Chu Du Cùng Hệ Thống

Chương 259 - Đại Phật Lư Xá Na

Chương 259 - Đại Phật Lư Xá Na

Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên

Chương 259: Đại Phật Lư Xá Na

Hay như chiến mã trong lăng mộ của hoàng đế Lý Thế Dân cũng chịu số phận tương tự. Hai trong sáu con tuấn mã bị lấy trộm sang Hoa Kỳ. Hiện chúng đang được cất giữ tại Bảo tàng Đại học Pennsylvania ở Philadelphia và số còn lại được trưng bày ở Bảo tàng rừng bia Tây An.

Nhắc đến đây không khỏi khiến lòng người căm phẫn không thôi.

Quân ăn cắp khốn nạn thật! Đã cướp của người ta còn ngang nhiên xem đó là chiến lợi phẩm để trưng bày, để tung hô. Chẳng những vậy vì để thuận tiện cho quá trình vận chuyển được trơn tru trót lọt, chúng đang tâm cắt nhỏ, phá hoại cổ vật quý giá.

Nhìn những pho tượng Phật mất đầu cụt tay tin chắc khó ai có thể giữ được bình tĩnh. Quá ư là đau xót và căm phẫn!

Tiếp theo, cả nhóm chuẩn bị di chuyển đến phần quan trọng nhất không thể bỏ lỡ của chuyến tham quan, đó là chiêm bái tượng Đại Phật Lư Xá Na.

Nghe vậy mọi người hăm hở hẳn, song miệt mài men theo thềm đá, leo không biết bao nhiêu bậc cầu thang mà mãi vẫn chả thấy tượng Đại Phật tối cao đâu cả.

Sao bảo tượng to lắm cơ mà?!

Bước chân ngày một rệu rã. Rõ ràng cái cầu thang nhìn không quá dài nhưng đi hoài đi mãi không tới điểm cuối.

Đường Tư Kỳ chống tay ngang eo, thở hồng hộc: “Không được, chịu hết nổi rồi, phải nghỉ một lát đã.”

Mấy cô em đi đằng trước liên tục cổ vũ: “Chị đẹp, cố chút nữa thôi, em nhìn thấy thấp thoáng rồi, hoành tráng cực!”

“Thì đúng rồi Võ Tắc Thiên tài trợ hẳn hai vạn quan tiền chỉ để trang điểm cho tượng Phật mà, không đẹp sao được. Chị, lẹ lên chúng em đợi.”

“….” Đường Tư Kỳ mệt bở hơi tai, cảm thương cho hai cái khớp gối lỏng lẻo như sắp rụng của mình rồi lại nhìn lên mấy cô em đang hò reo phía trên.

Tuổi trẻ, đúng là sung sức thật!

Không những vậy còn rất ham học hỏi nữa, ban nãy thông tin cô em đưa ra quả thực không sai. Mặc dù chưa có bằng chứng khẳng định nhưng trên thực tế nhiều ghi chép chỉ ra khuôn mặt của tượng Đại Phật và Võ Tắc Thiên năm 25 tuổi có nhiều nét tương đồng. Thậm chí có phỏng đoán cho rằng Võ Tắc Thiên chính là khuôn mẫu để đắp nặn nên tượng Phật. Và chính Võ Tắc Thiên năm ấy cũng đã đến tận nơi để chỉ đạo thi công, hơn nữa còn mạnh tay chi hai vạn quan tiền chỉ dành riêng cho khâu trang trí bên ngoài.

Chính vì thế tượng Đại Phật Lư Xá Na càng có thêm nhiều giai thoại li kỳ, thần bí.

Đã lên tới đây rồi mà bỏ cuộc ngang chừng thì phí quá, Đường Tư Kỳ cắn răng cố gắng bám theo đám trẻ.

May quá, lấp ló đầu tượng Phật kia rồi, tiếp theo là khuôn mặt, cơ thể, phục sức dần dần xuất hiện.

Chờ Đường Tư Kỳ đặt chân lên bậc thang cuối cùng, cả toà tôn tượng khổng lồ tức thì phóng đại ngay trước mắt.

Quá chấn động, cô chỉ biết đứng lặng trong gió, ngẩng cổ ngước đầu, rất lâu không thốt được lời nào.

Dưới nền trời thăm thẳm, lưng dựa vách núi cao, Đại Phật nhìn xuống chúng sinh bằng tất cả tâm từ và lòng bao dung rộng mở.

