Chu Du Cùng Hệ Thống

Chương 318 - Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ…

Chương 318 - Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ…

Editor: Tựa Thuỷ Lưu Niên

Chương 318: Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ…

Trầm mặc một hồi lâu, Đường Tư Kỳ tưởng chừng cô bạn đã cúp máy thì mới nghe giọng nói nhỏ nhẹ của Đậu Mễ vang lên

“Cảm ơn mày, Tư Kỳ! Tao sẽ nghe mày, tao sẽ thử một lần. Sau khi hoàn thành hết số đơn trong tay tao sẽ không nhận thêm đơn mới nữa. Tao nghĩ kỹ rồi, tình trạng của tao bây giờ giống hệt mày hồi xưa. Tuy rằng cũng có kỹ năng hội hoạ nhưng lại không tích luỹ được các tác phẩm tiêu biểu, đây là thiếu sót lớn cũng là điểm chí mạng trong giới bọn mình. Thế nên tao quyết định sẽ bế quan nửa năm. Nửa năm sau tao sẽ tìm mày xin phương thức liên hệ của phòng nhân sự Du Cốc.”

Cảm nhận được sự quyết tâm trong lời nói của bạn, Đường Tư Kỳ thực sự mừng cho cô ấy: “Đậu Mễ, mày nghĩ được như vậy tao vui lắm. Cố lên nha, tao đợi tin mày!”

Vấn đề của Đậu Mễ và Du Cốc tạm thời giải quyết xong, Đường Tư Kỳ lại tiếp tục quay trở về với cuộc sống của mình, sáng vẽ tranh, chiều đi lang thang khám phá thủ đô.

Trương Thiên Ý cũng sắp kết thúc chuyến hành trình ở đây, chuẩn bị nhổ rễ đi Thiên Tân. Một ngày trước khi rời khỏi, cô nàng lân la tới chỗ Đường Tư Kỳ, than ngắn thở dài: “Haizz còn có một ngày mà vẫn có chỗ chưa đi được, em tiếc quá chị Kỳ. Mỗi tội chỗ đó xa quá, đi cũng dở mà không đi thì tiếc.”

“Chỗ nào cơ?” Đường Tư Kỳ đang tập trung tô màu, thuận miệng hỏi một câu.

“Là một ngôi chùa, nằm ở phía tây đường vành đai 5…”

Trương Thiên Ý ảo não. Đến mình nói ra mà mình còn cảm thấy xa tít mù khơi ngại chẳng muốn đi, huống chi người khác.

Nhưng bất ngờ thay, Đường Tư Kỳ lại có hứng thú. Vừa nghe Thiên Ý nhắc tới “vành đai năm” là trong đầu cô tự động vang lên câu hát của Nhạc Văn Bằng

“A~~ vành đai năm a~~ nhiều hơn vành đai bốn một vòng a~~”

Nhưng mà đường vành 5, thực sự là rất xa đấy!

Đường Tư Kỳ hỏi thêm: “Ngôi chùa đó có gì đặc biệt à?”

“Có có, ở đó có một bức bích hoạ đẹp siêu cấp vô địch. Hơn nữa còn là bích hoạ đời Minh. Em nói chị nghe, bích hoạ các thời khác đã hiếm, thời Minh còn hiếm hơn, lưu truyền lại chẳng được mấy bức. Bức cuối cùng được tìm thấy cho tới ngày nay là ở hang động Mạc Cao Đôn Hoàng, nhưng nó lại thuộc nhà Nguyên.”

Thú thực Đường Tư Kỳ không nghiên cứu sâu về bích hoạ nên cũng không biết nhiều. Bất quá cô vẫn nhớ rõ lần trước tham quan bảo tàng Thiểm Tây đã được tận mắt chiêm ngưỡng những bức bích hoạ chôn cùng mộ thất, chúng vô cùng to lớn và tinh xảo, đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng Đường Tư Kỳ.

“Okay, chị đi cùng em” Đường Tư Kỳ đứng dậy vươn vai duỗi người, xoay cái cổ kêu rắc rắc.

Trương Thiên Ý tròn mắt khó tin: “Chị Tư Kỳ, chị nói thật sao? Chị thật sự đồng ý đi cùng em sao?”

Đường Tư Kỳ bật cười: “Dạo này ngồi vẽ nhiều vai với cổ chị cứng quá, đi ra ngoài vận động giãn gân giãn cốt một chút cũng tốt. Với cả chị em ta đã đồng hành bao nhiêu nơi, giờ thêm một chỗ nữa cũng đâu là gì, huống hồ em sắp đi rồi.”

