Chu Du Cùng Hệ Thống

Chương 309 - Khớp tiêu chí

Chương 309 - Khớp tiêu chí

Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên

Chương 309: Khớp tiêu chí

Vừa nghe thấy thế là Đường Tư Kỳ liền biết chỗ này nhất định không thể bỏ qua. Nằm ngay khu trung tâm đông đúc nhưng lại ít người lui tới, chẳng phải vừa khớp với tiêu chí của nhiệm vụ sao?!

“Okay, chị đi! Thế nào Thiên Ý, đi chung luôn ha, càng đông mới càng vui!”

Trương Thiên Ý rũ như cọng rau héo: “Nhưng mà em mệt lắm, mệt thật á…”

Cô em trong nhóm đánh vào đòn tâm lý: “Đại sư Thiên Ý à, ở trong đó có nhiều chùa chiền miếu mạo, hẳn là phong thuỷ tốt lắm, rất thích hợp với đại sư.”

Quả nhiên, Trương Thiên Ý tỉnh liền. Tuy rằng chùa chiền miếu mạo và huyền học không có quan hệ nhiều nhưng chỉ cần dính líu tí ti là cũng đủ khơi gợi hứng thú của cô nàng rồi.

“Cũng được, muốn em đi chung cũng được nhưng lát mấy chị phải dẫn em đi ăn ngon đấy không là cái chân này hổng nhấc nổi đâu.”

“Rồi rồi, lát nữa tụi chị sẽ hộ tống đại sư đi ăn ngon ha.”

Trương Thiên Ý cười hí hí hăm hở dẫn đầu đoàn. Cả nhóm rời khỏi vườn bách thú bằng cổng Tây Bắc, vừa ra khỏi cổng ngẩng đầu lên là thấy lối vào bảo tàng chạm khắc nằm ngay trước mặt.

Tên đầy đủ của nó là Bảo tàng nghệ thuật chạm khắc đá Bắc Kinh, tuy nhiên rất nhiều dân địa phương không biết đến sự tồn tại của nơi này. Chỉ khi nhắc tới danh xưng Ngũ Tháp Tự (1) thì hoạ may còn có người biết.

Và lại càng ít người ngờ tới khu vực cổ kính kín cổng cao tường nằm phía Đông Bắc vườn bách thú Bắc Kinh lại chính là viện bảo tàng chạm khắc đá.

Vé vào cửa 20 đồng, không đắt.

Vốn Đường Tư Kỳ cũng không hy vọng nhiều, nghĩ bụng chắc chỉ là một viện bảo tàng nho nhỏ, quy mô khiêm tốn. Nhưng bước chân càng tiến vào sâu, suy nghĩ của cô càng thay đổi.

Diện tích viện bảo tàng rộng lớn hơn tưởng tượng, vừa bước qua cổng đập vào mắt là một ngôi chùa, trên đỉnh dựng năm toà tháp vô cùng bắt mắt.

Xem tên đoán nghĩa, Ngũ Tháp Tự hẳn là ngôi chùa này.

“Ôiiii…chúng ta tới muộn mất rồi!” Trương Thiên Ý nhìn hai cây cổ thụ hai bên chùa, bưng mặt cảm khái.

Tưởng có chuyện gì, ba cô chị xúm lại quan tâm: “Làm sao vậy?”

Trương Thiên Ý hướng mắt về phía trước, ngập tràn tiếc nuối: “Đây là hai cây bạch quả đã hấp thụ linh khí đất trời hơn trăm năm. Nếu chúng ta tới vào dịp đầu thu sẽ có thể thấy được những chùm quả tròn trĩnh căng mọng trước khi chúng rụng xuống.”

Đường Tư Kỳ ngẩng đầu nhìn, khung cảnh trước mắt đẹp như tranh vẽ, gần trong gang tấc mà xa tựa ảo ảnh.

Tháp chùa cổ kính trang nghiêm, bạch quả cổ thụ sừng sững hai bên vừa như bảo vệ vừa làm nền tô đẹp cho cảnh chùa. Lãng mạn đấy, nên thơ đấy nhưng đâu đó phảng phất vài phần tang thương của tháng năm xưa cũ.

Ở ngoài kia tạp niệm vui buồn ra sao không biết nhưng một khi bước chân vào nơi thanh tịnh, đáy lòng tự nhiên an yên đến lạ.

