Chu Du Cùng Hệ Thống

Chương 145 - Bạn đồng hành

Chương 145 - Bạn đồng hành

Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên

Chương 145: Bạn đồng hành

Hai bé gấu cực đáng yêu và ngộ nghĩnh, thường xuyên lặp đi lặp lại chuỗi hành động rập khuôn khá vô nghĩa và khó hiểu, ví dụ như chạy qua chạy lại chẳng có mục đích gì hay lắc lắc đầu liên tục một cách vô thức.

Và để có thể hiểu hơn cũng như chăm sóc các bé được tốt nhất, ngoài những người có chuyên môn thì du khách cũng có thể tham gia quan sát hành vi của hai bé gấu thông qua cuốn sổ ghi chép được vườn bách thú đặt ngay ngoài cửa chuồng.

Đi tham quan không chỉ vui chơi, học hỏi thêm kiến thức mà còn có trách nhiệm quan trọng thế nên các bạn nhỏ nhiệt tình lắm, đứa nào đứa nấy căng mắt ra quan sát rồi cố gắng ghi nhớ những chi tiết nhỏ nhất để tí còn kể lại cho cô giáo nghe để cô ghi vào sổ giúp.

Đợi các bạn nhỏ đi rồi, Đường Tư Kỳ tò mò mở cuốn sổ ra xem. Ồ, không chỉ trẻ con mà ngay cả khách tham quan là người lớn cũng rất hào hứng với việc nghiên cứu này. Những dòng chữ chi tiết và tường tận cho thấy không ít người có trách nhiệm với thiên nhiên và yêu thương động vật.

Bất tri bất giác, Đường Tư Kỳ tự nguyện trở thành fan hâm mộ của vườn bách thú Hồng Sơn lúc nào không hay.

À đúng rồi, hình như ban nãy anh chủ khách sạn bảo vườn bách thú từng có giai đoạn bị thua lỗ nặng thì phải. Không biết là vì chuyện gì nhỉ, Đường Tư Kỳ lập tức lên mạng tra cứu.

Không khó để Đường Tư Kỳ tìm ra nguyên nhân bởi có quá trời bài báo đề cập, phân tích, thậm chí “giật tít - câu view” về vấn đề này. Thì ra thua lỗ ba triệu nhân dân tệ là có thật. Thế nhưng trong giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng đó, vườn bách thú Hồng Sơn vẫn quyết không mở thêm các hoạt động xiếc thú, cho thú ăn, bắt thú làm trò chụp ảnh cùng khách…để tăng thêm lợi nhuận.

Rất may, đứng trước nguy cơ và thách thức, vườn bách thú Hồng Sơn không phải đối mặt một mình mà đã nhận được sự giúp đỡ từ cư dân mạng. Các quỹ Bảo Vệ Động Vật, Chung Tay Vì Sở Thú Hồng Sơn được thành lập và đã nhận được sự hưởng ứng, quyến góp từ đông đảo người dân khắp cả nước.

Rất nhanh, cụm từ khoá “Vườn Bách Thú Hồng Sơn” nổi rần rần. Mà một khi đã nổi tiếng thì tất tần tật những chuyện xa lắc xa lơ từ thời cố hỷ cố lai cũng bị đào bới lên.

Vì dụ như trước phi vụ ba triệu nhân dân tệ, vườn bách thú Hồng Sơn cũng đã lao đao vài phen. Song dù gian nan thế nào, ông chủ cũng quyết một lòng bảo vệ lũ thú nhỏ. Thậm chí có phải tạm thời cho nhân viên nghỉ việc thì cũng không cắt giảm khẩu phần ăn của động vật.

Trong mắt nhiều người, ông giám đốc Hồng Sơn đích thị là một kẻ ngốc, chẳng biết gì về làm ăn kinh doanh. Đã mở cửa làm ăn thì phải bày ra nhiều trò giải trí, huấn luyện thú vật làm trò mua vui cho khách, hay mở thêm dịch vụ cho thú ăn như hầu hết các sở thú khác. Vừa bán được thực phẩm, mà lại vừa đỡ phải cho động vật ăn, đúng là lời gấp đôi.

Nhưng câu trả lời của ông giám đốc luôn luôn là không. Động vật khi được cho ăn như vậy sẽ hình thành thói quen không tốt, mỗi lần thấy du khách chúng sẽ chắp tay xin ăn, thậm chí là chạy theo cướp đồ ăn trên tay khách. Hình ảnh đấy thực sự không đẹp, lại còn làm mất đi định hướng và mục tiêu ban đầu khi thành lập vườn bách thú thế nên ông nhất quyết không làm. Dù khó khăn đến mấy cũng không làm.

