Mạt Thế Năm Thứ Mười
Chương 119
Cả Khương Dương và Thanh Sơn đều có móng vuốt to hơn bàn chân của người bình thường cho nên chúng chỉ có thể xỏ chân qua những chiếc quần rất rộng, nếu quần hơi bé thì chúng sẽ không thể xỏ vừa. Tôi không có cách nào khác đành sửa lại những chiếc quần rộng để chúng có thể mặc vừa. Cắt hai bên đùi, đem một chiếc quần chất lượng tốt cắt làm đôi, lúc mặc vào thì thắt hai bên trái phải lại, cài một hàng nút ở phía dưới, mặc dù có chút phiền phức nhưng cuối cùng cũng có thể mặc được quần.
Tôi đã hỏi Thanh Sơn rằng trước đây làm thế nào cậu ấy mặc được quần, thì cậu ấy nói với tôi là cậu ấy đã mặc chiếc quần đó và chưa bao giờ thay ra, Khi còn bé thì cứ thế quét đất, lớn lên do phải chiến đấu với động vật hung dữ khác nên bị rách tả tơi, nhưng những người đó chưa bao giờ nghĩ đến việc phải thay quần cho cậu ấy.
Thảo nào khi tôi bế cậu ấy lên, quần áo của cậu ấy lại rách tươm như vậy.
Thế là về đến nhà, tôi lôi quần áo của cậu ấy ra thay, cậu ấy rất vui vẻ, còn học cách thắt nơ từ tôi, bây giờ ngày nào tôi cũng có thể nhìn thấy hai chiếc nơ buộc bên hông trái phải của cậu ấy.
Đương nhiên, Khương Dương cũng vậy, tôi xử lý quần của thằng bé cẩn thận hơn, quần áo của thằng bé sử dụng nhiều nút hơn Thanh Sơn, mỗi sáng Khương Dương đều ngoi trên giường cúi đầu cài hai hàng cúc rất lâu. Sau khi cài xong, quay lại cho tôi xem, tôi sẽ ra khỏi giường để đánh răng và khen ngợi thằng bé.
Quần áo của ba chúng tôi là kiểu đơn giản nhất, đều là của đàn ông. Tôi đã lâu không mặc áo ngực, nếu cần, tôi sẽ gấp đôi một miếng vải rồi nhét vào trong áo, trông cũng ổn, nhưng thông thường thì tôi sẽ không mặc áo ngực vì cũng chẳng có người nào để ý. Sau tận thế có rất nhiều thứ tôi chẳng cần phải quan tâm nữa, lâu dần thì cũng tạo thành thói quen, chỉ cần thoải mái là được.
Để Thanh Sơn một mình ở lại trông lúa mì, Khương Dương và tôi đi đến cánh đồng lúa mì với một cái rổ để nhặt những bông lúa mì còn sót lại, khi tôi đi, tôi thấy rất nhiều con chim màu trắng xám đang di lại trên cánh đồng, sau khi hét lớn, một đàn chim vỗ cánh bay lên.
Khương Dương hét lên và đuổi theo những con chim chưa bay đi xa, thằng bé tươi cười chạy quanh cánh đồng. Chơi một mình được một lúc thì thằng bé chạy lại giúp tôi nhặt bông lúa mì cuối cùng.
Sau khi nhặt những bông lúa mì trong ruộng, phơi nắng cho ruộng mấy ngày, tôi sẽ đốt những gốc lúa mì còn sót lại trên ruộng, sau đó mang một ít đất màu và thực vật đi đốt. Để đến mùa thu, khi trồng lại lúa mì, cánh đồng sẽ màu mỡ hơn.
Những ngày tiếp theo vô cùng bận rộn, lúa mì được phơi khô, sau đó lúa mì được lăn khỏi sào, có bông lúa có thể đập ra được, có bông lúa chỉ có thể dùng tay kéo ra, đây chưa phải là kết thúc, chúng tôi còn phải sử dụng đến một con lăn bằng đá. Những chiếc máy lăn đá mà tôi tìm thấy trong làng trước đây có một số hoa văn tỉnh xảo ở trên mặt, nhưng trông rất lỗi thời.
Loại máy đá hình trụ rất nặng này có lỗ ở hai đầu, có thể kéo và lăn trên lúa mì, lăn qua lăn lại có thể tách vỏ lúa mì ra khỏi hạt bên trong. Đợi cho đến khi vỏ và hạt được tách ra, vỏ trấu có thể được thổi bay sau khi sấy khô.
Trong làng có một chiếc máy quạt lúa quay tay, lúa mì chưa xay được đổ xuống qua lỗ ở phía trên, quay tay cầm để làm cho cánh quạt trong máy quạt lúa quay, lúa mì có vỏ sẽ rơi xuống lỗ phía dưới. Vỏ lúa mì xốp ở một bên cũng sẽ bị thổi bay ra ngoài.
Những cánh quạt bằng gỗ kêu cọt kẹt, những hạt lúa mì có vỏ vàng óng từ trong khe trượt xuống, vỏ lúa mì bên kia dần dần chất thành một đống.
"Khương Dương, tới đây, đừng tới đó, lát nữa lại ngứa tay." Tôi bưng một sọt lúa mì mới xay đi tới, nhìn thấy Khương Dương dựa vào lỗ thổi vỏ lúa, gọi thằng bé quay lại.
Bạn cần đăng nhập để bình luận