Chu Du Cùng Hệ Thống

Chương 141 - Lịch sử

Chương 141 - Lịch sử

Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên

Chương 141: Lịch sử

Nghĩ thì oải thật đấy nhưng “chớ thấy sóng cả mà rã tay chèo”, đằng nào cũng phải làm, chi bằng làm sớm xong sớm. Thế là Đường Tư Kỳ quyết định không đi lang thang kiếm tìm trong mờ mịt nữa mà vòng về khách sạn cẩn thận rà soát tài liệu lại từ đầu.

Và sau một ngày ngụp lặn trong đống chính sử cùng dã sử về tiểu sử và bí ẩn cuộc đời Chu Nguyên Chương, Đường Tư Kỳ gần như có thể liệt kệ vanh vách những sự kiện xuyên suốt cuộc đời vị hoàng đế khai quốc nhà Minh này. Tuy nhiên, càng biết nhiều cô lại càng hụt hẫng.

Nửa đời trước của Chu Nguyên Chướng có thể viết thành một bộ sảng văn đầy cẩu huyết, nhưng nửa đời sau lại là câu chuyện của tập thể nhiều người. Bởi trong giai đoạn lật Nguyên lập Minh, khôi phục lại chủ quyền của người Hán, một mình Chu Nguyên Chương sao dựng nổi cơ đồ, phải có rất nhiều huynh đệ hào kiệt yêu nước cùng góp công góp sức nam chinh bắc chiến, thậm chí không tiếc cả tài sản lẫn tính mạng để giành lấy giang sơn.

Có thể nói, sự nghiệp vẻ vang mà Chu Nguyên Chương có được là do nhiều người cùng chung tay tạo dựng. Nếu không có họ, sẽ không có một Minh Thái Tổ - Chu nguyên Chương được người đời ca tụng như bây giờ.

Vậy mà khi về già, Chu Nguyên Chương lại hạ lệnh tru sát (1) mấy chục công thần khai quốc.

Sự kiện này vẫn gây tranh cãi cho tới ngày nay. Một số nhà sử học phân tích rằng những người đó cậy mình có công lao to lớn nên ngang ngược hống hách, làm xằng làm bậy, coi thường kỷ cương phép nước nên bị vua trừng trị. Nhưng cũng có một vài ý kiến cho rằng vì con cháu đời sau quá kém cỏi, Chu Nguyên Chương sợ giang sơn sẽ thuộc về tay kẻ khác, nhất là sau khi Mã Hoàng Hậu qua đời, không ai ở bên khuyên nhủ can gián nên ông ta càng tàn ác, bạo ngược.

Không rõ là vì lý do gì nhưng Chu Nguyên Chương đã thật sự hạ sát tất cả những tướng tài thiện chiến, chỉ giữ lại những danh tướng giỏi thủ thành để bảo về quyền lợi cho chính mình cũng như dòng tộc mình.

Từ góc độ này xem ra thứ còn thiếu nằm ở chỗ những vị công thần dựng nước, Đường Tư Kỳ nên đào sâu theo hướng này, ắt hẳn sẽ có kết quả.

Ngày hôm nay tạm thời thế đã, giờ ngủ một giấc lấy sức rồi mai bắt đầu lên đường tìm kiếm địa điểm trọng yếu mà cô đã lỡ bỏ sót.

Sáng hôm sau, mặt trời vừa ló dạng Đường Tư Kỳ đã rời giường, mang theo vài món đồ thiết yếu rồi một lần nữa leo núi Tử Kim, men theo con đường mòn mà hôm trước cô cùng dì Lỳ và nhóm “Thanh-Bạch” đã đào rau dại.

Ở phía Bắc núi Tử Kim, Đường Tư Kỳ phát hiện một khu lăng mộ tương đối hoành tráng. Xung quanh rừng tre thẳng tắp, cỏ hoang mọc thành cụm um tùm, rậm rạp, nếu không phải nhìn thấy những bức tượng ngựa, cừu, hổ và chiến binh đúc đá giống như ở Minh Hiếu Lăng thì Đường Tư Kỳ đã dễ dàng bỏ qua.

Dựa theo bản đồ chỉ dẫn, nơi đây chính là lăng mộ của Thường Ngộ Xuân - một danh tướng cuối thời nhà Nguyên, đầu nhà Minh. (2,3)

Nhắc đến Thường Ngộ Xuân, khả năng nhiều người sẽ nghĩ ngay đến một nhân vật trong tiểu thuyết Ỷ Thiên Đồ Long Ký của nhà văn Kim Dung, người đã dẫn Trương Vô Kỵ đến Hồ Điệp Cốc để chữa trị vết thương đồng thời cũng là chứng hôn cho Chu Chỉ Nhược và Trương Vô Kỵ.

Nhân vật trong truyện là một giáo đồ của Minh Giáo, được khắc hoạ như một hào kiệt yêu nước, trọng nghĩa khí. Và nguyên mẫu ngoài đời còn lẫy lừng hơn thế nữa. Thường Ngộ Xuân anh dũng, thiện chiến, dẫn quân có phương sách, tự nhận có thể dùng mười vạn quân đánh khắp thiên hạ, vậy nên trong quân đội còn được binh sĩ ca tụng là “Thường Thập Vạn”.

