Chu Du Cùng Hệ Thống

Chương 234 - Thế ngoại đào nguyên

Chương 234 - Thế ngoại đào nguyên

Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên

Chương 234: Thế ngoại đào nguyên

Ngày hôm sau, Đường Tư Kỳ cùng ba mẹ trải nghiệm tàu hoả hai tầng trên chuyến hành trình từ Đại Lý tới Lệ Giang.

Theo kế hoạch ban đầu là sẽ ở Lệ Giang chơi năm ngày. Nhưng sau khi xem dự báo thời tiết trên Weibo phát hiện giờ đang giữa thu đúng độ thảo nguyên Shangri-La vào mùa đẹp nhất. Thế là Đường Tư Kỳ nhanh chóng thay đổi kế hoạch, rút ngắn thời gian ở Lệ Giang xuống còn ba ngày để dành nhiều thì giờ hơn cho Shangri-La.

Biết được cái gu của ba mẹ rồi thế nên tới với cổ trấn Lệ Giang, Đường Tư Kỳ cũng chọn một nhà nghỉ rất lãng mạn và thơ mộng.

Thế nhưng sau khi đi dạo một vòng về, ba mẹ bỗng nhiên mất đi sự hào hứng và thích thú ban đầu.

Công nhận cổ trấn Lệ Giang rất đẹp, đặc biệt là về đêm cảnh sắc càng thêm lung linh huyền ảo dưới nghệ thuật tạo hình bằng ánh sáng đầy tài tình.

Chỉ đáng tiếc, trấn cổ đã bị thương mại hoá quá đà, mọi thứ quá đắt đỏ, các quầy hàng quanh đi quẩn lại toàn bán một vài món giống nhau, chẳng có gì đặc sắc.

Cùng là cổ trấn nhưng hiển nhiên ba mẹ thích Đại Lý hơn hẳn.

Cũng vì quá thích nên trước khi đến đây ba mẹ đã đặt kỳ vọng rất nhiều, cứ nghĩ Lệ Giang cũng giống Đại Lý, vẫn bảo tồn được vẻ đẹp mộc mạc bình dị cổ xưa. Nhưng không, sự thật đã khiến ba mẹ thất vọng tràn trề.

Nhìn hai gương mặt buồn xo mà thấy thương quá, Đường Tư Kỳ lập tức vắt óc suy nghĩ, tìm biện pháp hòng thay đổi cục diện.

“Ở đây có núi tuyết Ngọc Long đẹp kinh khủng, đẹp chấn động lòng người. Hầu như ai tới Lệ Giang đều phải tới núi Tuyết Ngọc Long. Hay là mai nhà mình đến đó chơi đi, để xem có đẹp như lời đồn không?”Đường Tư Kỳ hồ hởi đề nghị.

Ai dè Đường Duệ Thanh phản đối ngay tắp lự: “Thôi thôi, chỗ đó đắt lắm, ba xem qua rồi. Ngoài vé vào cổng còn phải trả thêm tiền xe điện di chuyển, phí bảo vệ môi trường, cáp treo lên đỉnh núi, nếu muốn xem biểu diễn cũng phải mua vé riêng nữa. Đi có một chỗ mà phải tốn ít nhất 500 đồng mỗi người thì nhiều quá. Với lại sức khoẻ mẹ con không tốt, ba sợ lên núi cao không khí loãng ngộ nhỡ khó thở hay làm sao thì chết dở.”

Nghe là đã thấy nguy hiểm rồi, Lưu Anh cũng lập tức lắc đầu xua tay, đẹp thế chứ đẹp nữa cũng không đùa với sức khoẻ được.

Với lại muốn chiêm ngưỡng Ngọc Long Tuyết Sơn, cũng không nhất thiết phải nhìn gần.

Lưu Anh đưa ra ý kiến: “Hay là mình tới chỗ nào thấp thấp chút, có thể vừa dạo chơi vừa ngắm núi Ngọc Long, được không?”

Nói gì thì nói thím cũng khá tò mò về ngọn núi này. Bởi rất nhiều người nhắc về nó với quá trời ngôn từ hoa mỹ. Thế nên bây giờ thím đang bị kẹt ở giữa, đi thì cũng không thích lắm nhưng nếu không đi chắc chắn sẽ tiếc.