Và mấu chốt là vị trí nằm ngoài vành đai năm chắc hẳn sẽ ít người chú ý, vừa hay đáp ứng tiêu chí của nhiệm vụ. Dạo gần đây Đường Tư Kỳ đang ráo riết chạy đua với thời gian, cô tranh thủ đi rất nhiều nơi, check-in cũng kha khá mà phần nhiều toàn hạng B, thỉnh thoảng vớ được vài hạng A, còn trên A cũng có nhưng thưa thớt như sao buổi sớm, chẳng đáng kể. Cứ cái tình trạng gom nhặt lẻ tẻ kiểu này thì không biết bao giờ mới hoàn thành trạm Bắc Kinh thế nên Đường Tư Kỳ không ngại đi xa, miễn sao kiếm được điểm thưởng, nhanh chóng kết thúc nhiệm vụ.

Có bạn đồng hành, Trương Thiên Ý vui như mở hội: “Yeah tốt quá, thế để em tra đường xá xem đi như nào tiện.”

Theo lời giới thiệu của Trương Thiên Ý ngôi chùa có tên Pháp Hải (1), toạ lạc tại phía nam chân núi Thuý Vi, thuộc quận Thạch Cảnh Sơn, thành phố Bắc Kinh. Cách hostel hai cô đang ở 30km. Nếu bao taxi cả đi lẫn về cũng phải mất 200 đồng. Còn muốn tiết kiệm có thể chọn ngồi tàu điện ngầm tới trạm Kim An Kiều, rồi từ đó gọi xe đi thêm 25 cây số nữa là tới.

Hơn một tiếng đồng hồ sau, Đường Tư Kỳ cùng Trương Thiên Ý có mặt trước cổng chùa Pháp Hải.

Chú lái xe là dân địa phương thật thà cười nói: “Không nhìn ra hai cô gái trẻ vậy mà lại thích viếng chùa chiền. Xem ra nơi này cũng thật thanh tịnh. Tôi chạy xe đã nhiều năm mà chưa từng chở khách tới đây lần nào, tôi cũng là lần đầu tiên biết tới chùa Pháp Hải.”

Nghe thấy vậy Đường Tư Kỳ càng mừng thầm, quả nhiên chỗ này vắng vẻ thật.

Đi vào tới tận cổng rồi mà quầy bán vé trống trơn, chẳng có nhân viên ngồi trực. Bất quá trên bảng có ghi rõ ràng giá vé 20 đồng một người. Cảm thấy giá cả cũng phải chăng, hai chị em yên tâm lót dép ngồi đợi.

Ước chừng một lúc sau mới thấy một ông bác lụ khụ đi tới

“Ai da tới đây tới đây, vừa có tí việc nên chạy ra đây một lát. Vé 20 đồng một người, không bao gồm xem bích hoạ.”

Trương Thiên Ý ngạc nhiên: “Thế muốn xem bích hoạ thì bao tiền ạ?”

“100 đồng, mỗi tiếng thuyết minh một lần, còn cách nửa tiếng nữa tới suất tiếp theo, hai cô muốn mua không?”

Trương Thiên Ý thoáng lưỡng lữ. Tuy rằng đã cất công tới tận đây rồi nhưng cô không lường được khoản chi phí phát sinh lại nhiều tới vậy.

“Bức bích hoạ đặt trong bảo điện Đại Hùng, xem chừng kích thước cũng không lớn lắm, vậy mà thu phí những 100 đồng, hình như hơi đắt thì phải.”

Đường Tư Kỳ bèn khuyên nhủ: “Đằng nào tới cũng đã tới rồi, nếu không xem thể nào về cũng tiếc. Với lại chị thấy diện tích ngôi chùa khá lớn mà vé vào cổng có 20 đồng, chứng tỏ không phải kiểu làm tiền du khách. Chị nghĩ 100 đồng này chắc hẳn phải xứng với cái giá của nó.”

Trương Thiên Ý cảm thấy chị Tư Kỳ nói rất có lý. Hơn nữa người nằng nặc đòi đi xem bích hoạ là mình, giờ người do dự không chịu chi tiền cũng là mình, nghĩ mà cảm thấy xấu hổ quá đi mất.

“Okay, vậy chị em mình mua hai vé. Nhưng phải đợi thuyết minh, không có thuyết minh mình xem không hiểu đâu chị.”

“Ừ, chị cũng nghĩ thế!”

===

Chú thích:

(1)Chùa Pháp Hải - 法海寺 - The Fahai Temple

Toạ lạc tại chân núi Cuiwei, quận Shijingshan, Beijing.

Bạn cần đăng nhập để bình luận