Chu Du Cùng Hệ Thống

Chương 293 - Bảo tàng quốc gia Trung Quốc

Chương 293 - Bảo tàng quốc gia Trung Quốc

Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên

Chương 293: Bảo tàng quốc gia Trung Quốc

Lúc này mới hơn 9 giờ sáng, vừa qua giờ mở cửa một tí mà đã có rất đông người xếp hàng đợi kiểm tra an ninh.

Cái hàng dài lê thê, tốc độ di chuyển chậm hơn rùa bò, không biết phải đợi bao lâu mới tới lượt. Ai cũng uể oải và sốt ruột.

May thay, Đường Tư Kỳ vẫn có chuyện làm để giết thời gian

[ Chúc mừng người chơi Check-in thành công địa danh “Đại lễ đường Nhân dân” được in trên mặt sau tờ tiền 100 nhân dân tệ.

Xếp hạng: A

Khen thưởng: 500 đồng vàng.

Tiến độ: 2/6.

Lời nhắn từ hệ thống: Hãy nỗ lực tăng tốc nhé! ]

Ối trời, hôm nay còn đặc biệt được hệ thống nhắn nhủ khích lệ nữa. Hoá ra mới đi được một phần ba chặng đường mà nhiệm vụ thì đã nhận từ rất lâu rồi. Haizza, cái tốc độ quả thực rất đáng quan ngại!

Cơ mà ai bảo nhiệm vụ khoai quá chi, có muốn nhanh cũng không được!

Đường Tư Kỳ tảng lờ hệ thống, đút tọt điện thoại vào túi xách, tỉnh bơ chén sạch bữa sáng dã chiến.

Cũng may hôm nay có đồng đội hỗ trợ nên giờ này Đường Tư Kỳ mới có bánh quẩy và sữa đậu nành để ăn.

Đứng phía sau, Trương Thiên Ý ngáp một cái rõ to: “Không biết phải xếp hàng bao lâu nữa, buồn ngủ quá đi mất. Mà sao hôm nay đông thế nhở…”

Hai cô bạn đi cùng cũng bắt đầu nhăn nhó mất kiên nhẫn.

Thấy tinh thần mọi người có chiều hướng đi xuống, Đường Tư Kỳ bèn bày trò tìm vui: “Các cậu có chơi Vương Giả Vinh Diệu không? Hay là bọn mình lập đội làm ván đi.”

“Tớ có, tớ hay chơi xạ thủ đi rừng.”

“Tớ cũng chơi, tớ đi trung lộ.”

Mỗi Trương Thiên Ý là mắt chữ o miệng chữ a: “Gì? Các chị đỉnh vậy? Em chỉ biết đi sau hỗ trợ thôi. Còn chị Tư Kỳ, chị chơi vị trí nào?”

Đường Tư Kỳ: “Cái nào cũng được, nhưng tốt nhất là đi rừng.”

Trương Thiên Ý hơi do dự: “Nhưng chúng ta chỉ có bốn người…”

Phải năm người mới có thể lập đội mở trận.

Tuy nhiên đó đâu phải vấn đề, trong lúc Trương Thiên Ý còn đang nghĩ cách giải quyết thì Đường Tư Kỳ đã mời xong một bạn nam trên danh sách chờ.

Bạn này đòi cầm tướng xạ thủ, bốn cô gái nhất trí ngay. Những tưởng gặp được cao thủ ai ngờ vớ phải ông gà mờ. Suốt trận chỉ toàn bắn hụt rồi ngu ngơ nộp mạng cho địch, chẳng hỗ trợ được gì, làm Trương Thiên Ý phải nhảy khỏi vị trí lên hỗ trợ cho trung lộ.

Thế cục bế tắc, loạn xì ngầu, cũng may có Đường Tư Kỳ gánh team, một mình xông pha tả xung hữu đột, di chuyển nhịp nhàng hợp lý, vừa tiếp viện đồng đội vừa tấn công đối thủ.

“Wow, chị Kỳ lợi hại!”

Ba cô nương tay bấm lia lịa, miệng khen không ngớt.

