Nông Gia Lạc
Chương 136: Tám Năm Sau
Lão Hầu gia trừng mắt, nghĩ tới hương vị của món thịt hầm mơ kia, nhịn không được mà chảy nước miếng, lập tức lại thèm.
Có điều món muối chua với trái cây kia cũng là thứ tốt.
Lão Hầu gia đã nếm qua hương vị những món ăn kèm đó, đều không ngoại lệ, là những món khai vị ăn với cơm: “Phu nhân chia cho ta món ăn kèm với trái cây đi. Cuộc sống ở thôn trang thật sự rất nhàm chán, nếu không có những món ngon đó, chẳng khác gì là ở tù hết.”
Mấy thứ kia, chính là những món Vinh Tín chọn lựa rất kĩ càng, để làm lễ vật tặng cho lão phu nhân. Bây giờ, đã được nếm những món ăn ngon, mọi người đều để mắt tới mấy món ăn kèm, nhưng không phải ai cũng có thể diện như lão Hầu gia, có thể mở miệng nói ý muốn của mình với lão phu nhân.
Bởi vì tuổi đã cao, thường xuyên cảm thấy nhạt miệng, không muốn ăn, nên lão phu nhân cũng rất yêu thích những món ăn kèm đó. Nhưng bà cũng rất kính trọng phu quân mình, vì vậy, với yêu cầu của lão Hầu gia, bà vẫn là nhịn đau mà chia một nửa dưa muối cho ông. Số còn lại, bà quyết định phải cất giấu thật kĩ, coi như không nhìn thấy ánh mắt chờ đợi của mấy đứa con trai với con dâu.
Đợi đến khi cháu trai hiếu thuận của bà lại đưa đồ đến đây, cả đi cả về, ít nhất cũng phải tốn 3 đến 4 tháng, nếu mà mang những thứ này chia cho cả nhà cùng ăn, không biết có đủ để ăn trong 10 ngày nửa tháng hay không đâu.
Từ trước đến nay, lão phu nhân luôn khoan dung hào phóng, nhưng không thể ngờ lại có một ngày, chính mình bị thất bại trước mấy món ăn kèm không đáng giá này.
Nữ quyến của Hầu phủ, đa số đều có xuất thân từ hào môn, bởi vì nếm được hương vị độc đáo của những nguyên liệu nấu ăn này, nhịn không được ở những lúc giao lưu, tuyên truyền ra ngoài. Dần dần, những gia đình có máu mặt ở kinh thành đều biết, nơi tứ thiếu gia của phủ Quảng Lăng Hầu nhậm chức, vốn dĩ có rất nhiều món ngon bị ẩn giấu.
Tám năm sau.
Trên con đường nhỏ ở nông thôn, một chiếc xe ngựa có gắn biểu tượng của phủ Quảng Lăng Hầu, chậm rãi đi đằng trước, phía sau có một đội ngũ hộ tống.
Vinh Ưng, cũng chính là Vinh Cửu lang Vinh Trường Thọ, nay đã là thiếu thiên trưởng thành tuấn tú, đang ngồi trong xe ngựa. Cuối cùng, hắn cũng có thể đến nơi dân dã kì lạ mà mình đã tò mò nhiều năm nay, trong lòng tràn đầy mong đợi.
Tám năm trôi qua, Vinh Tín đã không còn là thất phẩm Huyện lệnh năm đó, mà đã trở thành tứ phẩm Tri Châu. Nhưng bởi vì không bỏ được đam mê ăn uống, nên vẫn ở lại Thanh Châu nhậm chức. Cũng nhờ vậy, chỗ dựa của Thiện gia ngày càng vững chắc.
Mà mấy năm nay, danh tiếng heo của Thiện gia cũng ngày càng vang xa. Huyện Bá Giang ngày càng phát triển, mỗi tháng sẽ có vài thuyền buôn neo đậu, tỏ rõ ý muốn mua gia súc cùng với rau củ quả mà Thiện gia trồng. Đa số những thuyền buôn này đều đi đến kinh thành, một số ít đi về phía Nam Giang giàu có và đông đúc.
Cũng rất nhanh, những người đó liền phát hiện, nếu đem giống gia súc của Thiện gia đến nơi khác nuôi dưỡng, chăn nuôi, thì hương vị của chúng có thể ngon hơn một chút so với những loại thịt bình thường khác, nhưng lại kém xa so với những gia súc mà đích thân Thiện gia nuôi.
Vài người cho rằng, lý do có thể là vì khí hậu của địa phương, bởi vậy mua thêm đất ở những vùng lân cận của thôn Bình Liễu, khiến cho giá cả ruộng đất tăng cao, những thôn xóm xung quanh cũng được lợi theo. Cũng may, lúc trước Thiện gia nghe lời Nghiêm Khôn, mua được phần lớn mảnh đất dưới chân núi để dành, nên không cần phải lo lắng bị những hộ chăn nuôi khác gây ảnh hưởng.