Thể theo nguyện vọng của mẫu hậu đại nhân, Đường Tư Kỳ tra cứu suốt nửa ngày trời, cuối cùng cũng tìm được một vị trí đáp ứng yêu cầu, vừa có thể ngắm núi tuyết từ xa vừa có thể dạo chơi ngắm cảnh, và nơi đó chính là Văn Hải, còn được người dân ở đây mệnh danh là thế ngoại đào nguyên - thiên đường chốn nhân gian.

Đường Tư Kỳ phát hiện, ở Vân Nam người ta rất thích gán chữ “hải” vào ao hồ. Tỷ như Nhị Hải, Văn Hải.

Thực chất, Văn Hải cũng là hồ chứ không phải biển, có diện tích 160 héc-ta. Thời Tây Hán, nó nằm ngay trên tuyến đường Trà Mã Cổ Đạo - một mạng lưới giao thông cổ đại gắn liền với sự phát triển và truyền bá của văn hoá trà Trung Hoa. (1)

Hiện giờ, bên cạnh Văn Hải mọc lên một thôn xóm nhỏ bé hiền hoà. Ngày ngày người dân chăn thả gia súc trên cánh đồng cỏ xanh mướt, rộng tít tắp trải dài quanh hồ, mặc sức cho chúng nhẩn nha gặm cỏ, uống nước hồ để sinh trưởng.

Dân bản địa rất hay tới đây dã ngoại, đặt lưng lên thảo nguyên xanh mướt đưa mắt ngắm nhìn dãy Ngọc Long Tuyết Sơn trắng muốt ở phía xa xa.

Đọc một lượt review, thấy khá ổn, Đường Tư Kỳ quyết định ngày mai sẽ dẫn ba mẹ tới đây.

Văn Hải chưa đưa vào khai thác du lịch nên cảnh quan vẫn giữ được nét hoang sơ tự nhiên và không mất bất cứ chi phí tham quan nào. Tuy nhiên cũng chính vì thế mà đường xá chưa được mở, giao thông bất tiện, hoàn toàn không có phương tiện công cộng đi qua chỗ này, vậy nên chỉ có một cách duy nhất đó là tự bao xe đi.

Cũng may hệ thống mới tặng thưởng xong. Đường Tư Kỳ quyết định lấy ra dùng luôn ở Văn Hải.

Song người già hay lo lắng và Đường Duệ Thanh cũng vậy: “Chưa khai thác du lịch? Liệu có ổn không?”

Nhưng Lưu Anh thì giờ phút này đã đặt trọn niềm tin vào con gái rồi: “Nếu sợ thì mua chút đồ ăn nước uống đem theo. Mà em nghĩ con nó đã đề cử chắc không thành vấn đề đâu. Mình cứ đi cho biết.”

Sáng hôm sau, xe tới đón ba người đến với Bạch Sa cổ trấn, nằm ở phía bắc phố cổ Lệ Giang.

Nếu như Lệ Giang cổ trấn quyến rũ bằng sự xinh đẹp động lòng người thì Bạch Sa cổ trấn lại gây ấn tượng bằng nét đẹp bình dị, mộc mạc xưa cũ.

Bạch Sa là một trong những thị trấn lâu đời nhất ở thành phố Lệ Giang và là khu định cư của người Nạp Tây. (2)

Nơi đây còn nổi tiếng với một danh xưng khác đó là Làng bích hoạ Bạch Sa.

===

Chú thích:

(1)Trà Mã Cổ Đạo được hình thằng vào khoảng thời Tây Hán. Là một mạng lưới giao thương cổ đại có thể sánh ngang với " Con đường tơ lụa " trong lịch sử Trung Quốc , nó nằm ở phía tây nam Trung Quốc giữa khu vực Dãy núi Hoành Đoạn và cao nguyên Tây Tạng , bắt đầu từ Thành Đô - Tứ Xuyên, Nhã An, Côn Minh - Vân Nam, Phổ Nhĩ của Trung Quốc, và kết thúc tại Lhasa thuộc Khu tự trị Tây Tạng cho đến tận Đông Nam Á .

(2)Người Nạp Tây hay người Naxi là một dân tộc cư trú chủ yếu ở đông nam vùng núi Himalaya ở tây bắc Vân Nam cũng như tây nam Tứ Xuyên.

Họ là một trong 56 dân tộc được công nhận tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Người Nạp Tây có nguồn gốc từ Tây Tạng, và cho đến gần đây vẫn duy trì các mối liên hệ giao thương mối liền với Lhasa và Ấn Độ.

Bạn cần đăng nhập để bình luận