Chu Du Cùng Hệ Thống

Chương 96 - Gốm sứ thời Tống

Chương 96 - Gốm sứ thời Tống

Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên

Chương 96: Gốm sứ thời Tống

Anh Trương chủ hostel, tay lăm lăm chiếc điện thoại di động, lách qua đám đông, len vào trong: “Tư Kỳ này, anh có thể chụp bức tranh này gửi cho chú Lý xem được không? Hôm nọ hai chú cháu mới trao đổi số điện thoại. Nếu chú ấy mà thấy bức tranh em vẽ, hẳn là sẽ vui mừng lắm cho xem.”

Đường Tư Kỳ cười nói: “Anh không cần phải chụp đâu, để em gửi thẳng sang máy anh cho.”

Nói là làm liền tức khắc, Đường Tư Kỳ nhanh chóng chia sẻ bức Hội Hoa Đăng sang điện thoại anh Trương. Sau đó, cô tránh sang một nơi vắng vẻ, nghiêm túc viết một đoạn văn giới thiệu về tổng quan phong cảnh và lịch sử núi Phượng Hoàng.

Xong đâu đó, cô đăng tải lên mạng, không quên đính kèm bức hoạ Hội Hoa Đăng và mấy tấm hình chụp được hôm đi leo núi.

Mục tiêu lần này của Đường Tư Kỳ là đạt được 5000 lượt xem, như vậy mới coi như hoàn thành nhiệm vụ đề ra.

Yên lặng dõi theo một loạt các thao tác của Đường Tư Kỳ, đến lúc này Cơm Cháy mới chậc lưỡi cảm thán: “Thảo nào cấp bậc của cậu cao tới như vậy. Cậu nhìn bài đăng của mình đi, bài nhiều nhất thì cũng chỉ 20 lượt xem, 0 bình luận, 0 chia sẻ cũng 0 có cái “like” an ủi nào luôn.”

Đường Tư Kỳ phì cười: “Cậu phải chịu khó đăng nhiều hình ảnh lên.”

Cơm Cháy thở dài: “Cũng chả ăn thua đâu, nhìn bức tranh cậu vẽ xong quay ra nhìn mấy tấm hình mình chụp trông chả khác nào cái đám rừng. Đăng lên đảm bảo chẳng ai thèm Like chứ đừng nói khơi gợi hứng thú tò mò. Nhưng tranh của cậu thì khác, cái hoàng cung đúng kiểu nguy nga tráng lệ luôn, cảnh đêm đẹp muốn xỉu. Đến mình đi rồi và biết nó chẳng có gì ngoài cây và cây thì cũng muốn đi lại nữa là.”

Đường Tư Kỳ hóm hỉnh hỏi: “Vậy hôm nào đi leo núi tiếp nhé.”

Cơm Cháy giãy nảy: “Thôi, đùa đấy, leo nữa là hai cái chân mình phế chắc luôn!”

Vẽ xong núi Phượng Hoàng, Đường Tư Kỳ định vẽ tiếp đá Nguyệt Nham nhưng rồi chợt nhớ nhiệm vụ đính kèm yêu cầu phải tìm được mười địa điểm có liên quan mật thiết tới cô đô Nam Tống. Chẳng bằng đi Check-in cho xong đi rồi về vẽ chung một lượt, như thế mạch cảm xúc sẽ mạch lạc và nhất quán hơn.

Bên này, sau khi chú Lý xem xong bức Hội Hoa Đăng thì vừa ngạc nhiên vừa xúc động. Chú vội gọi điện cho anh Trương, ngỏ ý muốn nói chuyện trực tiếp với chủ nhân bức vẽ vài câu.

“Cháu gái, cháu tên Tư Kỳ đúng không. Chú mới xem bức tranh cháu vẽ rồi, phải nói là cháu vẽ đẹp lắm, rất đẹp, chú rất thích.”

Đường Tư Kỳ khiêm tốn đáp lời: “Dạ, cháu cảm ơn chú nhưng mà cháu cũng còn nhiều thiếu sót lắm. Cháu chỉ tuỳ tiện vẽ dựa trên một vài tư liệu lịch sử tìm được cộng với trí tưởng tượng của mình thôi ạ.”

Chú Lý nói: “Không không, này tuyệt đối không phải tuỳ tiện mà là có đầu tư nghiên cứu nghiêm túc. Phần cổng chính cháu vẽ rất chi tiết và sinh động. Còn có vị trí các toà núi, núi Phượng Hoàng, núi Ngọc Hoàng, Vạn Tùng Lĩnh, ôi chao, tất cả đều vô cùng chuẩn xác với địa hình thực tế. Rồi đây nữa, nằm đối xứng với cổng Lệ Chính Môn là Hạ Ninh Môn, cũng được cháu tái hiện đầy đủ trong tranh. Chà, một bức tranh quá tỉ mỉ từ những chi tiết nhỏ nhất, rất đáng khen, rất đáng khen! Có thể nói hoàng thành Nam Tống trong bức vẽ này của cháu giống hệt với giấc mơ mà chú thường hay mơ. Trước đây cũng từng có hoạ sĩ phục dựng lại nhưng chưa ai nghĩ tới việc miêu tả cảnh sắc hoàng thành trong lễ hội Nguyên Tiêu độc đáo và choáng ngợp tới vậy. Tư Kỳ, cháu là một cô bé rất có tài, cháu đã giúp chú vẽ nên giấc mơ của mình. Cảm ơn cháu gái!”