Và mặc dù đã mua đất tại địa phương, nhưng những hộ chăn nuôi đó vẫn không đạt được kết quả như mong muốn, chỉ có thể nuối tiếc mà từ bỏ con đường làm ăn này.
Trong khoảng thời gian này, không phải không có người nghĩ tới cách hãm hại bất chính, nhưng cũng nhờ Thiện gia có người chống lưng phía sau. Nếu những thế lực đó có thực lực ngang hàng với phủ Quảng Lăng Hầu, thì khinh thường phần sản nghiệp này của phủ Quảng Lăng Hầu. Còn những thế lực kém xa phủ Quảng Lăng Hầu, thì lại không dám đối đầu với Hầu phủ, cùng lắm chỉ làm ra vài động thái nhỏ, chẳng hạn như đi thăm dò từ những người giúp việc trong trang trại của Thiện gia về những phương pháp, bí mật trong việc chăn nuôi của Thiện gia, nhưng mà hỏi tới hỏi lui cũng không hỏi ra được cái gì.
Đương nhiên những người đó không hề nghĩ rằng bởi vì mình không có khả năng, mà chỉ cảm thấy đẳng cấp của Thiện gia quá cao, cất giấu phương pháp kia quá kĩ lưỡng, khiến bọn họ không tra ra được cái gì.
Bây giờ, thanh danh của heo và dê Thiện gia quá lớn, muốn động đến Thiện gia cũng không phải là việc đơn giản.
“Tưởng đại tỷ, ta tới chúc mừng ngươi đây!”
Bây giờ, Tưởng bà tử là một lão bà tử giàu có. Trang trại chăn nuôi được mở rộng, rất nhiều việc nặng nhọc trước đây không cần bà phải tự mình làm nữa, trừ những lúc không thể ngồi yên một chỗ, đi lòng vòng quanh coi ngó trang trại, thì lúc rảnh rỗi, bà đều phát sầu vì chuyện hôn sự của con cháu trong nhà. Trừ chuyện đó ra, thật sự không còn chuyện gì khiến bà phải đau đầu.
Người ta càng ngày càng già đi, bà thì ngược lại, càng ngày càng trẻ ra.
Đương nhiên, cái này chắc chắn có liên quan tới củ nhân sâm ngàn năm, mà cháu gái ngoan Phúc Bảo của bà đào được mấy năm trước.
Mấy năm nay, Thiện gia vẫn ở lại thôn Bình Liễu, nhưng nhà cũ đã sửa lại 3 lần, gạch xanh, ngói xám, tường trắng, đều là dùng những vật liệu tốt nhất, ở trong thôn là độc nhất, không ai có nhà ở khí phái như Thiện gia.
Người trong thôn cũng không quá ghen tị với cuộc sống của Thiện gia, bởi vì nhờ có Thiện gia, mà cuộc sống hàng ngày của họ tốt hơn nhiều so với những thôn khác.
Thí dụ, số phân bón mà Thiện gia chia cho họ, tuy mỗi nhà mỗi hộ được chia cho không nhiều lắm, sau khi pha loãng thì không được bao nhiêu, nhưng chỉ bấy nhiêu thôi, cũng đủ để rau củ trong thôn Bình Liễu trồng được, tốt hơn rau củ với hoa màu của các thôn khác, năm nào cũng được mùa thu hoạch.
Những nhà bình thường không mua nổi thức ăn của Thiện gia, nhưng nếu muốn nếm thử, thì có thể ưu tiên xem xét những lương thực, hoa màu của những nhà khác trong thôn Bình Liễu. Điều này cũng giúp cho những nông sản xuất phát từ thôn Bình Liễu có giá cao hơn giá thị trường vài phần, làm cho cả thôn đầy đủ sung túc. Mấy năm nay, trong thôn, nơi nơi xây sửa nhà mới, cô nương bên ngoài coi việc gả đến thôn Bình Liễu là vinh dự, còn những cô nương trong thôn thì đa số cũng không muốn gả qua thôn khác, tạo thành trào lưu gả trong nội bộ.
Cùng lúc đó, trang trại chăn nuôi của Thiện gia được mở rộng, nhu cầu kiếm thêm người phụ giúp càng cao. Vì thế, nhóm nông phụ nhàn rỗi không có việc gì làm lại có thêm cơ hội kiếm thêm thu nhập. Khiến cả những người nhiều chuyện nhất trong thôn, cũng chẳng dám nói một câu không tốt về Thiện gia.
Dưới tình huống như thế, ai có thể ganh tị với Thiện gia đây? Bọn họ chỉ ước gì cuộc sống của Thiện gia ngày càng rực rỡ, để bọn họ cũng được hưởng ké, thơm lây.
Bạn cần đăng nhập để bình luận