Bất Hủ Đế Hoàng

Chương 198: Vô Đề

Chương 198: Vô Đề

=== oOo ===


Chư quốc kết minh, cùng phạt Ngụy Quốc, điều này đã thành sự thật.

Không ai quan tâm rốt cuộc có phải Ngụy Quốc khiêu khích trước hay không. Dù sao, từ khi Vương Triều Đại Lễ suy bại đến nay, chuyện các quốc gia sát nhập, thôn tính đã không nói đến chuyện lễ pháp nữa rồi, kiếm cái danh nghĩa coi như xong.

Lấy Tấn Quốc cầm đầu, tổng cộng bảy quốc gia biểu thị muốn xuất binh, còn mấy nước nhỏ phụ thuộc cũng nguyện ý xuất tiền xuất lương.

Còn về số lượng xuất binh, dù không tính chủ lực Tấn Quốc cũng đã đạt tới hơn trăm vạn rồi.

Trong thời loạn tranh đấu không ngừng này, chiến tranh đối với chư quốc giống như một ngày hai bữa cơm của dân chúng vậy, là một chuyện rất bình thường. Hôm nay là bách tính nước này, ngày mai lại thành bách tính nước kia, phiêu diêu vô định, mọi người đã tập mãi thành quen.

Đặc biệt là dân chúng, gần như đã mất cảm giác. Tham gia quân ngũ đánh trận coi như hoàn thành nhiệm vụ, nguyện vọng duy nhất của bách tính tầng dưới chót là có thể sống được mấy ngày an ổn. Khi đánh xong, vô luận là trở thành con dân nước nào cũng mong có thể ăn no mặc ấm, thọ hết chết già.

Nhìn khắp nơi, gần như không có quốc gia nào giữ được hòa bình hơn ba chục năm như Thương Quốc.

Lần này hội minh, Tấn Quốc làm chủ, biểu hiện rất cứng tay.

Một chiêu cao minh nhất là không mất một binh một tốt đã kéo phần lớn các nước chư hầu đến trận doanh của mình, khởi động một trận sát nhập, thôn tính mới.

Chuyện phạt Ngụy không thể coi thường. Hoàng Đế Tấn Quốc không có thời gian hội kiến Quân Vương chư quốc, Dương Mộc chỉ là Hoàng Đế một nước nhỏ, được mời đến yến hội nửa tháng sau.

Trong nửa tháng này, đương nhiên Dương Mộc không bỏ phí, coi như đều làm quen với Hoàng Đế các nước xung quanh Thương Quốc.

Trong đó, những quốc gia ở phía nam Thương Quốc là Long Quốc, Trúc Quốc, Đán Quốc, Đường Quốc, Hứa Quốc đều có thái độ hữu hảo. Bởi vì xét về vị trí địa lý, Thương Quốc và các nước này không có xung đột lợi ích.

Mà các quốc gia này hữu hảo với Thương Quốc chủ yếu cũng vì sách và giấy vừa mới hưng khởi.

Cho tới bây giờ, thu nhập tài chính của Thương Quốc đã chuyển từ thuế nông nghiệp sang xuất khẩu công nghiệp nhẹ.

Trong đó, quan trọng nhất là sách và giấy trắng.

Sách có thể coi là xa xỉ phẩm, dù là quý tộc cũng không thích lắm, số lần mua sắm trong năm cũng có hạn.

Nhưng rõ ràng giấy trắng là cực kỳ cần thiết.

Các quốc gia, từ quý tộc đến nha môn triều đình đều thờ phụng giấy làm thần vật.

Có rất nhiều quốc gia bắt đầu sắp xếp chép lại điển tịch và sách sử ra giấy trắng để cất giữ.

Thế là, mấy vị Hoàng Đế các nước phương nam đều đề nghị Dương Mộc mở thương đạo xuôi nam, tăng thêm hợp tác giữa các thương đội.

Nói thật, Dương Mộc cũng khá kinh ngạc.

Cho tới nay, đều là thương đội các nước đi qua Thịnh Quốc, thông thương với Thương Quốc.

Hắn cũng không ý thức được giấy của Thương Quốc lại có ảnh hưởng lớn với các nước phương nam này như vậy, cho nên tới giờ vẫn chưa nghĩ đến chuyện mở thương đạo xuôi nam.

Nhưng bây giờ xem ra đã rất cần rồi.

Hoàng Đế các nước đều có cùng một nguyện vọng. Một khi mở ra thương đạo mới, không chỉ có thể kiếm được nhiều tiền hơn, mà còn có ý nghĩa chiến lược.

Giống như Trung Quốc thời kỳ kháng chiến, vùng duyên hải đều bị quân Nhật phong tỏa, một con đường đi qua khe suối đã trở thành con đường tiếp tế vật tư cho Trung Quốc trong kháng chiến, cũng là mạch sống.

Nếu Thương Quốc mở được một con đường tơ lụa như vậy xuôi xuống nam, thực lực chắc chắn sẽ tăng nhiều. Đến lúc giao chiến với Thịnh Quốc, sẽ càng có lực hơn.

Thế là dưới sự thúc đẩy của Dương Mộc, quan hệ ngoại giao liền mở ra, cùng các quốc gia ký rất nhiều minh thư.

Đến mức hắn bắt đầu thấy hối hận, lần này đi hội minh lại không mang theo mấy quan viên Bộ Ngoại giao và Bộ Công thương tới.

Khi hắn cho rằng chuyến đi này của mình đã viên mãn, đột nhiên Nữ Hoàng Nguyễn Quốc phát thư mời. Tại một lầu các trong Hồng Tư Lự quán, quân chủ hai nước cùng ngồi xuống, bắt đầu kể câu chuyện lần trước còn dang dở.

