Thập Niên 60: Chủ Cửa Hàng Taobao

Chương 129

“Không cần cố ý sắp xếp.” Hạ Thu Sinh cắt đứt suy nghĩ của anh ấy: “Con bé còn nhỏ, đột nhiên nâng quá cao cũng không tốt. Thầy dạy con bé không lâu, nhưng phát hiện thiên phú của nó không tệ. Trước tiên để con bé đến mỏ làm công việc tạm thời cũng được, nếu như có thể thì để con bé có thể học đêm, để nó dựa vào năng lực của bản thân đi thi.”
Dường như cuối cùng vẫn có hơi không yên lòng: “Nếu như thật sự không thi đậu... con hẵng phụ một tay.”
Lý Thành Văn nghiêm túc gật đầu, ghi nhớ chuyện này trong lòng, lại không nhịn được mà nhìn Hứa Nam Nam. Thầy cố ý phá lệ viết thư cho anh ấy, lại suy nghĩ chu đáo cho cô, xem ra thật sự rất thích đứa bé này.
Lúc đầu đàn em nhỏ nhất đi học, hình như thầy cũng chưa quan tâm như thế. Đúng rồi, cũng không biết bây giờ đàn em đã đi đâu, nên đừng nhắc đến nữa.
Nói chuyện xong, Hạ Thu Sinh cũng không cho Lý Thành Văn nán lại lâu, mà bảo anh ấy mau về thành phố, tránh bị người ta phát hiện.
“Sau này đừng đến nữa.” Lúc Lý Thành Văn sắp đi, Hạ Thu Sinh dặn dò.
Lý Thành Văn nghe vậy, đột nhiên quỳ xuống, dập đầu mấy cái với Hạ Thu Sinh, sau đó đứng dậy sải bước đi xuống núi.
Hứa Nam Nam đứng từ xa thấy cảnh này, cảm thấy nhất định trước đây ông Hạ là một người thầy tài ba, bằng không cũng sẽ không được học trò yêu thích như vậy.
Sau khi Lý Thành Văn rời đi, Hạ Thu Sinh quay lại làm việc như trước, không nói một câu với Hứa Nam Nam về những gì đã nói với Lý Thành Văn.
Ông ấy không nói, tất nhiên Hứa Nam Nam cũng không hỏi nhiều. Thậm chí cảm thấy chuyện bí mật này, mình không biết thì tốt hơn.
Lý Thành Văn tới lui vội vã, cũng không mang đến thay đổi gì cho Hạ Thu Sinh, cả thôn họ Hứa cũng đang trong không khí náo nhiệt chuẩn bị chia lương thực mùa thu.
Lương thực trong đội phân phối theo “người sáu công bốn” hoặc “người bảy công ba”. Cái gọi là “người sáu công bốn” hoặc “người bảy công ba” chính là dựa trên cơ sở lương thực sản xuất của đội sản xuất đã đóng đủ thuế nông nghiệp quốc gia hay gọi là “lương thực yêu nước”, lấy ra 60% hoặc 70% trong số lương thực còn lại để chia theo số dân, 40% hoặc 30% khác thì chia theo công điểm đã kiếm. Nguyên tắc của “người bảy” chính là vì có vài gia đình ít người lao động mà nhiều con cái, không kiếm nổi công điểm, là “nhà thiếu già” mà người ta thường nói lúc bấy giờ, nếu như chia theo tỉ lệ lương thực của công điểm lao động, chắc chắn sẽ không ăn no. Vì chú ý số người này, nên áp dụng cách làm đó. Nguyên tắc của “công bốn” là phương pháp phân phối mang theo cơ chế khích lệ, nhà ai nhiều nhân công thì nhiều công điểm, lương thực được chia tất nhiên sẽ nhiều hơn.
Hứa Nam Nam là người có công điểm, cũng tham gia chia lương thực mùa thu lần này. Đương nhiên, Hứa Tiểu Mãn cũng được chia một phần. Trước đây bà Hứa thường nói Hứa Tiểu Mãn là loại ăn không ngồi rồi, cảm thấy cô bé không thể đi kiếm công điểm, là người duy nhất trong nhà không thể kiếm lương thực “công bốn”.
Hứa Nam Nam là nhân viên chăn nuôi, công việc này là công việc thường xuyên của đội sản xuất, cho nên là tròn công điểm, tính như vậy thì công điểm cũng không ít. Cộng thêm phần của Hứa Tiểu Mãn, tính ra cũng có thể chia hơn ba trăm cân lương thực. Hai chị em ăn ít, bình thường trồng ít rau, đào rau dại ra căn cùng, cũng có thể ăn một năm.
Cho nên khi Hứa Căn Sinh đọc đến số lượng lương thực mà nhà Hứa Nam Nam được chia, khá nhiều người đều đỏ con mắt.
Hai đứa bé choai choai có thể ăn bao nhiêu, phần lương thực này cũng sắp bằng người lớn rồi.
Cũng vào lúc này, Hứa Nam Nam mới thật sự nhận ra lợi ích từ công việc mà Hứa Căn Sinh sắp xếp cho cô. Mặc dù cả năm không nghỉ, nhưng công điểm thật sự không ít.
“Nam Nam, sao lại gầy rồi?”
Bạn cần đăng nhập để bình luận