Nhận được lời khen tặng của chú Lý, Đường Tư Kỳ vừa ngại nhưng cũng đồng thời nảy sinh một chút kiêu ngạo.

Trước đây, chưa tác phẩm nào của cô được yêu thích và khen ngợi nhiều tới như vậy.

Đột nhiên, Đường Tư Kỳ cảm thấy công việc này của mình cũng có ý nghĩa đấy chứ.

Cô tươi cười lịch sự nói: “Cháu cảm ơn chú. Nghe được những lời này của chú, cháu thực sự rất vui ạ.”

Chú Lý nói tiếp: “Sau này nếu cần tìm tư liệu lịch sử gì cứ hỏi chú. Nếu trong khả năng nhất định chú sẽ giúp cháu.”

Ôi thế này thì khác nào đang buồn ngủ lại gặp chiếu manh, Đường Tư Kỳ mừng húm: “Dạ chú ơi, thật tình cháu cũng đang có chuyện muốn nhờ chú đây ạ.”

Cuối cùng, dưới sự trợ giúp của chú Lý, Đường Tư Kỳ đã xác định được một loạt các địa điểm có liên quan trực tiếp tới triều đại Nam Tống. Cô sắp xếp vị trí rồi lên kế hoạch tiến hành Check-in.

Đầu tiên, cô tới khu vực phụ cận núi Phượng Hoàng trước.

Không hỏi thì không biết, xung quanh núi Phượng Hoàng và núi Ngọc Hoàng vẫn còn lưu lại rất nhiều dấu ấn thời Nam Tống.

Không chỉ giúp đỡ tìm địa điểm, chú Lý còn đưa cho Đường Tư Kỳ rất nhiều lưu ý thế nên không khó để Đường Tư Kỳ tìm tới Bảo tàng lò nung Quan Diêu Nam Tống.

Toạ lạc ở phía Tây núi Ngọc Hoàng, phía Nam núi Phượng Hoàng và nằm rìa phía Nam của khu danh lam thắng cảnh Hồ Tây. Bảo tàng lò nung Quan Diêu Nam Tống là bảo tàng gốm đầu tiên ở Trung Quốc dựa trên địa điểm lò nung cổ. Nó có diện tích 26.000 mét vuông, diện tích xây dựng 7.500 mét vuông và khu triển lãm rộng khoảng 2.000 mét vuông. Tính đến năm 2019, Bảo tàng lò nung Quan Diêu Nam Tống có bộ sưu tập hơn 3.014 món đồ cổ, trong đó có 242 món đồ được xếp vào hàng di vật văn hoá quý giá.

Gốm sứ nhà Tống đã từng rất phát triển trong lịch sử và đến hiện nay vẫn chưa hết sốt. Sứ nhà Tống đã từng một thời nổi tiếng khắp cả nước, trong đó được nhiều người biết đến nhất là gốm sứ “Nhữ, Quân, Quan, Ca, Đinh.”

Theo sử sách ghi chép, Quan Diêu - một trong ngũ đại danh diêu là lò gốm được xây dựng tại Biện Kinh vào khoảng năm Đại Quan - Chính Hoà thời Bắc Tống (tức khoảng 1107-1118).

Sau, hoàng thất Nam Tống dời đô đến Hàng Châu, ngoài việc đem theo một nhóm thợ thủ công lành nghề thì đã phải chiêu mộ thêm nhân tài để xây dựng một lò nung khác ở ngay gần kinh thành. Vậy nên, lò Quan Diêu thời Tống bao gồm hai khu vực là Quan Diêu ở Biện Kinh của nhà Bắc Tống và Quan Diêu ở Hàng Châu của nhà Nam Tống.

Vì kỹ thuật tương đồng nên đặc điểm và chất lượng gốm sứ giữa hai thời kỳ gần như tương đương nhau. Tuy nhiên, vẫn có những nét riêng biệt khá rõ ràng

Quan Diêu ở Biện Kinh có đặc điểm men rạn nhuyễn có sắc tía, xương gốm mỏng, tử khẩu thiết túc - tức vành miệng có sắc tía, trong khi phần đáy có sắc đen của sắt.

Còn Quan Diêu ở Hàng Châu có dạng men nguyệt bạch, phấn thanh, mễ hoàng (vàng gạo), men rạn kiểu băng kiệt, có ẩn vân chìm như móng chim ưng hay hình hoa, bướm, thú.

Check-in bảo tàng xong, Đường Tư Kỳ tiếp tục tìm đến cánh đồng bát quái ở chân núi Ngọc Hoàng.

Đây là ruộng tịch điền (2), là một trong số ít ỏi những di tích của triều đại Nam Tống được bảo tồn toàn vẹn ở Hàng Châu.

Ban nãy nghe chú Lý giới thiệu là Đường Tư Kỳ đã thấy tò mò lắm rồi. Tại sao lại gọi là cánh đồng bát quái nhỉ? Liệu rằng nó có liên quan tới ngũ hành bát quái chăng?

===

Chú thích:

(1) Biện Kinh: Thủ phủ của tỉnh Khai Phong, kinh thành của triều đại Bắc Tống. Nay là thành phố Khai Phong, tỉnh Hà Nam.

(2)Tịch điền: Ruộng do vua hoặc các quan thay mặt vua, đích thân ra cày cấy để làm gương, khuyến khích nông nghiệp.

Bạn cần đăng nhập để bình luận