Không dừng lại ở đó, sự thiết kế có tính độc đáo và khác lạ của Hồng Sơn cũng vấp phải rất nhiều ý kiến trái chiều. Không ít bà mẹ lên mạng phàn nàn đã tốn tiền mua vé cho con vào xem thú mà lại chẳng nhìn thấy thú đâu, cũng không được cho ăn, không được phép tiếp xúc quá gần. Đã vậy còn bắt leo lên đồi cao trèo xuống đồi thấp, nói chung dịch vụ quá tệ, trải nghiệm quá kém, không đáng tiền.

Đứng trước những lời bình luận tiêu cực, nhân viên sở thú đã rất nỗ lực để giải thích về mục đích cũng như ý đồ của việc xây dựng là để tạo cảnh quan và không gian sống tốt nhất cho động vật. Tuy hơi khó gặp các bé nhưng các bé sẽ khoẻ mạnh và có những biểu cảm tự nhiên, đáng yêu, ngộ nghĩnh hơn.

Ngoài việc nhận nuôi, vườn bách thú Hồng Sơn còn làm công tác cứu trợ các động vật hoang dã, điển hình trong số đó là Nhà trẻ cú mèo. Cú mèo hoang đi lạc hay bị thương sẽ được đón về sở thú chữa trị tới khi nào thật sự khoẻ mạnh thì sẽ thả nó về với thiên nhiên.

Sau khi đi tham quan một vòng, Đường Tư Kỳ đã hiểu được lý do tại sao anh chủ khách sạn lại giới thiệu cho cô nơi này.

Thêm một người biết thì sẽ thêm một cơ hội để vườn thú Hồng Sơn có thể tồn tại lâu hơn.

Chơi hơn nửa ngày trong đây, Đường Tư Kỳ chụp rất nhiều ảnh, quay rất nhiều video clip để dành làm tư liệu sống.

Sau đó, cô quay về khách sạn đóng gói hành lý.

Anh chủ khách sạn bịn rịn hơn chia tay người yêu: “Về nhá, khi nào chơi game nhớ hú, bất kể lúc nào dù là ngày hay đêm anh cũng nguyện đi theo hộ tống tiểu sư phụ. À, sau này nếu có dịp quay lại Nam Kinh chơi thì cứ đến chỗ anh mà ở, anh sẽ có giá ưu đãi dành riêng cho tiểu sư phụ.”

Đường Tư Kỳ dở khóc dở cười, tạm biệt anh chủ rồi kéo Vali ra ga.

Có thể nói chuyến đi Nam Kinh lần này thành công mĩ mãn, thu hoạch được nhiều thành quả bất ngờ. Ý tưởng tràn đầy, Đường Tư Kỳ đang rất nôn nóng ngồi vào bàn sáng tác đây.

Khi cô về tới Thượng Hải, cả chị Từ Thiên Ngưng lẫn nhóc con Tuấn Bảo đều đang có ở nhà.

Nhìn thấy Đường Tư Kỳ bất ngờ đứng trước cửa, Lạc Tuấn Bảo tức khắc quăng bút sang một bên, chạy ào ra đón rồi ríu rít khoe các tác phẩm gần đây của mình.

Dù hơi mệt song Đường Tư Kỳ vẫn kiên nhẫn lật giở từng bức một. Càng xem, cô càng tròn mắt ngạc nhiên

“Ồ hơi bị được đấy, con đi học được mấy buổi rồi?”

Lạc Tuấn Bảo trả lời rất nhanh không cần suy nghĩ: “Hai buổi, cô giáo đổi lịch, hôm nay học buổi thứ ba.”

Mới có hai buổi mà cả bố cục lẫn cách phối màu đều tiến bộ rõ rệt, đúng là giáo viên trường ngôi sao có khác.

Họ không vội vàng dạy kỹ thuật, kỹ xảo, thay vào đó họ dẫn dắt để học sinh có thể tự cảm nhận những sự vật sự việc xung quanh và thể hiện lại qua góc nhìn hội hoạ.

Thông qua những bức vẽ, Đường Tư Kỳ dễ dàng nhìn ra câu chuyện và tâm tư tình cảm của Lạc Tuấn Bảo. Có vẻ trong thời gian này cu cậu đã luyện tập rất nghiêm túc và chăm chỉ.

Đường Tư Kỳ nghịch ngợm xới tung bộ tóc ngắn cũn của thằng cháu rồi cười trêu: “Chết rồi, số tranh của con sắp nhiều hơn dì rồi. Dì sắp thua đến nơi rồi.”

“Đâu, tranh của dì đâu, cho con xem với được không?”

Vẫn là cái dáng vẻ ông cụ non quen thuộc làm Đường Tư Kỳ thoáng nảy sinh ảo giác mình đang nói chuyện với bạn đồng hành - người bạn có chung sở thích đam mê, người bạn có thể trao đổi, sẻ chia và thấu hiểu.

“Tất nhiên là được chứ” Đường Tư Kỳ mỉm cười, mở máy tính bảng, bày ra toàn bộ tác phẩm đã ra đời trong chuyến du lịch Nam Kinh vừa rồi.

Bạn cần đăng nhập để bình luận