Mạt Thế Năm Thứ Mười
Chương 155
Tuy rằng trước đây tôi chưa bao giờ trồng trọt lúa nước nhưng cũng may tôi đã sống mười năm mạt thế chẳng hề uổng công. Đi qua nhiều vùng đất, quen biết với nhiều người, sự hiểu biết của tôi cũng đã được mở rộng hơn. Những kinh nghiệm này tôi đã loáng thoáng nghe được qua lời người khác nhắc đến, một vài thứ cơ bản thì có thể nắm được, nhưng đáng tiếc năm đó tôi cũng chỉ nghe nói rồi thôi, không ngờ sẽ có một ngày mình lại phải sử dụng đến cho nên kiến thức lưu lại trong trí nhớ không còn quá nhiều.
Tôi lấy số giấy bút đã tìm kiếm được ở thành phố Hán Dương ra ghi chép vài thứ, lúc hạ nét bút xuống tôi đã cảm thấy xa lạ đến đáng sợ, nét chữ viết ra xiêu xiêu vẹo vẹo, còn có nhiều chữ không thể nhớ ra được cách viết như thế nào. Trước đây tôi đã từng thử dạy Khương Dương viết chữ, nhưng bởi vì có quá nhiều việc cần phải làm mà chính Khương Dương cũng không cảm thấy quá hứng thú nên trong lúc bận rộn tôi đã lãng quên mất ý định này.
Bây giờ Khương Dương đã biết cách nói chuyện, tôi bắt đầu dạy cho thằng bé một số phép toán đơn giản, tôi không hy vọng thằng bé có thể học vài định luật toán học như thể định luật Pytago hay những thứ gì khác, chỉ mong muốn ít ra nó vẫn có thể đếm số và tính toán cộng trừ nhân chia. Ngoài ra, tôi lại bắt đầu nhen nhóm ý tưởng tiếp tục dạy thăng bé viết chữ thêm một lần nữa, thế nên có lễ bản thân tôi cũng phải thực hành lại một phen, nhặt bút lên viết lại ổn thỏa mới có thể dạy cho thằng bé được.
Nếu như đã muốn dạy thì tôi không thể nào chỉ dạy một mình Khương Dương, đương nhiên Thanh Sơn cũng phải theo chân cùng nhau học tập.
Vùng cỏ chè vè bên cạnh cánh đồng bị tôi bẻ gãy một nắm lớn, ngọn cỏ màu đỏ ở đầu cành còn chưa kịp nảy nở ra. Tôi dự định sử dụng những cây cỏ này làm thành que đếm cho Khương Dương và Thanh Sơn, chứ cứ tiếp tục để cho họ sử dụng móng vuốt của mình học đếm thì không phải một chuyện dễ dàng gì. Sau khi mang những cây cỏ này trở về nhà, tôi sẽ be chúng ra thành những đoạn nho nhỏ, như vậy có thể thuận tiện cho việc học đếm hơn và cũng thuận tiện cho việc tiếp thu kiến thức của họ.
Tôi nhớ lại ký ức học Toán thuở còn nhỏ, trường học đã đặc biệt phát xuống rất nhiều các hình tròn hình tam giác, còn có một vài túi que tính nho nhỏ đủ các màu vàng đỏ xanh.
Sau khi mang những chiếc que làm bằng cây cỏ này trở về, sự nhiệt tình học tập của Khương Dương và Thanh Sơn lập tức tăng cao, ngay cả khi đang làm việc trên đồng ruộng, tôi tiện tay cầm một nắm que đưa cho họ, yêu cầu họ đếm xem có bao nhiêu que, nếu đếm đúng tôi sẽ khen ngợi vài câu sau đó lại tùy tiện ngắt một đóa hoa ở bên cạnh ruộng làm thành phần thưởng cũng đã đủ để họ vui vẻ mãi không thôi.
Buổi tối khi ngồi trong sân hóng mát, tôi sẽ bảo họ đếm những ngôi sao trên bầu trời, mỗi người đếm trong một khoảng, đếm được bao nhiêu thì đếm bấy nhiêu. Hai người họ đều rất thông minh, không tới mấy ngày đã đếm được đến một trăm mấy, chẳng bao lâu que cỏ đã mất đi tác dụng biến trở thành đồ chơi của họ. Sau đó nữa khi đã tìm ra quy luật, việc đếm số càng ngày càng trở nên dễ dàng hơn.
Vấn đề duy nhất còn tồn tại chính là Khương Dương quá yêu thích việc đếm số, thằng bé có thể lải nhải một hơi không ngừng nghỉ, bắt đầu đếm từ con số đầu tiên, đếm mãi từ sáng sớm đến tối mịt, cho dù ở giữa có tạm thời bị cắt ngang thì thằng bé cũng có thể ghi nhớ con số cuối cùng mình đang đếm, đợi tới khi công việc trong tay xong xuôi thằng bé sẽ lại tiếp tục đếm số. Con số lớn nhất thằng bé đếm được là mười một ngàn ba trăm hai mươi bốn, cái hứng thú đếm mãi cũng không cảm thấy phiền, ngược lại càng đếm lại càng vui của thẳng bé đã đủ khiến tôi đau đầu.
Bạn cần đăng nhập để bình luận