Bốn chị em nghiêm trang từ tốn vãn cảnh chùa. Đường Tư Kỳ phát hiện khắp nơi đặt rất nhiều bia đá cùng tượng điêu khắc, bên trong phòng triển lãm cũng trưng bày rất nhiều văn vật cổ. Những cái này nếu không có thuyết minh thì đảm bảo xem không hiểu.

Đường Tư Kỳ vòng ra cổng, hỏi thăm dịch vụ thuyết minh viên.

Cô nhân viên soát vé cười gượng: “Mọi người thông cảm chờ chút ạ. Vốn dĩ chiều nay đã sắp xếp một thuyết minh viên tình nguyện nhưng do trong nhà xảy ra việc đột xuất nên cáo lỗi không tới được. Vừa rồi cô ấy có gọi điện thoại thông báo vẫn tới làm nhưng sẽ muộn một chút. Nếu mọi người không vội thì vui lòng đợi cô ấy chút nhé.”

Đường Tư Kỳ liền quay sang thuyết phục ba cô em. Đằng nào vừa rồi đi chơi vườn bách thú cũng mỏi chân, giờ vừa hay ngồi xuống đây uống ngụm nước nghỉ ngơi cho đỡ mệt. Xem như một công đôi việc.

Bốn chị em đợi tầm nửa tiếng thì thuyết minh viên cuối cùng cũng tới.

Đã gần cuối giờ chiều, thời gian tương đối trễ nên khách tham quan chẳng còn mấy người. Trừ bỏ nhóm Đường Tư Kỳ thì chỉ có thêm vợ chồng hai cô chú trung niên, tổng cộng là sáu người.

Thuyết minh viên cũng đứng tuổi nên nói năng lịch sự, hoà nhã: “Rất xin lỗi cô chú và các bạn. Hôm nay ống nước trong nhà bị vỡ đâm ra xử lý mất thời gian quá. Đáng lẽ tôi nên đến sớm hơn, khiến mọi người phải chờ lâu rồi. Xin giới thiệu tôi họ Lưu, rất vui hôm nay được làm hướng dẫn viên cho mọi người.”

Trương Thiên Ý hấp tấp bật chế độ tò mò: “Ủa chị là tình nguyện viên ạ? Tức là hướng dẫn không nhận lương sao?”

Chị Lưu cười hiền hậu: “Đúng vậy cô bé, đã là tình nguyện viên thì làm gì có lương. Nhưng tôi thực sự thích công việc này. Nhà tôi ở gần đây, từ nhỏ đã thích tới nơi này đi dạo. Sau khi về hưu liền biết bảo tàng tuyển tình nguyện viên nên cũng tới báo danh nào ngờ được tuyển thật. Âu cũng là cái duyên. Nào, giờ để tôi giới thiệu cho mọi người bảo vật trấn thủ của viện bảo tàng: Kim cương bảo toạ.”

Tiếp sau đó, chị Lưu kiên nhẫn giải thích về nguồn gốc hình thành toà Kim cương bảo toạ. Năm Vĩnh Lạc triều Minh, một vị phật tử Ấn Độ đã du hành tới Trung Quốc và phát tâm xây tháp Phật. Chỉ đáng tiếc, tấm lòng bao la nhưng sức người có hạn, một mình ông ấy không thể hoàn thành công trình. Mãi cho tới thời Minh Hiến Tông, ngôi chùa mới được xây dựng hoàn chỉnh, tới nay đã hơn 500 năm.

Nghe đến đây, Đường Tư Kỳ bất chợt cảm khái. Thì ra không phải tự nhiên mà có lời truyện miệng “Muốn biết lịch sử Trung Quốc 500 năm hãy tới Bắc Kinh”. Và Ngũ Tháp Tự cũng vừa hay tròn 500 năm tuổi.

Tương truyền, trong năm toà tháp trên nóc chùa, có một toà khắc dấu chân Phật. Điều này xuất phát từ phong tục của Phật tử Ấn Độ, họ khắc dấu chân Phật lên tháp chùa với ngụ ý nhắc nhở rằng Đức Phật đã hiện diện trên trái đất và để lại một “con đường” tâm linh cho chúng sinh theo đuổi.

Dấu chân này vô cùng đặc biệt và trên khắp đất nước Trung Quốc, không tới mười chùa có được vinh dự ấy.

===

Chú thích:

(1)Ngũ Tháp Tự hay Chân Giác Tự - 真覺寺 Zhenjue Temple- The Five Pagoda Temple

Bạn cần đăng nhập để bình luận