Chu Du Cùng Hệ Thống

Chương 288 - Long huyệt

Chương 288 - Long huyệt

Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên

Chương 288: Long huyệt

Đồng hồ mặt trời thì Đường Tư Kỳ đã từng nhìn thấy ở lễ khai mạc thế vận hội Olympic Bắc Kinh 2008 nên không có gì lạ nhưng cái gia lượng thì cô chưa thấy qua bao giờ. Chỉ biết đó là một dụng cụ đo lường.

Trái phải đan bệ đặt hai vật dụng quan trọng nhất, một cái tính thời gian, một cái đo vạn vật, phản ánh hoàng đế nắm giữ quy tắc thế giới, thống trị vận mệnh thiên hạ chúng sinh.

Chà, đúng là khí phách ngất trời của bậc Quân Vương.

Ấy vậy mà hai vật tưởng chừng như đồ trang trí lại có thể Check-in, lần lượt đem về cho Đường Tư Kỳ hai hạng C.

Trước khi tới đây, Đường Tư Kỳ cũng đã tra cứu sơ và biết được Điện Thái Hoà có rất nhiều điểm khác biệt, nổi bật trong số đó là trần đại điện được thiết kế theo lối tảo tỉnh (藻井), một lối kiến trúc mái vòm cổ điển Trung Hoa với hình tượng rồng cuộn nhả châu tinh xảo tráng lệ cùng các loài dã thú, thuỷ sinh, thảo vật vây xung quanh. Tuy nhiên, phần trần của các đại điện khác chỉ được trang trí chín con thú, riêng Điện Thái Hoà xuất hiện con thú thứ mười, được gọi là Hành Thập (行什).

Hành Thập cầm trong tay một chiếc chày kim cương để hàng ma phục yêu. Người thời Thanh cho rằng nó mang hình hài một con khỉ và có phần cánh là hoá thân của Lôi Chấn Tử trong truyền thuyết.

Không chỉ trong Tử Cấm Thành, mà trên khắp đất nước chỉ duy nhất trần đại điện Thái Hoà được phép trang hoàng hình tượng Hành Thập.

Đứng từ dưới đất nhìn lên, những con vật muôn hình muôn vẻ, con xoè cánh tung bay, con uốn lượn oai vệ, con thẳng lưng hùng dũng nhưng sắc mặt thì chỉ có một, đó là nghiêm túc trấn giữ đại điện này.

Đường Tư Kỳ không nhịn được, giơ di động chụp tách tách vài kiểu. Đáng yêu quá đi, chẳng những thế còn có thể Check-in nữa chứ.

Hệ thống bình xét hạng B.

Kể cũng phải, người vào đây thì nhiều nhưng mấy ai rướn cổ ngó lên trần nhà.

Từ trong đại điện nhìn ra là quảng trường Thái Hoà rộng lớn, nơi đã chứng kiến rất nhiều buổi lễ đăng cơ long trọng và lần cuối cùng là lễ tiếp nhận Nhật Bản đầu hàng. Hoàng đế đăng cơ thì không có phóng sự ghi lại nhưng sự kiện 10/10/1945 quân Nhật đầu hàng thì có phim tư liệu, Đường Tư Kỳ cũng đã có cơ hội được xem. Thời điểm đó, Bắc Bình ( tên gọi Bắc Kinh từ 1368 đến 1405) có hai triệu dân thì phải đến hơn hai trăm ngàn người đổ về Tử Cấm Thành để chứng kiến thời khắc lịch sử quân xâm lược Nhật Bản xin đầu hàng Trung Quốc.

Ngày nay, quảng trường Thái Hoà không còn là nơi tổ chức các sự kiện chính trị trọng đại cấp quốc gia nữa, thay vào đó là quảng trường Thiên An Môn. Cuối cùng thì sau biết bao thăng trầm lịch sử, điện Thái Hoà đã được nghỉ ngơi, trở thành một phần của bảo tàng cố cung, cho con cháu đời sau tìm tới chiêm ngưỡng, khám phá và học hỏi.

Đường Tư Kỳ đang lặng người nhìn ngắm không gian kiến trúc đồ sộ thì Trương Thiên Ý bỗng từ đâu chạy tới, vỗ cái bốp vào vai khiến cô giật nảy mình

“Chị, em dẫn chị đi xem chỗ này quan trọng lắm.”