Tiếp tục đi sâu vào bên trong, Đường Tư Kỳ nhìn thấy một tấm bia đá bên trên khắc “Minh Hiếu Lăng - Lăng mộ công thần Thường Ngộ Xuân”.

Bởi vì trước đó đã tìm hiểu rất kỹ về cuộc đời Chu Nguyên Chương nên tất nhiên Đường Tư Kỳ không thể không biết tới Thường Ngộ Xuân. Bất giác, trong lòng Đường Tư Kỳ nổi lên nhiều cảm xúc phức tạp khi đứng trước mộ phần của một vị đại nguyên soái anh dũng, thiện chiến, từng kề vai sát cánh cùng Chu Nguyên Chương vượt sông Trường Giang, giành được Thái Bình, rồi công hạ Tập Khánh, tiến đánh Ninh Quốc, dù thân trúng tên lạc vẫn ngoan cường chiến đấu, liên tiếp công phá Ninh Quốc, Trì Châu, Dư Châu. Rồi trong trận chiến hồ Phàn Dương, ông đã anh dũng dẫn đầu, cứu ra được Chu Nguyên Chương đang bị quân đội của Trần Hữu Lượng vây khốn. Cũng một mình ông lại dẫn quân phong toả Hồ Khẩu, tiêu diệt trăm nghìn quân Trần…và còn rất nhiều, rất nhiều những chiến công hiển hách khác nữa.

Bao năm mài đũng quần trên ghế nhà trường, đọc làu làu những trang sử dày đặc chữ nhưng chưa bao giờ Đường Tư Kỳ cảm thấy lịch sử lại chân thật đến vậy.

Những vị anh hùng dân tộc, những người được vinh danh là chiến thần, họ có thật chứ không phải hư cấu. Họ cũng có máu có thịt, cũng là những con người bình thường nhưng họ đã làm nên kỳ tích.

Nhờ chu du cùng hệ thống mà Đường Tư Kỳ may mắn có cơ hội đến đây, tận mắt nhìn thấy những dấu vết mà họ lưu lại.

Nhắm mắt vào, cô có thể tượng tượng ra hình ảnh một vị anh hùng hiên ngang, anh dũng nơi sa trường, dù có tên bay đạn lạc hay máu chảy đầu rơi thì vẫn giữ nguyên tư thái kiên trung bất khuất.

Tháng 7 năm 1370, trên đường trở về kinh sư, Thường Ngộ Xuân chết bất đắc kỳ tử. Chức đại tướng quân được giao cho cậu em vợ Lam Ngọc. Lam Ngọc hết lòng phò tá hoàng đế, lập nhiều đại công nên được giữ vị trí trọng trách trong triều đình. Nhưng rồi bị quyền thế và hư vinh làm cho mờ mắt, Lam Ngọc phạm phải đại tội mưu phản, bị tru di cửu tộc, kéo theo rất nhiều con cháu Thường gia, ngay cả người con thứ hai của Thường Ngộ Xuân cũng không thoát khỏi tội chết.

Thường Ngộ Xuân cả đời cống hiến, mang về vinh quang và uy vọng cho gia tộc, sau cùng lại bị con cháu phá huỷ hết thảy. Quả thật đáng tiếc.

Đường Tư Kỳ lẳng lặng đưa mắt bao quát toàn cảnh. Tĩnh mịch quá, hiu quạnh quá. Cả một trang sử hào hùng lẫm liệt, đến cuối cùng cát bụi cũng về với cát bụi mà thôi. Đột nhiên, Đường Tư Kỳ rung cảm sâu sắc với cái gọi là thời gian, cái gọi là lịch sử.

“Ngày đi, tháng chạy, năm bay.

Thời gian nước chảy, chẳng quay được về”

===

Chú thích:

(1)Kể rõ tội lỗi ra mà giết thì gọi là “tru”. Tru sát tức là giết những kẻ có tội.

(2)Thường Ngộ Xuân (1330-1370) sinh ta tại Phúc Kiến. Tự Bá Nhân, hiệu Yên Hành. Ông cùng Minh Thái Tổ chu Nguyên Chương lật đổ nhà Nguyên, lập ra nhà Minh, khôi phục chủ quyền của người Hán ở Trung Quốc. Tước phong Ngạc Quốc Công, truy phong Khai Bình Vương, thuỵ Trung Vũ.

Ông là 1 trong 9 người được thờ phụng tại Đế Vương Miếu - nơi nhà Minh, nhà Thanh đặc biệt xây dựng nên để thờ những vị quan văn, võ tướng được đánh giá là tài năng xuất chúng và tận trung nhất qua các triều đại.

(3) Mộ Thường Ngộ Xuân nằm trên dãy núi Tử Kim, thuộc thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô. Lăng mộ này đã được Hội đồng Nhà nước Trung Quốc xếp hạng là dì tích lịch sử văn hoá lớn cấp quốc gia tại tỉnh Giang Tô.

Ngày nay, lăng mộ là một phần của Di sản thế giới Lăng tẩm hoàng gia Minh - Thanh, được UNESCO công nhận từ năm 2003.

Bạn cần đăng nhập để bình luận