Chu Du Cùng Hệ Thống

Chương 97 - Tịch điền bát quái

Chương 97 - Tịch điền bát quái

Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên

Chương 97: Tịch điền bát quái

Mang theo thích thú xen lẫn tò mò, Đường Tư Kỳ đi vào bên trong mới biết nơi đây thực chất là một đồng ruộng được chia làm tám ô, bao quanh bên ngoài là một con rạch nhỏ.

Nghe nói tám ô này là trận ngũ hành bát quái, ở vị trí chính giữa nổi lên một cồn cát, từ trên cao nhìn xuống sẽ thấy hình dáng của nó giống hệt Thái Cực Đồ - một đồ hình mô tả cho thuyết Âm Dương trong văn hoá Phương Đông.

Đáng tiếc, quanh đây chẳng có chỗ nào cao để leo lên nhìn cho rõ, chỉ có thể đứng dưới đất mà tưởng tượng thôi.

Đọc phần giới thiệu có nói Triệu Cấu - Hoàng đế Nam Tống sau khi chạy trốn tới Lâm An thì đã lập ra khu điền tịch hoàng gia. Trên lý thuyết, Hoàng Đế sẽ phải đích thân tới đây trồng trọt để có thể thấu hiểu và đồng cảm với nỗi khổ cực của bá tánh muôn dân.

Nhưng dân chúng thì còn lâu mới tin Hoàng Đế thân ngọc mình vàng lại chịu bì bõm lội ruộng cấy lúa. Thế là hàng loạt các truyện tiếu lâm ra đời chỉ xoay quanh chủ đề này.

Nào là Hoàng Đế còng lưng è cổ đẩy cái cày bằng gỗ, nhưng mới đi được hai ba bước đã thở hồng hộc, run lẩy bẩy, kêu ầm lên “hộ giá hộ giá” thế là hai ông thái giám lạch bạch chạy ra đỡ lên bờ nghỉ ngơi. Rồi thì mỗi lần rầm rộ kèn trống ra thăm ruộng là chỉ để làm màu với thiên hạ chứ có động tay động chân tí nào đâu, toàn thảnh thơi ngồi tránh nắng trong cái lều bằng da bò to tướng, còn lại bao nhiêu công việc từ nhổ cỏ cho tới cày cấy đều nhường hết cho đám hạ nhân.

Thậm chí trong dân gian còn lưu truyền, có người vì quá tò mò nên lặn lội bò lên núi Ngọc Hoàng đợi rình xem Hoàng Đế có thật sự làm những công việc đồng áng tay chân như mình không và nếu có làm thì dáng vẻ của bậc cửu ngũ chí tôn sẽ ra sao.

Tất nhiên, những mẩu chuyện trên toàn là tin vịt được truyền miệng trong những buổi trà dư tửu hậu dưới gốc đa của người dân lao động, không hề có bất cứ một tài liệu chính thống nào ghi chép lại hay chứng minh chuyện thật giả.

Nhưng như vậy cũng vô tình phù hợp với hai chữ “bát quái” ở trong tên gọi của nó. Quả là một sự trùng hợp ngẫu nhiên đầy thú vị!

Ở Cánh đồng bát quái, mỗi ô ruộng sẽ do một nhóm nông dân riêng biệt phụ trách chăm sóc và gieo trồng. Mùa nào thức nấy, mỗi mùa mỗi cảnh, độc đáo và đặc trưng để luôn tạo cảm giác bất ngờ và thích thú cho khách tham quan.

Và Đường Tư Kỳ cũng thế, cô lạc bước trong những thửa ruộng đầy màu sắc, lưu luyến quên lối về. Cô chụp hàng trăm tấm hình, bấm mỏi tay cũng chưa hết góc đẹp.

Nếu muốn ngắm toàn cảnh Cánh đồng bát quát thì có lẽ vị trí đắc địa là núi Ngọc Hoàng ở ngay sát bên. Leo lên đó nhìn xuống đảm bảo sẽ thu được một cảnh tượng mãn nhãn, độc nhất vô nhị.

Trên núi Ngọc Hoàng còn có động Quan Âm, cũng chính là chùa Cảnh Thánh ở thời Nam Tống. Khi ấy hương khí cực thịnh, người dân tới chiêm bái rất đông. Xa hơn nữa là miếu thờ phụng tế lễ của hoàng tộc.

Từ trên đỉnh núi Ngọc Hoàng đi xuống sẽ đụng phải cửa Nam hoàng thành có tên gọi là Ninh Hoà Môn. Sau, triều đại nhà Minh chiếm đóng đổi tên thành Phượng Sơn Môn. Hiện giờ là cổng thành cổ duy nhất ở Hàng Châu và được xếp vào Danh sách Di sản Văn hoá Thế giới.

Xuyên qua Phượng Sơn Môn là tiến vào thành cổ Lâm An. Dựa theo kiến thức chú Lý cung cấp thì quan lại triều đình nhà Nam Tống cư trú tại khu vực này và thiết lập nên Lục bộ, vì vậy ra đời danh xưng Lục Bộ Kiều.

Trong Lục Bộ Kiều, có một địa điểm cực kỳ quan trọng đó là Thái Miếu, nơi đặt linh vị và tế bái tổ tiên của các hoàng đế nhà Nam Tống.

Không biết khi ấy, Tống Cao Tông đã nghĩ gì khi lập khu Thái Miếu này nhỉ? Là một lòng ôm đại nghiệp giành lại phương Bắc, thống nhất đất nước, an ủi vong linh tổ tiên trên trời. Hay nhát chết, chỉ muốn trốn ở Hàng Châu, hưởng thụ cuộc sống xa hoa nhàn hạ rồi mỗi năm một lần tới Thái Miếu giả bộ khóc than?

