Chu Du Cùng Hệ Thống

Chương 319 - Nghệ thuật chân chính lay động nhân tâm

Chương 319 - Nghệ thuật chân chính lay động nhân tâm

Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên

Chương 319: Nghệ thuật chân chính lay động nhân tâm

Đường Tư Kỳ cùng Trương Thiên Ý mỗi người bỏ ra 120 đồng mua vé vào cửa cùng vé nghe thuyết minh.

Trong lúc đợi tới giờ, hai chị em tranh thủ đi tham quan kiến trúc bên trong ngôi chùa.

Theo giới thiệu, chùa Pháp Hải được xây dựng dưới thời hoàng đế Minh Anh Tông Chu Kỳ Trấn, là ngôi chùa hoàng gia thuộc thời kỳ Chính Thống nhà Minh.

Tuy nhiên điều khiến người ta ấn tượng hơn cả là hai cây thông vỏ trắng nghìn năm tuổi cao lớn sừng sững che bóng mát nửa sân chùa.

Hai cây đại thụ ấy được trồng từ thời Bắc Tống, tức là tuổi đời còn dài hơn cả lịch sử ngôi chùa.

Chúng đã đứng ở đây chứng kiến hết thảy mọi thay đổi chuyển dời, từ khi nơi này chỉ là mảnh đất hoang vu, rồi những viên gạch đầu tiên được dựng lên, tường đỏ mái xanh thành hình, tiếng chuông chùa ngân vang trầm ấm, tiếng mõ câu kinh tĩnh lặng tâm hồn. Và cứ thế, hai cây thông trắng như hai vị đại hộ pháp nghiêm trang oai vệ lẳng lặng canh gác cho chùa, bảo vệ sự trang nghiêm thanh tịnh chốn cửa Phật suốt năm này qua tháng nọ, cần mẫn không biết mệt mỏi.

Ngoài ra, trong chùa còn có một cái giếng khoan từ thời Minh, mang đậm kiến trúc văn hoá Minh triều vậy nên cũng được xếp vào hàng di sản quý giá được nhà nước bảo tồn.

Sau khi dạo hết một vòng, Đường Tư Kỳ đánh giá ngôi chùa này không tầm thường vậy nên bảo vật giấu trong Đại Hùng bảo điện kia chắc chắn cũng phải thuộc hàng trân quý. Nhưng đến tột cùng thì bức bích hoạ ấy vẽ cái gì, kỳ mỹ tuyệt diệu tới mức nào mà phải bỏ ra những 100 đồng mới được vào xem?

Càng lúc Đường Tư Kỳ càng nóng lòng muốn vào bên trong chính tay vén lên bức màn thần bí ấy.

Hai chị em ngồi ngoài sân chùa đợi mãi, cuối cùng anh thuyết minh viên cũng tới.

Chẳng biết là xui hay hên mà hôm nay chùa vắng tanh vắng ngắt không có lấy một người khách nào ngoại trừ hai chị em. Thế nên không gian rộng lớn càng thêm yên ắng, tĩnh mịch.

Thể theo hướng dẫn, Đường Tư Kỳ cùng Trương Thiên Ý đeo bao giày, tay cầm đèn pin, đi theo anh hướng dẫn viên vào bên trong bảo điện.

Đừng nhìn Trương Thiên Ý ngày thường động tí nói chuyện huyền học âm dương mà tưởng cô nàng gan dạ. Không có đâu, nhát hơn thỏ đế!

Mới bước vào phòng tối, còn chưa có gì mà người ngợm đã run lẩy bẩy, đến cái đèn pin cũng không bật lên được

“Chị…chị…chị đi trước đi em theo sau.”

Đường Tư Kỳ quay lại nhìn cô em đang chôn đầu sau vai mình mà cười không thành tiếng: “Sợ cái gì chứ, nơi này là chốn chùa chiền linh thiêng, kể cả có tối hơn nữa thì cũng không có mấy thứ dơ bẩn kia đâu.”

“Đừng đừng…chị đừng có nhắc tới…” Trương Thiên Ý so vai rụt cổ, núp kỹ sau lưng Đường Tư Kỳ, đúng kiểu tử đạo hữu bất tử bần đạo! (3)

Ngược lại, Đường Tư Kỳ chẳng cảm thấy có gì đáng sợ, mục tiêu đi vào đây là xem bích hoạ mà. Có chăng là chút cảm giác tò mò xen lẫn kích thích quen thuộc giống như lần trước đi thám hiểm cổ mộ mà thôi.

