống chọn rể hiền.

Tuy nhiên nằm giữa quần thể cổ kính đậm nét truyền thống dân tộc Bạch, tự nhiên lại mọc lên một biệt thự mang phong cách Tây Âu. Thì ra chủ nhà vì chịu ảnh hưởng văn hoá Tây Dương nên đã cho xây thêm biệt thự kiểu Tây ngay trong khuôn viên đại viện nhà mình.

Tham quan một vòng, du khách có thể nghỉ chân tại phòng trà, thưởng trà ngon và xem biểu diễn trà đạo.

Về cơ bản, Đường Duệ Thanh cùng Lưu Anh đều khá hài lòng. Đường Duệ Thanh thích tìm hiểu lịch sử, còn Lưu Anh thì mê mẩn kiến trúc đặc sắc của người Bạch. Đã thế còn có thuyết minh chi tiết nên vừa được nhìn tận mắt lại được nghe hiểu cặn kẽ thấu đáo, thử hỏi còn gì tuyệt vời hơn.

Bạn cần đăng nhập để bình luận