Đường Tư Kỳ ngơ ra: “Quan trọng? Còn chỗ nào quan trọng hơn điện Thái Hoà sao?”

Trương Thiên Ý híp mắt ra vẻ thần bí: “Tất nhiên đối với hoàng đế thì điện Thái Hoà là quan trọng nhất rồi, nhưng xét về phương diện phong thuỷ thì vẫn chưa phải. Em sẽ đưa chị đi tìm vị trí long huyệt của Tử Cấm Thành.”

Đường Tư Kỳ há hốc miệng, không ngờ điện Thái Hoà vẫn chưa phải vị trí trọng yếu của Tử Cấm Thành. Cô ngu ngơ đi theo Thiên Ý băng qua điện Trung Hoà, điện Bảo Hoà tiến vào khu vực Nội Đình.

Trung tâm của Nội Đình có Tam đại điện, được gọi là Hậu Tam Cung.

Đứng đầu Hậu Tam Cung là Càn Thanh Cung, nơi vua ở.

Đứng thứ ba là Khôn Ninh Cung, nơi Hoàng Hậu ở.

Trương Thiên Ý kéo Đường Tư Kỳ đi thẳng một mạch đến toà đại điện nằm giữa rồi dừng lại nói: “chính là nơi này, điện Giao Thái.”

“Điện Giao Thái? Diện tích không lớn lắm, bài trì cũng không quá xa hoa, thua xa Càn Thanh Cung và Khôn Ninh Cung. Chị nhìn tới nhìn lui cũng không biết nó quan trọng ở chỗ nào?” Đường Tư Kỳ nhíu mày hoài nghi.

Trương Thiên Ý khoanh hai tay trước ngực, khẽ cười: “Em chủ yếu nghiên cứu huyền học là chính, nên cũng không hiểu sâu về phong thuỷ. Nhưng em biết trong phong thuỷ quan trọng nhất là long mạch và long huyệt. Bất luận là xây hoàng cung hay dựng hoàng lăng, thì điểm mấu chốt nhất luôn là tìm long mạch, định long huyệt. Long mạch thì không cần giải thích nhiều nữa, mọi người đều biết nó bắt nguồn từ núi Côn Luân. Nhưng Tử Cấm Thành, thậm chí là toàn bộ thành Bắc Kinh này, thì điểm long huyệt nơi núi sông hội tụ, âm dương giao hoà chính là tại chỗ này, điện Giao Thái.”

Hai mắt Đường Tư Kỳ loé sáng, chỉ là trong lòng vẫn có chút nghi hoặc: “Sao em xác định được?”

“Đầu tiên có thể xác định long huyệt nằm trên trục trung tâm. Tiếp đến là tên, hai từ ‘Giao Thái’ được lấy từ quẻ số 11 [ Địa Thiên Thái ] trong Kinh Dịch, ý chỉ thiên địa giao hoà, vạn vật thông thuận. Mà thiên địa giao hoà chẳng phải long huyệt thì là gì. Cuối cùng chính là vị trí, chị nhìn xem phía trước mặt là Càn Thành Cung, sau lưng là Khôn Ninh Cung. Còn không phải âm dương hội tụ hay sao?”

Đường Tư Kỳ nghe xong chỉ biết bật ngón tay cái tán thưởng: “Đỉnh đỉnh, đại sư quá đỉnh!”

“Haha, em cũng chỉ nói bừa, chị nghe cho vui là được gòiii” Trương Thiên Ý được khen hoá ngượng, “Ai da, hôm nay đi cả ngày vừa mệt vừa đói, mình rẽ qua Ngự Hoa Viên một tí rồi về thôi chị.”

“Ừ đi thôi.”

“Aaaaa, khoan, từ từ đừng ra vội, em còn một thứ rất quan trọng quên chưa mua.”

Trương Thiên Ý kéo tay Đường Tư Kỳ rối rít chạy về hướng Đồng Hồ Quán.

“Mua…mua gì cơ?” Đường Tư Kỳ méo xệch mặt.

Thú thực thì lúc này cô đã mệt lắm rồi, đi một bước cũng còn ngại chứ đừng nói là chạy ngược về. Nhưng thấy cô em có vẻ sốt ruột nên dù mệt đến mấy Đường Tư Kỳ cũng cố đuổi theo.

Bạn cần đăng nhập để bình luận