Về vấn đề này, con cháu đời sau ai cũng thắc mắc nhưng tiếc rằng mãi mãi chẳng thể tìm được câu trả lời chính xác!

Dừng chân ở núi Ngọc Hoàng không quá lâu, Đường Tư Kỳ nhanh chóng di chuyển sang ngôi miếu thờ tự vị tướng tài ba anh dũng, trung nghĩa Nhạc Phi nằm gần khu du lịch thắng cảnh Tây Hồ. Vì ngôi miếu được xây dựng từ thời Nam Tống nên Đường Tư Kỳ cho rằng nó cũng là một địa điểm liên quan tới chủ đề mà cô đang thực hiện.

Và cuối cùng là một toà lầu cổ nằm trên Thập Lý Ngự Nhai cũng chính là con phố Hoàng Gia Nam Tống hiện giờ.

Nơi đây vẫn lưu truyền hai món ăn vặt có liên quan mật thiết tới anh hùng Nhạc Phi, đó là món bánh cuộn Congbaohui và bánh Định Thắng (1)

“Ôi mẹ ơi…cuối cùng cũng xong, mệt chết mất!” Cả ngày trời quay như con thoi, hết lên núi xuống hồ, rồi lùng sục khắp các ngõ nhỏ phố lớn ở Hàng Châu, rốt cuộc Đừng Tư Kỳ cũng thành công Check-in mười địa điểm nhắc nhớ về triệu đại Nam Tống.

Có trời mới biết, lúc này đây cả người cô mỏi rã rời, hay cẳng chân như muốn rụng ra, mệt đứt cả hơi…

[ Chúc mừng người chơi đã mở khoá được trạm Hàng Châu trong nhiệm vụ đính kèm ‘Giải khoá bản đồ da dê’.

Tốc độ truyền bá ‘Di chỉ Hoàng thành Nam Tống’: 1100/5000 người.]

Đề bài yêu cầu tiếp cận 5000 người, ấy vậy mà mới một bức hoạ Hội Hoa Đăng đầu tiên thôi đã đạt được 1100 người rồi. Xem ra mọi chuyện cũng khá khả quan đấy chứ!

Nhưng mà trước mắt phải ngủ một giấc cái đã, chứ cơ thể cô báo động đỏ luôn rồi!

Sau khi đánh một giấc no say bí tỉ, Đường Tư Kỳ tỉnh dậy, bắt tay vào phân loại tài liệu, ảnh chụp rồi tiến hành vẽ và viết bài giới thiệu cho chín địa điểm còn lại.

Khi làm việc, Đường Tư Kỳ thường rơi vào hai trạng thái, một là rất xao nhãng, rề rà, vừa làm vừa chơi, lúc nào xong thì chỉ có trời mới biết. Hai là tập trung tuyệt đối, cái đầu không nghĩ tới chuyện khác, cái chân không đứng dậy ra ngoài, thậm chí quên ăn quên ngủ và chỉ dừng lại khi công việc đã thực sự hoàn tất.

Hai hôm nay nắng đẹp, Cơm Cháy và Cam Cam định rủ Đường Tư Kỳ đi thăm thú cảnh đẹp Hàng Châu nhưng lần nào định nói cũng thấy cô bạn đóng rễ ở đại sảnh hí húi cầm bút vẽ, bộ dáng như thể tách biệt khỏi thế giới xung quanh.

“Để mình gọi Kỳ Kỳ đi chung cho vui”, Cơm Cháy hăm hở ham vui, cũng may có Cam Cam ngăn lại kịp: “Cậu không thấy cô ấy đang rất nghiêm túc à. Thôi đừng rủ, chưa chắc cô ấy đã muốn đi đâu, để cô ấy ở nhà làm việc đi, chúng mình đừng nên quấy rầy thì hơn. Nếu lát nữa rảnh thể nào cô ấy cũng sẽ liên hệ với bọn mình, đến khi ấy mình gửi địa chỉ rồi cô ấy bắt xe ra sau cũng được.”

Cơm Cháy tiếc lắm, bộ ba mà thiếu một thì chán phèo, nhưng nàng mập vẫn nghe lời Cam Cam, không lại làm phiền Đường Tư Kỳ.

===

Chú thích:

(1)Bánh Định Thắng (定胜糕 - Dingsheng) là một loại bánh ngọt truyền thống nổi tiếng ở vùng Giang Tô và Chiết Giang. Bánh có màu đỏ nhạt, mềm và dẻo, có vị ngọt của nhân đậu. Tương truyền vào thời Nam Tống, người dân Tô Châu đã đặc biệt làm để động viên quân sĩ nhà Hán của Hán Thế Trung, trên vỏ bánh có khắc chữ “Dingsheng”, vì vậy được gọi là bánh Dingsheng.

Một truyền thuyết khác kể rằng sau khi nhà Nam Tống dời đo tới Hàng Châu, Nhạc Phi đã dẫn đầu nhiều cuộc viễn chinh để bảo vệ đất nước. Người dân Hàng Châu gửi những chiếc bánh Dingsheng dọc đường hành quân để hy vọng tướng quân và binh sĩ sớm ngày chiến thắng trở về. Câu chuyện bánh ngọt Dingsheng và vị anh hùng Nhạc Phi, đã được truyền lại hàng ngàn năm. Văn học thời Nam Tống “Meng Liang Lu” cũng có những ghi chép liên quan.

Bạn cần đăng nhập để bình luận