Đường Tư Kỳ giúp Trương Thiên Ý bật đèn pin, rồi nắm tay cô em kéo vào bên trong.

Đầu tiên, thuyết minh viên dẫn hai cô tới trước bức bích hoạ “Chư Phật phó hội đồ”. (4)

Đường Tư Kỳ và Trương Thiên Ý gần như ngơ ngẩn quên cả chớp mắt bởi bức hoạ quá đồ sộ, nhiều màu sắc, đông nhân vật.

Rồi liên tiếp các bức sau đó với các chủ đề khác nhau, nhưng tựu chung lại đều khiến người ta choáng váng mất hồn.

Đường Tư Kỳ mê mẩn nhìn xa rồi tiến sát lại gần, săm soi từng lớp sóng áo, nếp gấp cổ tay, cho tới đường viền đổ bóng, thậm chí hàng lông mày cũng chi tiết đến độ có thể đếm được số sợi. Ôi sao lại tinh tế và chân thực đến vậy, phảng phất như thể một người thật đang đứng ngay trước mặt vậy.

Và không chỉ người, động vật cũng được khắc hoạ rất tỉ mỉ và sinh động. Góc trái bức bích hoạ, một con sư tử trắng với đôi mắt tinh anh cùng chiếc bờm oai phong hùng dũng.

Có một khắc Đường Tư Kỳ xuất hiện ảo giác những sợi lông tơ mềm mại trên đầu con sư tử đang khẽ lay động trong gió.

Thậm chí cô còn táo bạo suy đoán liệu có khi nào trộn lẫn cả chất liệu thật không? Nếu không sao có thể sống động tới vậy?

Hay trong lỗ tai một con hồ ly, ngay cả mao mạch nhỏ nhất cũng nổi rõ mồn một.

Thật thần kỳ, chỉ là vài màu vẽ đơn giản, sao có thể chứ?

Không chỉ Đường Tư Kỳ, đến Trương Thiên Ý cũng bị thu hút quên cả sợ hãi, bước chân cứ thế vô thức tiến lên, mải miết xem hết bức này tới bức khác.

Tới đây, cả Đường Tư Kỳ lẫn Trương Thiên Ý đều cảm thấy mĩ mãn lắm rồi, nghĩ bụng báu vật đời Minh chắc cũng chỉ đến thế mà thôi.

Nhưng tới khi chân chính diện kiến, hai cô nàng mới biết thế nào là kinh diễm chết lặng.

Bức bích hoạ Thuỷ nguyệt Quan Âm (5) đột nhiên xuất hiện, bất ngờ không báo trước.

Mặc dù đã nghe danh từ lâu nhưng vì trước khi tới đây không chịu chuẩn bị cũng không tìm hiểu trước nên Đường Tư Kỳ hoàn toàn không biết ẩn sâu trong chùa Pháp Hải vắng lặng là cả một báu vật vô giá.

Lúc mắt đối mắt với Quan Âm Bồ Tát trên bức hoạ, Đường Tư Kỳ cảm nhận rõ ràng trái tim mình đập hẫng một nhịp.

Đây là lần thứ hai trong đời cô có cảm giác này, lần đầu là lúc đứng trước Lư Xá Đại Phật tại Hang đá Long Môn. Song dường như cảm giác lần này mãnh liệt hơn, mạnh mẽ hơn.

Sững sờ choáng váng rồi chuyển sang hạnh phúc ngất ngây. Từng tế bào trong cơ thể đều thức tỉnh reo hò hoan ca. Đây đích thị là cảm giác sung sướng khi tiếp xúc với nghệ thuật chân chính.

Chẳng thế mà người ta có câu “Nghệ thuật chân chính làm lay động nhân tâm.”

===

Chú thích:

(1)Minh Anh Tông - 明英宗 ( 29 tháng 11, 1427 – 23 tháng 2, 1464 ), là vị Hoàng đế thứ 6 và thứ 8 của nhà Minh trong lịch sử Trung Quốc.

(2)Thông vỏ trắng Trung Hoa - Pinus bungeana là một loài thông bản địa của miền đông bắc và miền trung Trung Quốc.

(3)Tử đạo hữu bất tử bần đạo - 死道友不死贫道: câu này xuất phát từ dòng Hồng Hoang, ý nói chỉ cần mình sống là được, đạo hữu ( cách gọi bạn bè của người tu đạo) sống chết không quan trọng.

(4)Chư Phật phó hội đồ - 佛众赴会图

(5)Thuỷ Nguyệt Quan Âm - 水月观音

Bạn cần đăng nhập để bình luận