Không biết có phải thật sự lấy nguyên mẫu từ Võ Tắc Thiên hay không mà thấp thoáng thấy vài phần thanh tú, quý phái trong nét mặt Ngài.

Nhưng nổi bật hơn cả vẫn là sự khoan thai bình tĩnh, ung dung tự tại và ánh mắt ẩn chứa nỗi xót thương chúng sanh ngu muội, không chịu giác ngộ mà cứ mãi luẩn quẩn đắm chìm trong bể khổ sông mê. Ánh mắt đó tựa như có ma lực thần kỳ khiến bất kỳ ai đứng tại nơi này cũng có được cảm giác Phật đang dõi theo, che chở và bảo hộ mình.

Quả không hổ là một kiệt tác nghệ thuật đỉnh cao của mọi thời đại.

Theo sử sách, ngay trong năm đầu tiên đăng cơ, hoàng đế Đường Cao Tông đã hạ lệnh cho thợ bắt tay điêu khắc nhưng phải đến tận 25 năm sau mới hoàn công.

Và giờ đây, trải qua hơn một ngàn năm, cánh tay tượng đã không còn nguyên vẹn, trên thân thể cũng xuất hiện chẳng chịt vết tích thời gian, hư hại trầy xước song thần thái của Ngài vẫn vẹn nguyên, tựa như một tiếng vẫy gọi vượt ngoài không gian và thời gian.

Chiêm bái tượng Phật, tham quan và nghỉ ngơi chốc lát, mọi người tiếp tục lên đường. Thế nhưng dường như mọi sự chú ý và yêu thích đã nằm lại nơi tượng Đại Phật Lư Xá Na mất rồi, đoạn đường tiếp theo chẳng thấy ai tỏ ra phấn khích hay hứng thú gì nữa.

Nhưng Đường Tư Kỳ thì vẫn chăm chỉ lắng nghe, mỗi hang đều cố gắng thò đầu vào nhìn một chút, nghe một chút…Ờhm thì đằng nào cũng mất tiền thuê hướng dẫn viên rồi, phải nghe cho đủ vốn chứ.

Tuy nhiên, số lượng hang đá quá nhiều, những 2.345 cái lận, Đường Tư Kỳ đi muốn rụng giò, cuối cùng là bám vào lan can mà lết chứ thật sự nhấc chân hết nổi!

Aizzz, sao mà xa thế không biết, đã vậy còn phải leo cầu thang nữa chứ. Hỏi khí không phải, từ trên này có đường nào trượt thẳng xuống, khỏi cần đi được không?!

Trời đất, cả trăm ngàn tượng Phật, xem đến khi nào mới hết? Rồi đầu các Ngài đâu? Sao lấy mỗi cái đầu bỏ lại cái mình rồi giờ biết xem cái gì???

Nói chung đến vì tò mò thôi chứ Đường Tư Kỳ cũng không thích lắm. Cũng may hôm qua tới bảo tàng cổ mộ cô đã đọc được một tin tức, hầu hết danh nhân lịch sử đều thích an táng trên núi Bắc Mang, chỉ riêng một người chọn lập mộ tại hang đá Long Môn chính là nhà thơ Bạch Cư Dị.

Và mộ phần của ông được quy hoạch thành Bạch Viên, nằm trang trọng trong khuôn viên khu danh thắng Long Môn.

Vì sao Bạch Cư Dị không tụ hội cùng anh em bạn bè mà lại một thân một mình tìm đến hang đá nhỏ? Phải chăng phong thuỷ Long Môn còn tốt hơn cả Bắc Mang?

Câu hỏi vừa nổi lên, Đường Tư Kỳ đã mạnh mẽ phủ quyết ngay. Nếu thực sự Long Môn tốt thì các bậc đế vương đã không bỏ qua.

Nhưng sao tất cả cùng chọn Bắc Mang mà riêng Bạch Cư Dị lại chọn chốn này? Chẳng lẽ vì thích phong cảnh Long Môn chăng?

Mang theo nghi vấn, Đường Tư Kỳ dò hỏi người hướng dẫn.

Anh ta cũng rất vui vẻ chia sẻ: “Đích xác có giả thuyết nói rằng Bạch Cư Dị đặc biệt thích cảnh sắc nơi đây. Vào những năm tháng cuối đời, ngài ẩn mình trên núi Hương Sơn, lấy hiệu là Hương Sơn cư sĩ và sau khi mất cũng chọn gửi xác tại Hương Sơn.”

Nhưng thật sự chỉ bởi vì phong cảnh thôi sao?

Bạn cần đăng nhập để bình luận