Ban nãy uể oải bao nhiêu, giờ hưng phấn bấy nhiêu, cứ leo lẻo chị Kỳ ơi, nữa nữa!

Thậm chí cho tới lúc vào trong bảo tàng rồi mà Trương Thiên Ý vẫn còn bám riết năn nỉ: “Chị Kỳ, chị thêm bạn em đi, sau này chị dắt em theo với.”

Đường Tư Kỳ còn chưa kịp trả lời, Trương Thiên Ý đã nóng vội đặt vấn đề: “Chị, chị bảo kê em trong game đi, em gieo quẻ lục hào (1) giúp chị tính nhân duyên coi như trao đổi, thế nào?”

Vừa nghe thấy thế, Đường Tư Kỳ lạnh hết cả sống lưng, tức khắc lắc đầu quậy quậy: “Thôi đừng đừng, chị thêm chị thêm, em không cần phải đổi chác gì hết.”

Phải như vậy thì Đường Tư Kỳ mới được yên để chiêm ngưỡng viện bảo tàng.

Quả không hổ là bảo tàng quốc gia Trung Quốc và bảo tàng lớn thứ ba thế giới, diện tích và kiến trúc của nó phải nói là vô cùng đồ sộ. Tương đương với toà Đại lễ đường Nhân dân của chính phủ. Hai toà nhà, một nằm phía Đông, một nằm phía Tây, tạo thành hai cánh, ôm quanh quảng trường Thiên An Môn.

Đấy là nhìn từ phía ngoài, đi vào bên trong mới lại càng ngỡ ngàng, chỉ còn biết há hốc mồm ồ à tán thưởng!

Không gian viện bảo tàng chia thành 48 phòng triển lãm trưng bày các chủ đề khác nhau.

Đường Tư Kỳ ngây ngốc tại chỗ, nhiều như vậy, biết bắt đầu tham quan từ đâu bây giờ?

Cũng may, hai cô bạn đi cùng rất được việc, trước khi tới đây đã nghiên cứu tìm hiểu kỹ càng rồi.

“Khu vực trọng điểm nhất chính là nơi trưng bày các văn vật cổ đại. Hầu hết các bảo vật quý giá bậc nhất của nước ta đều thuộc thời cổ đại. Xem xong ở đó rồi mình vòng sang những chỗ khác vẫn được. Mấu chốt là 9 rưỡi sáng nay ở phòng triển lãm cổ đại có buổi thuyết giảng miễn phí. Chúng ta nhất định không được bỏ lỡ.”

Các bạn nói có lý quá, Đường Tư Kỳ bị thuyết phục ngay. Hơn nữa kinh nghiệm trước đây cho cô biết đi tham quan viện bảo tàng có thuyết minh và không có thuyết minh là hai trải nghiệm hoàn toàn khác biệt, cách nhau một trời một vực.

Cô không cần suy nghĩ, lập tức cùng các bạn tới phòng triển lãm cổ đại trước tiên.

Cũng giống như hầu hết các viện bảo tàng khác, văn vật ở đây được sắp xếp theo thứ tự thời gian và tất cả cùng bắt đầu từ thời tiền sử.

Điển hình là văn hoá Ngưỡng Thiều (2), văn hoá Mã Gia Diêu (3), văn hoá Hồng Sơn (4) đều có số lượng lớn văn vật được trưng bày.

Ở chỗ này, một lần nữa Đường Tư Kỳ bắt gặp lại chiếc “Chậu gốm hoa văn nhân diện ngư” mà cô ấn tượng nhất ở bảo tàng tỉnh Thiểm Tây.

Tiến vào thời Thương Chu, số lượng văn vật tăng lên đáng kể, kỹ thuật chế tác cũng tiến bộ rõ rệt, chủ yếu là các loại đồ đồng.

Tự nhiên, Trương Thiên Ý kích động rối rít tít mù

“Ôi trời ơi, mấy chị nhìn này, trên thân mấy món này khắc các loại thần thú. Con này là Thao Thiết, con này là Long Văn. Mà hai con Long Văn này khác nhau nha, một con là Giao Long Văn còn một con là Quỳ Long Văn.”