Dương Mộc vô cùng kinh ngạc.

Không ngờ chuyện về Hoa Mộc Lan lần trước đã để lại ảnh hưởng lớn như vậy với Nữ Hoàng Nguyễn Quốc. Lần này, hắn kể luôn chuyện Mộc Quế Anh nắm giữ ấn soái.

Đương nhiên, đây chỉ là khúc dạo đầu, món chính là hợp tác làm ăn.

Hợp tác làm ăn cũng lấy sách và giấy là chủ yếu.

Dương Mộc vẫn luôn có cảm giác mình nhìn không thấu được vị Nữ Hoàng Nguyễn Quốc này.

Với thực lực của Nguyễn Quốc, xếp vào mười vị trí đầu trong các nước chư hầu cũng không quá đáng.

Hoàng Đế một nước lớn như vậy lại có thể đối mặt với mình trao đổi hợp tác, chắc hẳn có ánh mắt sắc bén hơn người.

Bởi vì, dù các quốc gia khác nhìn ra được hiệu quả và lợi ích kinh tế to lớn của sách và giấy, nhưng không thấy được ý nghĩa chiến lược của nó.

Ngược lại, Nữ Hoàng Nguyễn Quốc đã cân nhắc mà đến, lại đi thẳng vào vấn đề, nguyện ý bỏ ra cái giá cực lớn mua kỹ thuật sản xuất giấy của Thương Quốc.

Dương Mộc từ chối thẳng thừng.

Thật sự buồn cười! Sản xuất giấy là kỹ thuật tân tiến nhất hiện tại của Thương Quốc, hơn nữa còn cao cấp hơn cả giấy Thái Hầu. Thương Quốc chỉ cần làm tốt việc giữ bí mật, thì chỉ bằng một kỹ thuật này tuyệt đối không lo lũng đoạn trong mấy trăm năm.

Bán kỹ thuật sản xuất giấy cho Nguyễn Quốc, không phải mổ gà lấy trứng sao?

Hiển nhiên Nữ Hoàng Nguyễn Quốc không ôm hy vọng quá lớn, chủ yếu chỉ là thăm dò mà thôi. Thấy Dương Mộc từ chối thẳng thừng bèn lùi lại một bước mà cầu việc khác, muốn cùng Thương Quốc hợp tác ở cấp độ quốc gia, đồng thời cho phép thương nhân Nguyễn Quốc hưởng thụ đãi ngộ tương đương với thương nhân Thương Quốc.

Xét toàn bộ cương vực Vương Triều Đại Lễ, Nguyễn Quốc và Thương Quốc không xa cũng không gần, thương đội sẽ mất ba tháng vừa đi vừa về, mua giấy thì hoàn toàn không có vấn đề gì. Nếu có thể triển khai hợp tác với Thương QUốc, hạ giá nhập hàng, lại có được quyền ưu tiên, vậy Nguyễn Quốc có thể tiết kiệm một khoản tiền rất lớn.

Hơn nữa, hợp tác giữa hai quốc gia sẽ không chỉ là trong một thời gian ngắn, chỉ cần không có chuyện gì căng thẳng, hợp tác sẽ vẫn được duy trì. Nhu cầu của Nguyễn Quốc không chỉ có giấy, nếu Thương Quốc còn sản xuất được đồ gì tốt, Nguyễn Quốc cũng có thể thuận tiện mua luôn.

Đương nhiên Dương Mộc vui vẻ đồng ý với yêu cầu hợp tác này. Sản lượng nhập khẩu của một nước chắc chắn sẽ là một con số khổng lồ, dù là mười hai thương đội gộp lại cũng không sánh bằng. Quan trọng hơn là, một vài loại tài nguyên như ngựa và quặng sắt, mấy thương đội kia không thể cung cấp được nhiều.

Thanh toán giữa hai quốc gia đương nhiên không thể dùng bạc làm tiền tệ.

Thế là, Hoàng Đế hai nước đạt thành hợp tác. Tất cả tiền hàng lấy ngựa thay thế, mặt khác, mỗi nước phái ra mười thương đội duy trì qua lại bình thường. Sau này khi giao dịch, thương đội dân gian Nguyễn Quốc không chỉ được hưởng quyền ưu tiên mà còn có thể được ưu đãi về giá cả, địa vị tương đương với thương nhân Thương Quốc.

Ví dụ như, nếu thương nhân Nguyễn Quốc muốn mua dinh thự, mở cửa hàng, hoặc thuê công nhân và phục vụ ở Thương Quốc, tiền thuế sẽ được thu theo tiêu chuẩn của thương nhân Thương Quốc, được hưởng thụ quyền lợi ngang nhau.

Sau đó, Dương Mộc chủ động đến thăm Hoàng Đế Động Quốc.

Có thể nói, một nửa mục đích của chuyến đi hội minh này là để gặp mặt Hoàng Đế Động Quốc, thành lập quan hệ ngoại giao.

Hoàng Đế Động Quốc ước chừng năm mươi tuổi, tóc thưa thớt, bụng phệ, xung quanh có một đám thái giám thị nữ, xem ra cũng không phải là một vị quân chủ chuyên cần chính sự, nhiều lắm cũng chỉ coi như bình thường.

Động Quốc và Thịnh Quốc tranh chấp mấy trăm năm, nếu so sánh từ Hoàng Đế hai nước, có thể nói Động Quốc đã hoàn toàn thất bại.

Với đề nghị viện trợ lẫn nhau và cộng đồng đả kích Thịnh Quốc của Dương Mộc, Hoàng Đế Động Quốc hơi do dự.

Chỉ một chút do dự này thôi đã khiến cho lòng Dương Mộc hơi chìm xuống.


Bạn cần đăng nhập để bình luận