Đường Tư Kỳ khá là bất ngờ: “Em cũng am hiểu hoa văn trên đồ đồng hả?”

Trương Thiên Ý cười hì hì: “Những hoa văn trang trí trên đây đều là thượng cổ thần thú. Trùng hợp trong Kỳ môn độn giáp (5) cũng có tám thần thú, cho nên em cũng biết chút chút. Lúc rảnh rỗi em hay lôi ra xem hình, xem nhiều thành nhớ, không ngờ hôm nay có đất dụng võ, hehe. Mà phải công nhận bộ sưu tập trong bảo tàng quốc gia phong phú thật, riêng đồ đồng đã quá trời quá đất. Lần đầu tiên em thấy một bộ sưu tập đồ đồng đồ sộ tới vậy á!”

===

Chú thích:

(1)Lục hào là hình tướng của Kinh dịch, sử dụng quẻ gồm Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài, ghép với nhau tổng cộng có 64 quẻ. Mỗi quẻ đều có sáu hào tổng cộng là 384 hào cái. Lại thêm ngũ hành, địa chi, lục thân, lục thần, kết hợp nhiều quẻ tượng mà đến đây liền có thể mô phỏng ngàn vạn nhân gian.

(2)Văn hóa Ngưỡng Thiều - 仰韶文化, là một văn hóa thời kỳ đồ đá mới đã tồn tại rộng khắp dọc theo miền trung Hoàng Hà tại Trung Quốc. Văn hóa Ngưỡng Thiều có niên đại khoảng 5000 TCN tới 3000 TCN. Văn hóa này được đặt tên theo Ngưỡng Thiều, di chỉ khai quật đại diện đầu tiên của văn hóa này, được nhà khảo cổ học Thụy Điển là Johan Gunnar Andersson (1874-1960) phát hiện năm 1921 tại khu vực ngày nay thuộc huyện Mẫn Trì, địa cấp thị Tam Môn Hiệp, tỉnh Hà Nam. Văn hóa này từng thịnh vượng tại khu vực ngày nay là các tỉnh Hà Nam, Cam Túc, Thiểm Tây và Sơn Tây.

(3) Văn hóa Mã Gia Diêu - 马家窑文化, là một nền văn hóa thời đại đồ đá mới, ước tính tồn tại từ 3300-2100 TCN tại khu vực Cam Túc và đông bộ Thanh Hải. Đây là nền văn hóa thải đào (gốm màu) sáng tạo huy hoàng, đạt tới đỉnh cao của việc làm gốm màu ở thế giới viễn cổ, đồng thời người ta cũng khai quật được các vật phẩm đồng thanh cổ xưa nhất của Trung Quốc. Văn hóa Mã Gia Banh là một loại hình văn hóa Ngưỡng Thiều phát triển về phía tây.

(4) Văn hóa Hồng Sơn - 红山文化, là một nền văn hóa thời đại đồ đá mới ở tại đông bắc Trung Quốc. Các di chỉ thuộc văn hóa Hồng Sơn được phát hiện tại một khu vực trải rộng từ khu Nội Mông đến Liêu Ninh (Hoa Bắc) của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, có niên đại có từ khoảng tầm 4.700 TCN đến 2.900 TCN.[1] Đây là một trong những nền văn minh cổ xuất hiện sớm nhất tại Trung Quốc

(5)Kỳ Môn Ðộn Giáp là một môn cổ học tinh hoa của người Trung Hoa được phát minh vào khoảng 5 ngàn năm trước đây. Từ thời Hoàng Ðế lập quốc đã được sử dụng trong trận chiến với Si Vưu. Sau này, được các Thánh hiền khác như Thái Công, Lã Vọng, Trương Lương, Gia Cát Lượng Khổng Minh, Lưu Bá Ôn phát triển và hoàn chỉnh thêm. Thời xưa, chủ yếu được dùng trong đấu tranh chính trị và quân sự. Hiện nay, bộ môn này đã được áp dụng rất rộng rãi trong mọi lĩnh vực trong đời sống hàng ngày nhưng vẫn mang nhiều nét huyền bí mà không phải ai cũng biết.

Bạn cần đăng nhập để bình luận